Tìm kiếm "chim khách"

  • Buồn về một tiết tháng giêng

    Buồn về một tiết tháng giêng
    May áo cổ kiềng người mặc cho ai
    Buồn về một tiết tháng hai
    Bông chửa ra đài người đã hái hoa
    Buồn về một tiết tháng ba
    Con mắt la đà trong dạ tương tư
    Buồn về một tiết tháng tư
    Con mắt lừ đừ cơm chả buồn ăn
    Buồn về một tiết tháng năm
    Chưa đặt mình nằm gà gáy chim kêu
    Buồn về tiết tháng sáu này
    Chồng cày vợ cấy chân chim đầy đồng
    Bấy giờ công lại hoàn công

    Dị bản

    • Buôn bấc rồi lại buôn dầu
      Buôn nhiễu đội đầu, buôn nhẫn lồng tay
      Sầu về một tiết tháng giêng
      May áo cổ kiềng người mặc cho ai
      Sầu về một tiết tháng hai
      Bông chửa ra đài người đã hái hoa
      Sầu về một tiết tháng ba
      Mưa héo ruộng cà nắng cháy ruộng dưa
      Sầu về một tiết tháng tư
      Con mắt lừ đừ cơm chẳng buồn ăn
      Sầu về một tiết tháng năm
      Chưa đặt mình nằm gà gáy sang canh

  • Viết thư sang hỏi thăm chàng

    Viết thư sang hỏi thăm chàng
    Còn không hay đã đá vàng nơi nao?
    Hay là mắc phải con nào
    Bùa yêu bả lú phải làm sao cho tỏ tường
    Vắng chàng tôi những nhớ thương
    Vì chàng mê gái tìm đường phụ tôi
    Tôi làm cho lứa quên đôi
    Tôi làm cho rã cho rời nhau ra
    Làm cho tan nát biệt xa
    Cho chim lìa tổ, cho hoa lìa cành
    Tôi làm cho nó lìa anh
    Cho người ta biết anh tình phụ tôi

  • Tội trời đã có người mang

    Tội trời đã có người mang
    Ước gì ta lấy được chàng chàng ơi
    Bây giờ ba ngả bốn nơi
    Thiếp chàng muốn lấy thiếp tôi bên này
    Thiếp tôi bên này trong then ngoài khóa
    Thiếp chàng bên ấy có thỏa hay không
    Trách đường dây thép không thông
    Gửi thư thư biệt gửi lời lời bay
    Nhạn ơi trăm sự nhờ mày
    Ngậm thư mang tới tận tay cho chàng
    Chẳng may chim nhạn lạc đàn
    Chim trời bay mất để chàng nhớ mong.

  • Vè chợ Lệ Thủy

    Trâu, chè, thơm, mít chợ Động
    Tôm, cua, cá bống chợ Chè
    Cam, quýt, đậu, mè chợ Trạm
    Chim, ốc, hến, rạm chợ Thùi
    Bún thịt heo tràn đầy chợ Tréo
    Cá biển khắp nẻo chợ Tuy
    Thu, ngừ, mực, nuốt chi chi chợ Cưỡi
    Sắn, khoai, mật ong, thị, ổi chợ Mỹ Đức
    Ai về Lệ Thủy mặc sức tiêu tiền

  • Trước nhà em có cây tùng tán, trả một ngàn không bán

    – Trước nhà em có cây tùng tán, trả một ngàn không bán
    Sau nhà em có cây liễu rũ, nhiều chủ muốn mua
    Thân em như trái thơm chua
    Kẻ ngang qua chép miệng, người muốn mua không tiền
    – Trước nhà em có cây tùng tán ngã ngáng bên đường
    Sau nhà em có cây liễu rũ để chim cú đậu đỡ đôi ngày
    Thân em như trái thơm chua
    Núp trong bụi rậm chờ ngày sóc ăn.

  • Hỡi anh áo trắng quần là

    Hỡi anh áo trắng quần là
    Sao anh không bảo mẹ già nhuộm thâm.
    Ví dù áo ấy em cầm
    Thì em sẽ nhuộm màu thâm, màu vàng.
    Vạt áo em nhuộm màu vàng
    Vạt con em cũng nhuộm vàng cho anh.
    Bốn nách kết đôi trường linh
    Đôi tay em kết chim xinh rõ ràng.
    Ngày mai anh ra ngoài làng
    Cho lắm kẻ ngắm, cho làng xóm trông.

