Tìm kiếm "cò trắng"

  • Vè hoa

    Hoa nhài thoang thoảng bay xa
    Mùi thơm khác hẳn, thật là có hương
    Hoa cúc không sợ thu sương
    Để màu ẩn dật, mùi hương đậm đà
    Hoa sen mùa hạ nở ra
    Ở bùn mà lại không pha sắc bùn
    Hoa mai chót vót đỉnh non
    Trắng như bông tuyết hãy còn kém xa
    Mẫu đơn phú quý gọi là
    Hải đường sắc đẹp nhưng mà không hương
    Hoa quỳ nhất ý hướng dương
    Hoa liễu trong trắng, trông thường như bông
    Phù dung mọc ở bên sông
    Hoa đào gặp được gió đông mới cười

  • Đường trường cách trở ngàn xa

    Đường trường cách trở ngàn xa
    Lấy ai tin tức để mà hỏi han
    Một mình em giữ phòng loan
    Trăng thu, nguyệt tỏ, giãi gan héo dầu
    Trách ai cắt bỏ nhịp cầu
    Để cho lòng thiếp thảm sầu đắng cay
    Đố ai giải được lòng này
    Có ai cởi mối sầu này cho không
    Mỗi ngày đứng cửa dõi trông
    Trách ai chín hẹn những không cả mười

  • Nàng khoe tam cúc nàng cao

    Nàng khoe tam cúc nàng cao,
    Nên tôi hân hạnh được vào dự chơi.
    Ba cô ngồi ở ba nơi,
    Với tôi là bốn, đều ngồi khang trang.
    Thoạt đầu đảo đảo, trang trang,
    Bắt cái tam tịnh cái nàng gần tôi.
    Sau khi bài đã chia rồi,
    Mỗi người có tám cây bài trên tay.
    Cầm bài tôi liếc thấy ngay,
    Có hai tốt đỏ lại vầy tốt đen.
    Kế đến là đôi xe đen,
    Bộ ba tướng trắng còn kèm trên tay.
    Bài tốt tôi giục gọi ngay,
    Cô nàng gọi “một” đánh ngay sĩ điều.
    Được rồi nàng gọi tiếp “đôi,”
    Đánh đôi mã đỏ rồi ngồi đợi xem.
    Lá này tôi ra xe đen,
    Bắt đôi mã đỏ làm nàng xuýt xoa.
    Được rồi tôi mới gọi “ba,”
    Tướng sĩ tượng đỏ nàng ra bắt liền.
    Bắt rồi hạ kết tốt đen,
    Cả làng xúm lại để xem bài này.
    Trách em bé, đứng cạnh tay,
    Tánh nết nhanh nhảu, nói ngay một lời.
    Sao bác dại thế bác ơi,
    Có đôi tốt đỏ toan chui không đè.
    Không dè, làng cũng không nghe,
    Nàng đành phải chịu tôi đè tốt đen.
    Bây giờ sự đã quả nhiên,
    Nàng đành móc túi, xỉa tiền ra chung.

  • Vè Hà thành đầu độc

    Một cơn gió táp mưa sa
    Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu
    Gió mưa nghe vẳng bên lầu
    Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời
    Than ôi cũng một kiếp người
    Một lòng yêu nước thương nòi xót xa
    Non sông Hồng Lạc một nhà
    Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng
    Mực hòa máu lệ một chương
    Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời
    Nhớ xưa liệt sĩ bốn người
    Ở trong ban lính đóng nơi Hà thành
    Đòi phen trận mạc tập tành
    Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông

  • Thuyền ai đỗ bến đợi chờ

    Thuyền ai đỗ bến đợi chờ
    Tình đi nghĩa ở, bao giờ quên nhau
    Chẳng nên tình trước nghĩa sau
    Bến này dãi bóng trăng thâu đợi thuyền
    Đôi ta như cặp chim quyên
    Dầu khô dầu héo cũng chuyền cũng bay
    Khát thì uống nước bọng cây
    Đói ăn bông cỏ, thiếp đây vẫn chờ

