Tìm kiếm "cưới"

  • Vè lương tháng

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè lương tháng
    Hai trăm ngồi phán
    Trăm tám ngồi nghe
    Tranh đài tranh xe
    Là thằng trăm rưỡi
    Tất ta tất tưởi
    Là lũ trăm hai
    Vừa làm vừa sai
    Là quân chín chục
    Vợ chồng lục đục
    Là bọn sáu mươi
    Dở khóc dở cười
    Là bọn bốn chịch
    Chẳng ta chẳng địch
    Là lũ con phe
    Nói chẳng ai nghe
    Là ông Nhà nước

  • Ba bà đi chợ Cầu Nôm

    Ba bà đi chợ Cầu Nôm
    Bà đi sau rốt luôn mồm “Nhanh lên!”
    Bà đi trước thì thiếu hàm trên,
    Bà đi giữa thì thiếu hàm dưới,
    Chỉ bà đi cuối là đủ hai hàm!

    Là gì?

    Người đi bừa, con trâu và cái bừa

  • Mẹ anh lội bụi lội bờ

    Mẹ anh lội bụi lội bờ
    Sao anh áo lụa quần tơ ngày ngày
    Mẹ anh bụng đói thân gầy
    Sao anh vui thú mâm đầy cỗ cao
    Mẹ anh như tép lao xao
    Sao anh lấp lánh như sao trên trời
    Mẹ anh quần quật một đời
    Sao anh ngoảnh mặt anh cười cợt hoa

  • Thoạt tiên giải chiếu ra ngồi

    Thoạt tiên giải chiếu ra ngồi
    Trầu cau ăn đoạn hỏi người thủy chung
    Em hỏi chàng có yêu cùng
    Tiếng tăm em chịu thẹn thùng em mang
    Ví dù chàng có lòng thương
    Thì em chẳng quản gì đường xa xôi
    Chàng về chàng cứ cho tươi
    Chàng đừng héo ủ người cười đến ta

  • Biển Thị Nại ùn ùn sóng giận

    Biển Thị Nại ùn ùn sóng giận
    Đá Phương Mai khăng khắng lòng trung
    Nước non là nước non chung
    Rửa thù non nước ta cùng phải lo
    Thuyền nhỏ, gió to
    Anh đừng e ngại
    Em chèo, anh lái
    Cuối bãi đầu ghềnh
    Quản gì sóng gió lênh đênh
    Ngọn rau tấc đất, miễn đền ơn nhau

  • Hôm qua em đến chơi nhà

    Hôm qua em đến chơi nhà
    Đồn chàng đi vắng mẹ cha đi tìm
    Đồn rằng chàng ở chợ Lim
    Sắm quần sắm áo đi tìm chàng ngay
    Tìm chàng bảy tám hôm nay
    Hôm qua là chín, hôm nay là mười
    Tìm chàng chúng bạn em cười
    Lòng em ở thẳng thì giời giúp cho
    Tay cầm tiền quý bo bo
    Xem một quẻ số tìm cho thấy chàng

  • Con ơi mẹ bảo câu này

    Con ơi mẹ bảo câu này,
    Học buôn học bán cho tày người ta.
    Con đừng học thói chua ngoa,
    Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.
    Dù no dù đói cho tươi,
    Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bài lo toan.
    Phòng khi đóng góp việc làng,
    Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng.
    Trước là đắc nghĩa cùng chồng,
    Sau là họ mạc cũng không chê cười.
    Con ơi, nhớ bấy nhiêu lời !

  • Em thương nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu

    Em thương nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu
    Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi
    Cái sập đá hoa bỏ vắng em không ngồi
    Vườn hoa bỏ vắng mặc người quay tơ
    Em thương nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
    Đêm quên giấc ngủ ngày mơ trận cười
    Bấy lâu nay gần bến, xa vời

    Dị bản

    • Cô thương nhớ ai ngơ ngẩn đầu cầu
      Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi
      Sập đá hoa bỏ vắng chẳng ai ngồi
      Buồng hương bỏ vắng cho người quay tơ
      Cô thương nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
      Đêm quên giấc ngủ ngày mơ trận cười
      Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ôi!
      Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi vui nửa lòng.

