Tìm kiếm "ba bảy"

  • Chị bảo tôi lấy làm Hai

    Chị bảo tôi lấy làm Hai
    Suốt một đêm dài chị nói vân vi
    Nhà chị chẳng thiếu thứ chi
    Muốn mặc của gì chị sắm cho ngay
    Bây giờ chị gọi: bớ Hai!
    Mau mau trở dậy thái khoai đâm bèo
    Thưa chị: cám bã còn nhiều
    Rau khoai em thái từ chiều hôm qua
    Xin chị cứ ở trong nhà
    Nồi cơm ấm nước đã là có em
    Đêm đêm chị nổi cơn ghen
    Chị phá bức thuận, chị len mình vào
    Tay chị cầm một con dao
    Chị nổi máu hồng bào, nhà cửa tan hoang
    Hầm hầm mặt đỏ như vang
    Chị la, năm bảy xã làng đổ ra

  • Tuổi em chừng độ mười chín đôi mươi

    Tuổi em chừng độ mười chín đôi mươi
    Kẻ chê thất tiết, người cười bất trung
    Dù chẳng nên đạo vợ chồng
    Viết năm ba chữ bõ công mà về
    Làm nên ngựa cỡi, tàn che
    Lấy năm bảy vợ cũng nhờ có em

    Là cái gì?

    Cây bút lông ngày xưa (để viết chữ Hán)

  • Một năm chia mười hai kì

    Một năm chia mười hai kì
    Em ngồi em tính khó gì chẳng ra
    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm
    Tháng ba đi bán vải thâm
    Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về
    Tháng sáu em đi buôn bè
    Tháng bảy tháng tám trở về đong ngô
    Chín, mười cắt rạ đồng mùa
    Một, chạp vớ được anh đồ dài lưng
    Anh ăn rồi anh lại nằm
    Làm cho em phải quanh năm lo phiền
    Chẳng thà lấy chú lực điền
    Gạo bồ thóc đống còn phiền nỗi chi?

  • Em lấy chồng rồi sao lại tái sở hồi gia

    – Em lấy chồng rồi sao lại tái sở hồi gia
    Không biết vì em sinh sự hay tại con người ta bạc tình?
    – Em lấy chồng đã ba năm nay vô tự,
    Chồng cho mấy chữ hồi gia
    Bây giừ mới gặp nhau đây,
    Hỏi cậu Nho có mộ, tuy cộ người ta mà mới mình.

  • Trèo lên cây bưởi hái hoa

    Trèo lên cây bưởi hái hoa
    Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
    Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
    Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay
    Ba đồng một mớ trầu cay
    Sao anh không hỏi những ngày còn không?
    Bây giờ em đã có chồng
    Như chim vào lồng như cá cắn câu
    Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
    Chim vào lồng biết thuở nào ra

  • Ngày xửa ngày xưa

    Ngày xửa ngày xưa
    Có mười ông vua
    Một ông tịt mít
    Chết một còn chín
    Một ông ị rín
    Chết một còn tám
    Một ông vốc cám
    Chết một còn bảy
    Một ông đái bậy
    Chết một còn sáu
    Một ông láu táu
    Chết một còn năm
    Một ông sâu răng
    Chết một còn bốn
    Một ông lở rốn
    Chết một còn ba
    Một ông ghẻ da
    Chết một còn hai
    Một ông thối tai
    Chết một còn một
    Một ông toét mắt
    Chết một là hết

  • Ơn chàng đã có lòng vì

    Ơn chàng đã có lòng vì
    Ngỏ lời phương tiện muốn bề tóc tơ
    Nhân khi em ở lại nhà
    Làm nghề canh cửi sớm khuya chuyên cần
    Vốn riêng được một vài trăm
    Đem đi buôn bán Đồng Xuân chợ này
    Buôn hàng vải lụa bấy nay
    Nhờ trời vốn lãi độ ngày ba trăm.

  • Khó thay công việc nhà quê

    Khó thay công việc nhà quê
    Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
    Tháng chạp thì mắc trồng khoai
    Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
    Tháng ba cày vỡ ruộng ra
    Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
    Tháng năm gặt hái vừa rồi
    Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
    Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
    Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
    Tháng sáu tháng bảy khi vừa
    Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
    Tháng tám lúa giỗ đã đành
    Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
    Khó khăn làm mấy tháng trời
    Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
    Cắt rồi nộp thuế nhà công
    Từ rày mới được yên lòng ấm no.

