Con gái làng Sấu
Hay cấu hay cào
Cấu ra bờ rào
Cấu vào chuồng lợn
Nào ai có tợn
Lấy gái làng này?
Nó vác cả cày
Ra đồng nó cấu
Nó vác cả đấu
Ra đồng nó đong
Nó vác cả nong
Ra đồng nó quạt
Nó vác cả tháp
Ra đồng nó xây
Nó gói cả mây
Bỏ trong giỏ nó
Nó thắt khăn đỏ
Nó múa gươm thần …
Tìm kiếm "chăn chiếu"
-
-
Ba bà đi chợ với nhau
Ba bà đi chợ với nhau
Một bà đi trước kể chuyện nàng dâu
Một bà đi sau tu tu lên khóc
Nhà bà có phúc cưới được dâu hiền
Nhà tôi vô duyên cưới cô dâu dại
Việc làm thì rái, chỉ tưởng những ăn
Hễ bảo quét sân đánh chết ba gà
Bảo đi quét nhà, đánh chết ba chó
Có mâm giỗ họ miếng ra miếng vào
Rửa bát cầu ao liếm dĩa quèn quẹt … -
Ớ cô Hai mày ơi
– Ớ cô Hai mày ơi!
Ta thấy cô Hai mày bảnh lảnh bẻo lẻo,
Ta cũng muốn tình tang tang tình.
Đi đâu đứng đó một mình,
Lại đây ta hỏi tiết trinh lẽ nào.
Có thương ta, ta mới bước vào,
Phượng loan cất cánh hòa giao ân tình.
– Nghe lời nói đó thất kinh,
Bông sen tàn ai nỡ cắm lộc bình bát xưa.
Cóc mà mang guốc ai ưa,
Đỉa đeo chân hạc, sao vừa mà mong.
Thôi thôi, đừng tưởng đừng hòng.
Ta đây có xấu, cũng con dòng lương gia.
Vô duyên ở vậy tới già,
Dại chi lấy chú, để thiên hạ mà cười chê.
Vụng về dốt nát đủ bề,
Suốt năm suốt tháng, giữ bề ở trai.
– Ớ cô kia, đừng khoe sắc khoe tài,
Tốt xinh chi đó, chê ai trai cày.
Sử kinh ta nắm trong tay,
Tỉ như vua Thuấn còn cày Lịch Sơn.
Mãi Thần lúc trước khổ bần,
Trọng Yêm, Hàn Tín ra thân khó hèn.
– Thôi thôi, chú đừng nhắc tích vòng vo,
Mấy ông thủa trước, ai so cho bằng.
Chú ăn học sao không thấy đi thi,
Ăn thì xó bếp, nằm thì chuồng trâu.
Chạng không xứng chạng, đừng cầu uổng công. -
Hoa từ bi dãi nắng dầm sương
Hoa từ bi dãi nắng dầm sương
Hoa cam hoa quýt anh thương hoa nào
Anh thương hoa mận hoa đào
Còn bên hoa cúc lọt vào tay ai
Đào kia chưa thắm đã phai
Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu
Xin chàng đừng phụ hoa ngâu
Tham vời phú quý đi cầu mẫu đơn
Dù chàng trăm giận nghìn hờn
Bông hoa dạ hợp đương cơn Tấn Tần … -
Vè gái lỡ thời
Ống tre khô người ta còn chuộng
Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
Giấy trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái lột da
Nhái lột da người ta còn xáo
Bậu lỡ thời như áo vá vai
Áo vá vai người ta còn bận
Bậu lỡ thời như rận cắn đêm
Rận cắn đêm người ta còn bắt
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên …Video
-
Vè cầu Doumer
Cầu sắt mà bắc ngang sông
Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm
Hà Nội bắc sang Gia Lâm
Tính cây lô mét độ năm cây tròn
Họa hình Tây bắc ống nhòm
Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không
Giở về hội nghị cộng đồng
Đến năm Mậu Tuất khởi công bắc cầu
Mộ phu khắp cả đâu đâu
Xây từ Ái Mộ bắt đầu xây ra
Bắc qua con sông Nhị Hà
Chia khoang làm nhịp, mười ba cột vừa
Lập mưu xây được bây giờ
Chế ra cái chụp để mà bơm lên
Bơm hết nước đến bùn đen
Người chết như rạ vẫn phải len mình vào … -
Mẹ mình khéo đẻ mình ra
Mẹ mình khéo đẻ mình ra
Đẻ mình mười bốn, đẻ ta hôm rằm.
