Tìm kiếm "hai chín"

Chú thích

  1. Chóp Chài
    Một ngọn núi thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Lưu ý phân biệt với núi Chóp Chài của tỉnh Phú Yên.
  2. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  3. Hải hà
    Biển và sông. Từ này cũng được dùng theo nghĩa rộng, chỉ chí khí rộng lớn.
  4. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  5. Bánh bỏng gạo
    Cũng gọi là bánh cốm (phân biệt với cốm ở miền Bắc), một loại bánh dân dã làm từ gạo nếp nổ kết với nhau bằng đường thắng hoặc mật mía. Bánh ăn giòn, thơm, có vị ngọt nhẹ.

    Bánh bỏng gạo

    Bánh bỏng gạo

  6. Cốm hai lu
    Một kiểu bán bánh cốm đặc trưng của các o ở Huế ngày trước: chứa cốm trong hai cái lu lớn gánh đi bán.
  7. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Gạo hom
    Một loại gạo đặc sản của tỉnh Thái Bình. Cây lúa hom thân dài, ưa những chân ruộng trũng. Hạt lúa hom bầu như hạt nếp cái hoa vàng, đuôi hạt thóc có râu. Cơm nấu bằng gạo hom vừa thơm, vừa dẻo vừa đậm đà.
  9. Giường hòm
    Loại giường trên giường dưới hòm, vừa dùng để nằm vừa dùng chứa quần áo, đồ trang sức hoặc thóc gạo, ngày xưa chỉ những nhà khá giả mới có.
  10. Hải Triều
    Tên Nôm là làng Hới, một làng nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, có nghề truyền thống là dệt chiếu. Chiếu Hới có nhiều loại khác nhau: cải, đậu, đót, trơn, kẻ dọc màu, ít hoa, cạp điều, sợi xe... Chiếu mới có màu trắng ngà, ưa nhìn, mùi thơm dễ chịu của cói đồng, dùng lâu ngả sang màu vàng, trơn nhẵn, độ mềm vừa phải. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới, và chiếu Thái Bình theo tên tỉnh.

    Chiếu Hới

    Chiếu Hới

  11. Đồng Hới
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Bình. Trước đây Đồng Hới có tên là Động Hải, là một làng nằm ven cửa sông Nhật Lệ, chuyên làm nghề đánh cá, làm mắm và nấu muối. Trải qua một thời kỳ dài trong lịch sử, đây là khu vực tranh chấp giữa Vương quốc Champa và Đại Việt. Lịch sử đô thị Đồng Hới có lẽ được tính từ thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng vượt dãy Hoành Sơn để tránh bị chúa Trịnh tiêu diệt vào cuối thế kỉ 16.

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

  12. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  14. Tam sơn, tứ hải
    Chỉ mặt đất. Người xưa cho mặt đất gồm tám phần: núi ba, biển bốn, ruộng đất một (tam sơn tứ hải nhất phần điền).
  15. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  16. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  17. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  18. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  19. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  20. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  21. Hải đường
    Loài cây nhỡ, sống nhiều năm, họ Chè. Lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ở gần ngọn cây, ngọn cành; hoa có cuống dài, tràng hoa đỏ tía, nhiều nhị đực. Hoa nở vào dịp Tết Âm lịch, đẹp nhưng không thơm.

    Hoa hải đường

    Hoa hải đường

  22. Dã quỳ
    Còn có tên là cúc quỳ, sơn quỳ hoặc hướng dương dại, một loại cây cho hoa màu vàng mọc nhiều ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở nước ta, dã quỳ được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng, sau dần mọc hoang khắp các tỉnh Tây Nguyên.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  23. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  24. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  25. Câu này có lẽ lấy ý từ hai câu thơ của Thôi Hộ thời Đường:

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong

    Dịch:

    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  26. Hoa hiên
    Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.

