Tìm kiếm "cưới"

  • Tôi lạy ông Cầu bà Quán

    Tôi lạy ông Cầu bà Quán
    Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
    Nó ăn nó chơi
    Như con ngựa ngáp
    Việc làm thì nhác
    Lại hay nỏ mồm
    Củ từ khoai môn
    Bao nhiêu cũng chứa
    Vớt bèo thì ngứa
    Xay thóc nhức đầu
    Chăn trâu ngã nắng
    Chồng giận có mắng
    Thì lại hờn cơm
    Ra chân đống rơm
    Cắn chắt trừ bữa
    Nhà có đám giỗ
    Luộc gà quăng mề
    Thổi cơm thì khê
    Rang vừng thì cháy
    Con mắt nhấp nháy
    Ăn vụng thành thần
    Lấy giẻ chùi chân
    Lấy rơm lau bát…

    Dị bản

    • Tôi lạy ông Cầu bà Quán
      Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
      Nó ăn nó chơi
      Nó tươi nó cười
      Như con ngựa ngáp
      Làm ăn chậm chạp
      Có tí nỏ mồm
      Đi chợ bao nhiêu khoai lang củ từ cũng chứa
      Vớt bèo thì ngứa
      Xay lúa nhức đầu
      Chăn trâu ngã nắng
      Chồng giận chồng mắng
      Có tính hờn cơm
      Ra chân đống rơm
      Cắn chắt trừ bữa
      Nay lần mai lữa
      Mày giống tính ai?

  • Chàng đi thiếp vẫn trông theo

    Chàng đi thiếp vẫn trông theo
    Trông nước nước chảy trông bèo, bèo trôi
    Chàng đi thiếp đứng trông chừng
    Trông sông lai láng, trông rừng, rừng xanh

    Dị bản

    • Chàng về thiếp vẫn trông theo
      Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi
      Trông hoa hoa chẳng muốn cười
      Trông núi, núi đứng, trông người, người xa

  • Đi ngang cầu sắt nắm lấy cho chắc

    Đi ngang cầu sắt nắm lấy cho chắc
    Anh hỏi gắt cô bạn chung tình
    Thương không thương phải nói cho thiệt
    Để anh lên xuống nhọc nhằn tấm thân

    Dị bản

    • Bước lên cầu sắt, nắm tay cho chắc, hỏi gắt người tình:
      Bướm xa bông tại nhụy, hai đứa mình lỗi tại ở ai?

    • Anh đi ngang cầu sắt
      Anh nắm tay em thật chắc
      Miệng hỏi gắt chung tình
      Bướm xa bông tai nhụy, anh xa mình tại ai?
      Cây oằn vì bởi trái sai
      Anh xa em vì bởi bà mai ít lời

    • Đi ngang cầu sắt hỏi gã chung tình
      Bướm xa ong tại nhụy, tôi xa mình tại ai?

    • Đi ngang cầu sắt
      Nắm tay cho chắc
      Miệng hỏi gắt chung tình
      Ưng không ưng thì nói, chứ đừng cười đẩy đưa

  • Cái cò là cái cò kì

    Cái cò là cái cò kì
    Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
    Đêm nằm thì ngáy o o
    Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
    Hàng bánh hàng bún bày ra
    Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
    Ăn rồi cắp đít ra về
    Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
    Chả này bà bán làm sao?
    Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
    Nói dối rằng mua cho chồng
    Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
    Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
    Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
    Đem tiền đi bói ông thầy
    Bói ra quẻ này những chả cùng nem
    Cô nàng nói dối đã quen
    Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?

    Dị bản

    • Con cò là con cò kì
      Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
      Về sau lấy cháu ông đồ
      Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
      Một bồ thì để phần làng
      Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.

