Tìm kiếm "bánh trôi"

Chú thích

  1. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  2. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  3. Lương
    Hiền lành, tử tế (từ Hán Việt).
  4. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  5. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  6. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  7. Tương truyền thuở thiếu thời, trước khi được vua Nghiêu của nhà Đường Nghiêu truyền ngôi cho, ông Thuấn thường phải đi cày đất làm ruộng ở Lịch Sơn, huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
  8. Chu Mãi Thần
    Một nhân vật đời Hán ở Trung Quốc. Điển tích kể rằng thuở hàn vi, nhà nghèo, Mãi Thần phải đi đốn củi rừng đem bán nhưng có tính ham đọc sách, thường treo sách đầu gánh, vừa đi vừa đọc. Vợ là Thiệt Thê không chịu nổi cảnh nghèo túng, bỏ đi lấy chồng khác. Sau Mãi Thần được công thành danh toại, trên đường vinh quy thì gặp lại vợ cũ. Thiệt Thê xin tha lỗi, cho nàng trở lại làm vợ. Mãi Thần lấy bát nước đầy, đổ xuống đất, bảo nếu hốt lại đầy bát nước như trước, sẽ nhận nàng về làm vợ như xưa.

    Chèo cổ Việt Nam có vở Chu Mãi Thần ra đời vào thế kỉ 19, không rõ tác giả. Đến nay, người ta chỉ còn trích diễn một vở hài phát triển trên vở này có tên Tuần ti đào Huế.

    Vở chèo Tuần ti đào Huế.

  9. Phạm Trọng Yêm
    Một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống, Trung Quốc. 
  10. Hàn Tín
    Một danh tướng thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ông cùng với Trương LươngTiêu Hà được đời sau xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba vị hào kiệt nhà Hán). Sau khi thiên hạ bình định, Hán Cao Tổ Lưu Bang vì e ngại tài năng của Hàn Tín nên giáng chức ông xuống thành Hoài Âm hầu, tước quyền bính. Đến năm 196 TCN, Hàn Tín mưu phản, bị Lã Hậu giết cả ba họ.

    Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín là một trong những danh tướng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều điển tích, điển cố như cơm phiếu mẫu, lòn trôn giữa chợ, câu nói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn..." là từ ông mà ra.

  11. Đồng chạng
    Cùng lứa, cùng tuổi (phương ngữ Nam Bộ). Chạng là cách đọc trại của trượng.
  12. Thợ kèn
    Người làm nghề thổi kèn cho các đám ma ngày xưa. Trước đây, nghề thợ kèn bị khinh rẻ, cho là mạt hạng.
  13. Ba Lai
    Tên một con sông ở tỉnh Bến Tre, dài khoảng 55 km, chảy qua huyện Châu Thành, và là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng TrômBa Tri.
  14. Phù sa
    (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.

    Dòng nước chứa phù sa

    Dòng nước chứa phù sa

  15. Mỹ Á
    Một cửa biển nay thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
  16. Vực Tre
    Nhánh sông chảy qua địa phận xã Phổ Ninh huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  17. Bánh nổ
    Một loại bánh đặc sản của miền Trung. Bánh làm bằng gạo nếp rang cho nổ bung ra (nên có tên là bánh nổ), trộn với nước đường nấu sôi và gừng giã nhỏ, cho vào khuôn hình chữ nhật. Bánh ăn có vị ngọt của đường, bùi của nếp và cay của gừng.

    Bánh nổ

    Bánh nổ

  18. Đức Phổ
    Một huyện đồng bằng, nằm về phía đông nam tỉnh Quảng Ngãi, nơi tiếp giáp với tỉnh Bình Định. Tại đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam.
  19. Nghĩa Hành
    Địa danh nay là huyện trung du duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
  20. Sơn Tịnh
    Tên một huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có núi Thiên Ấn, một trong hai biểu tượng của tỉnh (cùng với sông Trà Khúc tạo thành cặp núi Ấn - sông Trà).

    Núi Ấn

    Núi Ấn

  21. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  22. Nỏ
    Một loại vũ khí cổ truyền thường được dùng trong săn bắn và chiến tranh trước đây. Một chiếc nỏ đơn giản gồm một cánh nỏ nằm ngang hơi cong, đẽo từ một loại gỗ có sức đàn hồi cao, lắp vào báng nỏ có xẻ rãnh để đặt mũi tên. Trước khi bắn, cánh nỏ bị uốn cong bằng cách kéo căng và gài dây cung vào lẫy nỏ. Khi bóp cò, sức đàn hồi của cánh nỏ bắn mũi tên ra với sức đâm xuyên lớn và độ chính xác cao. Cây nỏ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, bắn một phát ra nhiều mũi tên đồng, đánh lui quân xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều dân tộc Tây Nguyên đã dùng nỏ giết được nhiều quân địch.

