Tìm kiếm "giã giò con cò"

Chú thích

  1. Rơm
    Các loại cây lúa hoặc các loại cỏ, cây hoa màu khác sau khi thu hoạch phần hạt, phần thân và lá được đem đi cắt, sấy khô (phơi nắng) và được lưu trữ để sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra rơm còn được sử dụng để thổi lửa, đun nấu rất tốt. Bên cạnh đó, rơm còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

    Một ụ rơm

    Một ụ rơm

  2. Sẩy
    Chết. Từ này có lẽ có gốc từ cách người Hoa gốc Quảng Đông phát âm chữ tử.
  3. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  4. Có bản chép: thả.
  5. Chữ "mẹ" trong bài ca dao này được đọc thành "má" ở miền Nam.
  6. Cưỡng
    Cãi lại, không chịu khuất phục (từ Hán Việt).
  7. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  8. Đa đa
    Còn gọi là gà gô, một loài chim rừng, thường sống trên cây hoặc trong các bụi rậm trên núi cao, ăn sâu bọ, đuôi ngắn. Đa đa thường bị săn bắt để lấy thịt.

    Chim đa đa

    Chim đa đa

  9. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  10. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Kỷ trà
    Bàn nhỏ bằng gỗ, thấp, thường được chạm trổ tinh vi. Người xưa khi uống trà thường đặt tách và ấm trà lên trên kỷ.

    Bộ kỷ trà

    Bộ kỷ trà

  12. Dưng
    Dâng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Cá kèo
    Còn gọi là cá bống kèo, là loài cá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ. Cá kèo có đầu nhỏ hình chóp, thân hình trụ dài, dẹp dần về phía đuôi, có màu ửng vàng, nửa trên của thân có chừng 7-8 sọc đen hướng hơi xéo về phía trước, các sọc này rõ dần về phía đuôi. Cá kèo sống chui rúc trong bùn và đào hang để trú. Thịt cá kèo mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như lẩu cá kèo, cá kho tộ, cá kho rau răm, cá kèo nướng....

    Cá kèo nướng ống trúc

    Cá kèo nướng ống sậy

  14. Cố tri
    Người quen biết cũ (từ Hán Việt).

    Xưa từng có xóm có làng
    Bà con cô bác họ hàng gần xa
    Con trâu, con chó, con gà
    Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.

    (Mộc mạc - Võ Phiến)

  15. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  16. Bâu
    Cổ áo.
  17. Hiền thê
    Vợ hiền (từ Hán Việt).
  18. Nhà Neo
    Một địa danh ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Có tên như vậy vì trước đây khi xây lăng Thoại Ngọc Hầu, người ta vận chuyển đá bằng ghe chèo từ Biên Hòa qua nhiều sông rạch rồi rẽ vào kênh Vĩnh Tế về Núi Sam. Chỗ ghe neo lại để lên đá được gọi là Nhà Neo.
  19. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  20. Tía
    Cha, bố (phương ngữ Nam Bộ). Từ này có gốc từ cách phát âm của người Triều Châu khi đọc chữ gia (cha).
  21. Tinh
    Con vật sống lâu năm trở thành yêu quái hại người, theo trí tưởng tượng dân gian. Từ này cũng thường dùng để chỉ kẻ ranh ma, xảo quyệt.
  22. Mắm
    Thức ăn làm bằng tôm cá sống ướp muối và để lâu ngày cho ngấu.
  23. Có bản chép: Vợ chồng nghèo.
  24. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  25. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  26. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  27. Có bản chép: củ lang.
  28. Đồng Phó
    Một địa danh nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  29. Hà Nhung
    Một làng thuộc huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  30. Gùi
    Đồ đan bằng tre hoặc mây, có hai quai để vác trên vai (động tác vác gùi cũng gọi là gùi, ví dụ gùi thóc gạo). Gùi rất phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là Tây Nguyên.

    Gùi bắp

    Gùi bắp

  31. Suối Từ Bi
    Một dòng suối ở xóm Tiên An, ấp Tiên Thuận, xã Bình Giang, quận Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Có tên như vậy vì hai bên bờ suối mọc rất nhiều cây từ bi.
  32. Theo Nước non Bình Định của Quách Tấn thì câu ca là biểu tượng mối bất hòa của Đại tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng với các sắc tộc thiểu số quanh vùng. Tương truyền sau khi bị bắt cùng vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân ở Nghệ An, Võ Văn Dũng trốn thoát được về quê hương, đem hai con của Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Lương và cháu là Văn Đẩu lẩn tránh trên vùng núi Đồng Phó, Vĩnh Thạnh, tại các làng người thiểu số trước từng hợp tác với nhà Tây Sơn. Quan hệ giữa họ với Võ Công sau không còn gắn bó nữa. Năm Minh Mạng thứ 12 - 1831, chú cháu Văn Đức bị bắt đem về Phú Xuân hành quyết, còn trơ trọi một mình, Võ Công lang thang như mây ngàn, rày đây mai đó khắp vùng thượng nguồn sông Côn...
  33. Suối Mít
    Một dòng suối thuộc thôn Hòa Trinh, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Suối Mít phát nguyên từ miền tây xã Sơn Định chảy theo các triền núi xuống An Xuân, An Lĩnh (huyện Tuy An) rồi chảy ra sông Cái. Ngày trước hai bên bờ dân ở khá đông và chuyên trồng mít.
  34. Hòn Vung
    Một tên khác của thôn Phước Hậu, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây trồng nhiều đậu phộng.
  35. Hòn Chúa
    Tên một hòn núi cao 1310m thuộc dãy Đèo Cả, thuộc tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với Khánh Hoà.
  36. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  37. Hòn Vung
    Tên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, có tên như vậy vì nhìn giống một cái nắp vung úp. Tên "Hòn Vung" thường được phát âm sai thành Hòn Dung.
  38. Cầu Ái Tử
    Tên một cây cầu thuộc thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  39. Núi Vọng Phu
    Một ngọn núi thuộc huyện Vũ Xương thời Lê, đến thời Nguyễn đổi thành Đăng Xương, nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tên gọi này bắt nguồn từ sự tích Hòn Vọng Phu.

    Đá Vọng Phu

    Đá Vọng Phu

  40. Trăng lu
    Trăng mờ.
  41. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).