  • Em là con gái nạ dòng

    Em là con gái nạ dòng
    Cơm cha áo mẹ dốc lòng đi chơi
    Chơi cho sấm động mưa rơi
    Chơi cho gương vỡ làm đôi lại liền
    Chơi cho nguyệt náo trung thiên
    Chơi cho lá rụng về đền vua Ngô
    Chơi cho nước Tấn sang Hồ
    Cho Tần sang Sở, cho Ngô sang Lào
    Chơi cho bể lọt vào ao
    Chơi cho trái núi lọt vào trôn kim
    Chơi cho bong bóng thì chìm
    Đá hoa thì nổi, gỗ lim lập lờ.

  • Anh như tấm vóc đại hồng

    Anh như tấm vóc đại hồng
    Em như chỉ thắm thêu rồng nên chăng?
    Nhất chờ, nhì đợi, tam mong
    Tứ thương, ngũ nhớ, lục, thất, bát mong, cửu thập tìm
    Em thương ai con mắt lim dim
    Chân đi thất thểu như chim tha mồi
    Tối hôm qua vật đổi, sao dời
    Tiếc công gắn bó, tiếc lời giao đoan
    Thề xưa đã lỗi muôn vàn
    Mảnh gương còn đó, phím đàn còn đây
    Trót vì đàn đã bén dây
    Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta
    Chén son nguyện với trăng già
    Càn khôn đưa lại một nhà vui chung.

  • Có đêm ra đứng đàng tây

    Có đêm ra đứng đàng tây
    Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
    Có đêm ra đứng vườn hoa
    Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
    Có đêm thơ thẩn một mình
    Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
    Có đêm tạc đá ghi vàng
    Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
    Thương chàng lắm lắm không nguôi
    Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
    Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
    Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
    Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
    Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
    Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
    Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
    Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
    Sư ông nhớ Bụt rày nhớ chuông
    Nhớ chàng vì nợ vì duyên
    Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.

    Dị bản

    • Đêm đêm ra đứng vườn hoa
      Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
      Đêm đêm ra đứng một mình
      Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
      Có đêm tạc đá ghi vàng
      Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
      Thương nàng lắm lắm nàng ôi
      Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
      Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
      Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
      Bao giờ nên vợ nên chồng
      Như chim về tổ như rồng gặp mây

    Video

  • Cục ta cục tác

    Cục ta cục tác
    Chữ kê là gà
    Giữ cửa giữ nhà
    Chữ khuyển là chó
    Bắt chuột bắt bọ
    Chữ miêu là mèo
    Ăn cám ăn bèo
    Chữ trư là lợn
    Vừa cao vừa lớn
    Chữ tượng là voi
    Ăn trầu đỏ môi
    Chữ phật là bụt

  • Sáu giờ còn ở kinh đô

    Sáu giờ còn ở kinh đô
    Chín giờ xe lửa đã vô cửa Hàn
    Mười giờ bước xuống xà-lan
    Bóp bụng mà chịu nát gan trăm bề
    Lên tàu còi nổi xúp-lê
    Khoác khăn xếp lại, em về nuôi con
    Đầu hè có buồng chuối non
    Để dành sáo ghế cho con ăn lần
    Khoai từ, khoai chói, khoai nần
    Với một vạc bắp trước sân chưa già
    Có hũ sắn luộc trong nhà
    Để dành lần lữa cho qua tháng ngày
    Bớ em ơi!
    Ráng mà nuôi con chim chuyền cho nó biết lượn biết bay
    Mai sau anh có thác em biểu hắn nhớ cái ngày anh đi

  • Cô Thỉ cô Thi

    Cô Thỉ cô Thi
    Cô đang đương thì, cô kẹo với ai ?
    Cô Tú kẽo kẹt cô cai
    Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông
    Mâm cốm kẹo với mâm hồng
    Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi
    Mâm thịt kẹo với mâm xôi
    Thịt bùi xôi dẻo kẹo nơi bà già
    Cùi dừa kẹo với bánh đa
    Cái đĩa thịt gà kẹo với lá chanh
    Nồi cơm kẹo với nồi canh
    Quả bí trên cành kẹo với tôm he
    Bánh rán kẹo với nước chè
    Cô kia cò kè kẹo với ai đây ?
    Bà cốt kẹo với ông thầy
    Con chim loan phượng kẹo cây ngô đồng