  • Ngồi tựa vườn đào

    Ngồi tựa vườn đào
    Thấy người thục nữ ra vào
    Lòng những vấn vương
    Gió lạnh đêm trường
    Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường
    Cô để đó chờ ai?
    So chữ sắc tài
    Yêu nhau chớ để cho người trăng gió hái hoa
    Nguyện với trăng già
    Tơ hồng kết lại một nhà đầm ấm yên vui
    Ngồi tựa vườn đào
    Thấy người tri kỷ ra vào
    Em những ngẩn ngơ
    Tháng đợi năm chờ
    Nỗi niềm tâm sự bây giờ biết ngỏ cùng ai

    Dị bản

    • Ngồi tựa vườn đào
      Thấy người thục nữ ra vào
      Lòng những vấn vương
      Nửa chăn để đó, nửa giường,
      Em để chờ ai
      So chữ sắc tài
      Có công gắn bó, ai người phụ nghĩa quên công
      Nên chăng đấy vợ, đây chồng
      Bõ công cầu khẩn tơ hồng xe duyên

  • Lựa là chợ búa kinh kỳ

    Lựa là chợ búa kinh kỳ
    Ở đồng ở ruộng ăn gì cũng ngon
    Sáng thì rau ngổ xào lươn
    Trưa thì mắm ruốc cà um ngoài vườn
    Cơm chiều kho cá lòng tong
    Chấm đọt nhãn lồng bổ óc bổ gan
    Sáng trăng luộc nồi khoai lang
    Rủ đám trai làng mở cuộc kéo co

  • Ai cùng gặt lúa đỏ đuôi

    Ai cùng gặt lúa đỏ đuôi
    Chàng về mà đập mà phơi kịp ngày
    Ai mà giã gạo ba chày
    Giã đi cho trắng gùi ngay cho chàng
    Sẵn tiền mua bạc mua vàng
    Sẵn tiền sắm áo cho chàng trẩy kinh
    Sáng trời chàng mới tập binh
    Em ngồi vò võ một mình em lo

  • Tiếng đồn anh hay chữ

    – Tiếng đồn anh hay chữ
    Lại đây em hỏi thử
    Đôi câu lịch sử Khánh Hòa
    Từ ngày Tây cướp nước ta
    Những ông nào đã dựng cờ khởi nghĩa,
    Anh hãy nói ra cho em tường?
    – Nghe lời em hỏi mà thương
    Thương người nghĩa kiệt, tơ vương vấn lòng
    Vì thù non sông
    Thề không đội trời chung với giặc
    Từ Nam chí Bắc
    Thiếu chi trang dạ sắt, gan đồng

  • Vè ở tù

    Chiều chiều vào khám
    Như công chúa vào lầu
    Bận áo không bâu
    Như mình mang thiết giáp
    Thầy chú đánh đạp
    Như thí võ Tràng An
    Quần áo lang thang
    Như mình mang giáp trụ
    Tuông bờ lướt bụi
    Như Khương Thượng tán binh

  • Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi”

    – Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi
    Sơ nhi bất lậu” lưới trời bủa giăng
    Xa xôi chưa kịp nói năng
    Từ qua đến bậu như trăng xế chiều
    Thân em như tấm lụa điều
    Phất phơ trước chợ nhiều điều đáng thương
    Dốc lòng trồng cửu lý hương
    Ba năm hai lá, người thương giã đầu

  • Mình rằng mình quyết lấy ta

    Mình rằng mình quyết lấy ta
    Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
    Hăm ba nay đã đến ngày
    Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
    Tháng giêng năm mới chưa nên
    Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
    Tháng hai có đỗ có khoai
    Ta lại vật nài cho đến tháng tư
    Tháng tư ngày chẵn tháng dư
    Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
    Tháng năm là tháng trâu đầm
    Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
    Tháng sáu lo chửa kịp tiền
    Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
    Tháng bảy là tháng mưa ngâu
    Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
    Tháng tám là tháng trăng thu
    Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
    Tháng chín là tháng mưa rươi
    Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
    Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
    Như chim trong lồng, như cá cắn câu

