Tìm kiếm "tiếng vọng"
-
-
Cao cao, cao tít mù xanh
-
Ai ơi đứng lại mà trông
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
Chùa Bà Sách có cây đa lông
Cổng làng Đông có cây khế ngọt
Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê. -
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
-
Bới tóc cánh tiên, bỏ vòng lá liễu
-
Em là thân phận nữ nhi
Em là thân phận nữ nhi
Thầy mẹ thách cưới làm chi bẽ bàng
Tiền thời chín hũ lồng quang
Cau non trăm thúng họ hàng ăn chơi
Vòng vàng kéo đủ mười đôi
Nhẫn ba trăm chiếc, tiền thời mười quan
Còn bao của hỏi của han
Của mất tiền cưới của mang ta về
Cưới ta trăm ngỗng nghìn dê
Trăm ngan nghìn phượng ta về làm dâu
Cưới ta chín chục con trâu
Ba trăm con lợn đưa dâu về nhà
Chàng về nhắn nhủ mẹ cha
Mua tre tiện đốt làm nhà ở riêng
Chàng về nhắn nhủ láng giềng
Quét cổng quét ngõ, ra giêng ta về
Ta về ta chẳng về không
Voi thì đi trước ngựa hồng theo sau
Ba bà cầm quạt theo hầu
Mười tám người hầu đi đủ thì thôi -
Đầu làng có một cây đa
Đầu làng có một cây đa
Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
Dầu anh đi sớm về trưa
Anh cũng nghỉ mát cây dừa nhà tôi
Anh vào anh chẳng đứng chẳng ngồi
Hay là anh phải duyên tôi anh buồn
Anh buồn anh chẳng muốn đi buôn
Một vốn bốn lãi anh buồn làm chi
Tôi là con gái nhỡ thì
Chẳng thách tiền cưới làm chi bẽ bàng
Rượu hoa chỉ lấy muôn quan
Trâu bò chín chục họ hàng ăn chơi
Vòng vàng chỉ lấy mười đôi
Nhiễu tàu trăm tấm tiền rời một muôn
Nào là của hỏi của han
Ấy tiền dẫn cưới anh toan thế nào?Dị bản
Đầu làng có một cây đa
Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
Dù anh đi sớm về trưa
Xin anh nghỉ bóng mát cây dừa nhà em!
-
Tuy rằng ăn ở chùa này
Tuy rằng ăn ở chùa này
Tiền lưng bị gạo cúng thầy chùa kia -
Cái cò chết tối hôm qua
-
Chân mày vòng nguyệt có duyên
Dị bản
-
Ước gì anh lấy được nàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh thu xếp họ hàng đón dâu
Ông sấm ông sét đi đầu
Thiên Lôi, La Sát đứng hầu hai bên
Cầu vồng, mống cái bày lên
Hai họ ăn uống, có tiên ngồi kề
Trăng vàng sao bạc bốn bề
Kỳ lân, sư tử đưa về tận nơi
Sắm xe sắm ngựa nàng chơi
Ngựa thời bằng gió, xe thời bằng mây
Nàng thời má đỏ hây hây
Ước gì anh được đón ngay nàng về -
Cưới em chín quả cau vàng
-
Tập tầm vông
Tập tầm vông
Chị lấy chồng
em ở góa
Chị ăn cá
em mút xương
Chị nằm giường
em nằm đất
Chị húp mật
em liếm ve
Chị ăn chè
em liếm bát
Chị coi hát
em vỗ tay … -
Cha mẹ nàng đòi ăn cơm trắng cá thu
Cha mẹ nàng đòi ăn cơm trắng cá thu
Gả con xuống biển mù mù tăm tăm
Cha mẹ nàng đòi đi một trăm
Anh đi chín chục mười lăm quan nòi
Trong hộp có đôi bông tai
Đem xuống thợ bạc đổ hai đôi vòng
Anh thương em phải nói cho xong
Kẻo bún em nguội kẻo lòng em thiu
Lòng em thiu đem về hòa giấm
Cau lòng tôm chẻ tấm phơi khô
Đố em giỏi dám lấy chồng mô
Lại đây qua kể công đồ cho mà nghe.Dị bản
Cha mẹ nàng muốn ăn cá thu
Bắt anh đánh lưới mù mù tăm tăm.
