Đất Mai Hồ dệt vải
Đất Cổ Đạm vắt nồi
Chi chi đất Láng Ngạn bầy tui
Bắt được nạm cáy hôi
Về đâm đâm xoi xoi
Về chà đứng chà ngồi
Phơi cho đủ nắng đủ nôi
Ủ cho tròn ba tháng mới thôi
Đem ra chợ mà ngồi
Mắm cáy Láng Ngạn ai ơi
Ngon bằng năm ruốc bể
Ngon bằng mười ruốc bể
Tìm kiếm "ba mươi"
-
-
Em là con gái nhà giàu
Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao
Cưới em trăm tấm gấm đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
Sắm xe tứ mã đem sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Một người một cái quạt Tàu thật xinh
Anh về sắm nhiễu Nghi Ðình
May chăn cho rộng ta mình đắp chung
Cưới em chín chĩnh mật ong
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên Lôi
Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
Xin chàng chín chục con dơi góa chồng
Thách thế mới thỏa trong lòng
Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân -
Anh ơi, phải lính thì đi
Anh ơi! phải lính thì đi
Cửa nhà mọi việc em thì chẳng sai
Tháng chạp là tiết trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ đất ra
Tháng tư gieo mạ, thuận hòa mọi nơi
Tháng mười gặt hái vừa rồi
Trời đổ mưa xuống, nước trôi đầy đồng
Anh ơi, hãy giữ việc công
Để em cày cấy, mặc lòng em loDị bản
Anh ơi, phải lính thì đi
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có emAnh ơi, phải lính thì đi
Con còn măng dại đã thì có em
-
Lại đây anh nói câu này
Lại đây anh nói câu này
Cưới em nhà ngói anh xây ba toà
Trong nhà anh lót đá hoa
Chân táng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
Hai bên bức thuận tứ linh rồng chầu
Nhà anh kín trước rào sau
Tường xây bốn mặt, hào sâu rõ ràng
Trong rương vóc nhiễu nghênh ngang
Nhiễu điều lót áo, cho nàng đi chơi
Áo dài sắm đủ mười đôi
Chăn hoa đệm gấm tiện nghi trên giường
Nếu mà nàng có lòng thương
Thì anh lại đóng cái giường gỗ lim -
Mình về mình nhớ ta chăng
-
Đầu làng có một cây đa
Đầu làng có một cây đa
Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
Dầu anh đi sớm về trưa
Anh cũng nghỉ mát cây dừa nhà tôi
Anh vào anh chẳng đứng chẳng ngồi
Hay là anh phải duyên tôi anh buồn
Anh buồn anh chẳng muốn đi buôn
Một vốn bốn lãi anh buồn làm chi
Tôi là con gái nhỡ thì
Chẳng thách tiền cưới làm chi bẽ bàng
Rượu hoa chỉ lấy muôn quan
Trâu bò chín chục họ hàng ăn chơi
Vòng vàng chỉ lấy mười đôi
Nhiễu tàu trăm tấm tiền rời một muôn
Nào là của hỏi của han
Ấy tiền dẫn cưới anh toan thế nào?Dị bản
Đầu làng có một cây đa
Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
Dù anh đi sớm về trưa
Xin anh nghỉ bóng mát cây dừa nhà em!
-
Khó thay công việc nhà quê
Khó thay công việc nhà quê
Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
Tháng chạp thì mắc trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
Tháng năm gặt hái vừa rồi
Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
Tháng sáu tháng bảy khi vừa
Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
Tháng tám lúa giỗ đã đành
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà công
Từ rày mới được yên lòng ấm no. -
Tháng giêng thì lúa xanh già
Tháng giêng thì lúa xanh già
Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
Tháng tư cuốc đất trồng lang
Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
Gặt về đạp lúa phơi rơm
Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
Lúa khô giê sạch cất ngay
Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
Mùa đông mưa bão nhiều lần
Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
Tháng mười cày cấy mưa to
Trông trời, trông đất cầu cho được mùa -
Thôi thôi đã lỡ ra rồi
-
Lính anh là lính Đàng Trong
Lính anh là lính Đàng Trong
Anh dốc một lòng đi hỏi nàng kia
Tháng giêng anh mắc đi thề
Tháng hai đi dạo, trở về làm sao?