  • Trường đồ tri mã lực

    Trường đồ tri mã lực,
    Sự cửu kiến nhân tâm.
    Sen trong đầm lá xanh bông trắng,
    Sen ngoài đầm bông trắng lá xanh.
    Chim khôn lót ổ lựa nhành,
    Gái khôn tìm chỗ trai lành kết duyên.
    Vô dược khả y khanh tướng bệnh,
    Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
    Bạc muôn khó chuộng bạn hiền sánh đôi.
    Ở trên trời có ngôi sao Bắc Đẩu,
    Ở dưới hạ giới có con sông Giang hà,
    Sông Giang hà chảy ra biển rộng
    Bắc đẩu tinh quay ngõng chầu trời,
    Tôi thương mình lắm mình ơi,
    Biết sao kể nỗi khúc nhôi ớ mình!

  • Ngộ bất cập mới gặp em đây

    Ngộ bất cập mới gặp em đây
    Hỏi thăm quê quán, tổng làng ở đâu
    Nhà em nhà ngói hay nhà lá
    Tán lá hay tán cây
    Đệ huynh có mấy, tuổi nàng bao nhiêu?
    – Thấy anh muốn rõ, để em phân tỏ anh tường
    Châu Đốc em nương ngụ, Cây Gòn em ở yên
    Nhà em nhà lá chống tán lá, tán cây
    Phụ mẫu em song toàn, em đây vốn thiệt hết lòng
    Tuổi chừng trăng tỏ, chỉ hồng chưa nơi

  • Quả gì lắm cạnh nhiều khe?

    Quả gì lắm cạnh nhiều khe?
    Quả gì nứt nẻ như đe thợ rào?
    Quả gì kẻ ước người ao?
    Quả gì tốt đẹp như sao trên trời?
    Quả gì ăn đủ năm mùi?
    Quả gì to lớn có người ở trong?
    Quả gì thích chữ chạm rồng?
    Quả gì cùi trắng nước trong hỡi nàng?
    Quả gì da nó vàng vàng?
    Quả gì lăn lóc ở đường cái đi?
    Quả gì da nó xù xì?
    Quả gì tháng bảy ta thì đem phơi?
    Quả gì nhiều ngón nàng ơi?
    Quả gì ta để hành ngơi trong nhà?
    Quả gì kính mẹ kính cha?
    Quả gì làm lễ cưới ta với nàng?

  • Anh tiếc cho ai nuôi dạy mong chờ

    Anh tiếc cho ai nuôi dạy mong chờ
    Một hai ba bốn tuổi đến bây giờ em lớn khôn
    Cái vành khăn em vấn đã tròn
    Câu cười tiếng nói đã giòn em lại ngoan
    Sợi tơ hồng đã buộc với nhân duyên
    Sao em không chịu khó vác cái giang san cho chồng
    Nỡ dang tay em dứt tơ hồng
    Đứng đầu núi nọ mà trông bên non này
    Ánh phong lưu son phấn đọa đày
    Thay đen đổi trắng ai rày yêu thương
    Dẫu may ra tán tía tàn vàng
    Mười phương thiên hạ xem thường có vào đâu
    Tấm thân em chẳng nghĩ mặc dầu
    Bọn đàn bà còn để tiếng xấu về sau muôn đời
    Chị em ơi, thế cũng kiếp người!

  • Nón này em sắm ở đâu

    Nón này em sắm ở đâu
    Dọc ngang mấy thước, móc khâu mấy lần
    Em mà đáp được như thần
    Thì anh trả nón đưa chân anh về
    – Nón này em sắm chợ Giầu
    Dọc ngang thước rưỡi, móc khâu năm đường
    Nón này chính ở làng Chuông
    Làng Già lợp nón, Khương Thường bán khua
    Hà Nội thì tết quai tua
    Có hai con bướm đậu vừa xung quanh
    Tứ bề nghiêng nón chạy quanh
    Ở giữa con bướm là hình ông trăng
    Nón này em sắm tiền trăm
    Ai trông cái nón ba tầm cũng ưa
    Nón này che nắng che mưa
    Nón này để đội cho vừa đôi ta
    Nón này khâu những móc già
    Em đi thử nón đã ba năm chầy
    Muốn em chung mẹ chung thầy
    Thì anh đưa cái nón này em xin.