Cha mẹ nàng đòi lễ một trăm,
Anh đi chín chục mười lăm quan ngoài.
Cha mẹ nàng đòi bông tai,
Anh ra thợ bạc làm hai đôi vòng.
-
Vè rượu
Vốn thuốc điên ai kêu là rượu
Hồi khi tề tựu lại có lễ nghi
Gặp rượu li bì hổng kiêng lớn nhỏ
Ỷ mình có võ muốn nói cho hung
Nói chuyện thật lung,
Tới củ chì, roi sắt
Thằng út Hoạt nó bắt
Đóng một trăm đồng
Ăn uống no lòng
Hại con cùng vợ … -
Em là con gái nhà quê
Em là con gái nhà quê
Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
Chẳng ham tham phú phụ bần
Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
Cầm cân chàng nhấc cho bằng
Một bên cối đá một đằng tiền cheo
Hỏi chàng rằng có hay nghèo
Lệ làng phải sửa bấy nhiêu mới từng … -
Anh đi Lục tỉnh giáp vòng
-
Chợ Gồm đồ gốm
-
Dám khuyên khách ở trên đời
Dám khuyên khách ở trên đời
Ước cho no đủ mọi mùi ăn chơi
Ước gì gặp tiên trên trời
Như chàng Lưu Nguyễn lên chơi động đào
Ước gì làm được quan cao
Giã ghe ngựa cưỡi võng đào nghênh ngang
Ước gì lắm bạc nhiều vàng
Như chàng Vương Khải thế gian ai tài
Ước gì gặp hội rồng mây
Đăng khoa chiếm bảng ngày rày vinh hoa
Ước gì trăm tám tuổi già
Sống như Bành Tổ mới là sống lâu
Ước gì lắm rể nhiều dâu
Lắm con nhiều cháu bề sau thọ tràng
Ước gì được cả trăm đàng
Như lan như huệ cùng chung một đoàn
Ước gì như quạt như gương
Phan Trần sánh lại mà thương nhau cùng
Ước cho có thủy có chung
Ước cho no đủ chữ đồng mà thôi
Thế là anh đã ước rồi
Thì nàng ước lại cho tôi bằng lòng -
Bồng bổng bồng bông
Chú thích
-
- Nghĩa Đô
- Địa danh nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước năm 1942, vùng này thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sau khi giải phóng Thủ đô (10/1954), Nghĩa Đô sáp nhập với xã An Thái (gồm cả phường Bái Ân cũ) thành xã Thái Đô, quận V. Đến năm 1961 cắt làng An Thái thuộc quận Ba Đình, còn lại xã Nghĩa Đô thuộc huyện Từ Liêm. Nghĩa Đô gồm bốn thôn (làng) cũ là: Tiên Thượng (làng Tân), Trung Nha (làng Nghè), Vạn Long (làng Dâu) và An Phú, trong đó làng An Phú nổi tiếng với nghề nấu kẹo mạch nha và dệt lĩnh lụa, làng Nghè nổi tiếng nghề làm giấy sắc phong.
-
- Làng Vòng
- Tên một làng nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng nổi tiếng với cốm làng Vòng, một đặc sản không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước ta.
-
- Cốm
- Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
-
- Đồng
- Hay còn gọi là đồng cân, là đơn vị đo khối lượng trước đây, tương đương với 3.78 gram. Một đồng bằng với một chỉ trong kim hoàn.
-
- Hiện tiền
- Hiện tại.
-
- Dó
- Loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao từ 8-12m, có hoa màu trắng. Vỏ cây dó (còn gọi là cây dó giấy) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy dó.
-
- Đãi bìa
- Một công đoạn làm giấy thủ công, người thợ dùng rá để đãi sạch con bìa (vỏ dó sau khi được nấu chín) trong nước ao.
-
- Yên Thái
- Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.
-
- Trượng
- Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
-
- Chợ Bưởi
- Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.
Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.
-
- Điếm canh
- Nhà nhỏ thường dựng ở đầu làng hay trên đê, dùng làm nơi canh gác.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Họa đồ
- Bức tranh vẽ cảnh vật, sông núi (từ Hán Việt).
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Chùa Thiên Niên
- Tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự, còn được gọi là chùa Trích Sài, một ngôi chùa nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, giáp ranh với phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô - thứ phi của vua Lê Thánh Tông đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.
