Tìm kiếm "đầu gà"

  • Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến

    Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến
    Lên thăm Tháp Bà, về miếu Sinh Trung
    Non xanh nước biếc trập trùng
    Xiết bao liệt nữ anh hùng, em ơi!
    Em hãy nhận lời cùng anh kết ngãi,
    Ðầu ghềnh cuối bãi, ta hãy nương nhau,
    Biển Cù nước mãi còn sâu,
    Công linh chẳng trước thì sau cũng thành.

    Dị bản

    • Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến
      Lên thăm Tháp Bà, về viếng Sinh Trung
      Non xanh nước biếc trập trùng
      Biết bao liệt nữ anh hùng em ơi!

    • Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến
      Lên thăm Tháp Bà, về viếng Sinh Trung
      Giang sơn cẩm tú trập trùng
      Đôi ta gắn bó thủy chung một lòng

  • Vô duyên lấy phải chồng già

    Vô duyên lấy phải chồng già
    Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Chính thực là chồng có phải cha đâu.
    Ngày ngày vác cối giã trầu
    Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
    Đêm đêm đưa lão đi nằm
    Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
    Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
    Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
    Nữa mai người có thiếp không
    Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.

    Dị bản

    • Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già
      Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?
      Nói ra đau đớn trong lòng
      Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!

    • Tốt số lấy được chồng già
      Ra đường bạn hỏi: Ông gia hay chồng?
      Không nói ra thì cực trong lòng
      – Ông gia tôi đó, nỏ phải chồng tôi đâu
      Cơm xong, múc nước, nhai trầu
      Đêm tắt đèn đi ngủ, hàm râu ông kề vào
      Tôi xê ra ông lại xịch vào
      Phận tôi là gái má đào mắt xanh
      Lẽ nào kêu cố bằng anh?

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

  • Ba mươi anh không đi tết

    Ba mươi anh không đi tết
    Rạng ngày mồng Một, anh không đi đến lạy bàn thờ
    Hiếu trung mô nữa mà biểu em chờ uổng công
    – Hôm Ba mươi anh mắc lo việc họ
    Sáng mồng Một anh bận việc làng
    Ông bà bên anh cũng bỏ huống chi bên nàng, nàng ơi!

    Dị bản

    • – Tối ba mươi anh không về lễ tết
      Sáng mùng một anh không lạy giường thờ
      Hiếu trung chi anh nữa mà khiến em đợi chờ uổng công
      – Anh làm trai nam nhơn chi chí
      Em làm gái thục nữ chi trinh
      Em với anh nghĩa nghĩa tình tình
      Phụ mẫu nhà chưa định, hai đứa mình dám đâu

  • Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn

    Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn
    Núi lở non mòn, ngỡi bạn không quên
    Ðường còn đi xuống đi lên,
    Tình qua nghĩa bậu quyết nên vợ chồng.

    Dị bản

    • Sông cạn, biển cạn lòng ta không cạn
      Núi lở non mòn, nghĩa bạn không quên
      Đường còn đi xuống đi lên
      Ơn bạn bằng biển, ta đền bằng non
      Đường mòn duyên nợ không mòn
      Chết thì mới hết, sống còn gặp nhau
      Lời nguyền trước cũng như sau
      Em không phụ khó, ham giàu ở đâu

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

  • Em có ba quan tiền em ngỡ là giàu

    Em có ba quan tiền em ngỡ là giàu
    Thạch Sùng Vương Khải còn đâu đến giờ
    Trót sa cơ mới phải lụy cơ
    Thuyền buôn lỡ chuyến lửng lơ đầu ghềnh
    Anh đã từng lên thác xuống ghềnh
    Thuyền nan đã trải, thuyền mành thử chơi
    Anh chơi khắp bốn phương trời
    Cho trần biết mặt, cho đời biết tên

  • Vè chợ Lệ Thủy

    Trâu, chè, thơm, mít chợ Động
    Tôm, cua, cá bống chợ Chè
    Cam, quýt, đậu, mè chợ Trạm
    Chim, ốc, hến, rạm chợ Thùi
    Bún thịt heo tràn đầy chợ Tréo
    Cá biển khắp nẻo chợ Tuy
    Thu, ngừ, mực, nuốt chi chi chợ Cưỡi
    Sắn, khoai, mật ong, thị, ổi chợ Mỹ Đức
    Ai về Lệ Thủy mặc sức tiêu tiền

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Ông hàng vịt

    Ông hàng vịt
    Ăn ít địt nhiều
    Địt vô niêu, niêu thủng
    Địt vô thúng, thúng bay
    Địt vô chày, chày gãy cổ
    Địt vô đám giỗ, bể đọi bể bát
    Địt vô nhà hát, chết con nhà trò
    Địt vô đàn bò, đẻ con me cái
    Địt vô con gái, có nghén có thai
    Địt vô con trai, hay mần hay mạn
    Địt vô Cát Ngạn, cháy cửa cháy nhà
    Địt vô làng ta, giàu sang phú quý.

