Tìm kiếm "cát vận"

  • Huơ con nghé nhỏ

    Huơ con nghé nhỏ
    Lạc đàng theo chó
    Lạc ngõ theo trâu
    Nghe mẹ rống đâu
    Đâm đầu mà nhảy

    Dị bản

    • Ông khách hỏi mua
      Nhà ta chả bán
      Ông khách hỏi gạn
      Nhà ta chả cho
      Cắt cỏ ăn no
      Theo cày đỡ mẹ
      Huơ con nghé nhỏ
      Lạc đàng theo chó
      Lạc ngõ theo trâu
      Nghe mẹ rống đâu
      Đâm đầu mà chạy

  • Anh nói với em

    Anh nói với em
    Như rìu chém xuống đá
    Như rựa chém xuống đất
    Như mật rót vào tai
    Bây giờ anh đã nghe ai
    Bỏ em giữa chốn non Đoài, khổ chưa!

    Dị bản

    • Em nói với anh,
      Như rựa chặt xuống đất
      Như Phật chất vào lòng
      Hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly
      Bây giờ em đặng chữ vu quy
      Em đặng nơi quyền quý
      Em nghĩ gì tới anh

    • Anh nói với em,
      Như rựa chém xuống đá,
      Như rạ cắt xuống đất,
      Như mật rót vào tai,
      Bây chừ anh đã nghe ai,
      Bỏ em giữa chốn thuyền chài rứa ri?

  • Tài trai đâu đáng tài trai

    Tài trai đâu đáng tài trai
    Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
    Canh trước tướng hãy còn tiền
    Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
    Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
    Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
    Còn tiền đánh cái cũng hay
    Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
    Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
    Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba

Chú thích

  1. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  3. Đoài
    Phía Tây.
  4. Có bản chép: Như mật rót vào ve.
  5. Hoạn nạn tương cứu, sinh tử bất ly
    Hoạn nạn thì cứu giúp nhau, sống hay chết cũng không rời nhau.
  6. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  7. Vu quy
    Về nhà chồng.
  8. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  9. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Ri
    Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  12. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  13. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  14. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  15. Lọ hồ
    Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
  16. Cái
    Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.