Tìm kiếm "đi đường"

  • Chàng đi để nhện buông mùng

    Chàng đi để nhện buông mùng
    Đêm năm canh thiếp chịu lạnh lùng cả năm
    Đêm nay bỏ thoải tay ra
    Giường không chiếu vắng xót xa trong lòng
    Nửa đêm súc miệng ấm đồng
    Lạnh lùng đã thấu đến lòng chàng chưa?
    Đêm qua tắt gió liền mưa
    Chàng cầm cành bạc thiếp đưa lá vàng
    Một ngày năm bảy tin sang
    Thiếp những mong chàng chàng những mong ai
    Má hồng còn có khi phai
    Răng đen khi nhạt tóc dài khi thưa
    Trông ra phố trách ông trời
    Chỗ ăn thì có chỗ ngồi thì không
    Chém cha cái số long đong
    Càng vương với chữ tình chung càng rầy

  • Cốc cốc keng keng

    Cốc cốc, keng keng
    Bà Rèn đi chợ
    Bà Rớ ở nhà
    Bắt gà làm thịt
    Bắt vịt chặt đuôi
    Bắt ruồi chặt cánh
    Đòn gánh có mấu
    Con sấu có tai
    Con nai có gạc
    Thợ giác có bầu
    Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổm

    Dị bản

    • Cốc cốc, keng keng
      Mụ rèn đi chợ
      Mụ vợ ở nhà
      Bắt gà làm thịt
      Bắt vịt về nuôi
      Con ruồi có cánh
      Đòn gánh có mấu
      Con sấu có tai
      Con nai có gạc
      Thợ giác có bầu
      Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổm

    • Mụ sên đi chợ
      Mụ rổ ở nhà
      Bắt gà làm thịt
      Bắt vịt chặt đuôi
      Bắt ruồi chặt cánh
      Đòn gánh có mấu
      Con sấu có tai
      Con nai có sừng
      Bánh chưng thì ngọt
      Roi mót thì đau
      Hàng trầu hàng cau
      Là hàng con gái
      Hàng bánh hàng trái
      Là hàng bà già
      Hàng hương hàng hoa
      Là hàng ông Bổn.

  • Con vỏi, con voi

    Con vỏi, con voi
    Cái vòi đi trước
    Hai chân trước đi trước
    Hai chân sau đi sau
    Còn cái đuôi
    Đi sau rốt
    Tôi xin kể nốt
    Cái chuyện con voi
    Con vỏi, con voi…

  • Ông giẳng ông giăng

    Ông giẳng ông giăng
    Ông giằng búi tóc
    Ông khóc ông cười
    Ông lười đi trâu
    Mẹ ông đánh đau
    Ông ngồi ông khóc
    Ông phóc xuống đây
    Dung dăng dung dẻ.

  • Ù à ù ập

    Ù à ù ập
    Nước chảy tràn ngập
    Cả vũng chân trâu
    Chị đỏ đi đâu?
    Đi cày đi cấy
    Bắt được con bấy
    Đem về nấu canh
    Băm tỏi băm hành
    Xương sông lá lốt
    Băm cho đầy thớt
    Nấu cho đầy nồi
    Đặt lên vừa sôi
    Bắc xuống vừa chín
    Chàng về chàng hỏi
    Được mấy bát canh?
    Tôi chiềng với anh
    Được ba bốn bát
    Đừng có xáo xác
    Mà xóm giềng nghe
    Để ra ăn de
    Được ba bốn bữa.

  • Nghé hành nghé hẹ

    Nghé hành nghé hẹ
    Nghé chả theo mẹ
    Thì nghé theo đàn
    Nghé chớ đi càn
    Kẻ gian nó bắt
    Nó cắt mất tai
    Nó nhai mất đầu
    Còn đâu theo mẹ

    Dị bản

    • Nghé hành nghé hẹ
      Có khôn theo mẹ
      Có khéo theo đàn
      Chớ có chạy quàng
      Có ngày lạc mẹ
      Việc nhẹ phần con
      Kéo nỉ kéo non
      Kéo đến quanh tròn
      Mẹ con ta nghỉ

  • Ông Liên Xô, bà Trung Quốc

    Ông Liên Xô, bà Trung Quốc
    Ông đi guốc, bà đi giầy
    Ông nhảy dây, bà đá bóng
    Ông đi tắm, bà cài then
    Ông mua kem, bà xin miếng
    Ông không cho, bà đá đít

    Dị bản

    • Ông Liên Xô, bà Trung Quốc
      Ông đi guốc, bà đi giầy
      Ông nhảy dây, bà đá bóng
      Ông đi tắm, bà đứng xem
      Ông ăn kem, bà xin miếng,
      Ông không cho, bà hét to
      Đồ ki bo! Đồ ki bo!