Tháng ba anh mắc khảo đao
Tháng tư tập súng, khi nao cho rồi
Tháng năm anh mắc kiệu voi
Tháng sáu anh mắc dọn chòi cầu Đông
Tháng bảy anh mắc thuyền rồng
Tháng tám anh mắc dọn trong công đường
Tháng chín anh mắc tải lương
Tháng mười anh mắc dọn đường vua ra
Tháng một mắc tuổi đôi ta
Tháng chạp mắc tuổi mẹ cha sinh thành
Nàng ơi nàng chớ trách anh! -
Mình rằng mình quyết lấy ta
Mình rằng mình quyết lấy ta
Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
Hăm ba nay đã đến ngày
Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
Tháng giêng năm mới chưa nên
Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
Tháng hai có đỗ có khoai
Ta lại vật nài cho đến tháng tư
Tháng tư ngày chẵn tháng dư
Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
Tháng năm là tháng trâu đầm
Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
Tháng sáu lo chửa kịp tiền
Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
Tháng bảy là tháng mưa ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
Tháng tám là tháng trăng thu
Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
Tháng chín là tháng mưa rươi
Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
Như chim trong lồng, như cá cắn câu -
Bây giờ túng lắm em ơi
Bây giờ túng lắm em ơi
Bán hết cái nồi cho chí cái vung
Còn mười thước ruộng ngoài đồng
Cửa nhà sạch hết trông mong nỗi gì
Còn được cái ổ lợn con
Nuôi chi ngoắt nghéo gầy mòn khốn thân
Ăn thì chả có mà ăn
Bán đi trả nợ cho xong, mẹ mày
Kẻo mà nó kẹp đêm nay
Đôi chân kẹp phản, đôi tay kẹp giường
Giá nhà tôi đáng một nghìn
Cầm bằng mấy chục cho liền đêm nay
Bảy chục chẳng đủ nợ này
Hai chân kẹp phản, hai tay kẹp giường
Lạy ông tha kẹp cho tôi chạy tiền
Tôi về tôi bán vợ tôi
Lấy ba chục nữa cho đầy một trăm -
Tháng Giêng xuân tuyết mau mưa
Tháng giêng xuân tuyết mau mưa
Nhớ chàng những lúc sớm trưa vui cười
Tháng hai hoa đã nở rồi
Nhớ chàng em phải đứng ngồi thở than
Tháng ba nắng lửa mưa dầu
Nhớ chàng em những âu sầu chả tươi
Tháng tư sấm giục mưa rơi
Nhớ chàng thơ thẩn ra chơi vườn cà
Tháng năm gặt hái rồi rà
Nhớ chàng như thể nhớ hoa trên cành … -
Trời mưa cho ướt lá bầu
Trời mưa cho ướt lá bầu
Vì ai nên phải đi hầu chàng ơi
Nhà vua cho lính về đòi
Đồn rằng chàng trẩy hai mươi tháng này
Tiền gạo em xếp đã dày
Đồ nai, áo nịt, quần, giày, thắt lưng
Đồn rằng chàng trẩy hay đừng
Ở nhà công việc nửa mừng nửa lo … -
Một giờ ra ngõ ngó trông
Một giờ ra ngõ ngó trông
Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
Hai giờ ra đứng đầu làng
Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
Ba giờ giả chước đi chơi
Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
Bốn giờ gió ủ mây che
Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
Năm giờ dời gót về nhà
Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
Sáu giờ đèn hạt lưu ly
Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
Bảy giờ dọn dẹp trong giường
Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
Tám giờ tim lửng, dầu hao
Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
Chín giờ nghĩ giận phận mình
Trách răng căn số của mình mần ri
Mười giờ còn biết nói chi
Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
Mười một giờ mây lạc trăng chênh
Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai. -
Coi tàu bay tại Lầu Đèn
Đời xưa chí những đời nay
Đời này mới thấy tàu bay nửa lừng
Nguồn đào hải khẩu tứ tung
Từ Hàn chí Phố rùng rùng đi coi
Quan gia chầu chực hẳn hòi
Sức bàn sức ghế lại đòi đến dân
Khắp nơi cờ đóng rần rần
Sức rơm un khói cực dân ba bốn ngày
Ai ai cũng sức tàu bay
Dân canh, lính gác tự ngày chí đêm
Kẻ bán rượu, người bán nem
Kẻ lận bạc giác người đem bạc đồng
Đàn bà chí những đàn ông
Bà già con nít cũng bồng ra đi
Mười giờ tàu lại một khi
Cò đánh, lính ví ra gì nữa đâu … -
Đất Đồng Môn dệt vải
Đất Đồng Môn dệt vải,
Đất Cổ Đạm vắt nồi,
Bố Chính vắt bình vôi
Đất Xuân Liệu bầy tui
Ra bắt nạm cáy hôi
Về đâm đâm, phơi phơi.
