Thiếp gặp chàng như Ngưu lang gặp hội
Chàng gặp thiếp như hạc đỗ lưng quy
Cứ lời anh dặn em ri
Giàu sang mặc họ, khó khăn chi cũng vợ chồng
Tìm kiếm "ông ĐỊa"
-
-
Chăn đơn gối chiếc nửa hòng
Chăn đơn gối chiếc nửa hòng
Cạn sông lở núi ta đừng quên nhau
Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng ăn xôi đỏ dạ sầu đăm chiêu
Biết rằng thuốc dấu hay bùa yêu
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
Làm cho quên mẹ quên cha
Làm cho quên cửa quên nhà
Làm cho quên cả đường ra lối vào
Làm cho quên cá dưới ao
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời
Đất Bụt mà ném chim trời
Ông Tơ bà Nguyệt xe dây nhợ nửa vời ra đâu
Cho nên cá chẳng bén câu
Lược chẳng bén dầu, chỉ chẳng bén kim
Thương nhau nên phải đi tìm
Nhớ nhau một lúc như chim lạc đàn. -
Tiếng đồn chàng hay chữ
-
Trách lòng con chó nhỏ sủa dai
Trách lòng con chó nhỏ sủa dai
Sủa nguyệt sơn đài, sủa bóng trăng thanh
Trăng thanh vì bởi không mây
Đôi ta gặp gỡ vì dây tơ hồng
Dây tơ hồng không xe mà mắc
Rượu Quỳnh tương không nhắp mà say
– Thuận lòng con chó nhỏ sủa dai
Sủa nguyệt sơn đài, sủa núi trơn lu
Trơn lu vì bởi đám mây
Đôi ta trắc trở vì dây tơ hồng
Dây tơ hồng đứt rồi khó nối
Hai đứa mình hai đứa hai nơi -
Gò Công rạch Lá nhớ lung
-
Chiều chiều ông Lữ đi câu
-
Tôi lạy ông Cầu bà Quán
Tôi lạy ông Cầu bà Quán
Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
Nó ăn nó chơi
Như con ngựa ngáp
Việc làm thì nhác
Lại hay nỏ mồm
Củ từ khoai môn
Bao nhiêu cũng chứa
Vớt bèo thì ngứa
Xay thóc nhức đầu
Chăn trâu ngã nắng
Chồng giận có mắng
Thì lại hờn cơm
Ra chân đống rơm
Cắn chắt trừ bữa
Nhà có đám giỗ
Luộc gà quăng mề
Thổi cơm thì khê
Rang vừng thì cháy
Con mắt nhấp nháy
Ăn vụng thành thần
Lấy giẻ chùi chân
Lấy rơm lau bát…Dị bản
Tôi lạy ông Cầu bà Quán
Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
Nó ăn nó chơi
Nó tươi nó cười
Như con ngựa ngáp
Làm ăn chậm chạp
Có tí nỏ mồm
Đi chợ bao nhiêu khoai lang củ từ cũng chứa
Vớt bèo thì ngứa
Xay lúa nhức đầu
Chăn trâu ngã nắng
Chồng giận chồng mắng
Có tính hờn cơm
Ra chân đống rơm
Cắn chắt trừ bữa
Nay lần mai lữa
Mày giống tính ai?