-
- Vọng cách
- Một loại cây mọc hoang có lá mọc đối, hình tim, mặt trên láng, mặt dưới có ít lông. Hoa nhỏ có màu trắng, mọc thành chùm. Quả tròn, cỡ đầu ngón tay, khi chín có màu đen. Lá có mùi thơm, thường dùng làm rau sống, nấu canh, cuốn thịt bò nướng…
-
- Chùa Tảo Sách
- Cũng gọi là chùa Tào Sách hay chùa Bà Sách, tên chữ là Linh Sơn Tự, một ngôi chùa nổi tiếng ở về phía tây Hồ Tây, từ chợ Bưởi đi lên, nay thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hán Nôm thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941). Từ lâu chùa đã được công nhận là di tích văn hóa.
-
- Đa lông
- Một loại đa, lá có lông phủ trên bề mặt.
-
- Đông Xã
- Vốn là một thôn của làng Yên Thái, tách ra thành một xã độc lập từ đời Duy Tân (1907 - 1915), nay thuộc cụm 4 phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thời Lê, làng nằm trong phường Yên Thái của Kinh thành Thăng Long; thời Nguyễn thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Đây là một làng cổ ở ven hồ. Tục truyền thời Hùng Vương đã có dân sinh cơ lập nghiệp. Dân làng Đông Xã có nghề làm giấy dó từ rất lâu đời.
-
- Làng Cót
- Cũng gọi là kẻ Cót, tên Nôm của hai làng Yên Quyết là Thượng Yên Quyết ở phía Bắc và Hạ Yên Quyết ở phía Nam, đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Về sau làng Cót được lấy làm tên gọi cho làng Hạ Yên Quyết tức làng Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính.
Nghề truyền thống của làng Cót là nghề làm vàng mã. Hiện nay, còn nhiều hộ gia đình tại làng Cót vẫn giữ nghề truyền thống này.
-
- Trung Nha
- Tên nôm là làng Nghè, nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, lại biết làm nghề làm giấy sắc phong, loại giấy bền, dai, dùng viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… “Nghè” là tiếng đập của hai chày tay do hai người giã vào xếp giấy cho mỏng tang.
-
- Họ Lại
- Một họ ở làng Trung Nha, xã Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, họ Lại chuyên làm giấy lệnh cho triều đình phong kiến viết sắc chỉ.
-
- Sắc
- Tờ chiếu lệnh của vua ban cho quan dân dưới thời phong kiến.
-
- Yên Lãng
- Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.
-
- Động Đình
- Một hồ lớn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa. Theo huyền sử, Kinh Dương Vương lấy con gái của Long Vương hồ Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân là thủy tổ của dân tộc Việt.
-
- Tiền Đường
- Sông Tiền Đường, còn có tên cổ là Chiết Giang, Khúc Giang hay Chi Giang, là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, chảy ra vịnh Hàng Châu. Sông Tiền Đường bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây, chảy qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là địa bàn của nước Việt cổ trong lịch sử Trung Hoa, là nơi phát nguyên của văn hóa Việt bên Trung Hoa. Về cơ bản, con sông này chảy theo hướng tây nam-đông bắc.
-
- Võng đào
- Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
-
- Con Rồng cháu Tiên
- Người Việt Nam tự nhận mình là con của rồng (Lạc Long Quân) và tiên (Âu Cơ). Tương truyền, Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên núi, cùng sinh con đẻ cái tạo thành nòi giống người Việt.
-
- Tóc cánh tiên
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tóc cánh tiên, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bỏ vòng lá liễu
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bỏ vòng lá liễu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Nữ nhi
- Con gái nói chung.
-
- Phượng hoàng
- Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.
-
- Đa
- Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”
-
- Thị
- Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.
Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
(Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)
-
- Muôn
- Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
-
- Nhiễu
- Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
-
- Dẫn cưới
- Đưa lễ đến nhà gái để xin cưới.
-
- Vong
- Vong hồn (nói tắt).
-
- Chân mày vòng nguyệt
- Chân mày hình vòng cung. Đây là kiểu chân mày phù hợp với gương mặt đầy đặn, cân đối, đường nét hài hòa.
