Tìm kiếm "cát vận"

Chú thích

  1. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  2. Cầu Tấn
    Tên một chiếc cầu cổ gần cửa biển Thị Nại (nay là đầm Thị Nại), tỉnh Bình Định. Cầu này có từ đời Chiêm Thành, xây bằng đá, nên sử chép là Thạch Kiều, thời Pháp được sửa lại, đúc bằng xi măng cốt sắt. Cầu có tên là cầu Tấn vì Thị Nại xưa kia là một thương cảng tấp nập, có quan Tấn thủ coi giữ.
  3. Có bản chép: Bãi.
  4. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  5. Phương Mai
    Tên một hòn núi nhỏ nằm ở phía Đông của đầm Thị Nại (trước là cửa biển Thị Nại) thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên bán đảo và vịnh ở đây.

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

  6. Ghềnh Ráng
    Tên một thắng cảnh rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 2km. Đây là một bãi đá tự nhiên rất đẹp, trước đây từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Ghềnh đá có bãi tắm Tiên Sa, bãi Hoàng Hậu (tương truyền có tên như vậy vì là bãi tắm ưa thích của hoàng hậu Nam Phương triều Nguyễn), đá Hòn Chồng, bãi Đá Trứng, cùng với ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Quách Tấn giải thích về tên gọi Gành Ráng: (...) gọi là Gành Ráng không phải là Ráng trời. Người đi biển có bốn tiếng để lái thuyền: Cay: cho thuyền từ phải qua trái; Biết: cho thuyền từ trái qua phải; Nhượng: xoay mũi thuyền theo đầu gió; Ráng: đổ gió trong buồm ra, xoay mũi theo cuối chiều gió. Thuyền hễ qua Gành này thì phải đổ gió nên gọi là Gành Ráng.

    Một góc Ghềnh Ráng

    Một góc Ghềnh Ráng

  7. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  8. Sơn kì thủy tú
    Chữ Hán, nghĩa là "núi lạ, sông đẹp." Chỉ cảnh vật tươi đẹp. Còn nói là "thủy tú, sơn kì."

    Xa xa vừa mấy dặm đường
    Gặp Vương Tử Trực vầy đoàn đều đi.
    Trải qua thủy tú sơn kì
    Phỉ lòng cá nhảy gặp thì rồng bay

    (Lục Vân Tiên)

  9. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  10. Yên Thái
    Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.

    Làng Bưởi ngày xưa

    Làng Bưởi ngày xưa

  11. Lộc
    Chồi lá non của cây. Vì chữ này đồng âm với "lộc" trong "phước lộc," "tài lộc," nghĩa là những điều tốt lành do trời ban cho, nên ở nước ta có phong tục hái lộc đầu năm để cầu may mắn, hạnh phúc cả năm.
  12. Vả
    Cây cùng họ với sung, lá to, quả (thực ra là hoa) lớn hơn quả sung, ăn được.

    Quả vả

    Quả vả

  13. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  14. Có bản chép câu cuối này thành: Mày qua lối nọ làm chi?
  15. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  16. Tò vò
    Loài côn trùng có cánh màng, nhìn giống con ong, lưng nhỏ, hay làm tổ bằng đất trộn với nước bọt của mình. Tổ tò vò rất cứng, trong chứa ấu trùng tò vò.

    Con tò vò

    Con tò vò

  17. Bình Đào
    Địa danh nay là vùng đất bao gồm hai xã Bình Minh và Bình Đào, huyện Thanh Bình, tỉnh Quảng Nam.
  18. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  20. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  21. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  22. Hoành Bồ
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh. Hoành Bồ là một huyện miền núi, khá biệt lập với bên ngoài, cuộc sống người dân lam lũ, vất vả.

    Xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ

    Xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ

  23. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  24. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  25. Chợ Lớn
    Tên của khu vực đông người Hoa sinh sống nằm ven kênh Tẻ trải dài trên quận 5 và quận 6 ở thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này trước kia lập thành một thành phố riêng biệt với Sài Gòn, gọi là thành phố Chợ Lớn. Trong những năm 1930-1950 do quá trình đô thị hóa, Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau.

    Chợ Lớn trước 1975

    Chợ Lớn trước 1975

  26. Chắc Cà Đao
    Tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Có hai giải thích về địa danh này:

    1. Theo nhà văn Sơn Nam, Chắc Cà Đao là do chữ Prek Pédao (Prek: rạch; Pédao: một loại dây mây), nghĩa là con rạch có nhiều dây mây.

    2. Theo ông Nguyễn Văn Đính, địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer chắp kdam (bắt cua) mà ra vì vùng này xưa kia có nhiều cua. Học giả Vương Hồng Sển cho rằng cách giải thích này có lí hơn.

  27. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  28. Tề gia
    Trông nom, chăm sóc việc gia đình.
  29. Quyên quyên
    Dáng nước chảy (quyên 涓 chữ Hán nghĩa là dòng nước nhỏ).
  30. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  31. Lá thuốc lào sau khi hái xuống được rọc sống lá bằng cái kìm tre. Việc này đòi hỏi sự khéo léo, nếu rọc không có kĩ thuật lá thuốc sẽ bị rách nát, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
  32. Sau khi rọc, lá thuốc được cuộn thành những cuốn thuốc dài 2,5-2,8 m, đường kính 20-25 cm. Cuộn lá thuốc thành cuốn cũng là một kĩ thuật khó, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo để cuộn thuốc không quá mềm rỗng hoặc quá cứng. Nếu cuộn thuốc mềm thì không khí bên trong cuộn còn nhiều, dễ gây thối hoặc héo lá. Nếu cứng quá thì thuốc cũng dễ thối và lá thuốc không đủ độ “chín” khi thái.

    Cuộn thuốc lào thành cuốn

    Cuộn thuốc lào thành cuốn

  33. Theo tục lệ nhiều nơi, lúc chiều muộn, sau khi thái lá thuốc xong, chủ nhà phải mổ gà, trà rượu để đãi những người đến phụ, chứ không lấy tiền công.
  34. Hồ rũ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồ rũ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  35. Nguyên mền
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nguyên mền, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  36. Thiên
    Đơn vị đo lường thóc gạo. Mỗi thiên bằng một trăm giạ.
  37. "Tinh thần khoa trương, tự hào của người lưu dân cũng được thấy biểu lộ trong ngôn ngữ thường nhật bằng cách ngoa ngữ, nghĩa là họ nói quá đi. (...) Thí dụ như 10 giạ lúa thì gọi là "một trăm lúa"; còn 100 giạ thì gọi là "một thiên lúa", tức 1000 giạ." (Văn truyền khẩu trên đất Đồng Nai - Nguyễn Văn Hầu)
  38. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).