  • Bảy với ba tính ra một chục

    Bảy với ba tính ra một chục
    Tam tứ lục tính lại cửu chương
    Liệu bề thương được thì thương
    Ðừng trao gánh nặng giữa đường cho em

    Dị bản

    • Bảy với ba tính ra một chục
      Tam tứ lục, tính lại cửu chương
      Liệu bề đát được thì đươn
      Ðừng gầy mà bỏ giữa đường không nên

    • Bảy với ba tính ra một chục
      Tam tứ lục, tính lại cửu chương
      Liệu bề đát đặng thì đươn
      Đừng gầy mà bỏ thế thường cười chê

  • Thiên sinh nhơn hà nhơn vô lộc

    Thiên sinh nhơn hà nhơn vô lộc
    Địa sinh thảo hà thảo vô căn
    Trời sinh người đều có lộc trời
    Đất thì sinh cỏ rễ chồi nào không

    Dị bản

    • Nhơn sanh nhơn hà nhơn vô lộc
      Địa sanh thảo hà thảo vô căn
      Hơn không hơn cũng kiếm cho bằng,
      Có đâu thua bạn, bạn hòng cười chê

  • Bà kia bận áo xanh xanh

    Bà kia bận áo xanh xanh
    Ngồi trong đám hẹ nói hành con dâu
    Bà ơi tôi không sợ bà đâu
    Tôi se sợi chỉ tôi khâu miệng bà
    Chừng nào bà chết ra ma
    Trong chay ngoài bội hết ba chục đồng
    Không khóc thì sợ lòng chồng
    Có khóc cũng chẳng mặn nồng chi đâu

    Dị bản

    • Con mèo trèo lên cái gác
      Bà già nộ nạt, mắng chửi nàng dâu
      Bà này, tôi không sợ bà đâu
      Cây kim sợi chỉ tôi khâu miệng bà
      Bà về, nhúm gạo chia ba
      Phần tôi tôi nấu, phần bà bà treo
      Xưa kia bà có cưới cheo
      Lễ lớn lễ nhỏ tôi theo tôi về
      Bây giờ bà nhún bà trề
      Bà kêu con bà về, bà để tôi ra

  • Chát xình xình

    Chát xình xình
    Bố thằng Bình
    Đi Liên Xô
    Quay xổ số
    Được nghìn hai
    Mua cái đài
    Còn nghìn mốt
    Mua xắc-cốt
    Còn năm trăm
    Mua dao găm
    Còn năm chục
    Mua súng lục
    Còn năm hào
    Mua cào cào
    Về nhắm rượu
    Còn năm xu
    Mua cu cu
    Về nấu cháo
    Chát xình xình

    Dị bản

    • Thằng cu Tí
      Đi chăn trâu
      Trâu ở đâu
      Nó không biết
      Bố nó đánh
      Mẹ nó can
      Ông công an
      Đến giải quyết
      Tôi không biết
      Chuyện gia đình
      Chát xình xình
      Bác thằng Bình
      Đi Liên Xô
      Trúng xổ số
      Được năm nghìn
      Mua quả mìn
      Còn năm trăm
      Mua dao găm
      Còn năm chục
      Mua cái đục
      Còn năm xu
      Mua con cu
      Về nhắm rượu
      Mua củ kiệu
      Về ăn cơm
      Mua bó rơm
      Về đốt đít
      Mua dao nhíp
      Về cạo lông
      Mua chăn bông
      Về cưới vợ.

  • Tài trai đâu đáng tài trai

    Tài trai đâu đáng tài trai
    Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
    Canh trước tướng hãy còn tiền
    Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
    Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
    Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
    Còn tiền đánh cái cũng hay
    Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
    Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
    Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba

  • Một mừng Tần Tấn gặp nhau

    Một mừng Tần Tấn gặp nhau,
    Hai mừng ngỏ ý Trần Châu một nhà
    Ba mừng vui vẻ giao hòa
    Bốn mừng đây đó trước xa sau gần
    Năm mừng đi lại ân cần
    Sáu mừng không để đêm xuân mơ màng
    Bảy mừng nên đạo cương thường
    Tám mừng giải tỏ lời nguyền thề chung
    Chín mừng tiếp khách non bồng,
    Mười mừng kết nghĩa loan phòng từ đây