  • Nhà anh phúc thọ đời đời

    Nhà anh phúc thọ đời đời
    Cha mẹ sinh hạ chín mười con trai
    Cũng đều có đức có tài
    Ai ai cũng xứng một đời tài hoa
    Anh Cả thì đỗ thám hoa
    Anh Hai tiến sĩ anh ba tú tài
    Anh Tư là quan tỉnh Đoài
    Anh Năm dẹp giặc tỉnh ngoài tỉnh trong
    Anh Sáu tổng đốc xứ Đông
    Anh Bảy án sát ở trong Ninh Bình
    Anh Tám tuần phủ Bắc Ninh
    Anh Chín tri phủ Quảng Bình gần xa
    Anh là em Út trong nhà
    Anh đi kén vợ đường xa nước người
    Thấy em đẹp nói đẹp cười
    Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng
    Vậy nên anh gửi thơ sang
    Bởi lòng anh quyết lấy nàng mà thôi

  • Vè kể giăng

    Mồng một cho tới mồng năm
    Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
    Mồng sáu, mồng bảy trở đi
    Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
    Mồng chín giăng ánh vườn đào
    Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
    Mười một sáng cả vườn dâu
    Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
    Mười ba giăng gió giữ duyên
    Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
    Gặp giăng em hỏi em chơi
    Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
    Đến rằm giăng đã lên cao
    Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
    Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
    Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
    Mười chín em định em ngồi
    Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
    Kể từ hăm mốt nửa đêm
    Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
    Cuối tháng giăng xuống biển sâu
    Ba mươi mồng một ai cầu được giăng

  • Một anh nói anh thương

    Một anh nói anh thương,
    Hai anh nói anh thương,
    Ba anh nói anh thương,
    Anh bảo em về mua một miếng đất, lập một miếng vườn
    Để trồng hành, tỉa cải, rải hột sa kê
    Bây giờ anh chê hành khô, cải úa, sa kê tàn
    Em tưởng đâu đá đã thành vàng
    Ai ngờ anh bạc nghĩa, lập đàng không xuống lên!

  • Cái cò là cái cò kì

    Cái cò là cái cò kì
    Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
    Đêm nằm thì ngáy o o
    Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
    Hàng bánh hàng bún bày ra
    Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
    Ăn rồi cắp đít ra về
    Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
    Chả này bà bán làm sao?
    Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
    Nói dối rằng mua cho chồng
    Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
    Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
    Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
    Đem tiền đi bói ông thầy
    Bói ra quẻ này những chả cùng nem
    Cô nàng nói dối đã quen
    Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?

    Dị bản

    • Con cò là con cò kì
      Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
      Về sau lấy cháu ông đồ
      Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
      Một bồ thì để phần làng
      Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.

  • Mình rằng mình quyết lấy ta

    Mình rằng mình quyết lấy ta
    Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
    Hăm ba nay đã đến ngày
    Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
    Tháng giêng năm mới chưa nên
    Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
    Tháng hai có đỗ có khoai
    Ta lại vật nài cho đến tháng tư
    Tháng tư ngày chẵn tháng dư
    Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
    Tháng năm là tháng trâu đầm
    Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
    Tháng sáu lo chửa kịp tiền
    Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
    Tháng bảy là tháng mưa ngâu
    Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
    Tháng tám là tháng trăng thu
    Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
    Tháng chín là tháng mưa rươi
    Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
    Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
    Như chim trong lồng, như cá cắn câu

  • Sáu cô đi chợ một xuồng

    Sáu cô đi chợ một xuồng
    Tôi chèo theo chính giữa sợ mích lòng sáu cô
    Phải chi tôi có lúa bồ
    Tôi xin cưới hết sáu cô một lần
    Cô hai mua tảo bán tần
    Cô ba sắc thuốc dưỡng thân mẹ già
    Cô tư nấu nước pha trà
    Cô năm coi cửa coi nhà ngoài trong
    Cô sáu trải chiếu, giăng mùng
    Cô bảy san sẻ tình chung với mình
    Phải chi cả sáu cô thuận tình
    Trai năm thê bảy thiếp, vợ mình đông vui

    Dị bản

    • Lang thang một dãy sáu cô
      Cưới cô chính giữa mích lòng năm cô
      Phải chi tôi có lúa bồ
      Tôi ra tôi cưới sáu cô một lần
      Cô hai mua tảo bán tần
      Cô ba xách nước dưỡng nuôi mẹ già
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm phân nước pha trà uống chung
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Cô bảy là nghĩa tình chung với mình
      Cô bảy phân hết sự tình
      Trai năm thê bảy thiếp vợ của mình rất đông

    • Ai bì anh có tiền bồ
      Anh đi anh lấy sáu cô một lần
      Cô hai buôn tảo bán tần
      Cô ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm sắc thuốc, mẹ già cô trông
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Một mình cô bảy nằm chung với chồng.