Chú thích

  1. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  2. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  3. Hải đường
    Loài cây nhỡ, sống nhiều năm, họ Chè. Lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ở gần ngọn cây, ngọn cành; hoa có cuống dài, tràng hoa đỏ tía, nhiều nhị đực. Hoa nở vào dịp Tết Âm lịch, đẹp nhưng không thơm.

    Hoa hải đường

    Hoa hải đường

  4. Dã quỳ
    Còn có tên là cúc quỳ, sơn quỳ hoặc hướng dương dại, một loại cây cho hoa màu vàng mọc nhiều ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở nước ta, dã quỳ được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng, sau dần mọc hoang khắp các tỉnh Tây Nguyên.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  5. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  6. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  7. Câu này có lẽ lấy ý từ hai câu thơ của Thôi Hộ thời Đường:

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong

    Dịch:

    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  8. Làng Sét
    Một làng thuộc xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Theo sử liệu, ông Trương Cảnh Tường là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp tại núi Quy Sơn, tên gọi Ấp Sát. Do đây là vùng đất địa linh, an vui lạc thổ, sông núi hữu tình nên người nghe tìm đến ngày càng phồn thịnh. Buổi đầu ở trên lưng núi, sau mở rộng dần xuống đất bằng. Ấp Sát trở thành thôn Sát (Sét), nay là làng Sét. Bến đò của làng cũng gọi là bến Sét.

    Đình làng Sét

    Đình làng Sét

  9. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  10. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  11. Tam cúc
    Một trò chơi bài lá dân gian từng rất phổ ở miền Bắc, thường được chơi trong những khi rỗi rãi hoặc các dịp lễ tết. Bộ bài tam cúc có 32 lá với các quân tương tự như cờ tướng, chia làm hai loại là đỏ và đen. Xem thêm Cách chơi tam cúc.

    Bộ bài tam cúc

    Bộ bài tam cúc

  12. Có bản chép: Vẳng tai nghe tiếng đài đầu. "Đài đầu" ở đây có lẽ là đoạn đầu đài.
  13. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  14. Có bản chép: nghĩa liệt.
  15. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  16. Giàng
    Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
  17. Liệt sĩ bốn người
    Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
  18. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  19. Đòi phen
    Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").

    Trông tư bề chân trời mặt đất;
    Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen

    (Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)

  20. Dãi
    Phơi ra giữa trời, chịu tác động của những biến đổi thời tiết.
  21. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  22. Thiếp
    Từ Hán Việt chỉ người vợ lẽ, hoặc cách người phụ nữ ngày xưa dùng để tự xưng một cách nhún nhường.
  23. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  24. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  25. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  26. Bõ công
    Đáng công.
  27. Lựa là
    Chẳng cần gì, chẳng cứ gì (từ cũ). Cũng như lọ là.
  28. Rau ngổ
    Còn gọi là rau om, ngò (mò) om, ngổ hương, ngổ thơm, ngổ điếc, thạch long vĩ, là loài cây thân thảo có chiều cao khoảng 20cm, thân xốp có nhiều lông. Lá không cuống, mọc đối hoặc mọc vòng, mép lá có răng cưa thưa. Rau thường mọc nhiều ở ao, rạch, mương và thường được trồng làm rau gia vị.

    Rau ngổ

    Rau ngổ

  29. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  30. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  31. Lúa đỏ đuôi
    Lúa vừa đến độ chín, đầu bông có các hạt mới hoe vàng.
  32. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  33. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  34. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  35. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  37. Tình nhân
    Người yêu.
  38. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  39. Bận
    Mặc (quần áo).
  40. Câu này và câu dưới có bản chép:
    Chiều vào khám lớn
    Như thái tử vào lầu
  41. Bâu
    Cổ áo.
  42. Trong bài này có nghĩa là "áo giáp sắt."
  43. Trường An
    Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

    Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.

  44. Giáp trụ
    Từ chữ giáp 甲 áo dày, áo giáp, và trụ 冑 mũ đội ra trận để phòng tên đạn.
  45. Có bản chép: Như Kim Tòng kết tụi.
  46. Câu này và câu dưới có bản chép:

    Đi làm ngoài bụi
    Như thái tử đi săn

    Ngoài ra còn thêm hai câu:

    Cuốc vá lăng xăng
    Như Trương Phi thử võ
    Ngồi mà lượm cỏ
    Như Thái Thượng điểm binh

  47. Khương Thượng
    Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.

    Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

  48. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
  49. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  50. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  51. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  52. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  53. Mưa ngâu
    Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  54. Mưa rươi
    Mưa nhỏ và rất ngắn, thường có vào cuối mùa mưa ở miền Bắc, vào khoảng tháng chín âm lịch, trùng với mùa có rươi ở vùng biển.
  55. Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm
    Đường dài mới biết sức ngựa, việc lâu ngày mới biết lòng người. Câu này là một dị bản của một câu trong Cổ huấn: Lộ diêu tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm.
  56. Vô dược khả y khanh tướng bệnh, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền
    Không có thuốc nào chữa được bệnh ham làm quan (khanh tướng bệnh), có tiền cũng khó mua được con cháu hiền. Câu này thật ra là một dị bản của một câu trong Minh Tâm Bửu Giám: Vô dược khả y khanh tướng thọ, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
  57. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  58. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  59. Giang hà
    Sông nước nói chung (từ Hán Việt).

    Con chim chết dưới cội hoa
    Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

    (Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

  60. Ngõng
    Mấu hình trụ để tra cán cối xay, làm điểm tựa, nếu không thì cối xay không quay được.

    Cối xay thóc

    Cối xay thóc

  61. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  62. Ngộ bất cập
    Thình lình mà gặp, gặp chuyện không tính trước.
  63. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  64. Huynh đệ
    Anh em (từ Hán Việt). Cũng có thể hiểu là anh chị em nói chung.
  65. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  66. Cây Gòn
    Tên một ấp thuộc xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây cũng là tên dân ta thường gọi một khu vực giáp với thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), thuộc xã Boreycholsa, huyện Boreycholsa, tỉnh Takeo, Campuchia.
  67. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  68. Trăng tỏ là trăng sáng, thường là vào những đêm rằm. Tuổi trăng tròn, tuổi trăng rằm thường chỉ tuổi mười lăm, mười sáu.
  69. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  70. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  71. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  72. Bồ đài
    Đồ dùng để múc nước, làm bằng mo cau gập và nẹp lại.
  73. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  74. Đe
    Khối sắt hoặc thép dùng làm bệ để đặt kim loại lên trên mà đập bằng búa.
  75. Thợ rào
    Thợ rèn.
  76. Thích
    Dùng mũi nhọn châm vào vật gì để khắc, rồi bôi mực cho nổi hình lên.
  77. Chạm
    Khắc, đục lên bề mặt vật rắn (gỗ, đá, kim loại, v.v...) để tạo những đường nét, hình khối mang tính nghệ thuật.
  78. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  79. Hành ngơi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hành ngơi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  80. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  81. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  82. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  83. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  84. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  85. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  86. Thước
    Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
  87. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  88. Quang Trung
    Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.

    Phơi lá lụi để làm nón

    Phơi lá lụi để làm nón

  89. Làng Già
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Già, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  90. Khương Thượng
    Còn có tên khác là làng Sại, trại Ông Đình, làng Đình Gừng, một làng cổ nay thuộc địa bàn phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Làng có giếng cổ được cho là vết tích của "giếng Cao Biền."
  91. Khua
    Vành tròn đan bằng tre hoặc đay, gắn vào lòng nón để đội cho chắc.

    Khâu nón lá thủ công

    Khâu nón lá thủ công

  92. Quai thao
    Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

  93. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  94. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)