Tìm kiếm ""

Chú thích

  1. Nhân
    Lòng tốt, lòng yêu thương người.
  2. Lo chuyện làm ăn buôn bán (dựng trại) trước thì tốt hơn là lo chuyện ở trước.
  3. Cá sơn
    Tên chung của một số loại cá biển (sơn thóc, sơn gai, sơn đỏ, sơn trắng…). Cá sống theo từng đàn gần bờ, ngư dân thường dùng lưới mành để đánh bắt nguyên cả đàn (nên cũng gọi là cá mành sơn). Tùy loại mà cá được chế biến thành các món khác nhau như gỏi, kho tiêu, nấu canh ngọt, làm chả…

    Gỏi cá sơn - Ảnh: Tuy An

    Gỏi cá sơn trắng - Ảnh: Tuy An

  4. Tre ngà
    Còn gọi là tre đằng ngà, tre mỡ, tre trổ, tre vàng sọc, một loại tre thân có màu vàng óng sọc xanh, ruột tương đối đặc, chịu được ngập úng lẫn khô hạn. Tre ngà hay được dùng làm hàng rào hay làm cảnh.

    Tre ngà

    Tre ngà

  5. Áo chưa đậu sống
    Áo chưa may đường sống lưng.
  6. Ăn đều tiêu sòng
    Ăn, tiêu (nhất là ăn chung, làm chung) công bằng, sòng phẳng, rành mạch.
  7. Đòi
    Đuổi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  8. Số chó đòi
    Chó đã bám đuổi được con mồi thì đuổi bắt cho kì được. Người được ví mắc phải số chó đòi là người liên tục gặp vận rủi, cuộc đời long đong lận đận.
  9. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  10. Sông Bến Thóc
    Tên dân gian của sông Thoa, tên Hán Việt là Thốc Giang, một con sông đào có thể được tiến hành từ thời chúa Nguyễn (chưa rõ năm nào), xuất phát từ Phú An, đi qua các xã Đức Hòa, Đức Tân, Đức Phong (huyện Mộ Đức) và cuối cùng đổ ra cửa Mỹ Á thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sông có tên như vậy vì ngoài việc cung cấp nước, sông còn có tác dụng về giao thông đường thủy, chở người, thóc lúa sản xuất được ngược lên để vào sông Vệ, thông thương đi nhiều nơi.

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

  11. Sở định
    Định đoạt, quyết định lấy.
  12. Sơn khê
    Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
  13. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  14. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  15. Có bản chép: Thế gian dại dại, khôn khôn.
  16. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  17. Ba lần giặc tan
    Ba chiến thắng lớn diễn ra trên sông Bạch Đằng: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (năm 938), Lê Hoàn đánh thắng quân Tống (năm 981), Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Nguyên (năm 1288).
  18. Lam Sơn
    Tức núi Chàm, một ngọn đồi cao 62 mét thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Sơn còn là tên gọi chỉ vùng đất xung quanh núi Chàm, nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh.
  19. Lê Thái Tổ
    Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.

    Tượng đài Lê Lợi

    Tượng đài Lê Lợi

  20. Ngàn
    Rừng rậm.
  21. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  22. Nước rươi là mùa nước triều tràn vào đồng, nơi những vùng tiếp giáp nước ngọt và nước lợ vào khoảng tháng chín, tháng mười âm lịch và khi nước rút để lại rất nhiều rươi từ đất chui lên. Mỗi nước rươi kéo dài từ 3 đến 7 ngày, đến khi có mưa lấp lỗ mới hết kì. Cứ gần ngày đó, người dân ven sông lại chuẩn bị dụng cụ đón bắt rươi về ăn. Về thời điểm mùa nước rươi, dân gian có câu Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm.

    Giăng lưới bắt rươi mùa nước rươi

    Giăng lưới bắt rươi mùa nước rươi

  23. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)