  • Canh một dọn cửa dọn nhà

    Canh một dọn cửa dọn nhà
    Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
    Canh tư bước sang canh năm
    Chiềng anh dậy học còn nằm làm chi
    Một mai chúa mở khoa thi
    Bảng vàng chói lọi bia đề tên anh
    Bõ công cha mẹ sắm sanh
    Tiền lưng gạo bị cho anh về trường
    Nghi vệ đóng hai bên đường
    Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau
    Kẻ chiêng người trống đua nhau
    Tiếng khoan tiếng nhịp tiếng mau rộn ràng
    Rước vinh quy về nhà bái tổ
    Ngả trâu bò làm lễ tế thần
    Để cho bảy huyện nhân dân
    No say được đội hoàng ân từ rày

  • Một giờ ra ngõ ngó trông

    Một giờ ra ngõ ngó trông
    Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
    Hai giờ ra đứng đầu làng
    Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
    Ba giờ giả chước đi chơi
    Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
    Bốn giờ gió ủ mây che
    Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
    Năm giờ dời gót về nhà
    Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
    Sáu giờ đèn hạt lưu ly
    Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
    Bảy giờ dọn dẹp trong giường
    Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
    Tám giờ tim lửng, dầu hao
    Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
    Chín giờ nghĩ giận phận mình
    Trách răng căn số của mình mần ri
    Mười giờ còn biết nói chi
    Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
    Mười một giờ mây lạc trăng chênh
    Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
    Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
    Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai.

  • Buồn về một tiết tháng giêng

    Buồn về một tiết tháng giêng
    May áo cổ kiềng người mặc cho ai
    Buồn về một tiết tháng hai
    Bông chửa ra đài người đã hái hoa
    Buồn về một tiết tháng ba
    Con mắt la đà trong dạ tương tư
    Buồn về một tiết tháng tư
    Con mắt lừ đừ cơm chả buồn ăn
    Buồn về một tiết tháng năm
    Chưa đặt mình nằm gà gáy chim kêu
    Buồn về tiết tháng sáu này
    Chồng cày vợ cấy chân chim đầy đồng
    Bấy giờ công lại hoàn công

    Dị bản

    • Buôn bấc rồi lại buôn dầu
      Buôn nhiễu đội đầu, buôn nhẫn lồng tay
      Sầu về một tiết tháng giêng
      May áo cổ kiềng người mặc cho ai
      Sầu về một tiết tháng hai
      Bông chửa ra đài người đã hái hoa
      Sầu về một tiết tháng ba
      Mưa héo ruộng cà nắng cháy ruộng dưa
      Sầu về một tiết tháng tư
      Con mắt lừ đừ cơm chẳng buồn ăn
      Sầu về một tiết tháng năm
      Chưa đặt mình nằm gà gáy sang canh

Chú thích

  1. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  2. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
  3. Bức thuận
    Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
  4. Tô mộc
    Còn gọi là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang, một loại cây thân gỗ nhỏ, rất rắn, có phần đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài. Gỗ cây được dùng làm vị thuốc đông y, hay làm thuốc nhuộm đỏ. Ở nước ta gỗ tô mộc còn được sử dụng như một thành phần nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ được dùng trong chạm khắc mĩ nghệ.

    Cây vang

    Cây vang

    Gỗ vang

    Gỗ vang

  5. Thất tiết
    Không giữ gìn trinh tiết (từ Hán Việt).
  6. Bất trung
    Không trung thành (từ Hán Việt).
  7. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  8. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  9. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  10. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  11. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  12. Lực điền
    Người làm ruộng có sức khỏe.
  13. Châu Ổ
    Địa danh nay là thị trấn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  14. Thạch An
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  15. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy
    Thành ngữ Hán Việt, có nghĩa là: Một lời đã nói ra thì (cỗ xe) bốn ngựa cũng khó mà đuổi kịp. Trong tiếng Việt, thành ngữ này thường được dịch thành "Một lời đã nói, bốn ngựa khó đuổi" hoặc "Một lời đã nói, bốn ngựa khó theo."
  16. Tái sở hồi gia: Hiểu nôm na là quay về quê nhà, ở đây chỉ việc cô gái này bị chồng bỏ.
  17. Không có con.
  18. Giừ
    Giờ, bây giờ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  19. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.
  20. Mộ
    Mến phục.
  21. Cộ
    Cũ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  22. Sanh tâm biến tánh
    Thay đổi tính nết (cách nói của người Nam Bộ).
  23. Hốt hỏa lôi đình
    (Tính tình, cư xử) nóng như lửa (hỏa), như sấm sét (lôi).
  24. Tầm xuân
    Một loại hoa hồng leo, thân nhiều gai. Hoa tầm xuân có màu hồng nhạt, có nhiều cánh, đến lúc chín thì thành quả màu cam đỏ. Tầm xuân thường được trồng làm cảnh và làm thuốc Đông y.

