Có chàng Công Tráng họ Đinh
Dựng lũy Ba Đình chống đánh giặc Tây
Cơ mưu dũng lược ai tày
Chẳng quản đêm ngày vì nước lo toan
Dù cho vận nước chẳng còn
Danh nghĩa vẹn toàn, muôn thuở không phai
Tìm kiếm "bà goá"
-
-
Ba Đình trăm trận xông pha
Ba Đình trăm trận xông pha
Đinh Công đánh giặc, nước nhà vẻ vang. -
Vừa nghe tàu điện rung chuông
Vừa nghe tàu điện rung chuông
Leng keng đánh thức màn sương Tây Hồ
Đường vui rộn bánh xe bò,
Lao xao Yên Phụ tiếng hò gọi nhau
Hỏi mình: – Chuyên chở về đâu
Ngụy trang xanh ngắt một màu thế kia?
Rằng: – Rau Quảng Bá đây mà,
Rau vào xí nghiệp, rau ra chiến trường
Rau tình, rau nghĩa quê hương
Lại đây, đẩy một đoạn đường hộ rau -
Bến chợ Đông Ba tiếng gà gáy sáng
Bến chợ Đông Ba tiếng gà gáy sáng
Bến đò Thọ Lộc tiếng trống sang canh
Giữa sông Hương dợn sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngả nghiêngDị bản
Bên chợ Đông Ba tiếng gà eo óc
Bến đò Thọ Lộc tiếng trống tan canh
Giữa dòng Hương dợn sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngả nghiêng.
-
Chữ rằng: vấn tổ tầm tông
-
Ngó lên hòn núi Điện Bà
-
Gái không chồng như nhà không nóc
Gái không chồng như nhà không nóc,
Trai không vợ như cọc long chân.Dị bản
Gái không chồng như nhà không nóc,
Trai không vợ như cọc không trâu
-
Cá bã trầu ăn bọt thia thia
-
Ra đi có đệ có huynh
-
Sông Ba chảy xuống Đà Rằng
-
Trên ba thu dưới lại ba thu
-
Giận chồng ai dễ giận lâu
-
Con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ
Con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ
Con cái ngu dại, tổn hại ông cha -
Nắng lên cho mối bắt gà
Nắng lên cho mối bắt gà
Một trăm đàn bà đánh giặc cho vua
Con tép nó kẹp con cua
Một bầy cá mại cõng rùa đi ăn
Chồn đèn cắn cổ chó săn
Chuột kêu chút chít, đòi ăn con mèo
Chó chạy, chồn rượt đuổi theo
Chuột gặm chân mèo, muỗi đốt cánh dơi
Cây cao bóng mát chơi vơi
Gà con tha quạ lên ngồi cành tre
Con voi ấp trứng sau hè
Gà con đi kiện, vịt què vô Nha
Nực cười rết nuốt trứng gà
Đàn ông có chửa, đàn bà có râu
Trai tơ sắm cối giã trầu
Bà già bạc đầu nằm ngửa trong nôi
Chẳng tin đốt đuốc mà coi
Thầy chùa đang ướp cá mòi nấu chay -
Lúa ba lá, cá thèn râu
-
Em mặc áo bà ba đen
-
Trai như dũng sĩ Hoàng Hoa
-
Ham chi xắc cốt, đồng hồ
-
Ông tha mà bà chẳng tha
-
Ông Tơ chết tiệt
Chú thích
-
- Đinh Công Tráng
- (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
-
- Ba Đình
- Vùng đất gồm ba làng Mậu Thịnh, Mỹ Khê và Thượng Thọ thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Có tên gọi như thế vì ở mỗi làng có một cái đình, ở làng này có thể trông thấy mái đình của hai làng kia. Nơi đây từng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa do Đinh Công Tráng làm thủ lĩnh vào cuối thế kỉ 19. Ba Đình có địa thế phòng thủ rất tốt, chung quanh có lũy tre dày phủ kín, nằm giữa một cánh đồng bao la trũng nước, từ đây có thể khống chế được quốc lộ 1, nơi yết hầu của giặc Pháp từ Bắc vào Trung.
-
- Tày
- Bằng (từ cổ).
-
- Hồ Tây
- Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.
-
- Yên Phụ
- Tên cũ là Yên Hoa, một làng cổ nằm ven Hồ Tây, có nghề nuôi cá cảnh và nghề làm hương đốt. Nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ô Yên Phụ nằm ở làng là một trong năm cửa ô nổi tiếng từ thời xưa của Hà Nội.
-
- Quảng Bá
- Tên cũ là Quảng Bố, một làng cổ nằm ven đê sông Hồng và bên bờ Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quảng Bá nổi tiếng từ xưa với nghề trồng rau, trồng đào và các loại hoa Tết. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng các loại hoa đã bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa.
-
- Đông Ba
- Một địa danh ở Huế, vốn là tên dân gian của cửa Chính Đông, kinh thành Huế. Địa danh này gắn liền với chợ Đông Ba, ngôi chợ nổi tiếng nhất của Huế, trước đây tên là Quy Giả thị ("chợ của những người trở về," đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn). Đến năm 1887 vua Đồng Khánh cho xây lại gồm có “đình chợ” và “quán chợ” lấy tên là Đông Ba. Đến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái chuyển chợ Đông Ba về vị trí bây giờ, đình chợ cũ sửa lại làm thành trường Pháp Việt Đông Ba.
Địa danh Đông Ba thật ra tên cũ là Đông Hoa, nhưng do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa dưới thời Nguyễn mà đổi tên.