  • Bài ca người lính hôm nay

    Trải bao cuộc chiến, thắng rồi,
    Nay thời dân lính về ngơi, kiếm nghề:
    Đầu đường đại tá vá xe,
    Giữa đường trung tá bán chè đậu đen
    Cuối đường thiếu tá bán kem,
    Trong làng đại úy thổi kèn đám ma
    Trước sân thượng úy nuôi gà,
    Đầu hồi trung úy chăm và chú heo
    Ao sâu thiếu úy vớt bèo,
    Vườn sau thượng sĩ leo trèo bẻ cau
    Gốc đa trung sĩ cúp đầu,
    Bờ đê hạ sĩ hái rau “tập tàng”
    Xóm ngoài binh nhất vót nan,
    Xóm trong binh nhị gảy đàn ống bơ
    Ca rằng “trí dũng có thừa…”
    Bởi “chiến tranh” mới ra cơ sự này!

    Dị bản

    • Đầu đường đại tá vá xe
      Giữa đường trung tá bán chè đậu đen
      Cuối đường thiếu tá bán kem
      Về hưu đại úy thổi kèn đám ma
      Thượng úy thì đi buôn gà
      Trung úy về nhà lại bám đít trâu
      Hỏi rằng thiếu úy đi đâu
      Ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc Nam

    • Đầu đường đại tá vá xe
      Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen
      Đại úy thì bán dầu đèn
      Để cho trung úy thổi kèn đám ma

  • Nhà anh chỉ có một gian

    Nhà anh chỉ có một gian
    Nửa thì làm bếp nửa toan làm buồng
    Anh cậy em coi sóc trăm đường
    Để anh mua bán trẩy trương thông hành
    Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh
    Để anh buôn bán thông hành đường xa
    Liệu mà thờ kính mẹ già
    Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười
    Dù no dù đói cho tươi
    Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan
    Cho anh đành dạ bán buôn

  • Trèo lên cây chót vót cây khô,

    Trèo lên cây chót vót cây khô
    Ngó về đồng ruộng thấy bốn cô chưa chồng
    Cô Hai cấy lúa vừa xong
    Cô Ba chưa chồng bản ngản bơ ngơ
    Cô Tư tuổi hãy còn thơ
    Cô Năm còn dại còn khờ
    Tôi đây ở vậy mà chờ bốn cô
    Vái trời cho có lúa bồ
    Tôi qua cưới hết bốn cô đem về
    Cô Hai lo tảo bán tần
    Cô Ba xách nước, dưỡng thân mẹ già
    Cô Tư xách chổi chăn gà, chăn heo
    Cô Năm gá nghĩa tình chung với mình
    Năm thê bảy thiếp chúng mình đông vui

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Sáng trăng vằng vặc

    Sáng trăng vằng vặc
    Vác cặc đi chơi
    Gặp con vịt trời
    Giương cung định bắn
    Gặp cô yếm thắm
    Đội gạo lên chùa
    Giơ tay bóp vú
    Khoan khoan tay chú
    Đổ thúng gạo tôi
    Hôm nay ba mươi
    Ngày mai mồng một
    Để tôi đội gạo
    Lên chùa cúng Bụt
    Bụt ngoảnh mặt đi
    Đức Thích Ca mở miệng cười khì,
    “Của tam bảo, để làm gì chẳng bóp.”

  • Vè đi ở

    Tóc quăn chải lược đồi mồi
    Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn
    Nên thì tớ ở tớ ăn
    Không nên tớ giã đầu quăn tớ về.
    Tháng năm công việc ê hề
    Thằng ở ra về, chủ phải cưỡi trâu.
    Giã ơn chúng bạn chăn trâu,
    Tớ về đồng bãi hái dâu, chăn tằm.
    Tớ ở chưa được nửa năm,
    Chủ nhà mắng tớ, tớ nằm không yên

  • Vè lá lốt

    Ve vẻ vè ve
    Cái vè lá lốt
    Anh A cũng tốt
    Chị B cũng xinh
    Hai bên rập rình
    Gia đình đồng ý
    Đi ra đăng ký
    Ủy ban không cho
    Anh A hét to
    “Không cho cũng lấy!
    Tôi yêu cô ấy
    Đã mấy năm rồi
    Không nói lôi thôi
    Ngày mai cứ cưới
    Làng trên xóm dưới
    Ai thích thì đi
    Đánh chén tì tì
    Sa đì tám tấn.”