-
Em là gái út nhất nhà
-
Em là con gái nhà quê
Em là con gái nhà quê
Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
Chẳng ham tham phú phụ bần
Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
Cầm cân chàng nhấc cho bằng
Một bên cối đá một đằng tiền cheo
Hỏi chàng rằng có hay nghèo
Lệ làng phải sửa bấy nhiêu mới từng … -
Tôi chào cô Hai như sao mai rạng mọc
Tôi chào cô Hai như sao Mai rạng mọc
Tôi chào cô Ba như hạt ngọc lung linh
Tôi chào cô Tư như thủy tinh trong vắt
Tôi chào cô Năm như hương ngát bông lan
Tôi chào cô Sáu như hào quang lóng lánh
Tôi chào cô Bảy như cuốn sách chạm bìa vàng
Tôi chào cô Tám như hai làng liễn cẩn
Chào cô Chín như rồng ẩn mây xanh
Chào cô Mười như chim oanh uốn lưỡi trên cành
Chào rồi tôi chụp hỏi rành rành
Hỏi căn cơ hà xứ phụ mẫu cùng huynh đệ thiểu đa
Hỏi cho biết cửa biết nhà
Nhờ ông mai tới nói, nay tới chết tôi cũng quyết giao hòa với một cô. -
Ai làm Ngưu Chức đôi đàng
-
Bực mình lên tận thiên cung
Bực mình lên tận thiên cung
Bắt ông Nguyệt lão hỏi thăm vài lời
Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi
Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì
Biết người biết mặt nhau chi
Để đêm em tưởng ngày thì em mơ
Bắc Ninh cho đến Phủ Từ
Qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người
Tìm người chẳng biết mấy nơi
Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây. … -
Cầu Ô Thước trăm năm giữ vẹn
-
Giàu như ai thì tôi không biết
Giàu như ai thì tôi không biết
Chớ giàu như tôi chừ, ít kẻ muốn vô:
Trong nhà trống rỗng, chỗ mô cũng thấy trời
Trong nhà chẳng thiếu chi đồ chơi
Nàng nàng, bợp bợp mọc thời huyên thuyên
Rau dền, rau má mọc riêng
Cỏ chỉ, cỏ cú mọc liền đầy sân
Trong nhà có sắm một cái giàn
Để năm ba tấm đệm, vài ngàn lá tơi
Lại thêm năm bảy cái nón cời
Vài gùi giẻ rách để chờ thời diện sang … -
Đu đủ tía, giềng giềng cũng tía
Đu đủ tía, giềng giềng cũng tía,
Khoai lang giâm, ngọn mía cũng giâm.
Củi kia chen lộn với trầm,
Em giữ sao cho khỏi, kẻo lầm, bớ emDị bản
Ô rô tía, dền dền cũng tía,
Đọt lang giâm, đọt mía cũng giâm.
Em nói với anh nhiều tiếng thâm trầm,
Bây giờ anh gá duyên chỗ khác, ruột em bầm như dưaĐu đủ tía ngọn rau dền cũng tía
Khoai lang giâm ngọn mía cũng giâm
Mù u chụm lộn với tràm
Em giữ sao cho trọn đạo kẻo làng cười chê.Ngọn dền dền tía, ngọn tía tô cũng tía
Ngọn khoai lang giâm, ngọn mía cũng giâm
Mai dong tốt nói em lầm
Bây giờ nghĩ lại giận bầm lá gan
-
Làng Vạc ăn cỗ ông Nghè
-
Nón này em sắm ở đâu
Nón này em sắm ở đâu
Dọc ngang mấy thước, móc khâu mấy lần
Em mà đáp được như thần
Thì anh trả nón đưa chân anh về
– Nón này em sắm chợ Giầu
Dọc ngang thước rưỡi, móc khâu năm đường
Nón này chính ở làng Chuông
Làng Già lợp nón, Khương Thường bán khua
Hà Nội thì tết quai tua
Có hai con bướm đậu vừa xung quanh
Tứ bề nghiêng nón chạy quanh
Ở giữa con bướm là hình ông trăng
Nón này em sắm tiền trăm
Ai trông cái nón ba tầm cũng ưa
Nón này che nắng che mưa
Nón này để đội cho vừa đôi ta
Nón này khâu những móc già
Em đi thử nón đã ba năm chầy
Muốn em chung mẹ chung thầy
Thì anh đưa cái nón này em xin. -
Tài nguyên than mỏ nước Nam
Tài nguyên than mỏ nước Nam
Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
Chỉ vì đói rách phải đi
Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
Một nghìn chín trăm ba ba
Là năm Quý Dậu con gà ác thay
Kể dời phu mỏ Hòn Gai
Công ty than của chủ Tây sang làm
