Tìm kiếm "đời con"

Chú thích

  1. Xới cơm thì xới lòng ta, so đũa thì phải so ra lòng người
    Thái độ chu đáo, ân cần, nhường nhịn trong đối nhân xử thế.

    Nhà thơ Xuân Diệu giảng đại ý: Người mình trước thường nấu cơm bằng rơm rạ. Cơm chín, phần trên cùng nồi thường bị ướt và nhão không ngon, phần cạnh và đáy nồi cơm dẻo và săn. Người xới thường xới phần trên cho mình trước mới xới phần ngon còn lại cho người khác, đặc biệt là ông bà, cha mẹ, khách quý. Hơn nữa, bát cơm xới không nên quá vơi hay quá đầy.

    Do đũa trước đây vót bằng tre nên không đều, khi so đũa phải chọn những đôi không vênh lệch dành cho người khác trước. Chú ý: xới cơm cho người thì xới sau, còn so đũa cho người lại so trước. Chỉ trong một bữa ăn mà có hai thao tác sau–trước trái ngược hẳn nhau song mục đích lại giống nhau. Thế thật là ý nghĩa.

  2. Sưa
    Thưa (phương ngữ).
  3. Mành mành
    Đồ dùng được làm từ tre, gỗ hoặc nhựa, thường được treo ở cửa chính hoặc cửa sổ nhà ở để che bớt ánh sáng.

    Mành mành

    Mành mành

  4. Cật
    Toàn bộ phần phía sau lưng. Còn có nghĩa khác là quả thận, nhiều nơi còn gọi là bầu dục.
  5. Dễ ngươi
    Khinh nhờn, không xem ra gì.
  6. Khó
    Nghèo.
  7. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  8. Đôi chối
    Phân rõ phải trái với nhau trước người làm chứng.
  9. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)

  10. Không ai duỗi tay thâu ngày đến sáng
    Không ai có thể chắc rằng mình giữ được sự giàu có, sung túc, tốt đẹp mãi.
  11. Câu đối cụ Phan, chữ nghè Đàn
    "Trước năm 1945, ở Huế có ông Hoàng Hữu Đàn, với nét chữ đẹp tuyệt nam bắc đều lấy làm ngưỡng mộ. Ông Đàn người gốc làng Bích Khê, tỉnh Quảng Trị, học rộng, đậu tú tài cả Hán học lẫn Tây học, làm thông phán tòa sứ ở Huế. Ông hoạt động yêu nước, đã hai lần đi dự lớp huấn luyện tại Côn Minh (Trung Quốc). Chữ của ông nghè Đàn đẹp nổi tiếng. Du khách ở xa đến Huế có thói quen đi tìm cho được cụ Phan Bội Châu để xin một câu đối, rồi ra tận Quảng Trị tìm ông Hoàng Hữu Đàn để nhờ viết hộ câu đối. Đó là món quà trang nhã, kỉ niệm một chuyến đi xa được người đương thời ưa chuộng...'" (Thư pháp - Hoàng Phủ Ngọc Tường)
  12. Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu viễn thân
    Tạm dịch: Nghèo giữa chợ đông ai thèm hỏi, giàu tại rừng sâu lắm kẻ thăm. Tùy theo dị bản mà trong câu này chữ "vấn" có thể thành chữ "đáo," "thâm sơn" thành "lâm sơn," "hữu viễn thân" thành "hữu khách tầm" vân vân.
  13. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  14. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Ai đội mũ lệch xấu mặt người ấy
    Ai làm việc dở thì người ấy xấu mặt, xã hội không phải chịu trách nhiệm về những việc làm của cá nhân.
  16. Ăn lấy đời chơi lấy thời
    Ăn thì lấy đời sống làm giới hạn, nghĩa là người ta phải ăn suốt đời, đến bao giờ chết mới thôi; còn chơi thì lấy thời gian làm giới hạn, nghĩa là người ta chơi thì tùy lúc, tùy thời, không thể lúc nào cũng chơi được.
  17. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  18. Có ý kiến cho rằng cành hoa sen trong bài này là hoa sen đất. Sen đất là một loại cây thuộc chi mộc lan, thân gỗ, hoa có 9-10 cánh trắng ngần, hương thơm ngát, trông giống như hoa sen mọc ở ao hồ.

    Hoa sen đất

    Hoa sen đất

  19. Xôi vò
    Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.

    Xôi vò

    Xôi vò

  20. Rượu tăm
    Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
  21. Trằm
    Hoa tai. Cũng gọi là tằm.
  22. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  23. Theo phong tục cưới hỏi ngày xưa, khi đi hỏi vợ nhất thiết phải có buồng cau.
  24. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  25. Quàng
    (Làm việc gì) một cách vội vã, cốt cho xong để còn làm việc khác.
  26. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  27. Bận
    Mặc (quần áo).
  28. Gai
    Cũng gọi là cây lá gai, một loại cây thường mọc hoang hoặc được trồng quanh nhà, có lá dày hình trái tim, mặt hơi sần. Lá gai thường dùng để làm bánh ít, bánh gai hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Lá gai

    Lá gai

  29. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  30. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  31. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  32. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  33. Ang
    Dụng cụ để đong, đo thóc lúa, bằng gỗ, khối vuông, có nơi đan ang bằng nan tre. Dụng cụ đo gạo của người Việt rất đa dạng, tùy vùng, tùy thời và theo từng thể tích mà người ta dùng các dụng cụ khác nhau như cái giạ, cái vuông, cái yến, cái đấu, cái thưng, cái cảo, cái bơ, cái ô, cái lương, cái lon sữa bò... để đo gạo. Một ang bằng 22 lon gạo.
  34. Ghè
    Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.

    Cái ghè

    Cái ghè

  35. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  36. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  37. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  38. Cây Cốc
    Tên một cái đèo ở tỉnh Bình Định.
  39. Sơn Cốc
    Tên một cái đèo thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  40. Mỹ Trang
    Tên một cái dốc cao thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  41. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  42. Phú Cốc
    Tên một ngọn đèo phần lớn thuộc thôn Phú Thạnh, phần còn lại thuộc thôn Phú Liên (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Đèo cao, ngày trước có nhiều cọp, beo.
  43. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  44. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  45. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  46. Gió đông
    Từ từ Hán Việt đông phong, nghĩa là gió mùa xuân, từ hướng đông thổi đến.

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    (Đề đô thành Nam trang - Thôi Hộ)

    Trần Trọng San dịch:
    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  47. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  48. Lạch
    Dòng nước nhỏ hơn sông.