Lắm ló Xuân Viên,
Lắm tiền Hội Thống,
Lắm nống Do Nha,
Lắm cà Lộc Châu,
Lắm dâu Cẩm Mỹ,
Lắm bị Kẻ Giăng,
Lắm măng Kẻ Cừa,
Lắm bừa Trung Sơn,
Lắm cơn Yên Xứ.
Tìm kiếm "mang công"
-
-
Mẹ em tham giàu khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti
Mẹ em tham giàu khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti
Làng trên chạ dưới thiếu gì trai tơ!
Em trót đem thân cho thằng bé nó giày vò,
Đên đông tháng giá, nó nằm co trong lòng.
Em cũng mang thân là gái có chồng,
Chín đêm chực tiết, nằm không cả mười!
Em nói ra đây sợ chúng chị em cười,
Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh!
Em cũng liều thằng bé trẻ ranh
Sờ mó qua quýt, năm canh cho nó đỡ buồn!
Em buồn, em lại nhấc thằng bé nó lên trên,
Nó còn bé dại đã nên cơm cháo gì!
Nó ngủ nó ngáy tì tì,
Một giấc đến sáng còn gì là xuân!
Chị em ơi! Hoa nở mấy lần? -
Cầu Tràng Tiền sáu vài, mười hai nhịp
-
Trai nam nhi lược ngà búi tóc
Trai nam nhi lược ngà búi tóc
Dây lưng thì nhuộm sắc hoa hiên
Vui chơi xe lọ, ống tiêm
Cái khay trắc khảm, ngọn đèn mờ xanh
Có phen vui thú lều tranh
Gối đầu bằng gạch, che manh chiếu buồm
Chiếu bắt khom để mà che gió
Thế rồi mang xe lọ giăng ra
Nạo kì đến sái mười ba
Quan tướng hút đỡ để mà cầm hơi
Trông người như cái ma trơi
Tóc xù cổ ngẵng, nằm phơi xương sườn
Hết thuốc chúng bạn hết thương
Vợ con cũng mất với nường phù dung! -
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Thấy anh chúm chím miệng cười
-
Vì hoa nguyệt mới sang chơi
Vì hoa nguyệt mới sang chơi
Vì hoa nguyệt mới ngỏ lời với hoa
Nguyệt yêu hoa là người nhan sắc
Hoa yêu nguyệt là khách văn nhân
Nguyệt đây hoa đấy cũng gần
Nguyệt đây hoa đấy giao luân một nhà
Nguyệt yêu hoa xích lại cho gần
Để nguyệt than thở ân cần với hoa
Ước gì nguyệt sánh với hoa
Ước gì mình sánh với ta hỡi mình
Ước gì tính sánh với tình
Ai mang cành quýt cành quỳnh sánh đôi
Ước gì quế sánh với hồi
Ước gì thục nữ sánh người văn nhân -
Mồng năm chợ Ó
Mồng năm chợ Ó
Quan họ dồn về
Hội vui lắm lắm
Chưa kịp đi tắm
Chưa kịp gội đầu
Trầu chửa kịp têm
Cau chưa kịp bổ
Miếng lành, miếng sổ
Miếng lại quên vôi
Người có yêu tôi
Thì người cầm lấy
Các anh đứng đấy
Thầy mẹ đứng đâu?
Mời lại xơi trầu
Mừng cho dâu mới
Mặt trời đã tối
Đám hội đã tàn
Ai có hồng nhan
Mang ra chơi hội
Dưới sông múa rối
Trên bãi trồng vừng
Một đấu, một thưng
Bằng nhau như tiện
Như tiện như tề
Kẻo thế gian chê
Chồng cao vợ thấp! -
Có đêm ra đứng đàng tây
Có đêm ra đứng đàng tây
Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
Có đêm ra đứng vườn hoa
Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
Có đêm thơ thẩn một mình
Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
Có đêm tạc đá ghi vàng
Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
Thương chàng lắm lắm không nguôi
Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
Sư ông nhớ Bụt mõ rày nhớ chuông
Nhớ chàng vì nợ vì duyên
Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.Dị bản
Đêm đêm ra đứng vườn hoa
Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
Đêm đêm ra đứng một mình
Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
Có đêm tạc đá ghi vàng
Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
Thương nàng lắm lắm nàng ôi
Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
Bao giờ nên vợ nên chồng
Như chim về tổ như rồng gặp mây
Video
-
Tin độc lập truyền về các thôn xã
Tin độc lập truyền về các thôn xã
Một số bà con ta hối hả đón mừng
Riêng tôi, tôi dửng dừng dưng
Nỗi lo thì có, nỗi mừng thì không
Lo là lo nay mới thoát khỏi cùm gông giặc Pháp
Biết đâu mai kia lại bị xích xiềng
Của kẻ khác tròng vào, thì ra có khác chi nào
Tránh nơi nọc rắn lại lâm vào miệng hổ mang -
Nghĩ xem cái nước Nam mình
Nghĩ xem cái nước Nam mình
Tây sang bảo hộ tài tình đến đâu?