  • Mình rằng mình quyết lấy ta

    Mình rằng mình quyết lấy ta
    Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
    Hăm ba nay đã đến ngày
    Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
    Tháng giêng năm mới chưa nên
    Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
    Tháng hai có đỗ có khoai
    Ta lại vật nài cho đến tháng tư
    Tháng tư ngày chẵn tháng dư
    Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
    Tháng năm là tháng trâu đầm
    Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
    Tháng sáu lo chửa kịp tiền
    Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
    Tháng bảy là tháng mưa ngâu
    Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
    Tháng tám là tháng trăng thu
    Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
    Tháng chín là tháng mưa rươi
    Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
    Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
    Như chim trong lồng, như cá cắn câu

  • Vè con gái làng Sấu

    Con gái làng Sấu
    Hay cấu hay cào
    Cấu ra bờ rào
    Cấu vào chuồng lợn
    Nào ai có tợn
    Lấy gái làng này?
    Nó vác cả cày
    Ra đồng nó cấu
    Nó vác cả đấu
    Ra đồng nó đong
    Nó vác cả nong
    Ra đồng nó quạt
    Nó vác cả tháp
    Ra đồng nó xây
    Nó gói cả mây
    Bỏ trong giỏ nó
    Nó thắt khăn đỏ
    Nó múa gươm thần

  • Một giờ ra ngõ ngó trông

    Một giờ ra ngõ ngó trông
    Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
    Hai giờ ra đứng đầu làng
    Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
    Ba giờ giả chước đi chơi
    Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
    Bốn giờ gió ủ mây che
    Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
    Năm giờ dời gót về nhà
    Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
    Sáu giờ đèn hạt lưu ly
    Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
    Bảy giờ dọn dẹp trong giường
    Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
    Tám giờ tim lửng, dầu hao
    Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
    Chín giờ nghĩ giận phận mình
    Trách răng căn số của mình mần ri
    Mười giờ còn biết nói chi
    Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
    Mười một giờ mây lạc trăng chênh
    Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
    Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
    Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai.

  • Gió trên nhành rung cây nghiêng ngả

    Gió trên nhành rung cây nghiêng ngả
    Ve kêu sầu trong dạ bâng khuâng
    Gửi lời về nhắn với tình nhân
    Bấm tay kể thử, ái ân ít nhiều
    Nhớ khi mô khuya sớm mĩ miều
    Gió đưa duyên đẩy, dật dìu lòng thương
    Nhớ khi mô đạp tuyết, giày sương
    Bóng trăng nghiêng, mặt trời ngả, khổ trăm đường bạn biết chưa?
    Bạn không nhớ khi hồi miếng thuốc gửi, miếng trầu đưa,
    Tình không thương sao hẹn sớm hò trưa hỡi mình?
    Bạn nói bạn không tham giàu, phú quý coi khinh
    Cớ sao bạn phụ nghĩa tình bạn ơi!
    Con cá ham mồi lạ, quẩn khúc sông dài
    Con chim ham cảnh lạ, đứng hót hoài nhành cây
    Gật gù chim gáy lầu tây
    Chim ca ơi, chim ca hỡi, lồng đây, hãy trở về.

  • Vè đi phu Cửa Rào

    Từ ngày có mặt thằng Tây
    Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân!
    Tai vạ trửa dân
    Hắn mần đã nghiệt:
    Khắp nơi ráo riết
    Giở sổ đếm người
    Kể chi lão phụ con trai
    Người đi phu cũng tội
    Kẻ ở nhà cũng tội
    Vua quan bối rối
    Họ đập đánh lút đầu:
    – Phu phải đi cho mau
    Việc quan cần cho kịp!
    Một ngày phải kíp
    Để kiểm phu chợ Lường

  • Đêm năm canh không ngủ, dậy ngồi

    Đêm năm canh không ngủ, dậy ngồi,
    Cớ sao trong dạ bồi hồi chuyện chi?
    Đau lòng ta lắm, hỡi nữ nhi
    Thếp dầu đầy, anh thắp hết, bày ly, anh than hoài!
    Quên đi thì chớ, nhớ lại khó nổi nguôi ngoai,
    Tự xưa cho đến rày cách trở đợi trông,
    E cho nàng có chốn ba đông,
    Có nơi kết tóc, không trông đến phận chàng,
    Đêm nằm khô héo lá gan,
    Thếp dầu đầy anh thắp hết, cháy tàn bày ly.
    Kể từ ngày em chịu chữ tùng quy,
    Chàng Hồ thiếp Hán tài chi không buồn rầu!
    Chiều chiều ra đứng soi dâu,
    Nghe con chim nó kêu dìu dắc, dạ anh sầu bấy nhiêu.