Chiêu phu mộ Khách, An Nam
Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
Than ra ở các mỏ này
Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
Bán than cho các nước ngoài
Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
Làm ra máy trục, máy sàng
Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
Va-gông, than chở về ga
La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
Để cho xe hỏa dắt dồn
Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
Cửa Ông là Cẩm Phả po
Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
Ngoại giao các nước thông thương
Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
Tây Bay coi sổ la voa
Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
Một đường đi thẳng Hà Lầm
Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về … -
Cá biển, cá đồng
Cá biển, cá đồng
Cá sông, cá ruộng
Dân yêu dân chuộng
Là cá tràu ổ
Ăn nói hàm hồ
Là con cá sứ
Đưa đẩy chốn xa
Là con cá đày
Hay gặp mặt nhau
Là con cá ngộ
Trong nhà nghèo khổ
Là con cá cầy
Chẳng dám múc đầy
Là con cá thiểu
Mỗi người mỗi thiếu
Là con cá phèn
Ăn nói vô duyên
Là con cá lạc
Trong nhà rầy rạc
Là con cá kình
Trai gái rập rình
Là cá trích ve
Dỗ mãi không nghe
Là con cá ngạnh
Đi đàng phải tránh
Là con cá mương
Mập béo không xương
Là con cá nục
Được nhiều diễm phúc
Là con cá hanh
Phản hại cha anh
Là con cá giếc
Suốt ngày ăn miết
Là con cá cơm
Chẳng kịp dọn đơm
Là con cá hấp
Rủ nhau lên dốc
Là con cá leo
Hay thở phì phèo
Là con cá đuối
Vừa đi vừa cúi
Là con cá còm
Hay nói tầm xàm
Là con cá gáy
Vừa trốn vừa chạy
Là con cá chuồn
Cứ viết lách luôn
Là con cá chépDị bản
Cá biển cá bầy
Ăn ngày hai bữa
Là con cá cơm
Ăn chẳng kịp đơm
Là con cá hấp
Rủ nhau lên dốc
Là con cá leo
Miệng thở phèo phèo
Là con cá đuối
Nhọn mồm nhọn mũi
Là con chào rao
Nhận hủ nhận vò
Là con cá nhét
Nở ra đỏ chẹt
Là con cá khoai
Đi ăn trộm hoài
Là con cá nhám
Khệnh khệnh khạng khạng
Là con cá căng
Già rụng hết răng
Là con cá móm
Bò đi lọm khọm
Là con cá bò
Ăn chẳng biết no
Là con cá hốc
-
Ví dù theo lái xuống tàu
Ví dù theo lái xuống tàu
Thì em mới biết cá gầu có gai
Con bơn, con nhệch là hai
Con còng, con ghẹ, nó tài đào hang
Kể rằng cá đuối bơi ngang
Cái đuôi có điện ra đàng làm cao
Lại tăm con cá đuối sao
Nước lên cả nước gặp ngay cá ngần
Biển sâu lại có chướng ngầm
Cá ăn nó lượn ba lần nó ra
Cá Ông thì ở bể xa
Lưỡng long chầu nguyệt có ngà đôi bên
Lần đầu xuống bến xuống thuyền
Sao mà em biết nhãn tiền cá Ông
Ví dù em có sang sông
Thì em mới biết cá Ông chầu đền
Kể từ mặt biển kể lên
Chim, thu, nhụ, đé, vược hên nhất đời
Cá he ngậm nước bao giờ
Mà em dám nói đổ ngờ cá he
Kể cả con cá mòi he
Xương dăm vẫn mặc cứ le cho vào
Kể từ con cá chuồn hoa
Nó nhảy một cái qua ba lần thuyền
Kể từ con cá đối đen
Bắt được đi bán lấy tiền ăn chơi
Dưới bể có cả đồi mồi
Có con lợn bể nó bơi cả ngày
Kể cả con cá mó tày
Vàng xanh cả vẩy cả vây cũng mừng
Kể cả con mực, con nhưng
Cứ cầm cho chặt lưới thừng không buông
Con mực nhuộm đục cả luồng
Đón đuôi thả lưới mà buông đến cùng
Cá mập bơi lội vẫy vùng
Khoanh tay vược lộn ở vùng bể Đông
Kể từ cá mú, cá song
Cá nhung, cá cúng, cá hồng Áng Gai
Cá sông kể cũng rất tài
Cá mè, cá chép, ở khe ngọn nguồn
Trở giời nó mới lượn lên
Ví dù em ở đồng trên gần nguồn
Thì em mới biết nguồn cơn
Thì em mới biết cá rô, trê đồng
Bây giờ em chưa có chồng
Làm gì em biết thuộc lòng cá chim?