Nghĩ xem tiền của ở đâu
Đưa ra mà bắc được cầu qua sông
Chả hay tiền của của chung
Đưa ra mà bắc qua sông Bồ Đề
Bắc cho thiên hạ đi về
Những cột dây thép khác gì nhện chăng
Tưởng rằng anh Pháp nghĩa nhân
Nào hay lấy của dân Nam làm giàu … -
Cục ta cục tác
Cục ta cục tác
Chữ kê là gà
Giữ cửa giữ nhà
Chữ khuyển là chó
Bắt chuột bắt bọ
Chữ miêu là mèo
Ăn cám ăn bèo
Chữ trư là lợn
Vừa cao vừa lớn
Chữ tượng là voi
Ăn trầu đỏ môi
Chữ phật là bụt … -
Nón em đang đội trên đầu
Nón em đang đội trên đầu
Anh mà giật mất dạ sầu em thay
Lấy gì mà đội hôm nay
Anh mua nón khác, nón này em xin
Nón em chả đáng đồng tiền
Chưa kết được bạn chưa yên cửa nhà
Nón em mua ở tỉnh xa
Mua ở Hà Nội quan ba mươi đồng
Trở về gặp khách má hồng
Sao anh ăn ở ra lòng thờ ơ
Mua nón, em phải mua tua
Nón này thầy mẹ em mua rành rành
Nhẽ đâu em để cho anh
Về nhà mẹ mắng, em đành bảo sao -
Từ ngày em về nhà này
Từ ngày em về nhà này
Tưởng ngày một khá, hóa ngày một hư
Đi chợ ăn những quà trừ
Đi tắm mất váy khư khư chạy về
Nấu cơm trên sống dưới khê
Đủ cả tứ bề như thể cháo hoa
Bữa ăn nồi bảy nồi ba
Quanh năm ngày tháng chẳng ra đồng nào
Rửa bát ngủ gật cầu ao
Ngủ trưa chồng gọi kêu sao nhức đầu
Ăn nói cảu nhảu càu nhàu
Sai em rinh nước đổ vào tàu khoai
Việc ăn em chẳng kém ai
Hễ mó đến gánh thì vai sứt hờ
Việc làm chểnh mảng thờ ơ
Lại thêm một chút làm thơ với chồng. -
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè
Nhớ hồi lên ngựa xuống xe
Nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non
Cá mòi, cá nục y con
Thịt heo y khúc lòng còn ước mơ
Nhớ khi rau muống bò bờ
Nhớ khi con nhện giăng tơ mới vào
Nhớ lê, nhớ lựu, nhớ đào
Đêm nằm tơ tưởng, chiêm bao mơ màng
Trông đò chẳng thấy đò sang
Cầm giằng quên gặt, nhớ đến nghĩa nàng, nàng ơi! -
Gặp nhau, con bóng đang trưa
-
Vè đi phu Cửa Rào
Từ ngày có mặt thằng Tây
Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân!
Tai vạ trửa dân
Hắn mần đã nghiệt:
Khắp nơi ráo riết
Giở sổ đếm người
Kể chi lão phụ con trai
Người đi phu cũng tội
Kẻ ở nhà cũng tội
Vua quan bối rối
Họ đập đánh lút đầu:
– Phu phải đi cho mau
Việc quan cần cho kịp!
Một ngày phải kíp
Để kiểm phu chợ Lường … -
Vè lính mộ
Tai nghe nhà nước mộ dân,
những lo những sợ chín mười phần em ôi.
Anh đi ra mặt biển chưn trời,
ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
Xót em vò võ một mình,
anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
Ví dầu anh có mần răng,
nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
Tư bề sóng bể như sơn,
đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
Làm thịt con heo quy tế tại đình,
rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
tối tăm mù mịt như rồng với mây.
Hai bên những lính cùng Tây,
quân gia kéo tới chở đầy tàu binh… -
Vè bài tới
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè bài tới
Cơm chưa lập xới
Trầu chửa kịp têm
Tao đánh ba đêm
Thua ba tiền rưỡi
Về nhà chống chửi:
“Thằng Móc, thằng Quăn,
Đánh sao không ăn
Mà thua lắm bấy?”