Mình đen ta cũng ngăm ngăm
Mẹ ta thách cưới một trăm quan tiền
Mình về bán tổ bán tiên
Bán ruộng tư điền chẳng lấy được ta
Mình về bán cửa bán nhà
Bán kèo bán cột bán xà đòn tay
Mình về bán mẹ đêm nay
Lấy được quân này đất lở trời long.
Bao giờ bạc đổ ra nong
Tiền quây, thóc cót lấy xong quân này
Quân này quân ăn quân chơi
Quân đánh trống bỏi, quân bơi thuyền rồng.
Gái này là gái kén chồng
Kén từ tỉnh Bắc, tỉnh Đông, tỉnh Đoài
Kén từ mười tám ông cai
Mười lăm ông đội, mười hai ông đồn.
Kén từ con cháu nhà vua
Bước chân xuống chùa lễ Phật ăn chay -
Một quan tiền tốt mang đi
– Một quan tiền tốt mang đi
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
– Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, bó rau mười đồng.
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
Ba mươi đồng rượu, chàng ơi!
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.
Hăm mốt đồng bột nấu chè,
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan. -
Vè Đông Kinh
Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
Ngẫm xem con tạo xoay vần
Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
Bỗng giật mình sực thức cơn mê
Học, thương, xoay đủ mọi nghề
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
Chưa học bò vội chạy đua theo
Khi lên như gió thổi diều
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
Cách hoạt động người mình còn dại
Sức oai quyền ép lại càng mau
Tội nguyên đổ đám nho lưu
Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên … -
Vè loài cá
Nghe vẻ nghe ve, nghe vè loài cá
No lòng phỉ dạ là con cá cơm
Không ướp mà thơm là con cá ngát
Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối
Lớn năm, nhiều tuổi là cá bạc đầu
Đủ chữ xứng câu là con cá đối
Nở mai tàn tối là con cá hoa
Xuống nước bệu da là cá úc thịt
Dài lưng hẹp kích là cá lòng tong
Ốm yếu hình dong là con cá nhái
Thiệt như lời vái là con cá linh
Từ miệng nhái in là con cá cóc
Răng phơi khô khốc là con cá hô
Gặp sự ái ố là con cá hố
Dầy mình chẳng hổ là con cá chai
Lội ngược lên hoài là con cá lóc
Thắp đèn coi sách là cá học Trò
Dài miệng hẹn hò là con cá Thệ
Đút đầu se sẻ là cá Bống Kèo
Cái nháp, cái keo là cá Bống Mú
Lớn năm nhiều tuổi là cá bạc đầu
Nó ở trong hầu, là con cá lẹp
Cái mình dẹp lép là con cá kình
Vẩy xủi đầy mình là cá thác lác
Đỏ mầu bỏ xác là cá bã trầu
Chưa tới bữa hầu là con cá cháo
Chân đi chí áo là con cá Còm
… -
Vè ông Hường Hiệu
Kể từ lịch sử nước Nam triều,
Thương cho mấy người tài năng học sĩ chết đã nhiều vì Tây qua
Quảng Nam có ông Hường Hiệu ở Thanh Hà,
Trung thành với nước nên xa chốn triều thần
Về nhà sầu thảm với nhân dân,
Lâm vô tử trận chín mười phần còn chi
Tụi Tây qua đã tới Trung Kỳ,
Đế đô co kéo còn gì nước Nam
Giận thay cho chú Cần Thân,
Cầu tham lam mãi quốc biết ăn làm với ai
Nước Nam mình thiếu chi kẻ anh tài,
Văn chương đủ hết không dùi mài cho nên
Để cho nhà dột khó ngăn,
Thơ ông Hường để lại dưới đền đinh ninh
Thương thay cho cộng sản hữu tình,
Trung thành với Tổ quốc liều mình cho nên khô
Nghĩ sự tình thảm biết chừng mô,
Kẻ thì bị đày ra bỏ vợ, người bị giải vô bỏ chồng
Thù xưa còn hỡi ghi lòng,
Gang sơn Tổ quốc khi không mà thành
Giậm chân kêu với ông trời xanh,
Nhân dân xuất thế giặc Nam thành cũng tan
Đánh Anh, Tây, Nhật đầu hàng,
Sơn băng thuỷ kiệt mở mang cho nước nhà. -
Giàu như ai thì tôi không biết
Giàu như ai thì tôi không biết
Chớ giàu như tôi chừ, ít kẻ muốn vô:
Trong nhà trống rỗng, chỗ mô cũng thấy trời
Trong nhà chẳng thiếu chi đồ chơi
Nàng nàng, bợp bợp mọc thời huyên thuyên
Rau dền, rau má mọc riêng
Cỏ chỉ, cỏ cú mọc liền đầy sân
Trong nhà có sắm một cái giàn
Để năm ba tấm đệm, vài ngàn lá tơi
Lại thêm năm bảy cái nón cời
Vài gùi giẻ rách để chờ thời diện sang … -
Vè cây
Vo vỏ vò vo
Cây nhỏ cây to
Cây cò đậu
Cây sáo sậu trèo
Cây rắn leo
Cây mèo nhảy
Cây gãy cành
Cây xanh lá
Cây xây rạ
Cây chồng rơm
Cây đơm quả
Cây xả hương
Cây bám tường
Cây cắm đất
Ta ngồi ta nói thật … -
Mẹ già ở tấm lều tranh
Mẹ già ở tấm lều tranh
Đói no chẳng quản, rách lành chẳng hay
Ra đi công vụ nặng nề
Nửa lo thê tử nửa sầu từ thân
Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
Ới anh ơi, anh ở đây làm chi cho vua quan sưu thuế nặng nề
Đứa lên một, đứa lên hai, đứa lên năm, đứa lên bảy
Tao biểu mày quảy, mày không quảy
Để phần tao quảy, quảy, quảy, quảy về cái đất Phú Ơn
Nặng nề gánh vác giang sơn
Đầu con đầu vợ cái đất Phú Ơn ta lặng về
Kìa hỡi kia đỉnh núi tứ bề,
Nhành mai chớm nở ta về xứ ta
Biết bao về tới quê nhà…
Hết hòn Vay, ta qua hòn Trả
Hết hòn Trả, lại sang hòn Hành
Tấc dạ bao đành dắt con cùng vợ,
Biết no nào trả xong nợ bên dương trần
Nợ lần lần, tay bồng tay dắt
Tay đặt chân trèo, ta về xứ ta
Biết bao là về tới quê nhà…Dị bản
Hết Hòn Vay đến Hòn Trả
Hết Hòn Trả, lại đến Hòn Hành
Tấc dạ cam đành,
Dắt con cùng vợ.
Biết bao giờ trả nợ dương trần?
Nợ dương trần, tay lần tay vác,
Tay vịn, chân trèo,
Ta về xứ ta!
Biết bao giờ trở lại quê nhà?Tao biểu mày quảy, mày không chịu quảy
Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn!Đầu con, đầu vợ
Đứa lớn, đứa bé, đứa bế, đứa nằm
Đứa lên một, đứa lên ba, đứa lên năm, đứa lên bảy
Tao biểu mày quảy, mày không quảy
Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn
Nặng nề gánh vác giang sơn
Đầu con, đầu vợ, cái đất Phú Ơn ta lại về
Nhìn trông đỉnh núi tứ bề
Cành mai chớm nở, ta về xứ ta!
-
Nghìn thu gặp hội thái bình
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe. … -
Mắt gì cách gối hai gang
-
Hiên ngang mà đứng giữa đồng
-
Đầu làng gươm bén hai thanh
-
Con con hai mái chèo con
-
Bằng trái cau, lau chau đi trước
Chú thích
-
- Đông Sấu
- Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
-
- Đấu
- Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
-
- Rái
- Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Độc bình
- Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.
-
- Lương
- Hiền lành, tử tế (từ Hán Việt).
-
- Gia
- Nhà (từ Hán Việt).
-
- Thuấn, Nghiêu
- Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
-
- Chu Mãi Thần
- Một nhân vật đời Hán ở Trung Quốc. Điển tích kể rằng thuở hàn vi, nhà nghèo, Mãi Thần phải đi đốn củi rừng đem bán nhưng có tính ham đọc sách, thường treo sách đầu gánh, vừa đi vừa đọc. Vợ là Thiệt Thê không chịu nổi cảnh nghèo túng, bỏ đi lấy chồng khác. Sau Mãi Thần được công thành danh toại, trên đường vinh quy thì gặp lại vợ cũ. Thiệt Thê xin tha lỗi, cho nàng trở lại làm vợ. Mãi Thần lấy bát nước đầy, đổ xuống đất, bảo nếu hốt lại đầy bát nước như trước, sẽ nhận nàng về làm vợ như xưa.
Chèo cổ Việt Nam có vở Chu Mãi Thần ra đời vào thế kỉ 19, không rõ tác giả. Đến nay, người ta chỉ còn trích diễn một vở hài phát triển trên vở này có tên Tuần ti đào Huế.
-
- Phạm Trọng Yêm
- Một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống, Trung Quốc.