Chú thích
-
- Ngưu Lang, Chức Nữ
- Còn có các tên chàng Ngưu ả Chức hay ông Ngâu bà Ngâu, hai nhân vật trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ có mặt trong văn hóa của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong phiên bản Việt Nam, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là một tiên nữ dệt vải, vì say mê nhau nên trễ nải công việc. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu kẻ ở cuối sông Ngân, và chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm rằm tháng Bảy âm lịch, trên một cây cầu do đàn quạ bắc nên (gọi là cầu Ô Thước). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, người trần gọi là mưa ngâu.
-
- Hạc đỗ lưng quy
- Chim hạc đậu trên lưng rùa. Xem thêm hạc và hạc đầu đình.
-
- Ri
- Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Ngọt ngay
- Cũng nói là ngọt ngây, cách nói của Trung và Nam Bộ để mô tả vị ngọt đậm đà.
Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây
Ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây
(Hành trình trên đất phù sa - Thanh Sơn)
-
- Cầu Nước Mặn
- Một cây cầu bắc ngang qua một con suối chảy từ Phụng Du xuống sông Tam Quan, thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Có ý kiến cho rằng tên cầu như vậy vì trước đây sông Tam Quan đáy còn sâu, cửa còn rộng, mỗi khi có triều lớn, nước biển mặn dâng lên tới tận Phụng Du. Theo thời gian, cửa sông hẹp lại và lòng sông bị bồi lấp, đầy dần lên, nước mặn không lên cao được nữa, nhưng tên cầu vẫn giữ nguyên.
-
- Má hồng
- Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(Truyện Kiều)
-
- Mặn chằng
- Cũng viết là mặn chằn, cách nói miêu tả vị mặn gắt ở Trung và Nam Bộ.
-
- Đề Gi
- Một làng biển thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm ngay cửa nơi vịnh Nước Ngọt ăn thông ra biển. Đề Gi nổi tiếng với nghề làm muối và nước mắm, và hiện nay cũng đang là một cảng biển tấp nập.
-
- Nước Ngọt
- Tên chữ là Đạm Thủy, một cái đầm nằm trên ranh giới phía Đông của xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ và xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên mũi đất ở đó. Người ta kể rằng, vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang phải trốn chạy quân Tây Sơn, có lần hết nước uống, phải cho thuyền cập cửa Đề Gi nhưng không dám vào làng gặp dân vì sợ bị lộ. Nước đầm mặn không uống được, ông ngửa mặt lên trời khấn: "Nếu mệnh trời của họ Nguyễn chưa dứt thì xin ban cho nước ngọt," rồi cho đào sâu xuống thì gặp mạch nước ngọt, vì vậy thành tên đầm.
-
- Nguyệt sơn đài
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nguyệt sơn đài, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Quỳnh tương
- Lấy từ Quỳnh tương ngọc dịch. Quỳnh là ngọc đẹp, còn tương và dịch là cách gọi chất lỏng. Thành ngữ này có nghĩa là "rượu làm bằng ngọc đẹp." Người xưa cho rằng rượu làm từ ngọc ra mà uống thì có thể thành tiên. Quỳnh tương vì thế chỉ loại rượu rất quý.
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân
(Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến)
-
- Gò Công
- Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.
-
- Rạch Lá
- Tên gọi khác của sông Tra, một nhánh của sông Vàm Cỏ. Trong cuộc khởi nghĩa Gò Công của người anh hùng Trương Định, rạch Gò Công và rạch Lá là hai chiến lũy quan trọng.
-
- Võ Tánh
- Danh tướng triều Nguyễn dưới thời Nguyễn Ánh. Ông có công giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn và mất trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập.
Năm 1800, ông và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ thành Bình Định. Thành bị hai đại tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây suốt 18 tháng liền. Đến ngày 7/7/1801, nhắm không cầm cự được nữa, ông cho người trao Trần Quang Diệu bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành, rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn.
Đương thời, ông được xếp cùng với Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp là "Gia Định tam hùng" (ba người hùng đất Gia Định). Ông giữ chức Hậu quân nên nhân dân yêu mến gọi ông là quan Hậu, hoặc ông Hậu.