    Dị bản

    • Ve vẻ vè ve
      Cái vè lá lốt
      Anh A cũng tốt
      Chị B cũng xinh
      Hai bên rập rình
      Gia đình đồng ý
      Đi ra đăng ký
      Ủy ban không cho
      Anh A hét to
      “Không cho cũng lấy!
      Tôi yêu cô ấy
      Từ mấy năm trời
      Đi qua chợ Giời
      Mua đôi guốc mộc
      Guốc mộc tình yêu
      Tình yêu bọ xít
      Dính đít vào nhau”

  • Em là con gái nhu mì

    Em là con gái nhu mì
    Làng trên xã dưới ai bì được nao
    Liếc mắt trông lên thấy cặp má đào
    Mắt rồng mắt phượng ai trông vào chả say
    Say em một bộ lông mày
    Ngón tay tháp bút tóc mây xanh rờn
    Say em say cả bàn chân
    Gót hồng da trắng mười phân vẹn mười
    Say em câu nói tiếng cười
    Say em nét đứng say nơi em nằm
    Khen ai sinh trúc sinh trầm
    Mà xinh lúc đứng lúc nằm cũng xinh

  • Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến

    Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến
    Lên thăm Tháp Bà, về miếu Sinh Trung
    Non xanh nước biếc trập trùng
    Xiết bao liệt nữ anh hùng, em ơi!
    Em hãy nhận lời cùng anh kết ngãi,
    Ðầu ghềnh cuối bãi, ta hãy nương nhau,
    Biển Cù nước mãi còn sâu,
    Công linh chẳng trước thì sau cũng thành.

    Dị bản

    • Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến
      Lên thăm Tháp Bà, về viếng Sinh Trung
      Non xanh nước biếc trập trùng
      Biết bao liệt nữ anh hùng em ơi!

    • Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến
      Lên thăm Tháp Bà, về viếng Sinh Trung
      Giang sơn cẩm tú trập trùng
      Đôi ta gắn bó thủy chung một lòng

  • Thằng Bờm có cái quạt mo

    Thằng Bờm có cái quạt mo
    Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
    Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
    Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
    Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
    Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
    Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
    Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
    Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
    Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười

  • Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn

    Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn
    Gái tơ quá lứa, mất giòn, không xinh
    Vẳng tai nghe lời nói hữu tình
    Chim lồng không lẽ cất mình bay cao
    Gớm ghê thay cái số huê đào
    Cởi ra thời khó, buộc vào như chơi
    Chàng Thúc sinh quen thói bốc trời
    Trăm nghìn đổ một trận cười như không
    Chường vô chăn gối loan phòng
    Thiếp tôi ra tựa cái bóng đèn chong đêm dài
    Vả thiếp tôi nay phận gái nữ hài
    Thấy chàng quân tử tài trai anh hùng
    Gương bạch Nhật sánh với quạt thanh phong
    Sao chàng chẳng tới cái tiết mùa đông lạnh lùng
    Chường nằm đâu nhủ thiếp tôi cùng.

  • Ớ cô đội nón ba tầm

    Ớ cô đội nón ba tầm
    Chồng cô đi lính, cô nằm với ai
    Chín tháng cô đẻ con trai
    Chồng cô về hỏi: Con ai thế này?
    – Con tôi đi kiếm về đây
    Có cho nó gọi bằng thầy thì cho
    Không cho tôi mang xuống đò
    Ai xin thằng bé tôi cho đây này
    Có mẹ mà chẳng có thầy
    Lấy ai may áo cho mày, cu ơi!

Chú thích

  1. Con phe
    Con buôn.
  2. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  3. Điếu cày
    Một loại điếu để hút thuốc lào, phổ biến trong giới bình dân. Điếu cày làm bằng một khúc ống tre hoặc nứa dài non nửa mét, khoét lỗ nhỏ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm.

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

  4. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại

  5. Phương Mai
    Tên một hòn núi nhỏ nằm ở phía Đông của đầm Thị Nại (trước là cửa biển Thị Nại) thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên bán đảo và vịnh ở đây.

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

  6. Lim
    Địa danh nay là tên thị trấn của huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Tại đây có hội thi hát Quan họ nổi tiếng là hội Lim, được tổ chức vào ngày mười ba tháng Giêng âm lịch hàng năm.

