Tìm kiếm "Việt Nam"

Chú thích

  1. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng
    Một câu trong sách Minh Tâm Bửu Giám, có nghĩa là: Làm điều thiện hay điều ác thì sớm muộn cũng đều có báo ứng, cao bay xa chạy cũng khó trốn thoát.
  2. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  3. Đây là hai câu trong bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, một thi sĩ Trung Quốc thời Đường. Nguyên văn Hán Việt:

    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
    Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

    Trần Trọng Kim dịch:

    Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
    Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
    Con thuyền đậu bến Cô Tô
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

  4. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  5. Vượt biên
    Trốn ra nước ngoài.
  6. Phán mại
    Mua bán (phán: bán, mại: mua).
  7. Quốc ngữ
    Trước gọi là chữ tân trào, hệ thống chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chữ cái Latin thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ. Chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng vào khoảng thế kỷ 19 và 20 nhưng đã xuất hiện phôi thai từ lâu vào khoảng thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ Latin.
  8. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  9. Xe lửa
    Tàu hỏa (phương ngữ miền Trung và Nam Bộ).
  10. Xe lửa Sài Gòn
    Vào đầu thế kỉ 20, người Pháp đã tiến hành xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt hoàn chỉnh kết nối Sài Gòn với những tỉnh thành phụ cận. Cuối năm 1881, hệ thống xe lửa nhẹ nối liền hai khu vực chính của thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu họat động, ban đầu chạy bằng hơi nước, sau đó chạy bằng điện. Mạng lưới này dần dần được mở rộng, lan tới Gò Vấp rồi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một.
    Nổi tiếng hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 70 kí-lô-mét, khởi hành từ chợ Bến Thành, quan Bình Chánh, Bến Lức, Tân An rồi đến ga chính ở Mỹ Tho (gần vườn hoa Lạc Hồng ngày nay). Vào thời gian đầu, khi chưa có cầu Bến Lức và cầu Tân An, cả đoàn tàu phải xuống phà đế băng qua hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuyến đường này khánh thành vào giữa năm 1885, tồn tại 73 năm, đến năm 1958 thì ngừng hoạt động.
    Nhiều dấu tích của mạng lưới đường sắt nội thị ngày xưa cũng như của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho như đường rày, cầu, giếng nước vẫn còn tồn tại.

    Xe lửa nhẹ (tramway) nối liền Sài Gòn - Gia Định

  11. Đông Việt
    Một làng thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Xã này hiện là một phường trực thuộc thành phố Thanh Hóa.
  12. Họa đồ
    Bức tranh vẽ cảnh vật, sông núi (từ Hán Việt).
  13. Chanh giấy
    Một loại chanh vỏ mỏng, nhiều nước, vị chua, thơm, múi xanh nhạt.

    Chanh giấy

    Chanh giấy

  14. Mắm mực
    Một loại mắm làm từ mực con nhỏ, còn gọi là mực cơm hay mực sữa. Mắm mực có mùi rất thơm, khi ăn chỉ cần cho ớt, tỏi và vài giọt chanh có thể ăn với cơm vào những ngày mưa rất ngon.