    Hoa tầm xuân

    Hoa tầm xuân

  25. Có ý kiến cho rằng hoa tầm xuân trong bài này là muốn chỉ đến hoa đậu biếc, một loại hoa có ở vùng duyên hải miền Trung, có màu xanh.

    Hoa đậu biếc

    Hoa đậu biếc

  26. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài ca dao và đặt tên là "Nụ tầm xuân." Nghe ca sĩ Ái Vân trình bày bài hát.
  27. Phương tiện
    Đối đãi, xử trí mọi việc (từ cũ).

    Khi chè chén khi thuốc thang,
    Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh.

    (Truyện Kiều)

  28. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  29. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  30. Chợ Đồng Xuân
    Một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² như hiện nay.

    Cổng chợ Đồng Xuân

    Cổng chợ Đồng Xuân

  31. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  32. Thám hoa
    Học vị của người đỗ thứ ba trong khoa thi Đình thời phong kiến (sau Trạng nguyên và Bảng nhãn).
  33. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  34. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  35. Tổng đốc
    Chức quan đứng đầu bộ máy cai trị một tỉnh lớn hoặc vài tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, mang hàm tòng nhất phẩm hoặc chánh nhị phẩm.

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

  36. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  37. Án sát
    Chức quan đứng đầu ty Án sát, trông coi việc hình (luật lệ, xét xử) trong một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, thuộc hàng tam phẩm.
  38. Ninh Bình
    Một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vùng đất này từng là kinh đô nước ta vào thế kỉ 10, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

    Cố đô Hoa Lư

    Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

  39. Tuần phủ
    Chức quan đứng đầu một tỉnh nhỏ dưới thời nhà Nguyễn.
  40. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  41. Tri phủ
    Chức quan đứng đầu một phủ hoặc châu (tương đương với một huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn), có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt đó.
  42. Quảng Bình
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

    Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...

    Vường quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

  43. Răng vàng
    Trong quá trình nhuộm răng đen, bước đầu răng có màu cánh gián (hơi ánh màu vàng đất), nếu nhuộm tiếp thì mới có màu đen. Một số người không muốn nhuộm nữa, để màu vàng, nên gọi là răng vàng.
  44. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  45. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  46. Xa kê
    Còn gọi là sa kê, cây bánh mì, loài cây thân gỗ, lá to và dày. Nhựa cây màu trắng sữa, được dùng vào việc xảm thuyền (bít các kẽ, lỗ hổng). Quả hình trứng, thực chất là tổ hợp của nhiều quả bế (quả khô), chứa nhiều tinh bột, có thể chế biến bằng cách quay, nướng, chiên hay luộc. Rễ, lá, vỏ và nhựa được dùng làm vị thuốc.

    Quả xa kê

    Quả xa kê

  47. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  48. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  49. Có bản chép:

    Ăn rồi đau quặn đau quăn
    Chạy về cho kịp nằm lăn cả ngày.

  50. Có bản chép: Ông thầy nói dối đã quen.
  51. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  52. Mưa ngâu
    Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  53. Mưa rươi
    Mưa nhỏ và rất ngắn, thường có vào cuối mùa mưa ở miền Bắc, vào khoảng tháng chín âm lịch, trùng với mùa có rươi ở vùng biển.
  54. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  55. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  56. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  57. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  58. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  59. Bõ công
    Đáng công.
  60. Nghi vệ
    Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

  61. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  62. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  63. Ngả
    Giết thịt (ngả trâu, ngả lợn...).
  64. Hoàng ân
    Ơn vua (từ Hán Việt)
  65. Giả chước
    Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
  66. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  67. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  68. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  69. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  70. Mần ri
    Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  71. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  72. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  73. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  74. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.