    Xem một video về hội Lim.

  7. Tày
    Bằng (từ cổ).
  8. Đắc nghĩa
    Trọn nghĩa.
  9. Họ mạc
    Bà con họ hàng.
  10. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  11. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  12. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  13. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  14. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  15. Cúp đầu
    Cắt tóc. Xem Cúp.
  16. Rau tập tàng
    Các loại rau trộn lẫn với nhau, mỗi loại một ít, thường dùng để nấu canh. Có nơi gọi là rau vặt.

    Rau tập tàng

    Rau tập tàng

  17. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ

  18. Đây thật ra là một bài thơ của tác giả Mai Anh, nhưng một số câu trong bài đã phố biến thành ca dao thời kì bao cấp, xin đăng lên đây cho bạn đọc tham khảo.
  19. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  20. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  21. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  22. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  23. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  24. Thích Ca
    Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.

    Phật Thích Ca

    Phật Thích Ca

  25. Tam bảo
    Ba cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng, tức là bậc giác ngộ, giáo pháp của bậc giác ngộ và những người bạn đồng học. Của chùa thường được gọi là của tam bảo.
  26. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  27. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  28. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  29. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  30. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  31. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  32. Khi hát bài này, trẻ em thay "A" và "B" thành tên của hai người mình muốn chọc ghẹo, ghép đôi.
  33. Có nơi hát: Hai bên đồng tình.
  34. Sa đì
    Tên gọi dân gian của bệnh trĩ.
  35. Mắt phượng
    Đôi mắt đẹp, to, dài, và hơi xếch lên như mắt phượng hoàng.
  36. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  37. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  38. Hòn Chồng
    Một bãi đá với nhiều khối lớn được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Gần Hòn Chồng có một cụm đá khác có hình dáng một người phụ nữ ngồi nhìn ra biển, gọi là Hòn Vợ.

    Hòn Chồng

    Hòn Chồng

  39. Hòn Yến
    Tên gọi chung cho Hòn Nội và Hòn Ngoại, hai hòn đảo có nhiều tổ yến của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang chừng 300 km. Đây cũng là địa điểm du lịch có tiếng của Nha Trang.

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

  40. Tháp Po Nagar
    Thường gọi là Tháp Bà, một ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang, Khánh Hoà, nay thuộc phường Vĩnh Phước, thờ nữ vương Po Ina Nagar. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23 mét.

    Tháp Bà là biểu tượng văn hoá của tỉnh Khánh Hoà, với lễ hội Tháp Bà hằng năm thu hút rất nhiều khách thập phương.

    Tháp Bà (Po Nagar)

    Tháp Bà (Po Nagar)

  41. Sinh Trung
    Một ngọn núi nằm trong lòng thành phố biển Nha Trang, Khánh Hoà, gần cầu Hà Ra. Trên ngọn núi này trước đây có một ngôi miếu thờ thần được xây dựng từ năm Ất Mão (1795), nay trở thành Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự, nhân dân quen gọi là chùa Kỳ Viên.

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

  42. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  43. Cù Huân
    Dân gian còn gọi là cửa Lớn, cửa biển nơi con sông Cái đổ ra biển, nay thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Huyện Diên Khánh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân Trịnh Phong, một thủ lĩnh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.
  44. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  45. Liệt nữ
    Người phụ nữ có khí phách anh hùng, không chịu khuất phục.
  46. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  47. Cẩm tú
    Gấm thêu (từ Hán Việt), thường dùng để ví cảnh thiên nhiên tươi đẹp hoặc văn thơ hay.

    Mai sinh là bậc thiên tài,
    Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.
    (Nhị Độ Mai)

  48. Có bản chép: Một xâu cá mè
  49. Có bản chép: Bảy bè gỗ lim.
  50. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  51. Có bản chép: Đôi chim đồi mồi.
  52. Có bản chép: hòn xôi.
  53. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  54. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  55. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  56. Hài
    Giày, dép. Thường được dùng để chỉ giày thời xưa.
  57. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  58. Bạch nhật
    Mặt trời sáng (từ Hán Việt).
  59. Thanh phong
    Gió mát (từ Hán Việt).
  60. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  61. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).