    Hoa hiên

    Hoa hiên

  27. Quan ba
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm đại úy (capitaine) Gọi vậy vì quân hàm này có 3 vạch.
  28. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  29. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  30. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  31. Đảnh
    Đỉnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng chỉ đỉnh núi, đỉnh đèo.
  32. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  33. Hai ông súng
    Thời nhà Nguyễn, trên đỉnh đèo Xuân Đài có bố trí hai khẩu súng thần công để bảo vệ vịnh. Hiện nay tại vùng biển này nhân dân đã tìm ra được nhiều di vật lịch sử, trong đó có cả súng thần công.
  34. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  35. Quảng Đà
    Tên gọi tắt, dân gian của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ngày trước, nay được tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
  36. Bài ca dao này ngụ ý châm biếm tục hút thuốc lá của phụ nữ Quảng Nam-Đà Nẵng ngày trước.
  37. Cẩm Hà
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  38. Cẩm Thanh
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ tre, dừa.

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

  39. Điện Dương
    Tên cũ là Cẩm Hải, nay là một xã ở phía Đông Nam của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  40. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  41. Niềm tây
    Nỗi lòng, tâm sự riêng.

    Sứ trời sớm giục đường mây,
    Phép công là trọng, niềm tây sá nào
    (Chinh Phụ Ngâm)

  42. Bài ca dao này sử dụng một số câu hoặc từ trong Truyện Kiều, ví dụ:

    Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (câu 740)

    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    (câu 99 đến câu 104)

  43. Phận nữ hài
    Phận đàn bà con gái.

    Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
    Đem thân giúp nước há nhường trai.

    (Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa – Á Nam Trần Tuấn Khải)

  44. Đây là câu sáu đầu tiên và câu bát cuối cùng (câu thứ 3254) của Truyện Kiều:

    1. Trăm năm trong cõi người ta
    2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    ...
    3253. Lời quê chắp nhặt dông dài
    3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.

  45. Cháo bồi
    Một món cháo dân dã, nấu cùng với bột bán, bẹ môn xắt khúc, tôm tươi lột vỏ, giò heo...

    Cháo bồi

    Cháo bồi

  46. Câu mâu
    Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).
  47. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  48. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  49. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  50. Hài
    Giày, dép. Thường được dùng để chỉ giày thời xưa.
  51. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  52. Bạch nhật
    Mặt trời sáng (từ Hán Việt).
  53. Thanh phong
    Gió mát (từ Hán Việt).
  54. Có bản chép:

    Tháng Chạp là tiết trồng khoai
    Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà

  55. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  56. Vùa
    Một loại đồ đựng bằng sành hoặc đất nung. Ở một số địa phương Nam Bộ, người ta cũng gọi cái gáo (dừa) múc nước là vùa.

    Từ này cũng được phát âm thành dùa.

  57. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  58. Lồng mốt, lồng hai
    Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

  59. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  60. Sáp vàng
    Tổ ong được nấu hoặc phơi cho chảy, rồi lọc, cô đặc thành bánh. Sáp ong từng được xem là sản vật quý hiếm, và nay vẫn được đánh giá cao vì giá trị dinh dưỡng và các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.

    Bánh sáp ong

    Bánh sáp ong

  61. Yến huyết
    Loại tổ yến màu đỏ tươi, rất hiếm, ngày xưa chỉ dùng để tiến vua chúa, và hiện nay vẫn có giá thành đắt nhất trong các loại tổ yến ở nước ta.

    Tổ yến huyết

    Tổ yến huyết

  62. Hồng rim
    Rim là cách ướp đường cho thức ăn là trái cây (củ hoặc quả) và đun trên lửa cho ngấm vào. Hồng rim là quả hồng được rim lên, nghĩa bóng chỉ thức ăn ngon.
  63. Đường phổi
    Loại đường được nấu từ mật mía, được đúc thành bánh màu trắng hơi vàng, xốp và giòn, vị ngọt thanh. Đường phổi là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Có tên gọi đường phổi là do hình dạng thỏi đường nhìn tựa lá phổi.