    Mắm mực

    Mắm mực

  15. Rau mũi viết
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rau mũi viết, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  16. Giấm son
    Thứ giấm rất chua nhưng dịu.
  17. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  18. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  19. Bâu
    Cổ áo.
  20. Viết tháu
    Hay viết thảo, viết chữ Nôm theo lối thảo thư (một lối viết chữ Hán rất khó đọc) để ghi chép thật nhanh. Về sau hiểu là viết ngoáy, viết nhanh cho kịp.
  21. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  22. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  23. Bả lú
    Đánh bả làm cho người khác lú lẫn, si dại.
  24. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  25. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  26. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tam Quăng.
  27. Tình nương
    Từ người con trai dùng để gọi người yêu trong văn chương cũ.
  28. Chữ chương 章 nhìn từ trên xuống dưới gồm các chữ lập 立 (gây dựng), viết 曰 (rằng) và thập 十 (mười).
  29. Chữ triêu 朝 nhìn giống hai chữ thập 十 (mười) ở trên và dưới kẹp chữ viết 曰 (rằng) ở giữa, bên phải có thêm chữ nguyệt 月 (mặt trăng).
  30. Dục Mỹ
    Địa danh cách thị xã Ninh Hòa 14 km về phía Tây, nay thuộc xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, mùa khô chịu ảnh hưởng của gió Lào nên rất nóng, ban đêm lại rất lạnh do chịu sương núi rừng.
  31. Cao Miên
    Gọi tắt là Miên, phiên âm sang tiếng Việt của từ "Khmer," chỉ dân tộc Khơ Me. Cao Miên còn là cách người Việt gọi nước Campuchia, với cư dân chủ yếu là người Khơ Me.
  32. Đậu
    Chắp hai hay nhiều sợi với nhau. Vải (lụa) đậu ba, đậu tư là loại vải tốt, dệt dày.
  33. Áo cổ giữa
    Cũng gọi là áo cổ trịt (cổ trệt), một loại áo ngắn của người bình dân, gài nút trước ngực, không bâu, nếu là áo nam thường có xẻ nách, còn áo nữ thì bít kín.
  34. Vũ Ninh
    Tên một ngọn núi ở tỉnh Bắc Ninh, theo sự tích là quê của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương). Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử), là người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết kể rằng: Ông sinh ra thời vua Hùng thứ 6 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, do mẹ ông ướm chân vào một vết chân lớn trên đất về mang thai. Tuy lên ba nhưng Gióng không biết nói cười, đi đứng. Đến khi giặc Ân kéo đến bờ cõi, Gióng bỗng dưng cất tiếng gọi mẹ nhờ mời sứ giả của vua vào, đưa yêu sách đòi áo giáp, roi và ngựa sắt để đánh giặc. Chỉ trong mấy hôm, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ cao lớn, cưỡi ngựa sắt vua ban đánh giặc Ân tan tác. Đuổi đám tàn quân đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), Gióng cởi áo giáp, thả dao, cùng ngựa bay về trời.
  35. Bách Việt
    Từ chỉ các bộ tộc Việt cổ không bị Hán hóa hoặc chỉ bị Hán hóa một phần từng sống ở vùng đất mà ngày nay thuộc lãnh thổ phía nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam trong khoảng thời gian giữa thiên niên kỉ 1 TCN và thiên niên kỉ 1 sau CN (theo công trình nghiên cứu Định nghĩa Bách Việt của học giả William Meacham, xuất bản năm 1996, và các nguồn khác). Đây cũng là từ cổ chỉ vùng đất mà các dân tộc này đã sinh sống.
  36. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  37. Thảo mãng
    Cỏ hoang (từ Hán Việt).
  38. Anh hài
    Trẻ con rất nhỏ (từ Hán Việt).
  39. Sóc Sơn
    Tên một huyện và cũng là tên một ngọn núi (còn gọi là núi Sóc, núi Mã, núi Dền hay núi Vệ Linh) ở phía Bắc thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, đây là nơi sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng cởi áo giáp, bỏ lại roi và cùng ngựa sắt bay về trời. Núi Sóc trước kia thuộc địa phận Vĩnh Phúc, từ 1976 thuộc Hà Nội.
  40. Mực Tàu
    Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  41. Có bản chép: Mực tàu xứng bút.
  42. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa
    Uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng là còn ít, nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng là còn nhiều. Đây là hai câu thơ trong bài Xuân nhật Tây Hồ ký Tạ Pháp tào vận (Ngày xuân ở Tây Hồ gửi vần thơ đến quan Pháp tào họ Tạ) của Âu Dương Tu, một nhà thơ sống vào đời nhà Tống, Trung Quốc.
  43. Hồ Việt
    "Hồ" chỉ các dân tộc sống về phía bắc, "Việt" chỉ các dân tộc sống về phía nam Trung Quốc ngày trước. Hồ Việt chỉ sự xa xôi cách trở.

    Chữ rằng: Hồ Việt nhứt gia
    Con đi tới đó trao qua thơ này

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  44. Họa phúc vô do
    Họa phúc không có nguyên do, khi không mà đến (thành ngữ Hán Việt).
  45. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  46. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)