Tay tui múc miệng mời,
Ruốc tui ngon lắm bà ơi,
Ngon bằng năm ruốc họ,
Ngon bằng mười ruốc họDị bản
Đất Đồng Môn dệt vải,
Đất Cổ Đạm vắt nồi,
Còn Thạch Hạ bầy tui
Bắt một nạm cáy hôi
Về đâm đâm phơi phơi
Đem lên chợ tỉnh ngồi
Tay mút miệng thì mời
Ngon ngon lắm người ơi
Ngon bằng năm ruốc bể
Ngọt bằng mười ruốc bểĐất Văn Tràng chạy cá
Đất Trung Hạ đết vôi
Đất Kỳ Thọ bầy tui
Bắt ba nạm cáy hôi
Về đâm đâm phơi phơi
Đưa ra trửa chợ mà ngồi
Ruốc tui ngon lắm mệ ơi
Ngon bằng năm ruốc bể
Ngon bằng mười ruốc bể
-
Chơi thuyền
Cái mốt, cái mai
Con trai, con hến
Con nhện chăng tơ
Quả mơ, quả mận
Cái cận, lên bàn đôi
Đôi chúng tôi
Đôi chúng nó
Đôi con chó
Đôi con mèo
Hai chèo ba
Ba đi xa
Ba về gần
Ba luống cần
Một lên tư
Tư củ từ
Tư củ tỏi
Hai hỏi năm
Năm em nằm
Năm lên sáu
Sáu lẻ tư
Tư lên bảy
Bảy lẻ ba
Ba lên tám
Tám lẻ đôi
Đôi lên chín
Chín lẻ một
Mốt lên mười
Chuyền chuyền một, một đôi… -
Năm ngoái anh mới sang Tây
Năm ngoái anh mới sang Tây
Đồn rằng buôn bán năm nay phát tài
Lòng anh muốn lấy vợ hai
Rằng: “Nhà có thuận, nay mai nó về?
Rồi ra một quán đôi quê
Tôi muốn nó về làm bạn sớm hôm
Trước là sinh tử sinh tôn
Sau nữa thờ phụng công môn ông bà
Trước con nhà sau ra con nó,
Xin nhà rồi chớ có ghen tuông
Chợ rộng thì lắm gái buôn,
Sông rộng lắm nước trong nguồn chảy ra
Lòng anh ăn ở thật thà
Coi nó mười tám, coi nhà hai mươi
Lòng anh chẳng có như người,
Có mới nới cũ, tội trời ai mang
Lòng anh ăn ở bằng ngang
Nó giàu bằng mấy cũng nàng thứ hai”.
– “Thôi thôi, tôi biết anh rồi,
Bụng anh nông nổi giếng khơi không bằng!
Bây giờ anh khéo khôn ngoan,
Sau anh tư túi, tôi làm chi anh?
Anh mà bắt chước Thúc Sinh,
Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư” -
Một nhánh trảy, năm bảy cành mai
– Một nhánh trảy, năm bảy cành mai
Một nhánh mai, trăm hai nhánh thị
Chữ văn, chữ sĩ, anh đối trọn trăm câu
Đối rồi, anh hỏi chị em đâu?
Nếu chị em không có, anh bắt em hầu mười năm
– Một bụi tre sinh năm, ba bụi trảy
Một nhánh trảy sinh năm, bảy cây viết son,
Em có gả chị cho anh thì nhân nghĩa vẫn còn
Em mà không gả, anh bắt giữ con trọn đời
Chú thích
-
- Mai Hồ
- Tên một làng nay thuộc thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trong làng có bàu Mai, tên Hán Việt cũng là Mai Hồ.
-
- Cổ Đạm
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với “nôi” ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (nồi đất Cổ Đạm) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà, Chùa Bến, Đền Tống...
-
- Bầy tui
- Chúng tôi, bọn tôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Nạm
- Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
-
- Mắm cáy
- Mắm làm từ con cáy, loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông. Mắm cáy được xem là mắm bình dân, thuộc hạng xoàng trong các loại mắm ở vùng biển, thường chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà.
-
- Gấm
- Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.
-
- Tráp
- Đồ dùng hình hộp nhỏ bằng gỗ, thời trước dùng để đựng các vật nhỏ hay giấy tờ, trầu cau. Ở miền Trung, từ này cũng được phát âm thành trắp.
-
- Thuốc xỉa
- Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
-
- Bình vôi
- Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.
-
- Xe tứ mã
- Xe bốn ngựa kéo.
-
- Quan viên
- (Kiểu cách) quan khách, những người tham dự cuộc vui nói chung.