    Đường phổi

    Đường phổi

  64. Vi cá
    Vây cá mập, được xem là món ăn bổ dưỡng, quý hiếm, và rất đắt đỏ.
  65. Hải sâm
    Tên dân gian là đồn đột, đột ngậu, đồm độp, đỉa biển hay nhím biển, là tên gọi chung của một nhóm động vật biển có thân hình thuôn dài, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da. Hải sâm được xem là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và có nhiều công dụng trị bệnh.

    Hải sâm

    Hải sâm

  66. Báng
    Giống cây lâu năm thuộc họ Cau, còn có tên gọi khác là đoác, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng. Ở ta báng mọc nhiều ở các chân núi ẩm, chân núi đá vôi, rừng thứ sinh. Bột bên trong lõi cây có thể ăn hay làm đồ uống. Báng còn được trồng làm cảnh vì dáng đẹp. Rượu báng là một đặc sản của các vùng núi đá cao (Tây Bắc).

    Cây báng

    Cây báng

  67. Dầu thông
    Tinh dầu được chưng cất từ lá, cành non và quả của một số loài thông. Dầu thông có tác dụng tẩy uế, làm đẹp và trị một số bệnh ngoài da.
  68. Bãi Cháy
    Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.

    Bãi biển Bãi Cháy

    Bãi biển Bãi Cháy

  69. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  70. Quan hai
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
  71. Cửa Lục
    Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

  72. Tức tàu hỏa.
  73. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  74. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  75. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  76. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  77. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  78. Síp lê
    Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
  79. Một hàng nam, một hàng nữ.
  80. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  81. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  82. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  83. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  84. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  85. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  86. Nghệ An
    Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.

    Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

    Biển Cửa Lò

    Biển Cửa Lò

  87. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  88. Hưng Yên
    Một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ của nước ta. Tỉnh Hưng Yên trước đây thuộc trấn Sơn Nam, đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh được thành lập. Hưng Yên được xem là vùng đất "địa linh nhân kiệt," là quê hương của rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử: Phạm Ngũ Lão, Hoàng Hoa Thám, Hải Thượng Lãn Ông, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tô Ngọc Vân... Về sản vật, nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng khắp cả nước từ xưa đến nay.

    Một góc thành phố Hưng Yên về đêm

    Một góc thành phố Hưng Yên về đêm

  89. Hỏa lò
    Cái lò lửa (từ Hán Việt).
  90. Thái Bình
    Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.

    Bãi biển Đồng Châu

    Bãi biển Đồng Châu

  91. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  92. Ninh Bình
    Một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vùng đất này từng là kinh đô nước ta vào thế kỉ 10, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

    Cố đô Hoa Lư

    Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

  93. Hải Dương
    Một tỉnh nằm ở đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội 57km. Hải Dương là một trong những vùng đất "địa linh nhân kiệt", gắn liền với tên tuổi Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, Đoàn Nhữ Hài cùng các di tích lịch sử như đền Kiếp Bạc, đền Tranh, Côn Sơn... Tại đây cũng nổi tiếng về quả vải. Vải Thanh Hà từ lâu đã trở thành loại trái cây có tiếng khắp cả nước.

    Cổng đền Kiếp Bạc

    Cổng đền Kiếp Bạc

  94. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  95. Sơn Tây
    Một địa danh ở Bắc Bộ, nay là thị xã trực thuộc thủ đô Hà Nội. Vào thế kỉ 15, đây là trấn sở Sơn Tây, đổi thành tỉnh Sơn Tây vào năm Minh Mệnh thứ hai (1832). Sơn Tây nổi tiếng có làng Đường Lâm, quê hương của hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, nên gọi là đất hai vua.

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

  96. Bắc Cạn
    Hay Bắc Kạn, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, nổi tiếng với hồ Ba Bể, kì quan thiên nhiên được xem là một trong hai mươi hồ đẹp nhất thế giới. Ngoài ra, ở đây còn có các danh thắng khác như động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Nả Phòong, động Ba Cửa, hang Sơn Dương...

