Tìm kiếm "rồng rắn"

  • Giường này ai trải chiếu đây

    Giường này ai trải chiếu đây
    Đêm qua không ngủ, đêm nay không nằm
    Một chăn đắp chẳng kín chân
    Hai chăn đắp để muôn phần xót xa
    Ba chăn thương nhớ cả ba
    Hay là mình đã năm ba tớ thầy
    Hay là mình giận ta đây
    Mình cho ta biết một giây kẻo sầu
    Tin đi mối lại đã lâu
    Mình về lấy vợ để sầu cho ta
    Càng nom thì bóng càng xa
    Chàng về lấy vợ cho ta lấy chồng
    Đố ai khuyên gió bóng thông
    Đố ai xúi giục cho rồng phun mưa
    Ruột tằm bối rối vò tơ
    Tay khoan tay rẽ cho thưa mối sầu.

  • Anh là thợ mộc Thanh Hoa

    Anh là thợ mộc Thanh Hoa,
    Làm cầu, làm quán, làm nhà khéo thay.
    Lựa cột anh dựng đòn tay,
    Bào trơn, đóng bén nó ngay một bề.
    Bốn cửa anh chạm bốn dê,
    Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
    Bốn cửa anh chạm bốn rồng,
    Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo.
    Bốn cửa anh chạm bốn mèo,
    Con thì bắt chuột, con leo xà nhà.
    Bốn cửa anh chạm bốn gà,
    Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn.
    Bốn cửa anh chạm bốn lươn,
    Con thì uốn khúc, con trườn bò ra.
    Bốn cửa anh chạm bốn hoa,
    Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.
    Bốn cửa anh chạm bốn đèn,
    Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.
    Một đèn đọc sách ngâm thơ,
    Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.

  • Anh làm lò đá thì có máy khoan

    Anh làm lò đá thì có máy khoan
    Một ngày sáu lỗ nó giao đoan cho liền
    Anh mà làm được vẹn tuyền
    Thì anh mới được tính tiền công cho
    Công thì bốn tám đồng xu
    Gạo thì ăn chịu để phu phàn nàn
    Tiền công hàng tháng chẳng hoàn
    Nó còn lưu lại để giam giữ mình
    Thằng Tây, thằng xếp một vành
    Mồ hôi công sức của mình chúng ăn
    Làm thì phoi đá, phong than
    Anh hít vào ruột vào gan suốt ngày
    Mắc bệnh gầy yếu đắng cay
    Cơn ho hộc máu chảy ngay ròng ròng
    Cảnh nghèo cực khổ vô cùng
    Thuốc thang chẳng có lăn đùng chết tươi.

  • Tháng Giêng xuân tuyết mau mưa

    Tháng giêng xuân tuyết mau mưa
    Nhớ chàng những lúc sớm trưa vui cười
    Tháng hai hoa đã nở rồi
    Nhớ chàng em phải đứng ngồi thở than
    Tháng ba nắng lửa mưa dầu
    Nhớ chàng em những âu sầu chả tươi
    Tháng tư sấm giục mưa rơi
    Nhớ chàng thơ thẩn ra chơi vườn cà
    Tháng năm gặt hái rồi rà
    Nhớ chàng như thể nhớ hoa trên cành

  • Mẹ mình khéo đẻ mình ra

    Mẹ mình khéo đẻ mình ra
    Đẻ mình mười bốn, đẻ ta hôm rằm.
    Mình đen ta cũng ngăm ngăm
    Mẹ ta thách cưới một trăm quan tiền
    Mình về bán tổ bán tiên
    Bán ruộng tư điền chẳng lấy được ta
    Mình về bán cửa bán nhà
    Bán kèo bán cột bán xà đòn tay
    Mình về bán mẹ đêm nay
    Lấy được quân này đất lở trời long.
    Bao giờ bạc đổ ra nong
    Tiền quây, thóc cót lấy xong quân này
    Quân này quân ăn quân chơi
    Quân đánh trống bỏi, quân bơi thuyền rồng.
    Gái này là gái kén chồng
    Kén từ tỉnh Bắc, tỉnh Đông, tỉnh Đoài
    Kén từ mười tám ông cai
    Mười lăm ông đội, mười hai ông đồn.
    Kén từ con cháu nhà vua
    Bước chân xuống chùa lễ Phật ăn chay

  • Chồng em nó chẳng ra gì

    Chồng em nó chẳng ra gì
    Tổ tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang
    Nói ra, xấu thiếp hổ chàng
    Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà
    Nói đây, có chị em nhà
    Còn năm thúng thóc với vài cân bông
    Em bán trả nợ cho chồng
    Còn ăn hết nhịn, hả lòng chồng con
    Đắng cay ngậm quả bồ hòn
    Cửa nhà gia thế, chồng con kém người
    Nói ra, sợ chị em cười
    Con nhà gia giáo lấy người đần ngu
    Rồng vàng tắm nước ao tù
    Người khôn ở với người ngu nặng mình

  • Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả

    Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
    Kiếp khổ nghèo ai chả như ai
    Còi tầm chiều, tối, ban mai
    Búa rìu, đèn đất khoác vai vào lò
    Tìm cái sống hơn lo cái chết
    Sập hầm lò hết kiếp ngựa trâu
    Chui vào lò giếng sâu sâu
    Chui sang lò chợ trông nhau dặn dò
    Đã đeo cái thẻ phu lò
    Khéo chui thì thoát, khéo bò thì lên
    Khói cửa lò người đen như cháy
    Mình đầu trần nhễ nhại mồ hôi
    Đời người đến thế thì thôi
    Bát cơm mấy bát mồ hôi cho vừa
    Mong đất nước bao giờ đổi mới
    Dân Nam mình thoát khỏi cùm gông
    Hai mươi nhăm triệu tiên rồng
    Chen vai gánh vác non sông mới là.

  • Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận

    – Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận
    Hỏi đó một lời cho tận nhơn tâm
    – Hễ gặp tri âm dẫu nói cả năm anh không mỏi,
    Vậy chớ con bạn mình muốn hỏi sự chi?
    – Hỏi anh một chuyện, em nguyện học đòi,
    Anh ôi, vậy chớ người Tây sao sướng hẳn hòi,
    An nam mình lại chịu thiệt thòi nắng mưa?
    – Người có vinh có nhục, cũng như nước có đục có trong,
    Bởi vì mình ít có đồng lòng,
    Không lo học giỏi cho ròng như Tây
    – À há? Thật họ hay, nên làm thầy mình chịu dở,
    Mình chẳng lo mình, mấy thuở được nên?
    – Phận em là gái còn phải trái xét nhằm,
    Huống gì nam tử cam tâm
    Nếu không lo học tập, hổ thầm phận trai.

  • Trường đồ tri mã lực

    Trường đồ tri mã lực,
    Sự cửu kiến nhân tâm.
    Sen trong đầm lá xanh bông trắng,
    Sen ngoài đầm bông trắng lá xanh.
    Chim khôn lót ổ lựa nhành,
    Gái khôn tìm chỗ trai lành kết duyên.
    Vô dược khả y khanh tướng bệnh,
    Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
    Bạc muôn khó chuộng bạn hiền sánh đôi.
    Ở trên trời có ngôi sao Bắc Đẩu,
    Ở dưới hạ giới có con sông Giang hà,
    Sông Giang hà chảy ra biển rộng
    Bắc đẩu tinh quay ngõng chầu trời,
    Tôi thương mình lắm mình ơi,
    Biết sao kể nỗi khúc nhôi ớ mình!

  • Xa nhau cách mấy con trăng

    Xa nhau cách mấy con trăng
    Đêm nằm lơ lửng, uống ăn không thường
    Không biết ai tôi nhắn với người thương
    Nhắn anh dầu phụng Quán Rường mới ra
    Nhắn bạn hàng Phong Thử, Hà Nha
    Nhắn người Vĩnh Điện, La Qua xưa rày
    Nhắn người quen biết xưa nay
    Nhắn ông đi cuốc đi cày cũng không
    Chợ chiều tôi nhắn chị hàng bông
    Nhắn cô gánh nước, nhắn ông đưa đò
    Nhắn người chuyển miệng giùm cho
    Nhắn người cắt cỏ, giữ bò giữ trâu
    Nhắn ông đi úp sông sâu
    Nhắn ông bủa lưới giăng câu dọc gành
    Nhắn người đốn củi rừng xanh
    Nhắn cô bán cá, nhắn anh bán trầu
    Nhắn người ở dưới Câu Lâu
    Nhắn cô bán vải ở cầu Bình Long

  • Nước rằm chảy thấu Nam Vang

    Nước rằm chảy thấu Nam Vang,
    Mù u chín rụng sao chàng bặt tin?

    Dị bản

    • Nước ròng chảy thấu Tam Giang
      Sầu đâu chín rụng, sao chàng bặt tin?
      Nỗi buồn con nhện đem điềm
      Chầu rày người bạn chắc quên ta rồi?

    • Nước ròng chảy thấu Tam Giang
      Sầu đâu chín đỏ, sao chàng còn đây?

  • Chuyến này anh chở cát

    Chuyến này anh chở cát
    Chuyến khác anh chở vôi
    Anh làm sao cho duyên nợ lôi thôi, nay đổi mai dời
    Liệu bề anh có thương đặng trọn đời anh hãy thương

    Dị bản

    • Chuyến này anh chở cát
      Chuyến khác anh chở khoai
      Duyên nợ của ai, anh trả lại cho ai
      Biển rộng sông dài hai ngã biệt li

  • Tay chùi nước mắt ướt nhem

    Tay chùi nước mắt ướt nhem
    Tại anh chậm bước nên em lấy chồng

    Dị bản

    • Tay chùi nước mắt ướt mem
      Tại anh chậm bước nên em có chồng
      Đêm năm canh luống những phập phồng
      Ruột gan nùi rối, nước mắt hồng tuôn rơi
      Ớ chàng quân tử kia ơi
      Cửa song loan sớm mở tối gài
      Em đứng trong than thở, anh đứng ngoài thở than
      Màn rồng một bức che ngang
      Nỗi lòng kể mấy quan san hai đứa mình