  • Bây giờ em gặp chàng đây

    Bây giờ em gặp chàng đây
    Chàng cho em mượn chiếc khăn này làm ghi
    Yêu em còn tiếc làm gì
    Có cho em mượn, chàng thì đưa đây
    Hay là sợ mẹ, sợ thầy
    Xin chàng phải nói nước mây em tường
    Ví dù chàng có lòng thương
    Khăn này sánh với xuyến vàng Nguyệt Nga
    Giữa đường gặp gỡ đôi ta
    Cùng nhau kết tóc xe tơ vẹn tròn
    Mỗi người một nước một non
    Vàng kia không tiếc, lại còn tiếc khăn!

  • Con cá lý ngư sầu tư biếng lội

    Con cá lí ngư sầu tư biếng lội
    Em xa anh rồi anh trông đợi biếng ăn
    Mang bộ xương cách trí, anh leo lên tháp mười từng
    Trông vượt Bảy Núi, trông tuốt Nam Vang, trông quàng Châu Đốc, trông dọc Long Xuyên, trông lên Cao Lãnh, trông thẳng cánh cò bay lên Sài Gòn
    Ối thôi thôi em ơi, con mắt anh mòn
    Em mải mê xứ lạ, anh đâu còn thấy em!

Chú thích

  1. Hòn Chồng
    Một bãi đá với nhiều khối lớn được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Gần Hòn Chồng có một cụm đá khác có hình dáng một người phụ nữ ngồi nhìn ra biển, gọi là Hòn Vợ.

    Hòn Chồng

    Hòn Chồng

  2. Hòn Yến
    Tên gọi chung cho Hòn Nội và Hòn Ngoại, hai hòn đảo có nhiều tổ yến của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang chừng 300 km. Đây cũng là địa điểm du lịch có tiếng của Nha Trang.

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

  3. Tháp Po Nagar
    Thường gọi là Tháp Bà, một ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang, Khánh Hoà, nay thuộc phường Vĩnh Phước, thờ nữ vương Po Ina Nagar. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23 mét.

    Tháp Bà là biểu tượng văn hoá của tỉnh Khánh Hoà, với lễ hội Tháp Bà hằng năm thu hút rất nhiều khách thập phương.

    Tháp Bà (Po Nagar)

    Tháp Bà (Po Nagar)

  4. Sinh Trung
    Một ngọn núi nằm trong lòng thành phố biển Nha Trang, Khánh Hoà, gần cầu Hà Ra. Trên ngọn núi này trước đây có một ngôi miếu thờ thần được xây dựng từ năm Ất Mão (1795), nay trở thành Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự, nhân dân quen gọi là chùa Kỳ Viên.

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

  5. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Cù Huân
    Dân gian còn gọi là cửa Lớn, cửa biển nơi con sông Cái đổ ra biển, nay thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Huyện Diên Khánh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân Trịnh Phong, một thủ lĩnh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.
  7. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  8. Liệt nữ
    Người phụ nữ có khí phách anh hùng, không chịu khuất phục.
  9. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  10. Cẩm tú
    Gấm thêu (từ Hán Việt), thường dùng để ví cảnh thiên nhiên tươi đẹp hoặc văn thơ hay.

    Mai sinh là bậc thiên tài,
    Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.
    (Nhị Độ Mai)

  11. Có bản chép: múc.
  12. Có bản chép: người.
  13. Ông gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
  14. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Cố
    Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).
  16. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  18. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  19. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  20. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  21. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  22. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  23. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  24. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  25. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  28. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  29. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  31. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  32. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  33. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  34. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  35. Đấu roi
    Một môn thi đấu kĩ thuật đánh roi (trường côn) của võ thuật cổ truyền, chủ yếu ở miền Trung. Khởi đầu từ một trong những môn thi đấu bắt buộc để tuyển võ quan thời Nguyễn, ngày nay đấu roi trở thành một môn thi đấu thể thao văn hóa truyền thống của vùng miền Nam Trung Bộ.

    Đấu roi

    Đấu roi

  36. Có bản chép "múa roi" hoặc "cầm roi."
  37. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  38. Thạch Sùng
    Tên một vị quan nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng là nhân vật xa hoa giàu có đương thời. Giữa ông và Vương Khải từng có cuộc thi xem nhà ai giàu có hơn. Cũng vì gia sản này mà Thạch Sùng gặp tai họa, bị triều thần chém chết năm 52 tuổi.

    Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có truyện Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho, theo đó Thạch Sùng là một phú hộ giàu có, tự đắc rằng nhà không thiếu thứ gì. Vương Khải cược với Thạch Sùng toàn bộ gia sản, cuối cùng khi đòi đến mẻ kho thì Thạch Sùng không có, đành chịu mất hết cơ nghiệp. Ông chết hoá thành con thạch sùng, suốt ngày chắc lưỡi tiếc của.