-
- Trương Định
- Còn có tên là Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, một võ quan dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp trong giai đoạn 1859-1864. Ông sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều, bắt đầu chống Pháp. Ông tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, ra lệnh cho tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục đánh Pháp. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát lúc rạng sáng ngày 20. Khi ấy, ông 44 tuổi.
Xem vở cải lương Cờ nghĩa giồng Sơn Quy nói về cuộc khởi nghĩa Trương Định.
-
- Cố hương
- Quê cũ (từ Hán Việt).
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
(Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)
-
- Khương Thượng
- Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.
Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.
-
- Ve
- Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
-
- Bầu
- Đồ đựng rượu làm từ vỏ bầu khô, hình thuôn, đáy tròn lớn, miệng nhỏ, giữa thắt lại.
-
- Ông Cầu bà Quán
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ông Cầu bà Quán, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Nỏ mồm
- Lắm lời và lớn tiếng, thường hay cãi lại người khác.
-
- Khoai từ
- Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.
-
- Khoai môn
- Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.
-
- Ngã nắng
- Hiện tượng kiệt sức, ra nhiều mồ hôi, thở nhanh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng do ở lâu ngoài nắng.
-
- Hờn cơm
- Hờn dỗi, bỏ bữa ăn. Cũng gọi là dỗi cơm.
-
- Cắn chắt
- Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).
Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
cười lia dăm hạt cốm
giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân
(Người không về - Hoàng Cầm)
-
- Khoai lang
- Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.
-
- Nhài
- Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.
-
- Hoa quế
- Còn gọi là mộc tê, hoa mộc, quế hoa, cửu lý hương, một loài cây bụi nhỏ thuộc họ Nhài, xanh quanh năm, thường được trồng làm cảnh. Hoa, quả và rễ cây còn được dùng làm vị thuốc Đông y chữa loét miệng, đau răng hay làm đẹp v.v.
-
- Ái ân
- Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
-
- Tham phú phụ bần
- Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
-
- Mối manh
- Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
-
- Cheo
- Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
-
- Sao Kim
- Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
-
- Lan
- Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...
-
- Liễn
- Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.
-
- Oanh
- Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
(Truyện Kiều)
-
- Làm mai
- Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Đa mang
- Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.
Thôi em chả dám đa mang nữa
Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
(Xuân tha hương - Nguyễn Bính)
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Bể dâu
- Từ tiếng Hán thương hải tang điền (biển xanh, nương dâu). Tiếng Việt ta có thành ngữ là bãi bể nương dâu. Theo Thần tiên truyện, tiên nữ Ma Cô nói với Vương Phương Bình rằng "Từ khi được hầu tiếp ông đến nay đã thấy biển xanh ba lần biến thành nương dâu."
Các từ ngữ bể dâu, bãi bể nương dâu, dâu biển (biển dâu) đều chỉ sự biến đổi, thăng trầm của cuộc đời.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Truyện Kiều)
-
- Luông
- Cách may giấu đường chỉ một bên. Đối với luông là ép, cách may để lộ đường chỉ ra cả hai bên.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Thiên cung
- Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
-
- Bắc Ninh
- Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.
-
- Từ Sơn
- Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
-
- Nhị Hà
- Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Nghĩa nhân
- Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Nàng nàng
- Một loại cây dại có quả nhỏ màu tím mọc thành chùm, là cây thuốc dùng chữa cảm nắng, cảm hàn, thương thực, nôn cả ra máu, no hơi đầy bụng, kém ăn, mụn nhọt... Nhân dân thường dùng toàn cây sắc nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để ăn ngon cơm. Thân lá tán bột uống giải nhiệt, giảm đau. Hạt sắc uống làm sáng mắt.
-
- Thù lù
- Còn có các tên là lồng đèn, tầm bóp, ở miền Trung gọi là lụp bụp (có thể đọc trại thành bụp bụp hay bợp bợp), một loại cây mọc hoang, cho quả mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín có màu hơi đỏ, bên trong chứa nhiều hạt, bên ngoài có một lớp vỏ mỏng bao trùm như cái lồng đèn. Trẻ em thường bóp vỏ để ăn quả bên trong (tên lụp bụp có lẽ bắt nguồn từ âm thanh phát ra khi làm việc này). Lá cây dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa một số bệnh.
