Tìm kiếm "chín tháng"

  • Trèo lên cây gạo con con

    Trèo lên cây gạo con con
    Muốn lấy vợ giòn phải nặng tiền cheo
    Nặng là bao nhiêu?
    Ba mươi quan quý.
    Mẹ anh có ý mới lấy được nàng
    Mai mẹ anh sang, mẹ nàng thách cưới
    Bạc thì trăm rưỡi, tiền chín mươi chum
    Lụa thì chín tấm cho dày
    Trâu bò chín chục đuổi ngay vào làng.
    Anh sắm được anh mới hỏi nàng
    Nếu không sắm đủ chớ vào làng làm chi!

  • Văn chương phú lục chẳng hay

    Văn chương phú lục chẳng hay,
    Trở về làng cũ học cày cho xong.
    Sớm ngày vác cuốc thăm đồng,
    Hết nước thì lấy gàu sòng tát lên.
    Hết mạ ta lại quẩy thêm,
    Hết lúa ta lại mang tiền đi đong.
    Nữa mai lúa chín đầy đồng,
    Gặp về đập sảy bõ công cấy cày.

  • Đầu làng có một cây đa

    Đầu làng có một cây đa
    Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
    Dầu anh đi sớm về trưa
    Anh cũng nghỉ mát cây dừa nhà tôi
    Anh vào anh chẳng đứng chẳng ngồi
    Hay là anh phải duyên tôi anh buồn
    Anh buồn anh chẳng muốn đi buôn
    Một vốn bốn lãi anh buồn làm chi
    Tôi là con gái nhỡ thì
    Chẳng thách tiền cưới làm chi bẽ bàng
    Rượu hoa chỉ lấy muôn quan
    Trâu bò chín chục họ hàng ăn chơi
    Vòng vàng chỉ lấy mười đôi
    Nhiễu tàu trăm tấm tiền rời một muôn
    Nào là của hỏi của han
    Ấy tiền dẫn cưới anh toan thế nào?

    Dị bản

    • Đầu làng có một cây đa
      Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
      Dù anh đi sớm về trưa
      Xin anh nghỉ bóng mát cây dừa nhà em!

  • Chơi thuyền

    Cái mốt, cái mai
    Con trai, con hến
    Con nhện chăng tơ
    Quả mơ, quả mận
    Cái cận, lên bàn đôi
    Đôi chúng tôi
    Đôi chúng nó
    Đôi con chó
    Đôi con mèo
    Hai chèo ba
    Ba đi xa
    Ba về gần
    Ba luống cần
    Một lên tư
    Tư củ từ
    Tư củ tỏi
    Hai hỏi năm
    Năm em nằm
    Năm lên sáu
    Sáu lẻ tư
    Tư lên bảy
    Bảy lẻ ba
    Ba lên tám
    Tám lẻ đôi
    Đôi lên chín
    Chín lẻ một
    Mốt lên mười
    Chuyền chuyền một, một đôi…

  • Thấy anh nhiều ngôn ngữ

    Thấy anh nhiều ngôn ngữ
    Em đây kết chữ thốt lên lời:
    Sao trên trời sao lên mấy cái?
    Nhái ngoài đồng bắt cặp mấy con?
    Cây chuối con ốp tròn mấy bẹ?
    Cây chuối mẹ tủa mấy tàu?
    Trai nam nhơn anh mà đối đặng
    Thời gái tơ đào em đưa má cho anh hun!

    Thấy em hỏi bức
    Đây anh đối lức kẻo em lừng:
    Sao trên trời, sao vua chín cái
    Nhái ngoài đồng bắt cặp hai con
    Cây chuối con ốp tròn tám bẹ
    Cây chuối mẹ màu mười tàu
    Trai nam nhơn anh đà đối đặng
    Vậy gái quần hồng em phải đưa má cho anh!

  • Em về thưa với mẹ cha

    Em về thưa với mẹ cha
    Anh chẳng có lợn, có gà đi cheo
    Anh có cái cối giã bèo
    Anh xin bán để nộp cheo cho làng
    Bao giờ anh cưới được nàng
    Vợ chồng ta dựng tòa ngang dãy dài
    Toà này hương lí đánh bài
    Nhà trong thờ tổ, sân ngoài mổ trâu
    Một bên thì hát ả đầu
    Một bên hai họ têm trầu bổ cau
    Làng trên xóm dưới đồn nhau
    Đám cheo nhà ấy, đứng đầu tổng ta
    Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa
    Mai ngày cheo nộp, hết chín vạn ba cái cối giã bèo.

  • Tình cờ ta gặp nhau đây

    Tình cờ ta gặp nhau đây
    Quả cau ta bổ, chia tay mời chào
    Ðôi ta kết nghĩa tương giao
    Nào là quả mận, quả đào đong đưa
    Bùi ngùi quả ấu, quả dừa
    Xanh xanh quả mướp, quả dưa, quả bầu
    Hạt tiêu cay đắng dãi dầu
    Ớt kia cay đắng ra màu xót xa
    Mặt kia mà tưới nước hoa
    Ai đem mướp đắng mà hòa mạt cưa
    Thủy chung cho bác mẹ ưa
    Ðừng như đu đủ nắng mưa dãi dầu
    Yêu nhau đá bắc nên cầu
    Bồ quân lúc chín ra màu tốt tươi
    Hẹn chàng cho đủ mười mươi
    Thì chàng kết tóc ở đời với em

  • Gặp mình ta đố chuyện vui

    Gặp mình ta đố chuyện vui
    Cái chi mà chát, cái chi mà nồng?
    Cái chi mà ở dưới sông?
    Cái chi trên đồng, chi ở rừng xanh?
    Cái chi mà lại tu hành?
    Cái chi mà ở một mình lắm con?
    Cái chi mà lại tròn tròn?
    Cái chi đẹp giòn, chỉ để cầm tay?
    Mình ơi mình giảng ta hay
    Mình mà giảng được, ta nay theo về

  • Nghé ọ, nghé ơ

    Nghé ọ nghé ơ
    Con nghé nhà ta
    Như bông như hoa
    Như gà trong trứng
    Mẹ nuôi mẹ nấng
    Cho vững đường cày
    Cho ngay đường bừa
    Đi sớm về trưa
    Cày bừa khó nhọc
    Ta săn ta sóc
    Là nghé nghé ơ…

    Dị bản

    • Con nghé nhà ta
      Như bông như hoa
      Như cà muối xổi
      Như ổi chín cây
      Như mây chín chùm
      Nghé ọ nghé ơ…

  • Cà cưỡng bay cao

    Cà cưỡng bay cao
    Chào mào bay thấp
    Cu bay về ấp
    Quạ bay về trời
    Nghe tiếng chủ mời
    Ra ăn thịt chuột
    Thịt gà đang luộc
    Thịt chuột đang hâm
    Dọn thầy một mâm
    Thầy ăn kẻo tối

    Dị bản

    • Cà cưỡng bay cao
      Chào mào bay thấp
      Cu bay về ấp
      Trở mỏ về trời
      Nghe thấy thầy mời
      Về ăn thịt chuột
      Mâm dưới nhẵn chuột
      Mâm trên nhẵn đầu
      Chín chả ngàn lâu
      Con trâu ních hết

  • Ai đi đâu đấy hỡi ai

    Ai đi đâu đấy hỡi ai
    Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
    Tìm em như thể tìm chim
    Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông
    Tìm bể Ðông thấy lông chim nhạn
    Tìm bể cạn thấy đàn chim di
    Ai mang nhân ngãi ta đi
    Thì mang nhân ngãi ta về cho ta!

    Dị bản

    • Ai đi đâu đấy hỡi ai
      Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
      Tìm em như thể tìm chim
      Chim ăn bể Bắc anh tìm bể Đông
      Bể Đông không bóng chim bay
      Hôm qua là chín, hôm nay là mười
      Tìm em đã mướt mồ hôi
      Lại đứt nút áo, lại rơi khăn đầu
      Tìm em chẳng thấy em đâu
      Lội sông ướt áo, qua cầu tủi ghe
      Có nghe nín lặng mà nghe
      Những lời anh nói như se vào lòng

  • Em đi qua cầu qua trăm cái nhịp

    Em đi qua cầu qua trăm cái nhịp
    Em đi không kịp kêu bớ anh ơi
    Nghĩa tào khang sao anh đành vội dứt
    Đêm em nằm ấm ức ngày lụy ứa tuôn rơi
    Bấy lâu nay em mang tiếng chịu lời
    Xa nhau bởi tại ông trời biểu xa

    Dị bản

    • Qua cầu một trăm cái nhịp
      Em không theo kịp kêu bớ hỡi chàng
      Cái điệu tào khang sao chàng vội dứt
      Đêm nằm nghỉ tức, giọt lệ tuôn rơi
      Nhón chân lên kêu: “Bớ hỡi trời
      Ai bày mưu cho bạn, bạn dứt nơi ân tình!”

    • Cầu cao ba mươi sáu nhịp,
      Em theo không kịp, nhắn lại cùng chàng
      Cái nợ tào khang, sao chàng vội dứt?
      Ðê nằm thao thức, tưởng đó với đây.
      Biết khi nao cho phượng gặp bầy
      Cho le gặp nhạn
      Ruột đau từng đoạn
      Gan thắt chín từng
      Anh với em như chanh với khế, như quế với gừng,
      Dầu xa nhau nữa cũng đừng tiếng chi…

  • Xỉa cá mè

    Xỉa cá mè
    Đè cá chép
    Tay nào đẹp
    Đi bẻ ngô
    Tay nào to
    Đi dỡ củi
    Tay nào nhỏ
    Hái đậu đen
    Tay lọ lem
    Ở nhà mà rửa

    Dị bản

    • Xỉa cá mè
      Đè cá chép
      Chân nào đẹp
      Thì đi buôn men
      Chân nào đen
      Ở nhà làm chó
      Ai mua men?
      Mua men gì?
      Men vàng
      Đem ra ngõ khác
      Ai mua men?
      Mua men gì?
      Men bạc
      Men bạc vác ra ngõ này
      Một quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Hai quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Ba quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Bốn quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Năm quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Sáu quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Bảy quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Tám quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Chín quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Mười quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Tôi gởi đòn gánh
      Tôi đi ăn cỗ
      Đi lấy phần về cho tôi
      Nào phần đâu?
      Phần tôi để ở gốc đa
      Chó ăn mất cả!
      Tôi xin đòn gánh
      Đòn gánh gì?
      Đòn gánh tre!
      Làm bè chó ỉa!
      Đòn gánh gỗ?
      Bổ ra thổi!
      Đòn gánh lim?
      Chìm xuống ao
      Đào chẳng thấy
      Lấy chẳng được!
      Xin cây mía
      Ra vườn mà đẵn.

    Video

Chú thích

  1. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  2. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  3. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  4. Chum
    Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.

    Chum

    Chum

  5. Có bản chép: "văn thơ," hoặc "văn thi."
  6. Phú lục
    Gọi chung các thể loại văn chương sử dụng trong khoa cử thời xưa. Phú là thể loại giữa thơ và văn xuôi, là một loại văn xuôi sử dụng vần điệu. Lục là một thể loại văn xuôi ghi chép lại các sự việc.
  7. Hay
    Giỏi giang.
  8. Có bản chép: "ngày ngày".
  9. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  10. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  11. Sảy
    Cũng viết là sẩy, động tác hất cái nia hoặc sàng đựng lúa lên xuống đều đặn để tách vỏ và hạt lép ra khỏi hạt mẩy.

    Sảy lúa

    Sảy lúa

  12. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  13. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  14. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  15. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  16. Dẫn cưới
    Đưa lễ đến nhà gái để xin cưới.
  17. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  19. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  20. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  21. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  22. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  23. Bèo ong
    Còn gọi là bèo tai chuột, lá mọc thành cụm dày, cuộn lại dọc theo sống lá như tổ ong. Nhân dân ta thường băm bèo ong cho lợn ăn.

    Bèo ong

    Bèo ong

  24. Hương
    Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
  25. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  26. Nhà trò
    Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
  27. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  28. Tương giao
    Giao thiệp, kết thân với nhau (từ cổ).
  29. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  30. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  31. Mạt cưa
    Vụn gỗ do cưa xẻ làm rơi ra.

    Mạt cưa

    Mạt cưa

  32. Bồ quân
    Cũng có nơi gọi là bù quân, mồng quân hoặc hồng quân, một loại cây bụi mọc hoang ở các vùng đồi núi, cho quả có hình dạng giống như quả nho, khi còn xanh thì có màu đỏ tươi, khi chín thì chuyển sang màu đỏ sẫm (tím), ăn có vị chua ngọt. Do màu sắc của quả bồ quân mà trong dân gian có cách nói "má bồ quân," "da bồ quân..."

    Quả bồ quân

    Quả bồ quân

  33. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  34. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  35. Đậu nành
    Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

  36. Sả
    Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.

    Sả

    Sả

  37. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  38. Khăn bàn lông
    Khăn mặt, khăn tắm, khăn khổ lớn, mặt khăn có những sợi len mịn đều nhô ra.
  39. Thước
    Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
  40. Cắc
    Cách người Nam Bộ gọi đồng hào. Theo học giả An Chi, đây là biến âm của 角 giác, nghĩa là hào.
  41. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  42. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  43. Thất ngôn
    Lỡ lời (từ Hán Việt).
  44. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  45. Cà muối xổi
    Món ăn dân dã, thành phần gồm cà pháo trộn đều với muối, nước cốt chanh, riềng, tỏi, ớt, ướp trong khoảng 30 phút là dùng được.

    Cà muối xổi

    Cà muối xổi

  46. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  47. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  48. Chào mào
    Cũng gọi là chóp mào hay chốc mào, một loài chim có mào nhọn trên đầu, hai bên má có lông trắng.

    Chim chào mào

    Chim chào mào

  49. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  50. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  51. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  52. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  53. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  54. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  55. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  56. Chim di
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chim di, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  57. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  58. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  59. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  60. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  61. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  62. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  63. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  64. Bài đồng dao này thường được hát khi chơi trò chơi dân gian. Cách chơi: Đứng (hoặc ngồi) thành vòng tròn quay mặt vào nhau, hai tay chìa ra đọc bài đồng dao. Người điều khiển đứng giữa vòng tròn vừa đi vừa khẽ đập vào bàn tay người chơi theo nhịp bài ca, mỗi tiếng đập vào một tay. Tiếng cuối cùng “Rửa” rơi vào tay ai thì người đó phải ra khỏi hàng hoặc bị phạt phải làm một trò khác rồi mới được vào chơi.
  65. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  66. Trần Đỉnh
    Tục gọi là Tú Đỉnh (vì đỗ Tú tài), người làng Gia Cốc, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông nguyên là thành viên Nghĩa Hội Quảng Nam, cũng vừa là Tán Tương Quân Vụ vùng chín xã Sông Con thuộc miền nguồn tây Đại Lộc. Trước ngày Pháp tấn công vào Bộ chỉ huy ở Trung Lộc, ông nghe lời chiêu hồi của vua Đồng Khánh, đến chiến khu Trung Lộc thuyết phục Nguyễn Duy Hiệu cùng ra đầu hàng. Ông Hiệu đã ra lệnh chặt đầu Trần Đỉnh bêu ở chợ Trung Lộc để răn đe.
  67. Chín xã Sông Con
    Chín xã thuộc huyện Đại Lộc, quanh lưu vực sông Con. Nơi đây từng là căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam thời Cần Vương. Vùng này cũng gọi là Tân tỉnh (tỉnh mới, đối lập với Hội An là tỉnh lị cũ do Pháp chiếm đóng).
  68. Đồng Khánh
    (19 tháng 2, 1864 – 28 tháng 1, 1889) Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông là vị vua không chống Pháp, "tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp" (theo sách của Trần Trọng Kim). Vua Đồng Khánh ở ngôi chỉ được ba năm thì bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12, khi mới 24 tuổi.

    Vua Đồng Khánh

    Vua Đồng Khánh