Tìm kiếm "tháng bảy"

  • Sáng nay đi chợ tất niên

    – Sáng nay đi chợ tất niên
    Em đây cầm một quan tiền trong tay
    Sắm mua cũng khá đủ đầy
    Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà
    Độc bình mua để cắm hoa
    Hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông
    Tính hoài mà cũng chẳng thông
    Còn ba trăm sáu chục đồng tiền dư

    – Vội chi, em cứ thư thư
    Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em
    Sáu mươi đồng tính một tiền
    Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn
    Vị chi em mới tiêu xong
    Cho hột dưa, bánh mứt, giấy bông, rượu, trà
    Trái cây, cau, thuốc, thịt thà
    Độc bình cùng với hương hoa là bốn tiền
    Ba trăm sáu chục đồng nguyên
    Tính ra chính thị sáu tiền còn dư

  • Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn

    Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn
    Gái tơ quá lứa, mất giòn, không xinh
    Vẳng tai nghe lời nói hữu tình
    Chim lồng không lẽ cất mình bay cao
    Gớm ghê thay cái số huê đào
    Cởi ra thời khó, buộc vào như chơi
    Chàng Thúc sinh quen thói bốc trời
    Trăm nghìn đổ một trận cười như không
    Chường vô chăn gối loan phòng
    Thiếp tôi ra tựa cái bóng đèn chong đêm dài
    Vả thiếp tôi nay phận gái nữ hài
    Thấy chàng quân tử tài trai anh hùng
    Gương bạch Nhật sánh với quạt thanh phong
    Sao chàng chẳng tới cái tiết mùa đông lạnh lùng
    Chường nằm đâu nhủ thiếp tôi cùng.

  • Vè loài cá

    Nghe vẻ nghe ve, nghe vè loài cá
    No lòng phỉ dạ là con cá cơm
    Không ướp mà thơm là con cá ngát
    Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
    Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối
    Lớn năm, nhiều tuổi là cá bạc đầu
    Đủ chữ xứng câu là con cá đối
    Nở mai tàn tối là con cá hoa
    Xuống nước bệu da là cá úc thịt
    Dài lưng hẹp kích là cá lòng tong
    Ốm yếu hình dong là con cá nhái
    Thiệt như lời vái là con cá linh
    Từ miệng nhái in là con cá cóc
    Răng phơi khô khốc là con cá hô
    Gặp sự ái ố là con cá hố
    Dầy mình chẳng hổ là con cá chai
    Lội ngược lên hoài là con cá lóc
    Thắp đèn coi sách là cá học Trò
    Dài miệng hẹn hò là con cá Thệ
    Đút đầu se sẻ là cá Bống Kèo
    Cái nháp, cái keo là cá Bống Mú
    Lớn năm nhiều tuổi là cá bạc đầu
    Nó ở trong hầu, là con cá lẹp
    Cái mình dẹp lép là con cá kình
    Vẩy xủi đầy mình là cá thác lác
    Đỏ mầu bỏ xác là cá bã trầu
    Chưa tới bữa hầu là con cá cháo
    Chân đi chí áo là con cá Còm

  • Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời

    Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
    Anh nhìn lên trời thấy sao mấy cái?
    Trâu ngoài đồng đực, cái mấy con?
    Chuối non mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu?
    Đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào?
    Trai anh đối đặng, em mở rào cho anh vô
    – Anh nhìn trời cao thấy sao nhiều cái
    Trâu ngoài đồng đực, cái hai con
    Chuối non sáu bẹ, chuối mẹ mười hai tàu
    Đất Ba Xuyên một mẫu bảy mươi hai sào
    Anh đà đối đặng, em mở rào cho anh vô

  • Mẹ già ở tấm lều tranh

    Mẹ già ở tấm lều tranh
    Đói no chẳng quản, rách lành chẳng hay
    Ra đi công vụ nặng nề
    Nửa lo thê tử nửa sầu từ thân
    Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
    Ới anh ơi, anh ở đây làm chi cho vua quan sưu thuế nặng nề
    Đứa lên một, đứa lên hai, đứa lên năm, đứa lên bảy
    Tao biểu mày quảy, mày không quảy
    Để phần tao quảy, quảy, quảy, quảy về cái đất Phú Ơn
    Nặng nề gánh vác giang sơn
    Đầu con đầu vợ cái đất Phú Ơn ta lặng về
    Kìa hỡi kia đỉnh núi tứ bề,
    Nhành mai chớm nở ta về xứ ta
    Biết bao về tới quê nhà…
    Hết hòn Vay, ta qua hòn Trả
    Hết hòn Trả, lại sang hòn Hành
    Tấc dạ bao đành dắt con cùng vợ,
    Biết no nào trả xong nợ bên dương trần
    Nợ lần lần, tay bồng tay dắt
    Tay đặt chân trèo, ta về xứ ta
    Biết bao là về tới quê nhà…

    Dị bản

    • Hết Hòn Vay đến Hòn Trả
      Hết Hòn Trả, lại đến Hòn Hành
      Tấc dạ cam đành,
      Dắt con cùng vợ.
      Biết bao giờ trả nợ dương trần?
      Nợ dương trần, tay lần tay vác,
      Tay vịn, chân trèo,
      Ta về xứ ta!
      Biết bao giờ trở lại quê nhà?

    • Tao biểu mày quảy, mày không chịu quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn!

    • Đầu con, đầu vợ
      Đứa lớn, đứa bé, đứa bế, đứa nằm
      Đứa lên một, đứa lên ba, đứa lên năm, đứa lên bảy
      Tao biểu mày quảy, mày không quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn
      Nặng nề gánh vác giang sơn
      Đầu con, đầu vợ, cái đất Phú Ơn ta lại về
      Nhìn trông đỉnh núi tứ bề
      Cành mai chớm nở, ta về xứ ta!

  • Vè Thanh Hóa

    Khu Bốn đẩy ra
    Khu Ba đẩy vào
    Bỏ chạy sang Lào
    Nước Lào không nhận
    Tức mình nổi giận
    Lập quốc gia riêng
    Thủ đô thiêng liêng
    Là huyện Nông Cống
    Quốc ca chính thống:
    “Dô tá dô tà”
    Nông nghiệp nước nhà:
    Trồng cây rau má
    Biển khơi lắm cá
    Mười mẻ một cân
    Nhà máy phân lân
    Một năm hai tạ
    Vang tiếng xa gần
    Nem chua toàn lá
    Còn công nghiệp hoá
    Là phá đường tàu

  • Lạy trời mưa xuống

    Lạy trời mưa xuống
    Lấy nước tôi uống
    Lấy ruộng tôi cày
    Lấy đầy bát cơm
    Lấy rơm đun bếp
    Lấy nếp nấu xôi
    Lấy vôi ăn trầu
    Lấy bậu về ôm
    Lấy nơm đơm cá
    Lấy rá vo gạo
    Lấy dao thái thịt
    Lấy liếp làm nhà
    Lấy hoa về cúng

  • Mời chư vị giai nhân tài tử

    Mời chư vị giai nhân tài tử
    Tới đây nghe tôi thử pháo tre
    Của bán ra không phải nói khoe
    Thời thực vật sắm vừa túc dụng
    Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
    Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
    Có pháo mới văn minh xuân nhựt
    Dưới con cháu cũng vui cũng ức
    Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
    Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
    Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
    Coi như lễ Tết Tây trong dã
    Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
    Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
    Phí của nọ vui tình không tiếc
    Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
    Luật vui xuân ai cũng nên dùng
    Có pháo mới đùng đùng là thú
    Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
    Đều xúm lại hàng này
    Mua pháo nầy về đốt
    Vốn tôi không nói tốt
    Hay thiệt tình có một mình tôi
    Nhiều người bán xảo làm mồi
    Đốt đây khá về rồi dại dở
    Có kẻ làm kêu cũng đỡ
    Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
    Của bán ra là biết bao nhiêu
    Một mình vấn nên kêu đều đặn
    Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
    Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
    Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
    Như đại bác vang gầm trời đất
    Hễ đốt thì xác tan bay mất
    Không khi nào gió phất ngún hừng
    Của tôi làm, tôi đã biết chừng
    Xin quý chức mua đừng có ngại
    Để đốt thử vài trái
    Nghe có phải hay không
    Đang buổi chợ mua đông
    Tôi cũng trông bán đắt
    Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
    Xin bà con mua hắt tôi về
    Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
    Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng…

  • Công tôi gánh gánh gồng gồng

    Công tôi gánh gánh gồng gồng
    Giờ ra theo chồng bảy bị còn ba
    Xưa kia ở cùng mẹ cha
    Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành
    Từ ngày tôi về cùng anh
    Anh đánh, anh chửi, anh tình phụ tôi
    Đất rắn nặn chẳng nên nồi
    Anh đi lấy vợ để tôi lấy chồng
    Có lấy thì lấy cách sông
    Để tôi lấy chồng cách ngõ anh ra

    Dị bản

    • Công tôi gánh gánh gồng gồng
      Trở ra theo chồng bảy bị còn ba
      Xưa tôi ở cùng mẹ cha
      Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành
      Bây giờ tôi về cùng anh
      Anh tham nhan sắc, anh tình phụ tôi
      Đất sỏi nặn chẳng nên nồi
      Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng
      Anh đi lấy vợ cách sông
      Để tôi lấy chồng giữa ngõ anh ra

    • Xưa kia ở với mẹ cha
      Mẹ cha yêu quý như hoa trên cành
      Từ ngày tôi ở với anh
      Anh đánh anh chửi anh tình phụ tôi
      Đất xấu chả nặn nên nồi
      Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Xưa kia anh bủng anh beo

    Xưa kia anh bủng anh beo
    Tay bưng bát thuốc, tay đèo múi chanh
    Bây giờ anh mạnh anh lành
    Anh mê nhan sắc anh tình phụ tôi
    Thà tôi xuống giếng cho rồi

    Dị bản

    • Khi anh mặt bủng da chì
      Tay bưng bát thuốc, tay thì bát canh
      Bây giờ anh đẹp anh xinh
      Anh lấy vợ lẽ, phụ tình thiếp tôi

  • Khen ai khéo đặt cái nghèo

    Khen ai khéo đặt cái nghèo
    Kém ăn kém mặc, kém điều khôn ngoan
    Bây giờ chẳng có bạn vàng
    Cho nên đổ cả khôn ngoan cho người
    Nhà giàu nói một hay mười
    Nhà khó nói chẳng được lời nào khôn
    Nhà nghèo như giỏ thủng trôn
    Nhà giàu như bạc bỏ hòm xưa nay
    Nghèo đâu nghèo mãi thế này
    Mất chúng mất bạn vì nay tội nghèo
    Bốn bề công nợ eo xèo
    Chỉ vì một nỗi tội nghèo mà thôi
    Tôi làm, tôi chẳng có chơi
    Nghèo sao nghèo mãi, trời ơi hỡi trời

  • Con thì đói khóc như ri

    Con thì đói khóc như ri
    Chồng thì uống rượu li bì ngày đêm
    Đem tiền mua lấy cái say
    Hơi men giở giọng bầy nhầy bên tai
    Bữa hôm cùng với bữa mai
    Cua rang ốc nướng kéo dài thâu canh
    Xương sông lá lốt lá chanh
    Rau thơm rau húng tỏi hành chắt chiu
    Trách ai không nghĩ một điều
    Vợ con nheo nhóc nỡ liều uống say

  • Tội trời đã có người mang

    Tội trời đã có người mang
    Ước gì ta lấy được chàng chàng ơi
    Bây giờ ba ngả bốn nơi
    Thiếp chàng muốn lấy thiếp tôi bên này
    Thiếp tôi bên này trong then ngoài khóa
    Thiếp chàng bên ấy có thỏa hay không
    Trách đường dây thép không thông
    Gửi thư thư biệt gửi lời lời bay
    Nhạn ơi trăm sự nhờ mày
    Ngậm thư mang tới tận tay cho chàng
    Chẳng may chim nhạn lạc đàn
    Chim trời bay mất để chàng nhớ mong.

Chú thích

  1. Tất niên
    Cuối năm (từ Hán Việt).
  2. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  3. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  4. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  5. Thư thư
    Thong thả, từ từ, không bức bách.
  6. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  8. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  9. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  10. Hài
    Giày, dép. Thường được dùng để chỉ giày thời xưa.
  11. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  12. Bạch nhật
    Mặt trời sáng (từ Hán Việt).
  13. Thanh phong
    Gió mát (từ Hán Việt).
  14. Phỉ dạ
    Thỏa lòng, thỏa mãn.
  15. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  16. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  17. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  18. Cá đuối
    Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.

    Cá đuối

    Cá đuối

  19. Cá bạc đầu
    Loài cá nước ngọt, thân nhỏ, có đầu dẹp bằng, đỉnh đầu có một đốm trắng bạc, hiện diện nhiều ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông đổ ra cửa Vàm Láng vùng Cần Đước, tỉnh Long An.

    Cá bạc đầu

    Cá bạc đầu

  20. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  21. Cá hoa tức cá cảnh.
  22. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  23. Người Nam Bộ phát âm hai chữ "úc" (cá úc) và "út" (ngón út) gần giống nhau.
  24. Kích
    Chỗ tiếp nối giữa thân trước và thân sau áo, ở dưới nách.
  25. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  26. Hình dong
    Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
  27. Cá lìm kìm
    Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.

    Cá lìm kìm nước ngọt

    Cá lìm kìm nước ngọt

  28. Cá linh
    Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.

    Cá linh

    Cá linh

  29. Cá cóc
    Một loại động vật lưỡng cư, có bề ngoài nhìn giống thằn lằn (nên còn gọi là thằn lằn nước), đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy, nếu chạm phải có thể gây đau nhức.

    Cá cóc

    Cá cóc

  30. Cá hô
    Một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có kích thước rất lớn (có những con nặng hơn 100kg), được đánh bắt để làm mắm và nhiều món ăn ngon. Cá hô trước đây có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay đã gần tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ.

    Cá hô

    Cá hô

  31. Cá chai
    Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.

    Cá chai chiên mật ong

    Cá chai chiên mật ong

  32. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  33. Cá lẹp
    Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).

    Cá lẹp

    Cá lẹp

  34. Cá kình
    Cá voi. Trong thơ văn cổ, hình ảnh cá kình thường tượng trưng cho những người mạnh mẽ hoặc hung tợn.
  35. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  36. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  37. Cá khoai
    Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.

    Canh chua cá khoai

    Canh chua cá khoai

  38. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  39. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  40. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  41. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  42. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  43. Thê tử
    Vợ con (từ Hán-Việt).
  44. Từ thân
    Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
  45. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  46. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  47. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  48. Hòn Vay, hòn Trả
    Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:

    Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
    Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
    Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
    Nợ nước ơn đền ông phủi tay
    Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
    Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
    Khách giang hồ những tha hồ mượn,
    Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.

  49. Hòn Hành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  50. Những hòn núi này, có bản chép: Hòn Vậy, hòn Cả, hòn Trả, hòn Hành...
  51. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  52. Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
  53. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  54. Khu 4
    Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
  55. Khu 3
    Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng.
  56. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  57. Hò sông Mã
    Một thể loại đặc sắc của Thanh Hóa, được những người chèo đò (gọi là trai đò) hát trên sông Mã. Hò sông Mã được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc đò rời bến cho đến khi cập bến: Hò rời bến, sắng đò ngược, hò xuôi dòng, hò đường trường, hò ru ngủ, hò mắc cạn, hò niệm Phật, hò cập bến...

    Xem phóng sự Điệu hò trên một dòng sông.

  58. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  59. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  60. Nếp
    Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.

    Xôi nếp

    Xôi nếp

  61. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  62. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  63. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  64. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  65. Tài tử giai nhân
    Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.

    Dập dìu tài tử giai nhân
    Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

    (Truyện Kiều)

  66. Thực vật
    Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
  67. Túc dụng
    Đủ dùng (từ Hán Việt).
  68. Cựu thời
    Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
  69. Bộc
    Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
  70. Nhi thinh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  71. Xuân nhựt
    Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
  72. Ức
    Ham, muốn (từ cũ).
  73. Minh niên
    Năm nay (từ Hán Việt).
  74. Hỉ hạ
    Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
  75. Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
  76. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  77. Điện Quang
    Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.

    Pháo Điện Quang

    Pháo Điện Quang

  78. Lôi đình
    Sấm sét (từ Hán Việt).
  79. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  80. Tiêu xoay
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  81. Ngún hừng
    Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
  82. Hắt
    Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
  83. Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
  84. Chữ liễu 了 thêm nét ngang thành chữ tử 子 (nghĩa là con), ở đây là lời than trách của người con gái bị lường gạt phải mang bầu.
  85. Có bản chép: Giở ra.
  86. Sao ba
    Dịch Hán Nôm từ "tam tinh," gốc trong Kinh thi "三星在天 tam tinh tại thiên = ba sao giữa trời." Sao ba là ba ngôi sao thuộc nhóm sao Thương tức Sao Tâm (chỉ 3 sao mang tên Tâm), nằm giữa Sao Vĩ và Sao Phòng, cùng với Sao Phòng tạo thành phần đầu chòm Thiên Yết (Orion), ở Việt Nam được dân gian gọi là mũ Thần Nông.
  87. Bậu xậu
    Nói chệch từ bộ sậu, chỉ toàn bộ một nhóm người có liên hệ với nhau.
  88. Bủng beo
    Chỉ thể trạng người ốm yếu, có nước da nhợt nhạt như mọng nước.
  89. Có bản chép: Nào khi anh bủng anh beo.
  90. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  91. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  92. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  93. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  94. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  95. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  96. Chỉ cách gửi điện tín thời xưa.