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Rau dền
- Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.
-
- Rau má
- Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.
-
- Cỏ gà
- Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."
-
- Củ gấu
- Cũng gọi là cỏ gấu hoặc cỏ cú, một loại cỏ thân cao, có nhiều củ màu nâu đỏ sẫm. Củ gấu có thể dùng làm vị thuốc dân gian, nhưng cũng là một loài cỏ rất có hại đối với nhà nông vì rất khó diệt trừ.
-
- Thật ra đây chính là cái áo tơi.
-
- Nón cời
- Nón lá rách, cũ.
-
- Thầu dầu
- Một loài cây cùng họ với sắn (khoai mì), lá có cuống dài, quả có gai, chứa hạt có chất dầu dùng làm dầu xổ, dầu thắp. Thầu dầu tía còn có tên là đu đủ tía.
-
- Giềng giềng
- Còn gọi là lâm vố, loài cây thân gỗ, mọc nhiều ở những chỗ trống vùng đồng bằng và trong các đồng cỏ khô, trên đất sét cát, từ Quảng Trị đến Ðồng Nai. Cây có cụm hoa đẹp. Nhựa, hạt, vỏ và hoa đều được dùng làm vị thuốc.
-
- Giâm
- Cắm hay vùi xuống đất ẩm một đoạn cành, thân hay rễ cây để thành một cây mới. Cũng phát âm và viết là giăm.
-
- Trầm hương
- Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.
-
- Ô rô
- Tên khác là ô rô gai, ô rô nước, ắc ó, lão thử lặc, là một cây nhỏ, cao 0,5-1,5m. Thân tròn nhẵn, màu lục nhạt, có lấm tấm đen. Thường mọc tại các bãi nước lợ, bãi biển, cửa sông và hai bên bờ sông gần biển khắp nước ta. Cây ô rô là một vị thuốc dân gian.
-
- Đọt
- Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
-
- Gá duyên
- Kết thành nghĩa vợ chồng.
-
- Mù u
- Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.
-
- Chụm
- Đun lửa bằng củi.
-
- Tràm
- Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.
-
- Đạo
- Lẽ sống mà con người nên giữ gìn và tuân theo (theo quan niệm cũ).
-
- Tía tô
- Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.
-
- Cổ Đô
- Một thôn thuộc xã Trà Sơn, tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên ngày trước, nay là một phần của xã Thiệu Đô, tỉnh Thanh Hóa.
-
- Vận Quy
- Cũng gọi là làng Vận, một làng nay thuộc xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
-
- Trà Đông
- Cũng gọi là Chè Đông, tên Nôm là kẻ Chè, xa xưa gọi là kẻ Rỵ, một làng nay thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng có nghề đúc đồng truyền thống (nên cũng gọi là làng Trà Đúc), đồng thời là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trấn Quốc Công, Bộc Xạ Tướng Công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu...
-
- Nguyễn Khải
- Một danh nhân dưới thời Hậu Lê, được phong tước Đăng quận công, nên nhân dân cũng gọi là ông Đăng. Khi còn sống, ông đã bắt nhân dân kéo đá xây đền thờ cho mình (gọi là sinh từ).
-
- Thước
- Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
-
- Phù Lưu
- Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
-
- Quang Trung
- Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.
-
- Làng Già
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Già, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Khương Thượng
- Còn có tên khác là làng Sại, trại Ông Đình, làng Đình Gừng, một làng cổ nay thuộc địa bàn phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Làng có giếng cổ được cho là vết tích của "giếng Cao Biền."
-
- Khua
- Vành tròn đan bằng tre hoặc đay, gắn vào lòng nón để đội cho chắc.
-
- Quai thao
- Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.
-
- Nón quai thao
- Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.
-
- Bấy chầy
- Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).
Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
(Truyện Kiều)
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Công ti than Bắc Kì
- Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.
-
- Chú khách
- Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
-
- Hà Lầm
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Hà Tu
- Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.
-
- Ngã Hai
- Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
-
- Vãng lai
- Đi lại (từ Hán Việt).