    Ở một số vùng, nỏ cũng được gọi là ná (lưu ý phân biệt với cái bắn đạn sỏi).

    Bắn nỏ

    Bắn nỏ

  23. Mấu
    Phần trồi lên trên bề mặt của vật thành khối gồ nhỏ.
  24. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  25. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  26. Thợ ngạch
    Ăn trộm. Gọi vậy vì ăn trộm hay đào tường, khoét ngạch.
  27. Thợ rào
    Thợ rèn.
  28. Án Đổ
    Tên một làng nay thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
  29. Có bản chép: Kim Tử.
  30. Hà Trung
    Tên cũ là Tống Sơn, một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  31. Chợ Nghè
    Một ngôi chợ nay thuộc địa phận xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
  32. Chợ Go
    Chợ thuộc kẻ Go, Thiệu Đô, Thanh Hóa.
  33. Núi Go, huyện Thiệu Đô, Thanh Hóa.
  34. Hồng Đô
    Gọi tắt là làng Hồng, một làng thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng có nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm là trồng dâu nuôi tằm và dệt nhiễu.

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

  35. Vạc
    Một làng nay thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  36. Cổ Đô
    Một thôn thuộc xã Trà Sơn, tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên ngày trước, nay là một phần của xã Thiệu Đô, tỉnh Thanh Hóa.
  37. Trà Đông
    Cũng gọi là Chè Đông, tên Nôm là kẻ Chè, xa xưa gọi là kẻ Rỵ, một làng nay thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng có nghề đúc đồng truyền thống (nên cũng gọi là làng Trà Đúc), đồng thời là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trấn Quốc Công, Bộc Xạ Tướng Công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu...
  38. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  39. Cao lầu
    Món mì được xem là đặc sản của thị xã Hội An. Cao lầu nhìn khá giống mì Quảng với có sợi mì màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống... Khác với mì Quảng, cao lầu có rất ít nước dùng.

    Cao lầu

    Cao lầu

  40. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  41. Thăng Bình
    Tên một huyện ven biển ở phía Đông tỉnh Quảng Nam, huyện lỵ là thị trấn Hà Lam. Thời nhà Nguyễn, Thăng Bình là một phủ thuộc Dinh Quảng Nam. Huyện nổi tiếng với đặc sản khoai lang Trà Đỏa.

    Cảnh đẹp Thăng Bình

    Cảnh đẹp Thăng Bình

  42. Duy Xuyên
    Tên một huyện nằm phía Bắc tỉnh Quảng Nam, có truyền thống hiếu học. Nơi đây có hai thắng tích nổi tiếng là thánh địa Mỹ Sơn và thành cổ Trà Kiệu.

    Thánh địa Mỹ Sơn

    Thánh địa Mỹ Sơn

  43. Bánh đập
    Cũng gọi là bánh dập hay bánh chập tùy theo vùng, một loại bánh phổ biến ở miền Trung. Bánh gồm một miếng bánh ướt ghép với một miếng bánh tráng nướng, xong đập nhẹ để bánh tráng nướng vỡ vụn dính chặt vào bánh ướt. Bánh đập có thể ăn riêng với mắm nêm hoặc ăn kèm với rau sống, thịt nướng...

    Bánh đập

    Bánh đập

  44. Hòa Vang
    Địa danh nay là một huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng nhờ các địa điểm du lịch sinh thái như Bà Nà - núi Chúa, Suối Mơ...

    Tượng Phật trên đỉnh Bà Nà

    Tượng Phật trên đỉnh Bà Nà

  45. Điện Bàn
    Tên một thị xã đồng bằng ven biển phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nổi tiếng các làng nghề truyền thống như đúc đồng, gốm, gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, dệt chiếu, mì Quảng Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống, khu du lịch Bồ Bồ, tháp Bằng An...

    Bê thui Cầu Mống

    Bê thui Cầu Mống

  46. Kẻ Dầu
    Vùng đất đã sinh ra truyền thuyết về bánh chưng, bánh dày, nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tương truyền Dữu Lâu xưa có làng Quýt, làng Trầu, có chợ Dầu nổi tiếng, có vùng trồng lúa nếp thơm đặc biệt, có kho chứa thóc gọi là “lầu để của.” Dữu Lâu cũng là một vùng quê còn giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, phân bố đều ở tất cả các thôn, trong đó có những di tích điển hình, mang đậm dấu ấn văn hóa của một làng Việt cổ như đình Dữu Lâu, đình Bảo Đà, đình Hương Trầm, đình Quế Trạo... Tại đây vào mùa xuân hằng năng có có cuộc thi dân gian: thi nấu cơm, thi làm cỗ, thi làm bánh...
  47. Quán Đình Thành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quán Đình Thành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  48. Bạch Hạc
    Tên làng nay là một phường thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, ngay ngã ba nơi giao nhau giữa sông Đà, sông Lôsông Hồng. Xưa kia đây chính là Phong Châu, kinh đô của nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương. Hằng năm vào tháng giêng và tháng ba, tại Bạch Hạc tổ chức lễ hội giỗ Tổ, nổi tiếng với cuộc đua thuyền trên sông Lô và tục cướp cầu.