-
- Hàn Tín
- Một danh tướng thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ông cùng với Trương Lương và Tiêu Hà được đời sau xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba vị hào kiệt nhà Hán). Sau khi thiên hạ bình định, Hán Cao Tổ Lưu Bang vì e ngại tài năng của Hàn Tín nên giáng chức ông xuống thành Hoài Âm hầu, tước quyền bính. Đến năm 196 TCN, Hàn Tín mưu phản, bị Lã Hậu giết cả ba họ.
Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín là một trong những danh tướng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều điển tích, điển cố như cơm phiếu mẫu, lòn trôn giữa chợ, câu nói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn..." là từ ông mà ra.
-
- Đồng chạng
- Cùng lứa, cùng tuổi (phương ngữ Nam Bộ). Chạng là cách đọc trại của trượng.
-
- Từ bi
- Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...
-
- Mận
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Nhài
- Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.
-
- Ngâu
- Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).
-
- Mẫu đơn
- Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...
-
- Dạ hợp
- Còn gọi là cây hoa trứng gà, một loại cây cho hoa màu trắng, ra đơn độc ở kẽ lá, rất thơm, dùng ướp chè được. Hoa dạ hợp tượng trưng cho sự êm ấm của vợ chồng và hôn nhân hạnh phúc.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Xáo
- Nấu trộn lộn nhiều đồ ăn vào một món.
-
- Bận
- Mặc (quần áo).
-
- Rận
- Loại côn trùng nhỏ, thân dẹp, không cánh, hút máu, sống kí sinh trên người và một số động vật.
-
- Giặc Hà Tiên
- Dưới thời Thiệu Trị nhà Nguyễn, tháng giêng năm Nhâm Dần (1842) tướng Xiêm La là Phi Nhã Chất Tri sai tướng Ô Thiệt Vương cho thủy quân tấn công Phú Quốc thăm dò, còn trên bộ, cho khoảng 5000 quân đến Sách Sô (thuộc hạt Nam Ninh, trấn Tây Thành) và 10 thuyền đến đồn Cần Thăng thám sát, kích động người Chân Lập nổi dậy ở phủ Ba Xuyên, Sóc Trăng, Thất Sơn... Qua tháng hai, chúng xua đại quân tràn qua kinh Vĩnh Tế kết hợp với quân nổi dậy đánh phá các đồn Thất Sơn, Tân Châu, An Lạc, Hồng Ngự, Thông Bình... cướp bóc, bắn giết, gây thảm cảnh tang tóc thê lương khắp biên giới. Nhất là ở Hà Tiên, chúng dùng súng lớn bắn suốt ngày đêm, gây nhiều thiệt hại cho dân thường. Dân gian gọi chúng là giặc Hà Tiên.
-
- Cầu Long Biên
- Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.
-
- Tỉnh Hà Nội
- Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
-
- Gia Lâm
- Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
-
- Cây lô mét
- Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
-
- Mộ phu
- Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
-
- Ái Mộ
- Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
-
- Sông Hồng
- Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.
Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.
-
- Nhịp cầu
- Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
-
- Rạ
- Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.
-
- Tư điền
- Ruộng của riêng.
-
- Kèo
- Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.
-
- Đòn tay
- Đoạn tre hay gỗ nằm trên kèo, dùng để đỡ rui của mái nhà.
-
- Trống bỏi
- Trống bằng giấy cho trẻ con chơi, hai bên có hai sợi dây, đầu buộc một hạt nặng, đập vào mặt giấy thành tiếng khi xoay nhanh.
-
- Kinh Bắc
- Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...
Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họ và lễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
-
- Xứ Đông
- Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
-
- Xứ Đoài
- Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.
-
- Tiền quý
- Tiền có hai hạng, tiền quý (còn gọi là cổ tiền, tiền tốt) thì một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm (một quan bằng 10 tiền, tức 600 đồng kẽm), tiền gián (còn gọi là sử tiền) thì một tiền bằng 36 đồng kẽm (tức một quan bằng 360 đồng kẽm). Hình thức lưu hành hai loại tiền tệ này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18, và tồn tại không lâu vì cách tính phức tạp của nó.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Vàng
- Vàng mã để đốt cho người đã khuất.
-
- Phong trào Duy tân
- Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.
Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).
Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).
-
- Thân sĩ
- Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
-
- Ái quốc
- Yêu nước (từ Hán Việt).
-
- Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
- Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.
Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.
-
- Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
-
- Tội nguyên
- Người đứng đầu chịu tội.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Phỉ dạ
- Thỏa lòng, thỏa mãn.
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Cá ngát
- Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.