Tui lấy tiền cấy
Cho đủ mươi ngày
Bảy Thưa, Bảy Dày
Cùng là Ngạt kéo … -
Phụ đồng ếch
Hồn ếch ta đã về đây
Mãi năm khô hạn ta nay ở bờ
Ở bờ những hộc cùng hang
Tay thì cá giỏ, tay thì cần câu
Nó có chiếc nón đội đầu
Khăn vuông chít tóc ra màu xinh xinh
Nó có cái quạt cầm tay
Nó có ống nứa bỏ đầy cóc con
Nó có chiếc cán thon thon
Nó có sợi chỉ thon thon mà dài
Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
Nó giật một cái đã sai quai hàm
Mẹ ơi lấy thuốc cho con
Lấy những lá ớt cùng là xương sông
Ếch tôi ở tận hang cùng
Bên hè rau muống, phía trong bờ dừa
Thằng măng là con chú tre
Nó bắt tôi về làm tội lột da
Thằng hành cho chí thằng hoa
Mắm muối cho vào cay hỡi đắng cay -
Trách phận (Nẫu ca)
Thân trách thân, thân sao lận đận
Mình trách mình số phận hẩm hiu
Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.Video
Chú thích
-
- Ló
- Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Xuân Viên
- Địa danh nay thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Hội Thống
- Địa danh nay thuộc xã Xuân Hội, cực Bắc của huyện Nghi Xuân, cũng là cực Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Nằm ở mé bờ Nam cửa Hội, Hội Thống có nghề nông, nghề buôn nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề biển. Ở đây ngoài ngôi Đình Kiên Nghĩa còn có các đền miếu mà trong đó có 3 ngôi đền thờ Nam Hải Ngư thần (cá ông) thường gọi là đền Cô, đền Cố, đền Cậu. Lễ cầu ngư ở Hội Thống được tổ chức hàng năm hoặc 3 năm 1 lần vào ngày 3/2 âm lịch.
-
- Do Nha
- Còn gọi là Xuân Nha, một làng xưa thuộc tổng Tam Chế, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, sau thuộc xã Ngũ Lộc, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, nay thuộc huyện Nghi Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làng có nghề truyền thống là đan lát.
-
- Lộc Châu
- Địa danh trước kia là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Cẩm Mỹ
- Địa danh trước đây là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Kẻ Giăng
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kẻ Giăng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Kẻ Cừa
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kẻ Cừa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Trung Sơn
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
-
- Cơn
- Cây (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
-
- Yên Xứ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Yên Xứ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Chạ
- Xóm. Đây là âm xưa của chữ 社 mà từ trong tiếng Việt hiện đại là xã.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Cầu Tràng Tiền
- Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.
-
- Vài
- Từ cổ là vì (kèo), kết cấu nối hai nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó.
-
- Nhịp cầu
- Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
-
- Tao khang
- Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
-
- Lụy
- Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
-
- Ni
- Này, nay (phương ngữ miền Trung).
-
- Hoa hiên
- Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.
-
- Xe
- Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.
-
- Trắc
- Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...
-
- Sái
- Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.
Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.
-
- Ma trơi
- Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.
Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười
(Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)
-
- Nường
- Nàng (từ cũ).
-
- Phù dung
- Tên gọi khác của cây thuốc phiện. Chiết xuất của loại cây này dùng làm thuốc giảm đau rất tốt, đồng thời cũng là nguyên liệu để chế thuốc phiện. Vì thế người xưa gọi thuốc phiện là "nàng phù dung" hoặc "ả phù dung."
-
- Tê
- Kia (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Thác
- Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
-
- Văn nhân
- Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.
Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
(Truyện Kiều)
-
- Quýt
- Một loại cây thân gỗ. Quả hình cầu hơi dẹt, màu xanh, vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm, ăn có vị ngọt; hạt trắng xanh. Hoa, lá, vỏ, xơ và múi quýt cũng là những vị thuộc dân gian.
-
- Quỳnh
- Tên gọi chung cho loài cây cảnh có hoa thường nở về đêm, được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm. Dân ta có có thói quen trồng quỳnh chung với cây cành giao. Hoa quỳnh từ lâu đã đi vào thơ văn và nhạc.
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành giao
(Truyện Kiều)Nghe bài Chuyện đóa quỳnh hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
-
- Quế
- Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.
-
- Hồi
- Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.