    Hội đua thuyền Bạch Hạc

    Hội đua thuyền Bạch Hạc

  49. Mũ tỳ lư
    Một loại mũ của Phật giáo, được đặt tên theo Tỳ Lư Giá Na, tên chung của Pháp thân Phật tức là Đức Đại Nhật Như Lai của Mật giáo. Mũ thường được đội trong các tang lễ hoặc trai đàn chẩn tế.

    Mũ tỳ lư

    Mũ tỳ lư

  50. Tày
    Bằng (từ cổ).
  51. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  52. Có bản chép:

    Ăn rồi đau quặn đau quăn
    Chạy về cho kịp nằm lăn cả ngày.

  53. Có bản chép: Ông thầy nói dối đã quen.
  54. Bài ca dao này ca ngợi công đức của Mai Tự Thừa, người vào đầu thế kỉ 18 đã có công mở làng lập chợ, khai khẩn vùng đất nay là huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
  55. Rỡ ràng
    Sáng ngời, rạng rỡ.
  56. Thanh Trì
    Một địa danh trước đây thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đến năm 1961 được sát nhập và Hà Nội. Lần lượt vào năm 2001 và 2003, một phần của Thanh Trì được cắt ra để thành lập quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai. Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, với nhiều ao, hồ, đầm. Tên cổ của huyện là Thanh Đàm có nghĩa là "đầm xanh," chính là dựa vào đặc điểm địa hình của huyện, đến thế kỉ 16 do kị húy vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) nên đổi thành Thanh Trì (ao xanh). Tại đây có món đặc sản rất nổi tiếng là bánh cuốn Thanh Trì.
  57. Nhân Mục
    Tên Nôm là Kẻ Mọc, tên gọi chung một số thôn làng cổ nằm trên bờ Nam sông Tô Lịch, phía ngoài lũy thành đất Thăng Long. Theo Quốc sử tạp lục thì vào thế kỷ 10, các làng Mọc đều có rừng, vậy mới có tên là Kẻ Mọc, tên chữ là Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Xã Nhân Mục dân số ngày càng đông, phát triển thành hai xã là: Nhân Mục Cựu (gồm hai thôn Thượng Đình và Hạ Đình) và Nhân Mục (gồm các thôn Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Kẻ Mọc ngày trước có nhiều người đỗ đạt, nhiều di tích lịch sử và văn hóa.
  58. Hàng xáo
    Nghề đong thóc về xay giã thành gạo rồi đem bán để kiếm lãi. "Hàng xáo" còn để chỉ chung những người buôn bán nhỏ, ít vốn, phải xoay xở mua rồi bán trong thời gian ngắn nhất.
  59. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  60. Đình Gừng
    Một ngôi đình nay thuộc Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, thờ thần sông Tô Lịch và Lê Dương Vệ. Nơi đây từng được quân Quang Trung chứa vũ khí để đánh đuổi quân Thanh. Vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội, gọi là hội Đình Gừng, bao gồm lễ chạy mã, múa rồng, múa sư tử, cờ người, vật, hát chèo...
  61. Định Công
    Tên một làng thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay. Làng có truyền thống làm nghề kim hoàn nổi tiếng, tương truyền là từ ba anh em họ Trần vào thời Lý Nam Đế: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền.

    Tác phẩm Khuê Văn Các của nghệ nhân làng Định Công

    Tác phẩm Khuê Văn Các của nghệ nhân làng Định Công

  62. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  63. Bánh bột lọc
    Một loại bánh làm từ bột sắn, thường có nhân bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm-thịt heo. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy. Bánh thường được ăn kèm nước mắm pha hơi ngọt. Vì có lớp vỏ trong suốt, nên bánh bột lọc cũng được gọi là bánh trong.

    Bánh bột lọc

    Bánh bột lọc

  64. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  65. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  66. Cuốc chim
    Loại cuốc có lưỡi dài thẳng góc với cán thành hình chữ T, một đầu nhọn, một đầu to và bẹt, dùng để cuốc đất hay đá.

    Cuốc chim

  67. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  68. Dùng đũa cả (đũa bếp) xới cơm đang nấu trong nồi cho mau khô, chín cơm.
  69. Xà bần
    Đồ phế thải như gạch ngói, vôi vữa... từ các công trình xây dựng, cũng có thể hiểu rộng là rác rến. Từ này có gốc từ tiếng Trung Quốc thập bình 什平, nghĩa là "nhiều món trộn lẫn với nhau," dùng chỉ đồ ăn vụn, đồ thừa.
  70. Nhưn
    Nhân (cách phát âm của người Nam Bộ).
  71. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.