-
- Đốc công
- Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
-
- Cai
- Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
-
- Va-gông
- Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
-
- La ga
- Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
-
- Vân vi
- Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
-
- Ăng-lê
- Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
-
- Cửa Ông
- Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.
-
- Cẩm Phả Po
- Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
-
- Cẩm Phả min
- Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
-
- Cọc Sáu
- Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
-
- Mông Dương
- Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.
-
- La voa
- Sổ nhật trình.
-
- Núi Béo
- Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
-
- Cá lóc
- Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.
-
- Cá sứ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá sứ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá đày
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá đày, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá ngộ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá ngộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá cầy
- Một loài cá nước ngọt, xuất hiện nhiều ở hạ lưu sông Mekong, nhất là vào mùa mưa lũ. Cá cầy ăn tạp, có thân hình thon dài, màu trắng sáng, trên lưng màu đen than.
-
- Cá thiểu
- Một loài cá nước ngọt, xuất hiện nhiều vào mùa lũ. Cá có thân dẹp, lớn cỡ 2 ngón tay người lớn, vảy li ti óng ánh màu trắng bạc. Thịt cá béo, thơm ngon, được chế biến được các món ăn như: muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa, kho quẹt…
-
- Cá phèn
- Một số địa phương gọi là cá thèn, một loại cái biển nhỏ chừng hai, ba ngón tay, da lưng có màu hơi hồng, có nhiều vảy. Cá phèn thường được kho tiêu.
-
- Rầy rạc
- Gây lộn, gấu ó, quấy rối, làm phiền (từ cũ). Có chỗ nói rầy rật.
-
- Cá kình
- Có nơi gọi là cá rò hay cá giò, một loại cá nước lợ sống ở cửa biển. Cá kình hơi giống cá cơm, có xương mềm, vẩy óng ánh. Thịt cá kình rất thơm ngọt, thường được dùng làm mắm gọi là mắm kình hoặc mắm rò.
-
- Cá trích
- Một loại cá biển, mình thon dài, ít tanh, ăn rất lành, thịt trắng, ít mỡ, rất béo, và là một trong các loại cá dễ đánh bắt nhất. Có hai loại cá trích là cá trích ve và cá trích lầm. Cá trích ve lép mình, nhiều vảy trắng xanh, thịt trắng, thơm, béo nhưng nhiều xương. Cá trích lầm mình tròn, ít vảy, nhiều thịt hơn nhưng thịt cá đỏ và không thơm ngon như trích ve.
-
- Cá mương
- Một loại cá sông, thân dài khoảng 10 đến 15 cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn, thường được đánh bắt để làm các món nướng, canh chua...
-
- Cá nục
- Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...
-
- Cá hanh
- Một loài cá nước lợ giống cá chép, sống ở các cửa sông, đầm phá. Thịt cá trắng, ngọt và mềm, chế biến được thành nhiều món ăn.
-
- Cá giếc
- Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Đơm
- Lấy, xới cơm hay xôi từ nồi vào vật đựng khác (đơm xôi, đơm cơm).
-
- Cá hấp
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá hấp, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá nheo
- Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá còm
- Một loại cá nhỏ bằng ngón tay, thường thấy nhiều ở các sông suối miền tây Nghệ An với đặc tính chỉ sinh sống ở vùng nước nông, chảy xiết. Cá còm thịt chắc, xương mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu canh chua, cá còm rán, kho tộ, kho nghệ, v.v.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Cá chuồn
- Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.
Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...
-
- Chào rao
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chào rao, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Vò
- Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.
-
- Cá chạch
- Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...
-
- Cá khoai
- Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.
-
- Cá nhám
- Còn gọi cá mập con, cá mập sữa, cá mập cáo hay cá chèo bẻo, là một loài cá biển thường xuất hiện vào mùa biển động. Thịt cá nhám giàu dinh dưỡng, có giá cao, được chế biến thành nhiều món ngon như kho nghệ, canh chua, gỏi, nhúng giấm... Cá nhám còn được dùng làm vị thuốc Đông y.
-
- Cá căng
- Cũng gọi là cá ong căng, tên chung của một số loài cá biển cỡ nhỏ, sống thành đàn, có thân bầu dục dài, dẹt hai bên, với các dải hoặc vết màu sẫm trên nền vàng hay xanh lục. Thịt cá căng có màu trắng ngà, chắc và ngon, đặc biệt lòng rất béo. Một số loài cá căng có màu sắc đẹp, được nuôi làm cá cảnh.