-
- Thục nữ
- Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
-
- Xuân Ổ
- Tên Nôm là làng Ó, một làng nay là hai thôn Xuân Ổ A và Xuân Ổ B thuộc phường Bắc Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, xưa thuộc tổng Khắc Niệm, huyện Tiên Du. Hằng năm vào mồng 5 Tết, làng mở hội thờ cúng Thành hoàng và hát quan họ. Chợ làng trước đây gọi là chợ Ó, nay không còn. Trước ngày vào đám, chập tối ngày mùng 4, làng nhóm họp chợ phiên. Phiên chợ Ó vừa tan, nhiều quán trầu của các cụ bà mọc lên, theo đó ''liền anh, liền chị'' mời nhau vào ngồi xơi trầu, rồi bắt đầu cuộc hát (xem thêm).
-
- Quan họ
- Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...
Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)
-
- Má hồng
- Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(Truyện Kiều)
-
- Đấu
- Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
-
- Thưng
- Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).
-
- Tiện
- Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
-
- Tề
- Cắt bớt.
-
- Đá vàng
- Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Mõ
- Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Bảo hộ
- Giúp đỡ và che chở. Trước đây thực dân Pháp lấy danh nghĩa bảo hộ để xâm lược nước ta và nhiều nước khác.
-
- Sông Bồ Đề
- Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
-
- Ở đây có thể là cầu Long Biên.
-
- Nghĩa nhân
- Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
-
- Tỉnh Hà Nội
- Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
-
- Quai thao
- Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.
-
- Thầy mẹ
- Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).
Con đi mười mấy năm trời,
Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
(Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)
-
- Cơm khê
- Cơm nấu quá lửa, có mùi khét.
-
- Cháo hoa
- Cháo loãng, chỉ nấu bằng gạo, ninh nhừ cho đến khi hạt gạo nở bung hết cỡ.
-
- Nồi bảy, nồi ba
- Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
-
- Bài này có nhiều câu tương tự với bài "Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần."
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Tộ
- Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)
-
- Đường non
- Đường được tạo thành từ mía qua một giai đoạn gọi là nấu đường. Nước ép mía được đổ vào những chảo gang, đặt trên lò lửa. Thợ lò chờ nước đường được nấu đến “độ” thì múc ra thùng gỗ, dùng chày đánh nước đường cho sánh đặc lại rồi rót vào những cái bát to làm bằng nhôm, có phết một lớp dầu phộng (để dễ gỡ đường). Một lát sau đường nguội thì gỡ ra, xếp theo cặp, cho vào những chiếc rổ to gánh về phơi cho khô. Loại đường này gọi là đường bát hay đường tán.
Đường non là nước đường nấu chưa tới "độ." Thợ lò múc một ít đường, đổ vào bẹ chuối và nghiêng cho đường tráng đều bẹ chuối là được. Khi đường non nguội thì sánh lại và có màu vàng, dẻo, vị ngọt thanh, rất thơm ngon.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá nục
- Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...
-
- Lê
- Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.
-
- Lựu
- Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
(Truyện Kiều)Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Thiếp
- Từ Hán Việt chỉ người vợ lẽ, hoặc cách người phụ nữ ngày xưa dùng để tự xưng một cách nhún nhường.
-
- Nớ
- Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Thiệt
- Thật (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ này được đọc trại ra như vậy do kị húy bà vương phi Lê Thị Hoa (được vua Gia Long đặt tên là Thật).
-
- Dân phu
- Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
-
- Tạp dịch
- Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
-
- Trửa
- Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Nghiệt
- Ác nghiệt, nghiệt ngã.
-
- Kíp
- Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
-
- Chợ Lường
- Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
-
- Lính mộ
- Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.
-
- Phên
- Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.
-
- Mần răng
- Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Vạn tử nhất sinh
- Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
-
- Bể
- Biển (từ cũ).
-
- Quy tế
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Diên
- Tiệc rượu (từ Hán Việt).
-
- Têm trầu
- Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.
-
- Tiền
- Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
-
- Khăn vuông
- Loại khăn to bề khổ, bốn cạnh bằng nhau, dùng để đội đầu hoặc gói bọc đồ đạc quần áo đem theo mình. Đầu tiên, người ta để quần áo vật dụng vào giữa khăn, lấy hai chéo đối nhau siết chặt lại, cuối cùng thắt gút hai chéo còn lại với nhau, xỏ tay vào để mang túi lên vai.
-
- Nứa
- Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).
-
- Xương sông
- Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...
-
- Nậu
- Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
-
- Phú Lễ
- Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
-
- Mũi Đại Lãnh
- Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.
-
- Mực nang
- Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.
-
- Cơ hàn
- Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
(Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Chu choa
- Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...