-
- Thọ Lộc
- Tên một làng cổ ven sông Thọ Lộc (thực ra là một đoạn của sông Như Ý chảy qua làng), được lập từ thế kỉ XVI, lúc ấy tên Thiên Lộc, đến đời vua Tự Đức (thế kỉ XIX) mới đổi thành Thọ Lộc. Địa phận làng nay chia rải rác ra các phường Phú Hội, Vĩnh Ninh và Phú Thuận, thành phố Huế.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Sông Hương
- Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.
-
- Khuynh thành
- Nghiêng thành (từ Hán Việt). Từ này thường đi đôi với khuynh quốc (nghiêng nước) để chỉ sắc đẹp của người phụ nữ.
-
- Thuyền mành
- Thuyền có buồm trông giống cái mành.
-
- Vấn tổ tầm tông
- Hỏi những người cao tuổi có quan hệ huyết thống hay tra cứu từ những tộc phả, gia phả, lời di huấn, sách vở v.v. để tìm hiểu về gốc tích của một dòng họ.
-
- Núi Bà Đen
- Một ngọn núi thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, là ngọn núi cao nhất miền Tây Nam Bộ (986m), cũng gọi là núi Một hoặc núi Điện Bà. Chùa và núi Bà Đen là những di tích văn hóa - lịch sử tiêu biểu của Tây Ninh.
-
- Hà cớ
- Lí do gì? (từ Hán Việt).
-
- Cá bã trầu
- Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).
-
- Lia thia
- Còn được gọi với các tên cá thia thia, cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt, có kích cỡ nhỏ, vảy khá sặc sỡ nên thường được nuôi làm cảnh.
-
- Huynh đệ
- Anh em (từ Hán Việt). Cũng có thể hiểu là anh chị em nói chung.
-
- Sông Ba
- Tên phần thượng lưu của sông Đà Rằng, con sông bắt nguồn từ dãy Ngọc Rô của tỉnh Kon Tum, chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, vựa lúa lớn nhất miền Trung với diện tích hơn 20.000 ha.
-
- Sông Dinh
- Một nhánh nhỏ của sông Đà Rằng, chảy quanh thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên. Hiện sông đã bị bồi lấp. Chú ý: phân biệt với một số con sông ở các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tên là sông Dinh.
-
- Sông Đà Rằng
- Tên phần hạ lưu của sông Ba, một con sông chảy trên địa bàn ba tỉnh miền Trung là Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên. Nguồn gốc của tên Đà Rằng xuất phát từ tiếng Chăm Ea Rarang, nghĩa là "con sông lau sậy."
-
- Đắk Lắk
- Cũng viết là Darlac hay Đắc Lắc, một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, ở độ cao trung bình 400 – 800 mét so với mặt nước biển, với tỉnh lị là thành phố Buôn Mê Thuột. Tên gọi Đắk Lắk theo tiếng M'nông nghĩa là "hồ nước." Đắk Lắk là nơi gìn giữ và bảo tồn nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
-
- Phú Yên
- Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...
-
- Thu ba
- Sóng mùa thu (chữ Hán). Thường được ví hoặc phiếm chỉ mắt người con gái (trong sáng, lấp lánh như sóng mùa thu).
-
- Dập bã trầu
- Cách nói chỉ thời gian ngắn, đủ để nhai dập một miếng trầu.
-
- Chồn đèn
- Một loại chồn nhỏ, có bộ lông màu hoe hoe, hung hung đỏ, chân thấp, mỏ dài nhỏ, răng rất sắc. Chồn đèn thường sống trong bụi rậm, ăn thức ăn chính là thịt động vật nhỏ như gà con, vịt con, chim, chuột, cá, lươn...
-
- Nha
- Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Lúa ba lá
- Một giống lúa gặt vào tháng năm, cho gạo trắng, ngon cơm.
-
- Cá phèn khoai
- Một giống cá phèn biển được khai thác quanh năm, thân dài, cho thịt béo, ngọt và thơm. Thường được gọi là cá phèn (thèn) râu, vì dưới miệng cá có hai sợi râu ngắn, mảnh.
-
- Mầu câu
- Phao câu (từ địa phương).
-
- Áo bà ba
- Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.
Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.
Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).
-
- Hoàng Hoa Thám
- Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.
-
- Bà Ba Cai Vàng
- Người vợ thứ ba của Cai Vàng. Bà tên thật là Nguyễn Thị Miên, biệt hiệu là Hồng Y liệt nữ, người ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi Cai Vàng tử trận vào tháng 8 năm 1862, bà tiếp tục lãnh đạo nghĩa binh chiến đấu đến gần một năm sau mới giải tán lực lượng, rồi đi tu.
-
- Xắc cốt
- Cái túi đeo, đọc theo từ "Sacoche" tiếng Pháp, thường làm bằng da, có khóa bấm. Cán bộ miền Bắc trước đây thường mang loại túi này.
-
- Ba lô
- Từ lóng, chỉ bụng bầu.
-
- Lụt hăm ba tháng mười
- Một cơn lụt (nước lớn) thường xảy ra vào khoảng thời gian này ở hầu hết các tỉnh vùng duyên hải miền Trung. Đây thường là trận lụt cuối cùng trong năm.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Trùng tang
- Chết liên tục trong một nhà. Theo cách hiểu dân gian “trùng tang” là trường hợp người chết “phạm” phải năm hoặc tháng hoặc giờ xấu, linh hồn không siêu thoát nên cứ quanh quẩn trong nhà trở thành “trùng” rồi lần lượt “bắt” theo từng người thân trong dòng tộc.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Nghĩa nhân
- Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.