    Hồ Ba Bể

    Hồ Ba Bể

  97. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  98. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  99. Phủ Đình
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phủ Đình, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  100. Chư hầu
    Tên gọi chung của những vua chúa cấp dưới bị phụ thuộc, phải phục tùng vua chúa lớn mạnh hơn. Những nhà quý tộc do một hoàng đế phong tước để cai trị một vùng đất cũng gọi là chư hầu.
  101. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  102. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  103. Sãi
    Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
  104. La Vang
    Địa danh nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Có giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ cây lá vằng (một loại cây có thể nấu làm nước uống), hoặc chỉ tiếng kêu la của người dân để xua đuổi thú dữ. Theo truyền thuyết của người Công giáo, dưới thời vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn, Ðức Mẹ đã hiện ra tại đây. Vì thế, La Vang hiện nay được xem là một thánh địa Công giáo, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương.

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

  105. Quán Ngang
    Một địa danh thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
  106. Dầu tràm
    Loại dầu được chiết xuất từ lá của cây tràm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn…

    Dầu tràm

    Dầu tràm

  107. Đại Nại
    Tên một làng cũ thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay làng đã được sáp nhập với làng An Thái và làng Ba Khê thành một làng lớn là Đại An Khê.
  108. Phường Trúc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phường Trúc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  109. Kim Giao
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  110. Phước Điền
    Địa danh nay thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  111. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  112. Chùa Tịnh Quang
    Còn có tên là chùa Sắc Tứ, một ngôi chùa ở vùng núi phía tây nam làng Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, là biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị.

    Chùa Tịnh Quang

    Chùa Tịnh Quang

  113. Trà Bát
    Địa danh nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  114. Chợ Sòng
    Một địa danh nay thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, cũng là tên một ngôi chợ ở đây. Chợ Sòng cùng với chợ phiên Cam Lộ từng là hai trung tâm thương mại sầm uất nhất Quảng Trị ngày trước. Theo Phủ biên tạp lục: Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh.
  115. Bích La
    Địa danh nay là một làng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm bên bờ Đông của sông Thạch Hãn. Đây là một ngôi làng cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, nơi được coi là vùng đất "địa linh nhân kiệt."
  116. Trà Lộc
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Làng có trằm (bàu nước) Trà Lộc, nay là một khu du lịch sinh thái có tiếng trong vùng.
  117. An Đôn
    Địa danh nay là một phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
  118. Mai Lĩnh
    Địa danh nay là một quận thuộc tỉnh Quảng Trị.
  119. Đạo Đầu
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  120. Trầu nguồn
    Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
  121. Khe Gió
    Địa danh thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khe Gió vốn là một khe suối và một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng đông, tạo nên một địa hình lòng máng hút gió từ sông Hiếu đổ về. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh.

    Khe Gió

    Khe Gió

  122. Trung Đơn
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  123. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  124. Bồ Bản
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  125. An Lộng
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  126. Xôi thống
    Một loại xôi đặc sản ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xôi làm từ loại nếp rất thơm, khi ăn có vị ngọt.
  127. Hải Thành
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất hiện trên bản đồ nhà Nguyễn khoảng đầu thế kỷ 19, hiện nay Hải Thành còn lưu giữ một vài truyền thống như lễ cúng thần hoàng, lễ chạp mã làng, chạp mã họ, lễ đua ghe...
  128. Trí Bưu
    Tên một làng nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị. Làng có tên cũ là Cổ Bưu (gọi trại là Cổ Vưu), do trước đây có một nhà trạm để lo việc chuyển nhận thư từ và công văn từ triều đình.
  129. Triệu Phước
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  130. Đông Hà
    Địa danh nay là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị.
  131. Hội Yên
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  132. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  133. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).