-
- Tợ
- Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Non Bồng
- "Non Bồng nước Nhược," ý nói cõi tiên, cảnh tiên. "Non Bồng" dịch từ "Bồng sơn," ngọn núi trên đảo Bồng Lai. Tương truyền, Bát Tiên (tám vị tiên trong thần thoại Trung Quốc, gồm: Hán Chung Li, Lã Động Tân, Tào Quốc Cữu, Trương Quả Lão, Lam Thái Hòa, Lý Thiết Quài, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô) ở trong tám động trên đảo Bồng Lai. "Nước Nhược" dịch từ "nhược thủy," nghĩa là nước yếu. Tương truyền, quanh đảo Bồng Lai là biển Nhược Thủy, nước ở đây yếu đến nỗi không đỡ nổi một hạt cải, nghĩa là bỏ hạt cải trên biển Nhược Thủy thì hạt cải chìm xuống.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Thiên Lôi
- Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
-
- La Sát
- Phiên âm từ tiếng Phạn Rakshasa (hay Raksha), chỉ một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của quỷ thần bất thiện trong đạo Hindu và đạo Phật. Ở nước ta, La Sát thường được dùng để chỉ của những nữ ác thần hay những phụ nữ có tính tình hung dữ. Hình tượng này đi vào dân gian bắt nguồn từ nhân vật Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) trong tác phẩm Tây Du Ký.
-
- Mống
- Cầu vồng (phương ngữ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Chum
- Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.
-
- Cheo
- Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
-
- Tập tầm vông
- Tên một trò chơi dân gian. Cách chơi hiện nay của trò này là hai nguời chơi ngồi đối mặt nhau, vừa hát vừa theo nhịp đập lòng bàn tay vào nhau: hoặc đập thẳng, hoặc đập chéo, hoặc một cao một hạ thấp, hoặc kết hợp nhiều cách khác nhau.
-
- Ve
- Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Lung
- Nhiều, hăng. Nghĩ lung: nghĩ nhiều, gió lung: gió nhiều.
-
- Ái ân
- Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
-
- Tham phú phụ bần
- Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
-
- Mối manh
- Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Gá duyên
- Kết thành nghĩa vợ chồng.
-
- Bùi Kiệm
- Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.
Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
Còn người Bùi Kiệm máu dê,
Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Chợ Gồm
- Tên một cái chợ nay thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
-
- Phú Hội
- Tên một làng thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Trước đây làng có nghề truyền thống là đan nong nia, nhưng hiện nay đã dần mai một.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Cảnh An
- Một làng nghề nay thuộc xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Làng có nghề truyền thống là đan võng tàu thơm - nguyên liệu là lá tàu thơm, đem ngâm nước từ 10 đến 15 ngày tùy trời mưa nắng, rồi đem lên cạo hết lớp nhớt để lấy sợi tơ của thơm đem phơi nắng cho thật khô rồi mới đem ra đan võng. Hiện nay nghề này đã mai một.
-
- Lưu Nguyễn
- Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
-
- Vương Khải
- Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Bành Tổ
- Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.
Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.
-
- Trường thọ
- Sống lâu (từ Hán Việt).
-
- Phan Trần
- Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
-
- Thủy chung
- Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Sân rồng
- Sân trước điện nhà vua. Nơi các quan đến chầu vua.
-
- Tông
- Dòng dõi, tổ tiên (từ Hán Việt).
-
- Vượt Vũ môn
- Ở thượng lưu sông Hoàng Hà (giữa huyện Hà Tân, Sơn Tây và Hán Thành, Thiểm Tây, Trung Quốc) có mõm đá như hình cái cửa. Tương truyền thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ trị thủy đã đục phá mõm đá này cho rộng ra, nên gọi là Vũ môn (cửa vua Vũ), cũng gọi là Cửa Vũ hay Cửa Võ. Theo Tam Tần Ký và Thủy Kinh Chú thì Vũ môn có sóng dữ, hàng năm vào tiết tháng ba cá chép khắp nơi kéo về vượt qua Vũ môn, con nào nhảy qua được thì hóa rồng. Nhân đó, cửa Vũ dùng chỉ chốn trường thi và thi đỗ gọi là vượt Vũ môn.
Theo Đại Nam nhất thống chí thì ở nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Khai Trường huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là dòng suối có ba bậc. Tương truyền hàng năm đến tháng 4 mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng chảy qua Vũ môn để hóa rồng.