  • Vè chồng chung

    Chồng chung khó lắm ai ơi!
    Ai bước chân vô đó,
    Không ăn ngồi được mô!
    Quyền bán với quyền mua
    Thời là em không có,
    Đâm gạo với xay ló,
    Thời là em đã có phần,
    Đập đất với khiêng phân,
    Đâm xay, rồi nấu nướng.

    Gẫm như bọn người ở,
    Chỉ sáu tháng thời thôi,
    Cái thân em ở đời,
    Hỏi làm sao chịu được?
    Chồng sai đi múc nước,
    Vợ bảo lấy que tăm.
    Trải chiếu toan đi nằm,
    Đọi dì hai chưa rửa

  • Xa nhau cách mấy con trăng

    Xa nhau cách mấy con trăng
    Đêm nằm lơ lửng, uống ăn không thường
    Không biết ai tôi nhắn với người thương
    Nhắn anh dầu phụng Quán Rường mới ra
    Nhắn bạn hàng Phong Thử, Hà Nha
    Nhắn người Vĩnh Điện, La Qua xưa rày
    Nhắn người quen biết xưa nay
    Nhắn ông đi cuốc đi cày cũng không
    Chợ chiều tôi nhắn chị hàng bông
    Nhắn cô gánh nước, nhắn ông đưa đò
    Nhắn người chuyển miệng giùm cho
    Nhắn người cắt cỏ, giữ bò giữ trâu
    Nhắn ông đi úp sông sâu
    Nhắn ông bủa lưới giăng câu dọc gành
    Nhắn người đốn củi rừng xanh
    Nhắn cô bán cá, nhắn anh bán trầu
    Nhắn người ở dưới Câu Lâu
    Nhắn cô bán vải ở cầu Bình Long

Chú thích

  1. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  2. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  3. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  4. Bả lú
    Đánh bả làm cho người khác lú lẫn, si dại.
  5. Chỉ cách gửi điện tín thời xưa.
  6. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  7. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  8. Chợ Động
    Tên một ngôi chợ thuộc xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tên chợ được người dân ở đây phát âm nặng hơn là chợ Đôộng.
  9. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  10. Chợ Chè
    Tên một ngôi chợ thuộc xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  11. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  12. Chợ Trạm
    Tên một ngôi chợ ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  13. Rạm
    Loài cua nhỏ thân dẹp có nhiều lông, sống ở vùng nước lợ. Rạm giàu chất bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc như: rạm rang lá lốt, rạm nướng muối ớt, canh rạm rau đay, canh rạm rau dền mồng tơi...

    Con rạm

    Con rạm

  14. Chợ Thùi
    Tên một ngôi chợ thuộc xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trước thời kỳ chống Pháp, chợ Thùi đóng ở bến đò chợ Thùi (thôn Thạch Bàn), nơi hạ nguồn sông Kiến Giang. Đến những năm 1960, chợ được dời sang Mũi Viết, thuộc thôn Phú Thọ. Quy mô không lớn như nhiều chợ khác nhưng chợ Thùi đã nức tiếng hàng trăm năm nay và có nhiều khác biệt so với những chợ trong vùng. Sách Địa chí Lệ Thủy giải thích: “Thùi theo tiếng Chăm có nghĩa là quán lợp lá, từ đó có thể suy ra chợ Thùi có nghĩa là chợ có những cái quán lợp bằng lá. Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tuy tồn tại khá lâu nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng”. Chợ là nơi hội tụ những sản vật đồng ruộng, đầm phá.

    Thịt chuột bán ở chợ Thùi

    Thịt chuột bán ở chợ Thùi

  15. Chợ Tréo
    Tên một ngôi chợ nay thuộc địa phận thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nằm ở ngã ba sông Kiến Giang. Chợ rất sầm uất, bán rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng quê chiêm trũng: bánh ướt, bánh tráng, bánh đòn, bánh nếp, chè bột lọc, bún thịt lợn...

    Chợ Tréo

    Chợ Tréo

  16. Chợ Tuy Lộc
    Tên một ngôi chợ ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  17. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  18. Cá ngừ
    Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

    Cá ngừ

    Cá ngừ

  19. Nuốt
    Cũng viết là nuốc, một loại sứa gặp nhiều ở các vùng biển Bắc Trung Bộ. Nuốt được chế biến thành các món bình dân như nuốt chấm ruốc, bún giấm nuốt…

    Nuốt

    Nuốt

  20. Chợ Cưỡi
    Tên một ngôi chợ thuộc thôn Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  21. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  22. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  23. Chợ Mỹ Đức
    Tên một ngôi chợ thuộc xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  24. Lệ Thủy
    Một địa danh nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây nổi tiếng với sông Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống. Tương truyền đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm...