Chú thích

  1. Khóc ó
    Khóc rống lên cho người khác nghe thấy.
  2. Cờ
    Bông (hoa) của các loại cây như mía, lau, ngô...

    Bắp đang trổ cờ

    Bắp đang trổ cờ

  3. Mai
    Buổi sáng.
  4. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  5. Ông Cầu bà Quán
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ông Cầu bà Quán, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  6. Nỏ mồm
    Lắm lời và lớn tiếng, thường hay cãi lại người khác.
  7. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  8. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  9. Ngã nắng
    Hiện tượng kiệt sức, ra nhiều mồ hôi, thở nhanh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng do ở lâu ngoài nắng.
  10. Hờn cơm
    Hờn dỗi, bỏ bữa ăn. Cũng gọi là dỗi cơm.
  11. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  12. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  13. Quảng Đà
    Tên gọi tắt, dân gian của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ngày trước, nay được tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
  14. Bài ca dao này ngụ ý châm biếm tục hút thuốc lá của phụ nữ Quảng Nam-Đà Nẵng ngày trước.
  15. Cẩm Hà
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  16. Cẩm Thanh
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ tre, dừa.

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

  17. Điện Dương
    Tên cũ là Cẩm Hải, nay là một xã ở phía Đông Nam của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  18. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  19. Có bản chép:

    Ăn rồi đau quặn đau quăn
    Chạy về cho kịp nằm lăn cả ngày.

  20. Có bản chép: Ông thầy nói dối đã quen.
  21. Cửu chương
    Bản chép sẵn kết quả của chín số từ 1 tới 9 nhân với chín số cũng từ 1 tới 9, thường được in ở trang bìa cuối của tập vở mà học sinh tiểu học phải học thuộc lòng để làm toán. Trước đây bảng này thường được đọc theo âm Hán Việt: Cửu bát thất thập nhị (9×8=72), cửu cửu bát thập nhất (9×9=81)...
  22. Đát được thì đươn
    Đươn (đan) và đát là hai công đoạn bắt buộc người làm nghề đan phải biết. Nghĩa rộng của câu này nhằm nói: Cần phải nắm chắc các công đoạn cần thiết của một việc gì rồi mới bắt tay vào làm, nếu không thì việc sẽ thành dang dở.

    Tấm mê

    Tấm mê

  23. Hai câu sau giải nghĩa cho hai câu trước.
  24. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  25. Nói hành
    Nói xấu về người khác.
  26. Trong chay ngoài bội
    Những đám lễ lớn, bên trong làm cỗ chay, bên ngoài dựng rạp mời đoàn hát bội. Cụm từ "trong chay ngoài bội" chỉ những cảnh bận bịu rộn ràng.

    Hát bội

    Hát bội

  27. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  28. Để
    Ruồng bỏ.
  29. Xắc cốt
    Cái túi đeo, đọc theo từ "Sacoche" tiếng Pháp, thường làm bằng da, có khóa bấm. Cán bộ miền Bắc trước đây thường mang loại túi này.

    Xắc cốt

    Xắc cốt

  30. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  31. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  32. Hai câu này có dị bản là:

    Ăn quả dâu
    Về đau bụng

  33. Củ kiệu
    Còn được gọi là hành tàu, hẹ tàu, một loài cây thuộc họ Hành, củ màu trắng, lá bọng. Củ kiệu muối là món ăn quen thuộc của dân ta, nhất là vào những ngày Tết (còn gọi là dưa kiệu). Củ kiệu cũng là vị thuốc Đông y giúp làm ấm bụng, bổ thận khí, lợi tiểu...

    Củ kiệu muối

    Củ kiệu muối

  34. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  35. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  36. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  37. Lọ hồ
    Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
  38. Cái
    Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
  39. Sông Bứa
    Một con sông chảy qua các tỉnh Sơn La, Phú Thọ rồi đổ ra sông Thao. Trước đây trên sông này có nhiều cá măng.

    Một khúc sông Bứa

    Một khúc sông Bứa

  40. Sông Thao
    Tên gọi của sông Hồng, đoạn từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đến "ngã ba sông" ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô và sông Đà đổ vào sông Hồng. Sông Thao gắn liền với những chiến công oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
  41. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  42. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  43. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  44. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  45. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)