  • Cái cú cái cao

    Cái cú cái cao
    Tao cầm cái dao
    Mày làm sao tao làm vậy
    Mày đi buôn cậy
    Tao đi buôn hồng
    Mày đi lấy chồng
    Tao đi lấy vợ
    Mày đi chợ
    Tao đi chơi
    Mày lên trời
    Tao xuống bể
    Tao kể mày nghe
    Mầy nghe cho lọt

  • Cha sáo, mẹ sáo

    Cha sáo, mẹ sáo
    Trồng một đám dưa
    Đi trưa về sớm
    Bầy quạ ăn chán
    Sáo giận sáo bỏ
    Sáo ra ngoài đồng
    Sáo ăn trái đa
    Người ta bắt đặng
    Cắt cổ nhổ lông
    Tôi thưa với ông
    Tôi là con sáo
    Hay kiện hay cáo
    Là con bồ câu
    Lót ổ cho sâu
    Là con cà cưỡng
    Chân đi lưỡng thưỡng
    Là chú cò ma
    Tối chẳng dám ra
    Là con mỏ nhát
    Chùi đầu xuống cát
    Là con manh manh
    Tấm rách tấm lành
    Là con sả sả
    Miệng cười hỉ hả
    Là con chim cu
    Hay oán hay thù
    Là chim chèo bẻo
    Học khôn học khéo
    Là con le te
    Hay đậu đọt tre
    Là con chèo gấm

  • Gió đánh cành đa

    Gió đánh cành đa
    Thầy tưởng rằng ma
    Thầy ù thầy chạy
    Ba thằng ba gậy
    Đi đón thầy về
    Bắt con lợn sề
    Cho thầy chọc tiết
    Bắt con cá diếc
    Cho thầy bóc mang
    Bát con tôm càng
    Cho thầy bóc vỏ
    Lấy đôi đũa đỏ
    Cho thầy gãi lưng
    Bóc đồng bánh chưng
    Cho thầy chấm mật

    Dị bản

    • Đom đóm bay qua
      Gió đập cành đa
      Gió đánh cành đa
      Thầy tưởng rằng ma
      Thầy ù thầy chạy
      Ba thằng ba gậy
      Đi đón thầy về

  • Cắc cắc tùng tùng

    Cắc cắc tùng tùng
    Tùng tùng cắc cắc
    Kẻ gian làng bắt
    Kẻ ngay làng tha
    Già trẻ đi ra
    Tùng tùng cắc cắc
    Ai lười làng bắt
    Ai siêng làng tha
    Già trẻ đi ra
    Tùng tùng cắc cắc

Chú thích

  1. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  2. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  3. Mủng
    Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  5. Nia
    Dụng cụ đan bằng tre, hình tròn, có vành, rất nông, dùng để đựng và phơi nông sản (gạo, lúa)...

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  6. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  7. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  8. Ba Tri
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) - nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19.

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

  9. Thợ giác
    Người làm nghề giác hơi (một cách chữa bệnh bằng cách dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt và sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh).

    Giác hơi

    Giác hơi

  10. Bầu
    Tức ống giác, là dụng cụ hình ống, bằng tre, trúc hay thủy tinh, sành sứ.
  11. Có bản chép: là hàng Nhật Bổn.
  12. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  13. Bấy
    Cua mới lột xác, vỏ còn mềm (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  14. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  15. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  16. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  17. Xáo xác
    Xào xạc, lao xao.
  18. Ăn de
    Ăn nhín, ăn dè.
  19. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  20. Cậy
    Cũng gọi là cây thị sen hoặc cây mận chà là, loại cây gỗ nhỏ thường gặp ở miền Bắc, thuộc họ thị, vỏ màu hơi đen, nhánh non có lông. Quả phơi khô dùng ăn và được dùng làm thuốc giải nhiệt. Nhựa cây cậy có chất dính, thường dùng để phết dán quạt giấy.

    Cậy

    Cậy

  21. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  22. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  23. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  24. Cò ma
    Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.

    Cò ma

    Cò ma

  25. Mỏ nhát
    Một loài chim nhỏ, lông rằn, vàng nâu, mỏ dài nhọn, bay rất nhanh và xa; thường kiếm mồi trong các ruộng ít nước ban ngày và kêu ban đêm. Người dân quê thường bắt chim mỏ nhát làm món nướng.

    Chim mỏ nhát

    Chim mỏ nhát

  26. Manh manh
    Loại chim nhỏ, đẹp, hiện nay thường được nuôi làm cảnh. Có nhiều loại manh manh khác nhau. Manh manh trắng toàn thân lông màu trắng toát, trừ hai bên má có đốm lông vàng, mỏ đỏ, chân vàng, chim trống mỏ đỏ sậm, con mái mỏ đỏ lợt. Manh manh bông có mỏ đỏ, má vàng, hai bên mỏ có sọc trắng dọc theo mép tai, cổ vằn màu xám, ức đen, bụng trắng, lông dọc theo hai bên hông màu gạch có nổi bông trắng. Đuôi tuy nhỏ, ngắn nhưng lại cầu kỳ, khúc trắng khúc đen như chim trĩ. Manh manh nâu (sô-cô-la) ở má và cánh có đốm màu vàng anh.

    Một con chim manh manh

    Một con chim manh manh

  27. Sả sả
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sả sả, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  29. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  30. Le te
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Le te, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  31. Chèo gấm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chèo gấm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  32. Xem thêm bài Vè cầm thú.
  33. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  34. Có bản chép: Đom đóm bay qua.
  35. Lợn sề
    Cũng hay được viết nhầm thành lợn xề, chỉ lợn nái đã đẻ nhiều lứa. Từ nái sề cũng thường được dùng để chỉ người phụ nữ nhiều con một cách trào phúng.
  36. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  37. Có bản chép: Mua rổ lạc rang.
  38. Có bản chép:

    Mua tấm lụa đỏ
    Cho thầy thắt lưng

  39. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  40. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  41. Đọt
    Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
  42. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc