Tìm kiếm "đàng xa"

  • Có đêm ra đứng đàng tây

    Có đêm ra đứng đàng tây
    Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
    Có đêm ra đứng vườn hoa
    Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
    Có đêm thơ thẩn một mình
    Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
    Có đêm tạc đá ghi vàng
    Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
    Thương chàng lắm lắm không nguôi
    Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
    Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
    Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
    Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
    Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
    Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
    Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
    Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
    Sư ông nhớ Bụt rày nhớ chuông
    Nhớ chàng vì nợ vì duyên
    Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.

    Dị bản

    • Đêm đêm ra đứng vườn hoa
      Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
      Đêm đêm ra đứng một mình
      Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
      Có đêm tạc đá ghi vàng
      Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
      Thương nàng lắm lắm nàng ôi
      Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
      Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
      Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
      Bao giờ nên vợ nên chồng
      Như chim về tổ như rồng gặp mây

    Video

  • Nón em đang đội trên đầu

    Nón em đang đội trên đầu
    Anh mà giật mất dạ sầu em thay
    Lấy gì mà đội hôm nay
    Anh mua nón khác, nón này em xin
    Nón em chả đáng đồng tiền
    Chưa kết được bạn chưa yên cửa nhà
    Nón em mua ở tỉnh xa
    Mua ở Hà Nội quan ba mươi đồng
    Trở về gặp khách má hồng
    Sao anh ăn ở ra lòng thờ ơ
    Mua nón, em phải mua tua
    Nón này thầy mẹ em mua rành rành
    Nhẽ đâu em để cho anh
    Về nhà mẹ mắng, em đành bảo sao

  • Đường trường cách trở ngàn xa

    Đường trường cách trở ngàn xa
    Lấy ai tin tức để mà hỏi han
    Một mình em giữ phòng loan
    Trăng thu, nguyệt tỏ, giãi gan héo dầu
    Trách ai cắt bỏ nhịp cầu
    Để cho lòng thiếp thảm sầu đắng cay
    Đố ai giải được lòng này
    Có ai cởi mối sầu này cho không
    Mỗi ngày đứng cửa dõi trông
    Trách ai chín hẹn những không cả mười

  • Tay anh cầm chai rượu buồng cau

    Tay anh cầm chai rượu buồng cau
    Đi ngả đàng sau, thầy mẹ chê khó
    Đi đàng cửa ngõ, chú bác chê nghèo
    Nhằm chừng duyên nợ cheo leọ
    Sóng to thuyền nặng không biết chống chèo có qua không

    Dị bản

    • Một tay anh cầm chai rượu
      Một tay anh xách buồng cau
      Đi ngõ sau cha mẹ chê anh khó
      Đi ngã trước chú bác nói anh nghèo
      Nhắm chừng duyên nợ cheo leo
      Sợ nước to sóng nậy, liệu có chống chèo chi được không?

  • Tháng giêng thì lúa xanh già

    Tháng giêng thì lúa xanh già
    Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
    Tháng tư cuốc đất trồng lang
    Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
    Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
    Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
    Gặt về đạp lúa phơi rơm
    Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
    Lúa khô giê sạch cất ngay
    Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
    Mùa đông mưa bão nhiều lần
    Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
    Tháng mười cày cấy mưa to
    Trông trời, trông đất cầu cho được mùa

  • Người về một đoạn xa xa

    Người về một đoạn xa xa
    Ta còn đứng giữa ngã ba chưa về
    Nhìn trăng lại nhớ câu thề
    Nhìn gương mà tưởng ngồi kề bên ai
    Người về có nhớ khóm mai
    Người về thoang thoảng hoa nhài còn đây
    Gặp nhau không sợi không dây
    Mà sao như buộc lòng này người đi!
    Người về ta nhớ câu mời
    Nhớ giọng người hát, nhớ lời người trao
    Người về để vắng giăng sao
    Để lòng đằng đẵng khi nào mới nguôi
    Người về đường ấy xa xôi
    Hãy như dao nọ nước tôi cho già
    Đinh ninh nên cột nên xà
    Nền kèo nên mái nên ta nên mình
    Mai này đỏ nghĩa thắm tình
    Cành giao với lại cây quỳnh nào hơn

  • Vì mây nên núi lên trời

    Vì mây nên núi lên trời
    Vì cơn gió thổi, hoa cười với trăng
    Vì chuôm cho cá bén đăng
    Vì tình nên phải đi trăng về mờ

    Dị bản

    • Vì mây cho núi lên trời
      Vì cơn gió thổi, hoa cười với trăng
      Vì sương cho núi bạc đầu
      Vì cơn gió mạnh cho rầu rĩ hoa
      Vì mây cho núi lên cao
      Mây còn mờ mịt, núi nhòa mờ xanh

  • Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc

    Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc
    Đem về đoạn khúc, chuốt cái cần dài
    Lấy thép ra mài, uốn câu nồi gọ
    Đêm hôm lọ mọ
    Xe sợi nhợ săn
    Buộc chặt vào cần
    Móc mồi thơm phức
    Vội ra ngoài bực
    Lựa chỗ anh ngồi
    Thả câu xuống rồi
    Miệng anh thầm vái
    Cần câu nhơn
    Cần câu ngãi
    Cần câu phải
    Cần câu khôn
    Ân oai các đấng cô hồn
    Đuổi con cá nọ chạy dồn ăn câu!

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

  • Con cua không sợ, anh sợ con còng

    Con cua không sợ, anh sợ con còng
    Dao phay anh không sợ, chỉ sợ gái hai lòng hại anh

    Dị bản

    • Con cua không sợ mà sợ con còng
      Con kia không sợ mà sợ gái hai lòng hại anh

    • Con cua anh không sợ mà anh sợ con còng
      Đấng anh hùng anh không sợ mà anh sợ gái hai lòng hại anh

    • Con cua anh không sợ, anh sợ con còng
      Kẻ tiểu nhân anh không sợ, sợ gái hai lòng hại anh

    • Con cua không sợ mà sợ con còng
      Một đảng du côn không sợ, mà sợ bậu hai lòng phụ tôi.

  • Người sao kiệu bạc, ngai vàng

    Người sao kiệu bạc ngai vàng
    Người sao cuối chợ đầu làng kêu ca
    Người sao đệm thắm chiếu hoa
    Người sao ngồi đất lê la suốt ngày
    Người sao chăn đắp, màn quây
    Người sao trần trụi thân thây bẽ bàng
    Người sao võng giá nghênh ngang
    Người sao đầu đội vai mang nặng nề
    Người sao năm thiếp bảy thê
    Người sao côi cút sớm khuya chịu sầu
    Người sao kẻ quạt người hầu
    Người sao nắng dãi mưa dầu long đong
    Trời ơi! Trời ở bất công!

    Dị bản

    • Người thì kiệu bạc đai vàng
      Người sao đầu chợ cuối đàng kêu ca
      Người thì đệm gắm chiếu hoa
      Người sao ngồi đất lê la tối ngày
      Người thì chăn đắp, màn quây
      Người sao trần trụi khố dây bẽ bàng
      Người thì võng giá nghênh ngang
      Người sao đầu đội vai mang nặng nề
      Người thì ăn mặc phủ phê
      Người sao đói rách, ê chề tấm thân.

  • Ai ơi! Đừng rơi nước mắt ớt

    Ai ơi! Đừng rơi nước mắt ớt
    Đừng rớt nước mắt gừng
    Nhân duyên trời định nửa chừng mà thôi

    Dị bản

    • Anh đừng rơi nước mắt ớt
      Anh đừng rớt nước mắt gừng
      Đôi ta chẳng đặng thì đừng
      Nhân duyên ông trời định nửa chừng thôi nhau

  • Lấy chồng từ thuở mười lăm

    Lấy chồng từ thuở mười lăm
    Chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi
    Ðến năm mười tám, đôi mươi
    Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường
    Một rằng thương, hai rằng thương
    Có bốn chân giường gãy một còn ba
    Ai về nhắn mẹ cùng cha
    Chồng tôi nay đã giao hoà với tôi

    Dị bản

    • Lấy chồng từ thuở mười lăm
      Chồng chê tôi bé không nằm với tôi
      Đến khi mười tám đôi mươi
      Đang nằm dưới đất chồng lôi lên giường
      Lên giường anh nói anh thương
      Một anh thương, hai anh thương, ba anh thương
      Anh thương em chi hung rứa
      Cho bốn cái cẳng giường nó rung rinh

  • Con chim nó kêu

    Con chim nó kêu
    Tê lao xao xác
    Tê lao xào xạc
    Mụ ơi hỡi mụ
    Đứng lại mà xem
    Con vượn nó trèo
    Từ trái núi nọ
    Qua lối nọ đàng tê
    Mắt trông thấy trai
    Tang tình lịch sự
    Cái quần bốp tím
    Cái lông nhím bạc
    Cái lược đồi mồi
    Tình tính tinh mồi
    Lòng em quyết theo
    Em rút cái neo
    Cho con thuyền chạy

Chú thích

  1. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  2. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  3. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  4. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  5. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  6. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  7. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  8. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  9. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  10. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  11. Quai thao
    Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

  12. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  13. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  14. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Nậy
    Lớn (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  16. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  17. , hay giê, hoạt động làm cho lúa sạch bằng cách đổ từ trên cao xuống cho gió cuốn đi những bụi rác (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  19. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  20. Tôi
    Nung hợp kim đến nhiệt độ nhất định rồi làm nguội thật nhanh để tăng độ rắn và bền.

    Tôi cán cuốc thép

    Tôi lưỡi cuốc thép

  21. Già
    Trên mức trung bình, mức vừa dùng, mức hợp lí (thóc phơi già nắng, nước sôi già...).
  22. Quỳnh, giao
    Hai thứ ngọc quí, hay dùng để ví với những gì quí giá.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

  23. Nồi gọ
    Chỗ phình rộng ra trong hang rắn hay hang cá trê.
  24. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  25. Bực
    Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Ân oai
    Nói về người có quyền, có ân mà lại có oai nghi, người ta cảm mà lại sợ (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  29. Cô hồn
    Linh hồn chưa được đầu thai kiếp khác, phải đi lang thang, chịu khổ sở đói rét, theo tín ngưỡng tâm linh. Vào tháng Bảy âm lịch, ở nước ta có tục cúng cô hồn.

    Một mâm cúng cô hồn

    Một mâm cúng cô hồn

  30. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  31. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  32. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  33. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  34. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  35. Tông chi
    Các chi trong một họ nói chung.
  36. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  37. Cam
    Bằng lòng chịu vì cho là không thể nào khác được.
  38. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  39. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  40. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  41. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  42. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  43. Võng giá
    Vua quan ngày xưa thường đi bằng võng và xe (giá) do lính khiêng.

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

  44. Nhuốc nha
    Nhuốc nhơ (phương ngữ Nam Bộ).
  45. Có bản chép: Anh ơi!
  46. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  47. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  48. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  49. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Cẳng.
  50. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  51. Sở đất
    Đám đất, miếng đất (phương ngữ Nam Bộ).
  52. Hổ thân
    Xấu hổ (phương ngữ Nam Bộ).
  53. Kia (phương ngữ Trung Bộ).