Tìm kiếm "mang thai"

Chú thích

  1. Măng
    Thân tre, trúc khi vừa nhú lên khỏi mặt đất, còn non, ăn được.

    Măng tre

    Măng tre

  2. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  3. Bỏ lảng
    Bỏ lửng, bỏ dở (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  5. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  6. Bình bát
    Một loại cây cùng họ với mãng cầu (na), thường mọc ven bờ kênh, rạch có nước phèn, nước lợ ở Nam Bộ, quả ăn được. Bình bát dầm đường là món ăn vặt phổ biến ở trẻ em miền quê Nam Bộ, và còn được dùng làm thuốc. Tên gọi bình bát có nguồn gốc từ tiếng Thái-Khmer mean bat.

    Trái bình bát

    Trái bình bát

  7. Mãng cầu
    Miền Bắc gọi là na, một loại cây ăn quả cho quả tròn có nhiều múi (thực ra, mỗi múi là một quả) khi chín có vị ngọt, mùi rất thơm. Lá, hạt và rễ mãng cầu cũng là những vị thuốc dân gian.

    Trái mãng cầu

    Trái mãng cầu

  8. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  9. Măng vòi
    Măng mọc ra từ nhánh tre (thay vì từ gốc), có thể dùng làm thức ăn như măng chua.

    Măng vòi

    Măng vòi

  10. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  11. Lấy nhôn
    Lấy chồng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  12. Mang Thít
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long. Trước đây huyện có tên gọi là Măng Thít hay Mân Thít. Chúa Nguyễn Ánh sau khi khôi phục đất Gia Định, đặt phủ Mân Thít, giao cho Thổ quan là Nguyễn Văn Tồn quản lí. Mang Thít có nghề làm gạch, gốm, và nổi tiếng là vùng đất trồng nhiều lúa gạo và trái cây ngon của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Gạch Mang Thít

    Gạch Mang Thít

  13. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  14. Bà Soi
    Địa danh thuộc ấp Hồi Tường, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
  15. Măng không uốn, tre uốn sao được
    Dạy con phải dạy từ nhỏ, nếu để lớn lên, tật xấu thành nếp thì khó mà bảo ban được nữa.
  16. Vồng
    Uốn cong lên.
  17. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  18. Siết cạnh
    Nghiêm khắc.
  19. Roi song
    Roi làm bằng cây song, một loại cây họ gỗ, giống cây mây nhưng to và dài hơn. Đánh bằng roi song rất đau. Thời xưa khi tra tấn người ta còn đánh bằng roi song ngâm muối.

    Cây song

    Cây song

  20. Câu Mang
    Còn có tên là thần Câu Long, vị thần mùa xuân trong văn hóa Trung Hoa. Ở nước ta, từ đời vua Lý Thánh Tông trở về sau cũng có tục thờ thần Câu Mang. Vào thời nhà Nguyễn, hằng năm, triều đình và nhân dân có tục rước thần Câu Mang tượng trưng bằng đứa trẻ chăn trâu đứng cạnh con trâu. Năm nào được mùa thì đứa trẻ đi bằng cả hai chiếc giày, năm nào mất mùa thì chỉ đi một chiếc giày. Các triều vua Nguyễn đều tổ chức tế và rước con trâu và Mang thần bằng đất. Tuy nhiên, từ triều vua Khải Định trở về sau con trâu và đứa trẻ chỉ vẽ vào vải để tế và rước.

    Lễ tế trâu dưới thời Nguyễn

    Lễ tế trâu dưới thời Nguyễn

  21. Rựa quéo
    Thứ rựa nhỏ, cán dài, lưỡi cong, mũi nhọn.
  22. Theo tác giả Đỗ Đức: Hai nhăm tháng mười “là ngày bắt đầu có cơm mới, khi mùa màng thu hoạch xong, rơm lên đống, thóc vào bồ.” (Từ câu ca dao — Thanh Niên Online, 10/08/2014).
  23. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  24. Theo GS Nguyễn Hữu Quang thì câu ca dao này nói về việc vua Lý Thái Tông tha tội phản nghịch cho Nùng Trí Cao, lại gia phong cho tước Thái Bảo, nhưng đến năm 1048 và 1052 Trí Cao lại nổi dậy xưng đế.
  25. Được ăn được nói, được gói mang về
    Chỉ hạng người hoặc hành động, thái độ trơ trẽn, đắc ý.
  26. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  27. Cá chuồn
    Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.

    Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...

    Cá chuồn đang bay.

    Cá chuồn đang bay.

  28. Măng le
    Loại măng được lấy từ cây le.
  29. Giang
    Một loại tre thân nhỏ vách dày, thân khá cao, mọc thành cụm, lá xanh đậm. Cũng ghi là dang ở một số văn bản.

    Rừng dang

    Rừng giang

  30. Có bản chép: Măng chua.
  31. Cá ngạnh
    Một loại cá da trơn nước ngọt có hình dáng tương tự cá trê nhưng nhỏ hơn, thịt ăn rất ngon. Hai bên mang cá có hai cái ngạnh, nếu ai vô tình bị ngạnh cá đâm trúng thì rất đau nhức. Loài cá ngạnh của Huế thường thích sống ở các khe suối nước chảy nên dân địa phương gọi là cá ngạnh nguồn.

    Cá ngạnh nấu măng chua

    Cá ngạnh nấu măng chua

  32. Láng nguyên
    Còn hoang, chưa ai khai phá (phương ngữ Nam Bộ).
  33. Bạn ngọc
    Bạn quý như ngọc, thường chỉ người thương hay bạn thân.
  34. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  35. Lậu
    Để lộ (phương ngữ Nam Bộ, nguyên là âm Hán Việt của chữ lậu 漏).
  36. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  37. Mụt
    Cây non mới nhú, thường dùng cho măng (mụt măng).
  38. Tai
    Mang cá (chữ Hán).

    Mang cá

    Mang cá

  39. Cá nheo
    Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.

    Cá nheo

    Cá nheo

  40. Đầu cua tai nheo
    Nghĩa đen là đầu con cua đi với mang cá nheo, nghĩa là chuyện chắp vá chẳng đâu vào đâu.
  41. Lục bình
    Một loại bèo có thân mọc cao khoảng 30 cm, lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Lục bình sinh sản rất nhanh nên có mặt rất nhiều ở các ao hồ, kên rạch. Nhân dân ta thường vớt bèo cho lợn ăn, những năm gần đây xơ lục bình phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công, hay bàn ghế. Ngó lục bình cũng được chế biến thành thức ăn, ngon không kém ngó sen.

    Lục bình

    Lục bình