-
- Nón Nghệ
- Thứ nón tốt xưa làm tại Nghệ An.
-
- Nhiễu
- Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
-
- Cót
- Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.
-
- Xôi vò
- Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.
-
- Vò
- Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.
-
- Cuội
- Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
-
- Thiên Lôi
- Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
-
- Chạp
- Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
-
- Mạ
- Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.
-
- Đá hoa
- Còn gọi là cẩm thạch, một loại đá có giá trị cao, thường dùng để tạc tượng hoặc các vật trang trí trong nhà.
-
- Đồng bạch
- Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.
-
- Tiền trinh
- Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.
... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
Túi bên trái: bốn đồng trinh.
- À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.
(Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)
-
- Bức bàn
- Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.
-
- Bức thuận
- Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
-
- Vóc
- Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
-
- Răng đen
- Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:
"Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."
-
- Chỉ điều
- Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
-
- Đa
- Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”
-
- Thị
- Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.
Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
(Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)
-
- Muôn
- Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
-
- Dẫn cưới
- Đưa lễ đến nhà gái để xin cưới.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Khoai lang
- Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.
-
- Dê
- Rê, hay giê, hoạt động làm cho lúa sạch bằng cách đổ từ trên cao xuống cho gió cuốn đi những bụi rác (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tuần đinh
- Người giúp việc canh phòng trong làng xã dưới thời phong kiến hoặc Pháp thuộc.
-
- Biện tuần
- Một chức vụ dưới thời Pháp thuộc, chuyên lo việc biên kí, sổ sách.
-
- Hịt
- Hệt (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Đề
- Móng (thường dùng cho thú vật).
-
- Đàng Trong
- Cũng gọi là Nam Hà, một khái niệm bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17, chỉ phần lãnh thổ Đại Việt từ sông Gianh trở vào Nam, do chúa Nguyễn kiểm soát. Đàng Trong chấm dứt sự tồn tại của nó trong lịch sử từ năm 1786, khi phong trào Tây Sơn lật đổ chế độ Vua Lê-Chúa Trịnh.
-
- Mắc
- Bận làm một việc gì đó (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Khảo đao
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Khảo đao, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Công đường
- Nơi quan trường dưới chế độ phong kiến. Người Nam Bộ cũng gọi chữ này là công đàng.
-
- Chửa
- Chưa (từ cổ, phương ngữ).
-
- Mưa ngâu
- Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Phản
- Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.
Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.
-
- Mưa dầu
- Mưa ít quá, làm cho nóng thêm.
-
- Rồi rà
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rồi rà, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Trẩy
- Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
-
- Giả chước
- Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
-
- Đèn lưu ly
- Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.
-
- Tim
- Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.
-
- Răng
- Sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Căn số
- Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
-
- Mần ri
- Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tước
- Chim sẻ (từ Hán Việt).
-
- Nửa lừng
- Nửa lưng chừng (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Hội An
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.
-
- Sức
- Hành động quan truyền lệnh cho dân bằng văn bản.
Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
Nay sức.
Lê Thăng
(Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)
-
- Rần rần
- Đông đảo, ồn ào.
-
- Tự
- Từ.
-
- Nem
- Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...
-
- Lận
- Nhét vào trong người (phương ngữ).
-
- Bạc giác
- Hào, bạc cắc, tiền lẻ nói chung (từ cũ).
-
- Cẩm
- Hay cò, chức danh cảnh sát trưởng thời nước ta bị Pháp đô hộ, nói gọn từ âm tiếng Pháp commissaire de police.
-
- Ví
- Đuổi (theo). Từ này ở Trung và Nam Bộ phát âm thành dí.
-
- Đồng Môn
- Địa danh xưa là một xã thuộc tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An, nay thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Bố Chính
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bố Chính, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Thạch Hạ
- Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Văn Tràng
- Mộ làng thuộc xóm Bắc Hải xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Chạy cá
- Buôn bán cá.
-
- Trung Hạ
- Địa danh nay là một thôn thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
-
- Đết
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đết, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Kỳ Thọ
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Trửa
- Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Mệ
- Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Phát tài
- (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
-
- Sinh tử sinh tôn
- Sinh con sinh cháu (từ Hán Việt tử: con, tôn: cháu).
-
- Công môn
- Cửa công (từ Hán Việt). Thường chỉ cửa quan.
-
- Tư túi
- Lấy của chung làm của riêng một cách lén lút.
-
- Thúc sinh
- Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.
Khách du bỗng có một người
Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
Vốn người huyện Tích Châu Thường
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri
-
- Hoạn Thư
- Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."
Vốn dòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
-
- Trảy
- Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
-
- Mai
- Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.
-
- Nghĩa nhân
- Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.