Chú thích

  1. Có bản chép: Anh làm thợ mộc Thanh Hoa.
  2. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  3. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  4. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  5. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  6. Giao đoan
    Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
  7. Đội xếp
    Cảnh sát thời Pháp thuộc (từ tiếng Pháp chef).
  8. Mưa dầu
    Mưa ít quá, làm cho nóng thêm.
  9. Rồi rà
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rồi rà, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  10. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  11. Tư điền
    Ruộng của riêng.
  12. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  13. Đòn tay
    Đoạn tre hay gỗ nằm trên kèo, dùng để đỡ rui của mái nhà.
  14. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  15. Trống bỏi
    Trống bằng giấy cho trẻ con chơi, hai bên có hai sợi dây, đầu buộc một hạt nặng, đập vào mặt giấy thành tiếng khi xoay nhanh.

    Trống bỏi

    Trống bỏi

  16. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  17. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  18. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  19. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  20. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  21. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  22. Gia thế
    Thế lực, tầm ảnh hưởng của một gia đình.
  23. Gia giáo
    Có nền nếp, có giáo dục (thường nói về gia đình phong kiến thời trước).
  24. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  25. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  26. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  27. Đèn đất
    Loại đèn của thợ mỏ ngày trước, được thắp sáng bằng phản ứng hóa học giữa đất đèn (acétylen) và nước.

    Đèn đất

    Đèn đất

  28. Lò giếng
    Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
  29. Lò chợ
    Nơi nhiều thợ mỏ cùng trực tiếp khai thác than trong mỏ.
  30. Nhân tâm
    Lòng người (từ Hán Việt).
  31. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  32. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  33. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  34. Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm
    Đường dài mới biết sức ngựa, việc lâu ngày mới biết lòng người. Câu này là một dị bản của một câu trong Cổ huấn: Lộ diêu tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm.
  35. Vô dược khả y khanh tướng bệnh, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền
    Không có thuốc nào chữa được bệnh ham làm quan (khanh tướng bệnh), có tiền cũng khó mua được con cháu hiền. Câu này thật ra là một dị bản của một câu trong Minh Tâm Bửu Giám: Vô dược khả y khanh tướng thọ, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
  36. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  37. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  38. Giang hà
    Sông nước nói chung (từ Hán Việt).

    Con chim chết dưới cội hoa
    Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

    (Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

  39. Ngõng
    Mấu hình trụ để tra cán cối xay, làm điểm tựa, nếu không thì cối xay không quay được.

    Cối xay thóc

    Cối xay thóc

  40. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  41. Con trăng
    Một chu kì của mặt trăng xoay quanh trái đất, tức một tháng âm lịch.
  42. Quán Rường
    Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
  43. Phong Thử
    Địa danh nay thuộc xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Phong Thử nằm ở ven sông Thu Bồn, đất đai tuy nhiều nhưng ruộng lúa nước tương đối ít, vì vậy người dân xưa kia sống chủ yếu bằng nghề trồng bông, nuôi tằm dệt vải và làm nghề buôn bán nhỏ.

    Chợ Phong Thử

    Chợ Phong Thử

  44. Hà Nha
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

  45. Vĩnh Điện
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  46. La Qua
    Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
  47. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  48. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  49. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  50. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  51. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  52. Bình Long
    Tên một con lạch chảy qua các xã Điện Phước, Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  53. Thẹo
    Sẹo (phương ngữ Nam Bộ).
  54. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  55. Cừ
    Cọc bằng gỗ được đóng xuống để củng cố đất, dùng trong các công trình xây dựng trên nền đất yếu, đất bùn (nhà cửa gần sông rạch, đê điều chắn sóng...).
  56. Nước rằm
    Con nước vào ngày rằm. Ngày rằm hằng tháng, nước dâng lên cao do tác động của Mặt Trăng (gọi là thủy triều). Người dân Nam Bộ hay gọi là con nước rằm.
  57. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  58. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  59. Có bản chép: biệt li.
  60. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  61. Tam Giang
    Tên một con sông ngắn (chỉ độ 10km) chảy từ Hòn Kề ra biển ở Vũng Chào thuộc vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.
  62. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  63. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  64. Cổ kim
    Xưa (cổ) và nay (kim).
  65. Gió mùa Đông Bắc
    Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
  66. Dồi
    Đánh phấn cho dính vào da.
  67. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  68. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  69. Lườn
    Mặt bên cạnh của ghe thuyền.
  70. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  71. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  72. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  73. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  74. Quan san
    Cửa ải (quan) và núi non (san), cũng nói là quan sơn (từ Hán Việt). Trong văn chương, quan san thường được dùng để chỉ đường sá xa xôi, cách trở.

    Người lên ngựa, kẻ chia bào
    Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

    (Truyện Kiều)