Tìm kiếm "năm Thìn"

Chú thích

  1. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  2. Nạn đói năm Ất Dậu
    Một nạn đói xảy ra tại miền Bắc trong khoảng từ tháng 10 năm 1944 (Giáp Thân) đến tháng 5 năm 1945 (Ất Dậu) làm khoảng từ 400.000 đến hai triệu người dân chết đói. Nguyên nhân trực tiếp là những hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương: Các cường quốc liên quan như Pháp, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam và gây nhiều tai họa ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế của người Việt. Những biến động quân sự và chính trị dồn dập xảy ra khiến miền Bắc vốn dĩ đã thiếu gạo nên càng bị đói. Ngoài ra còn có nguyên nhân tự nhiên (lũ lụt, thiên tai, bệnh dịch tả...).

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

  3. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  4. Ăn đong
    Ăn bằng gạo mua từng bữa vì túng thiếu.
  5. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  6. Nam Hán
    Một vương quốc tồn tại từ năm 917 đến năm 971, trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (907-960), địa bàn trải dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc, kinh đô đặt ở Hưng Vương Phủ, ngày nay là thành phố Quảng Châu. Tên nước ban đầu là Đại Việt, sau đó đổi thành Đại Hán, trong sử gọi là Nam Hán để phân biệt với nước Bắc Hán trong cùng thời kì.

    Nam Hán giáp giới với nước ta, lúc ấy có tên là Tĩnh Hải quân (quân là một đơn vị hành chính quân sự đặt ra thời Đường, mỗi quân do một Tiết độ sứ cai trị). Trong một thời gian ngắn (từ khoảng 930-931), Nam Hán chiếm được Tĩnh Hải quân (bao gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay) nhưng không giữ được do bị Dương Đình Nghệ đánh đuổi. Năm 937, Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu (Phú Thọ) - nổi lên giết chết Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân là Dương Đình Nghệ để nắm quyền, cũng xưng là Tiết độ sứ. Con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền nghe tin, từ Ái Châu (Thanh Hóa) đem quân ra đánh. Kiều Công Tiễn cầu cứu Nam Hán, vua Nam Hán liền đưa quân sang, nhưng bị đánh bại tại trận Bạch Đằng (năm 938).

  7. Ngô Quyền
    (898 - 944) còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử nước ta. Năm 938, ông lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng lịch sử, chính thức kết thúc một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, trị vì từ năm 939 đến năm 944.

    Tranh vẽ trận Bạch Đằng năm 938

    Tranh vẽ trận Bạch Đằng năm 938

  8. Quàng
    (Làm việc gì) một cách vội vã, cốt cho xong để còn làm việc khác.
  9. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  10. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  11. Có bản chép: Hoa.
  12. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  13. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  14. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  15. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  16. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  17. Tầm phơ tầm phất
    Từ chỉ những sự vật hoặc sự việc không có nghĩa lí gì.
  18. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  19. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  20. Khởi lai
    Trỗi dậy, như khi đang nằm thì ngồi dậy (từ Hán Việt).
  21. Minh bạch
    Rõ ràng (từ Hán Việt).
  22. Gá tiếng
    Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
  23. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  24. Khứ lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  25. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)
  27. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  28. Có bản chép: năm bảy trai vào.
  29. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  30. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  31. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  32. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  33. Giờ Dần
    Khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, là canh cuối cùng trong năm canh, nên thường dùng để chỉ sớm mai.
  34. Cần
    Siêng năng (từ Hán Việt).
  35. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  36. Nằm co
    Tư thế nằm co rút chân tay lại khi thấy lạnh hoặc buồn.
  37. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  38. Đãy
    Cũng gọi là tay nải, cái túi to làm bằng vải, có quai để quàng lên vai, dùng để mang đi đường. Đây là vật dụng thường thấy ở những nhà sư khất thực.

    Mang đãy

    Mang đãy

  39. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  40. Bồ Tát
    Viết tắt của Bồ-đề-tát-đỏa, cách phiên âm tiếng Phạn bodhisattva sang chữ Hán Việt, nghĩa là người hữu tình (tát đỏa) đã giác ngộ (bồ đề). Theo Phật giáo đại thừa, bồ tát là những người đã đạt được cảnh giới, nhưng quyết không trở thành Phật khi nào toàn bộ chúng sinh còn chưa giác ngộ. Phật tử khi tụng kinh thường niệm Bồ Tát.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  41. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  42. Tùng quy
    Theo về (từ Hán Việt).
  43. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  44. Dìu dắc
    Réo rắt.
  45. Từ bi
    Một khái niệm bắt nguồn từ Phật giáo, dịch của chữ karunâ trong kinh sách tiếng Phạn. Từ nghĩa là lành, hiền ; bi là thương xót, thương hại. Từ bi chỉ lòng thương xót trước sự đau khổ của người khác.
  46. Có bản chép: thích oản.
  47. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Cửu Chùa.
  48. Nam vận
    Vận mệnh của nước Nam.
  49. Đề đốc
    Chức quan võ thời phong kiến, quản lí một đạo binh.
  50. Chưởng cơ
    Một chức quan võ thời nhà Nguyễn, cai quản 500 quân.
  51. Tán tương quân vụ
    Gọi tắt là tán tương, một chức võ quan dưới triều Nguyễn. Lãnh tụ Cần Vương Nguyễn Thiện Thuật từng giữa chức quan này, nên nhân dân cũng gọi ông là Tán Thuật.
  52. Tán lý quân vụ
    Gọi tắt là tán lý, một chức quan văn giúp việc quan võ khi dẹp giặc dưới triều Nguyễn.
  53. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  54. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  55. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  56. Lách
    Cũng gọi là đế, một dạng lau sậy mọc thành bụi hoang, thân nhỏ lá cứng, có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Lách

    Lách

  57. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  58. Khoảng đất nổi cao lên giữa nơi bằng phẳng.