-
- Cá chim
- Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá bạc đầu
- Loài cá nước ngọt, thân nhỏ, có đầu dẹp bằng, đỉnh đầu có một đốm trắng bạc, hiện diện nhiều ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông đổ ra cửa Vàm Láng vùng Cần Đước, tỉnh Long An.
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Cá úc
- Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.
-
- Kích
- Chỗ tiếp nối giữa thân trước và thân sau áo, ở dưới nách.
-
- Lòng tong
- Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.
-
- Hình dong
- Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
-
- Cá lìm kìm
- Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.
-
- Cá linh
- Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.
-
- Cá cóc
- Một loại động vật lưỡng cư, có bề ngoài nhìn giống thằn lằn (nên còn gọi là thằn lằn nước), đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy, nếu chạm phải có thể gây đau nhức.
-
- Cá hô
- Một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có kích thước rất lớn (có những con nặng hơn 100kg), được đánh bắt để làm mắm và nhiều món ăn ngon. Cá hô trước đây có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay đã gần tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ.
-
- Cá chai
- Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.
-
- Cá lóc
- Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.
-
- Cá lẹp
- Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).
-
- Cá kình
- Cá voi. Trong thơ văn cổ, hình ảnh cá kình thường tượng trưng cho những người mạnh mẽ hoặc hung tợn.
-
- Cá thác lác
- Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...
-
- Cá bã trầu
- Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).
-
- Cá khoai
- Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Nguyễn Duy Hiệu
- Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
Trăm năm tâm sự có Quan Công
Non sông phần tự thơ trời định
Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
Chớ đem thành bại luận anh hùng.
-
- Thanh Hà
- Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ba kỳ
- Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).
-
- Nguyễn Thân
- (1854 - 1914) Võ quan nhà Nguyễn dưới triều vua Đồng Khánh, là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.
-
- Mãi quốc
- Bán nước (từ Hán Việt).
-
- Chừng mô
- Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Sơn băng thủy kiệt
- Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Nàng nàng
- Một loại cây dại có quả nhỏ màu tím mọc thành chùm, là cây thuốc dùng chữa cảm nắng, cảm hàn, thương thực, nôn cả ra máu, no hơi đầy bụng, kém ăn, mụn nhọt... Nhân dân thường dùng toàn cây sắc nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để ăn ngon cơm. Thân lá tán bột uống giải nhiệt, giảm đau. Hạt sắc uống làm sáng mắt.
-
- Thù lù
- Còn có các tên là lồng đèn, tầm bóp, ở miền Trung gọi là lụp bụp (có thể đọc trại thành bụp bụp hay bợp bợp), một loại cây mọc hoang, cho quả mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín có màu hơi đỏ, bên trong chứa nhiều hạt, bên ngoài có một lớp vỏ mỏng bao trùm như cái lồng đèn. Trẻ em thường bóp vỏ để ăn quả bên trong (tên lụp bụp có lẽ bắt nguồn từ âm thanh phát ra khi làm việc này). Lá cây dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa một số bệnh.
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Rau dền
- Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.
-
- Rau má
- Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.
-
- Cỏ gà
- Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."
-
- Củ gấu
- Cũng gọi là cỏ gấu hoặc cỏ cú, một loại cỏ thân cao, có nhiều củ màu nâu đỏ sẫm. Củ gấu có thể dùng làm vị thuốc dân gian, nhưng cũng là một loài cỏ rất có hại đối với nhà nông vì rất khó diệt trừ.
-
- Thật ra đây chính là cái áo tơi.
-
- Nón cời
- Nón lá rách, cũ.
-
- Sáo sậu
- Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.
-
- Thê tử
- Vợ con (từ Hán-Việt).
-
- Từ thân
- Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
-
- Biểu
- Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phú Yên
- Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...
-
- Giang sơn
- Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
-
- Hòn Vay, hòn Trả
- Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:
Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
Nợ nước ơn đền ông phủi tay
Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
Khách giang hồ những tha hồ mượn,
Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.
-
- Hòn Hành
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- No nào
- Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
-
- Quẩy
- Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Hàng Giầy
- Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
-
- Hàng Bạc
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.
-
- Hàng Ngang
- Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
-
- Hàng Đào
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.
-
- Đài các
- Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
-
- Hàng Tiện
- Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…
-
- Hàng Gai
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.
-
- Hàng Thêu
- Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.
-
- Hàng Trống
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.
-
- Hàng Bài
- Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.
-
- Hàng Khay
- Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
-
- Tràng Tiền
- Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.
-
- Thạch bàn
- Phiến đá lớn, phẳng như cái mâm.
-
- Bành Tổ
- Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.
Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.
-
- Sào
- Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.
-
- Lau chau
- Hối hả, vội vã.