  39. Vương Khải
    Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
  40. Sa cơ
    Lâm vào tình thế rủi ro, khốn đốn.
  41. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  42. Thuyền mành
    Thuyền có buồm trông giống cái mành.

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của JB Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của J.B. Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

  43. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  44. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  45. Chợ Động
    Tên một ngôi chợ thuộc xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tên chợ được người dân ở đây phát âm nặng hơn là chợ Đôộng.
  46. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  47. Chợ Chè
    Tên một ngôi chợ thuộc xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  48. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  49. Chợ Trạm
    Tên một ngôi chợ ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  50. Rạm
    Loài cua nhỏ thân dẹp có nhiều lông, sống ở vùng nước lợ. Rạm giàu chất bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc như: rạm rang lá lốt, rạm nướng muối ớt, canh rạm rau đay, canh rạm rau dền mồng tơi...

    Con rạm

    Con rạm

  51. Chợ Thùi
    Tên một ngôi chợ thuộc xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trước thời kỳ chống Pháp, chợ Thùi đóng ở bến đò chợ Thùi (thôn Thạch Bàn), nơi hạ nguồn sông Kiến Giang. Đến những năm 1960, chợ được dời sang Mũi Viết, thuộc thôn Phú Thọ. Quy mô không lớn như nhiều chợ khác nhưng chợ Thùi đã nức tiếng hàng trăm năm nay và có nhiều khác biệt so với những chợ trong vùng. Sách Địa chí Lệ Thủy giải thích: “Thùi theo tiếng Chăm có nghĩa là quán lợp lá, từ đó có thể suy ra chợ Thùi có nghĩa là chợ có những cái quán lợp bằng lá. Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tuy tồn tại khá lâu nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng”. Chợ là nơi hội tụ những sản vật đồng ruộng, đầm phá.

    Thịt chuột bán ở chợ Thùi

    Thịt chuột bán ở chợ Thùi

  52. Chợ Tréo
    Tên một ngôi chợ nay thuộc địa phận thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nằm ở ngã ba sông Kiến Giang. Chợ rất sầm uất, bán rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng quê chiêm trũng: bánh ướt, bánh tráng, bánh đòn, bánh nếp, chè bột lọc, bún thịt lợn...

    Chợ Tréo

    Chợ Tréo

  53. Chợ Tuy Lộc
    Tên một ngôi chợ ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  54. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  55. Cá ngừ
    Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

    Cá ngừ

    Cá ngừ

  56. Nuốt
    Cũng viết là nuốc, một loại sứa gặp nhiều ở các vùng biển Bắc Trung Bộ. Nuốt được chế biến thành các món bình dân như nuốt chấm ruốc, bún giấm nuốt…

    Nuốt

    Nuốt

  57. Chợ Cưỡi
    Tên một ngôi chợ thuộc thôn Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  58. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  59. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  60. Chợ Mỹ Đức
    Tên một ngôi chợ thuộc xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  61. Lệ Thủy
    Một địa danh nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây nổi tiếng với sông Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống. Tương truyền đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm...

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

  62. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  63. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  64. Nhà trò
    Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
  65. Me
    Con bê (phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).
  66. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  67. Mạn
    Mượn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  68. Cát Ngạn
    Một địa danh nay thuộc xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cát Ngạn cũng là tên một tổng của Nghệ An ngày trước.
  69. Làm ghi
    Làm tin, làm dấu, làm quy ước.

    Rằng: "Trăm năm cũng từ đây,
    "Của tin gọi một chút này làm ghi."

    (Truyện Kiều)
  70. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  71. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  72. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  73. Xuyến
    Vòng trang sức bằng vàng, ngọc, thường đeo ở cổ tay.
  74. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  75. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  76. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  77. Bộ xương cách trí
    Thân hình gầy gò như bộ xương. Thời Pháp thuộc, trong chương trình tiểu học có môn Cách Trí (viết tắt của cách vật trí tri), dạy những kiến thức thông thường về con người và sự vật. Cụm từ "bộ xương cách trí" có lẽ có từ những hình vẽ trong sách học Cách Trí.
  78. Từng
    Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  79. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  80. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  81. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  82. Long Xuyên
    Địa danh nay là một thành phố thuộc tỉnh An Giang. Tiền thân của thành phố này là phủ Đông Xuyên, một đồn nhỏ bên vàm sông Tam Khê (tức rạch Long Xuyên) - được thành lập năm 1789. Hiện nay Long Xuyên cũng là một điểm đến du lịch của tỉnh, tuy không nổi tiếng bằng thị xã Châu Đốc.

    Long Xuyên

    Long Xuyên

  83. Cao Lãnh
    Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
  84. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  85. Đượm
    (Nói về chất đốt) Dễ bắt lửa, cháy tốt, đều và lâu.
  86. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  87. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  88. Có bản chép: gãi tai.
  89. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  90. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.