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

  25. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  26. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  27. Trường linh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Trường linh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  29. Nguyệt náo trung thiên
    Trăng rộn giữa trời (thành ngữ Hán Việt).
  30. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  31. Tấn
    Một trong những nước chư hầu mạnh nhất trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thế kỉ 11 TCN đến năm 376 TCN, trải qua 40 đời vua.
  32. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  33. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  34. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  35. Ngô
    Cũng gọi là Đông Ngô (phân biệt với Đông Ngô thời Tam Quốc), một nước chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ở nước ta, nước Ngô được biết đến nhiều nhất có lẽ qua cuộc chiến tranh Ngô-Việt mà kết cục là nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn lãnh đạo đã tiêu diệt hoàn toàn nước Ngô vào năm 473 TCN, Ngô Vương là Phù Sai tự vẫn.
  36. Cẩm thạch
    Tên dân gian là đá hoa, tên gọi chung của một số loại đá rất cứng và nặng, có thể mài giũa cho bóng loáng, thường được dùng trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí.

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

  37. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  38. Vóc đại hồng
    Một loại vóc quý.
  39. Giao đoan
    Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
  40. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  41. Càn khôn
    Cũng nói là kiền khôn, từ hai quẻ bát quái kiền 乾 chỉ trời và khôn 坤 chỉ đất. Chỉ trời đất.

    Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
    Miệng túi càn khôn thắt lại rồi

    (Khóc ông Phủ Vĩnh Tường - Hồ Xuân Hương)

  42. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  43. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  44. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  45. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  46. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  47. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  48. Xà lan
    Cũng viết là sà lan, từ tiếng Pháp chaland, phương tiện vận tải đường thủy có đáy bằng, thường được dùng ở sông, kênh đào và bến cảng.

    Xà lan

    Xà lan

  49. Xúp lê
    Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
  50. Ghế
    Độn (cho khoai, sắn, bắp... vào nồi cơm, thường là để tiết kiệm gạo).

    Cơm độn khoai

    Cơm độn khoai

  51. Khoai chói
    Một loại khoai trước đây được trồng nhiều ở các vùng quê Quảng Nam.
  52. Ráng
    Cố gắng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  53. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  54. Đương thì
    Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
  55. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  56. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  57. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  58. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  59. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  60. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  61. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  62. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  63. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  64. Mưa ngâu
    Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  65. Mưa rươi
    Mưa nhỏ và rất ngắn, thường có vào cuối mùa mưa ở miền Bắc, vào khoảng tháng chín âm lịch, trùng với mùa có rươi ở vùng biển.
  66. Đông Sấu
    Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
  67. Ở đây có nghĩa hay tảo tần thu vén.
  68. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  69. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  70. Giả chước
    Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
  71. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  72. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  73. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  74. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  75. Mần ri
    Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  76. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  77. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  78. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  79. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  80. Lầu tây
    Thường được dùng như một hình ảnh ước lệ trong văn thơ xưa, để chỉ nơi có tình cảm thương nhớ, tương tư trong tình yêu đôi lứa.
  81. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  82. Tạp dịch
    Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
  83. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  84. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  85. Nghiệt
    Ác nghiệt, nghiệt ngã.
  86. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  87. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  88. Tùng quy
    Theo về (từ Hán Việt).
  89. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  90. Dìu dắc
    Réo rắt.
  91. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  92. Ở nông thôn thời xưa, người ở làm mùa mướn thường là sáu tháng.
  93. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  94. Con trăng
    Một chu kì của mặt trăng xoay quanh trái đất, tức một tháng âm lịch.
  95. Quán Rường
    Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
  96. Phong Thử
    Địa danh nay thuộc xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Phong Thử nằm ở ven sông Thu Bồn, đất đai tuy nhiều nhưng ruộng lúa nước tương đối ít, vì vậy người dân xưa kia sống chủ yếu bằng nghề trồng bông, nuôi tằm dệt vải và làm nghề buôn bán nhỏ.

    Chợ Phong Thử

    Chợ Phong Thử

  97. Hà Nha
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

  98. Vĩnh Điện
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  99. La Qua
    Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
  100. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  101. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  102. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  103. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  104. Bình Long
    Tên một con lạch chảy qua các xã Điện Phước, Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.