-
- Cá móm
- Một loại cá sông thân hơi tròn, vảy bạc, thịt nhiều, ăn ngọt, béo và ngon. Cá có tên như vậy có lẽ vì mồm hơi vêu lên trên.
-
- Cá bò
- Tên chung của một số loài cá biển như cá bò hòm, cá bò giáp, cá bò gai, cá bò da đá... Những loại cá này đều có thân hình to bản, da dày cứng, nhưng thịt rất thơm ngon.
-
- Cá hốc
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá hốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Ví dầu
- Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
-
- Lái
- Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
-
- Cá mú
- Tên chung một họ cá biển cho thịt trắng, dai, ngọt. Có ba loại cá mú chính là cá mú đỏ, cá mú đen, cá mú cọp, trong đó cá mú đỏ là loài cá quý hiếm nhất, hai loại còn lại thì hiện nay đang được nuôi khá nhiều. Tùy theo từng địa phương mà cá mú còn được gọi là cá song, cá gàu (gầu), cá mao…
-
- Thờn bơn
- Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.
-
- Cá lịch
- Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.
-
- Còng
- Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.
-
- Ghẹ
- Vùng Bắc Trung Bộ gọi là con vọ vọ, một loại cua biển, vỏ có hoa, càng dài, thịt nhiều và ngọt hơn cua đồng.
-
- Cá ngần
- Còn gọi là cá ngân, cá cơm ngần, cá sữa, cá thủy tinh, hay cá bún, một loại cá không xương, nhỏ như con tép, màu trắng hoặc trong suốt, sống trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Từ cá ngần có thể chế biến ra nhiều món ngon như canh chua, cá chiên trứng, chả cá ngần…
-
- Cá Ông
- Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.
-
- Lưỡng long chầu nguyệt
- Hai con rồng chầu mặt trăng (cũng gọi là "rồng chầu mặt nguyệt"). Đây là chi tiết phù điêu thường gặp trên các mái đình đền, chùa chiền ở nước ta, mang ý nghĩa tâm linh thuần phục thánh thần.
-
- Cá chim
- Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Cá nhụ
- Cũng gọi là cá chét, một loại cá biển thân dài, dẹt bên, đầu ngắn, mắt to. Thịt cá dai, ngọt và nhiều chất dinh dưỡng, xương mềm. Cá thường được chiên lên chấm với nước mắm tỏi, ớt ăn kèm rau sống hoặc nấu canh ngót hoặc sốt cà chua, kho cà chua, kho tiêu, kho tộ…
-
- Cá đé
- Cũng gọi là cá lặc, một loài cá biển thân dài, đầu ngắn, thân màu trắng bạc. Cá đé có thịt thơm ngon hảo hạng, hiếm có khó tìm, được xếp vào “tứ quý ngư” (chim, thu, nhụ, đé), bốn loài cá quý của Việt Nam.
-
- Cá vược
- Một loại cá sinh trưởng ở nước ngọt, nước lợ và di cư ra vùng nước mặn để đẻ. Ở nước ta, cá vược phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam và được đánh giá có giá trị kinh tế cao, đã được thuần hóa để nuôi cả trong điều kiện nước mặn và nước ngọt.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Đồi mồi
- Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.
-
- Lợn biển
- Động vật có vú thuộc bộ bò biển, sống ở biển hoặc cá vùng cửa sông, có thân hình to lớn (cá thể trưởng thành nặng khoảng nửa tấn), chuyên ăn các loại thực vật dưới biển.
-
- Cá mó
- Cũng gọi là cá lưỡi mèo hoặc cá vẹt, một loài cá biển có thân hình dẹt, khá mềm, rất nhiều thịt. Thịt của cá mó có hương vị đậm đà, dễ chế biến thành các món kho, chiên hay canh.
-
- Nhưng
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhưng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá nhung
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá nhung, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá cúng
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá cúng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá hồng
- Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.
-
- Cá mè
- Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.
-
- Cá rô
- Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...
Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.
-
- Cá trê
- Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.