Tìm kiếm "Vì anh"

Chú thích

  1. Bôi tro trát trấu
    Làm nhục, bôi nhọ danh dự người thân bằng những hành vi xấu của mình.
  2. Bố Điền
    Cũng gọi là kẻ Điền, một làng nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
  3. Quảng Cư
    Xưa là Quảng A, cũng gọi là kẻ Quảng, một làng nay thuộc xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
  4. Cái Ngang
    Địa danh nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây có cái địa danh liên quan như rạch Cái Ngang, chợ Cái Ngang...

    Chợ Cái Ngang ngày nay

    Chợ Cái Ngang ngày nay

  5. Mang Thít
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long. Trước đây huyện có tên gọi là Măng Thít hay Mân Thít. Chúa Nguyễn Ánh sau khi khôi phục đất Gia Định, đặt phủ Mân Thít, giao cho Thổ quan là Nguyễn Văn Tồn quản lí. Mang Thít có nghề làm gạch, gốm, và nổi tiếng là vùng đất trồng nhiều lúa gạo và trái cây ngon của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Gạch Mang Thít

    Gạch Mang Thít

  6. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  7. Bà Soi
    Địa danh thuộc ấp Hồi Tường, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
  8. Vĩnh Long
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này được thành lập năm 1732 với tên là châu Định Viễn (thuộc dinh Long Hồ), sau lần lượt có các tên Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh, Vĩnh Long, Vĩnh Trà, Cửu Long, trước khi trở lại tên Vĩnh Long vào năm 1992. vào cuối thế kỉ 18, đây chiến trường diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút oanh liệt đánh tan năm vạn quân Xiêm cũng diễn ra tại đây.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  9. Mỹ An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long.
  10. Bình Lương
    Tên một ấp nay thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nằm bên dòng sông Cổ Chiên.
  11. An Bình
    Tên một cù lao giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Ðồng Phú, đều thuộc huyện Long Hồ. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng...

    Đường trên cù lao An Bình

    Đường trên cù lao An Bình

  12. Thanh Lanh
    Một làng nay thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước kia Thanh Lanh là vùng rừng núi âm u, không người ở, khí hậu ẩm thấp, nổi tiếng “ma thiêng nước độc.”

    Hồ Thanh Lanh núi Ngọc Bội

    Hồ Thanh Lanh núi Ngọc Bội

  13. Kẽm Dòm
    Một con đèo trên núi Sóc Sơn, giữa hai huyện Kim Anh và Đa Phúc (trước kia thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, sau hợp nhất thành huyện Sóc Sơn thuộc tỉnh Vĩnh Phú, nay thuộc Hà Nội).
  14. Ngọc Bội
    Một làng nay thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    Hồ Thanh Lanh núi Ngọc Bội

    Hồ Thanh Lanh núi Ngọc Bội

  15. Tiên Lữ
    Còn gọi là kẻ Chặng hay làng Chặng, nay là một xã ở phía nam của huyện Lập Thạch, tĩnh Vĩnh Phúc. Nơi đây được xem là một trong những nơi cư trú đầu tiên của người Việt từ thời các vua Hùng dựng nước. Bánh gạo rang là đặc sản của Tiên Lữ.
  16. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  17. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  18. Dịch Đồng
    Một làng nay thuộc xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
  19. Bốn phương tám hướng
    Bốn phương gồm Đông, Tây, Nam, Bắc; tám hướng gồm Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc. Bốn phương tám hướng (đôi khi cũng gọi là tám cõi) chỉ tất cả mọi phương, mọi hướng, bao trùm vạn vật. Xem thêm: Chín phương trời, mười phương Phật.
  20. Vĩnh Thọ
    Niên hiệu của nước ta từ năm 1658 đến năm 1662 dưới triều vua Lê Thần Tông.
  21. Keo
    (Chỉ sự) gieo xuống, ngã xuống (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  22. Cả vóc cả keo
    Sức vóc to lớn thì ngã đau hơn. Nghĩa bóng chỉ người danh lợi nhiều khi gặp nạn thì cũng mất mát, nhục nhã nhiều.
  23. Cù lao An Bình
    Một cù lao nằm giữa sông Tiềnsông Cổ Chiên, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cù lao gồm 4 xã là An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú.

    Cù lao An Bình

    Cù lao An Bình

  24. Ba Phố
    Tên một ngã ba sông nay thuộc địa phận xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
  25. Rạch Chiếc
    Địa danh nay thuộc xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
  26. Cầu Đôi
    Tên chung của hai cây cầu nhỏ song song nhau ở xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cầu nay không còn, nhưng vẫn còn địa danh chợ Cầu Đôi, bùng binh Cầu Đôi, bưu điện Cầu Đôi...
  27. Thầy Phó
    Địa danh nay thuộc xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tên Thầy Phó là lấy theo nghề nghiệp và chức vụ của ông Nguyễn Hữu Tình (?-1932), Phó tổng thạnh trị quận Trà Ôn, có công phát triển vùng đất Hựu Thành hoang sơ trở nên sung túc.
  28. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  29. Trà Ôn
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, là vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái của tỉnh. Huyện có cù lao Mây trên sông Hậu, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch vườn. Ngoài ra Trà Ôn còn có chợ nổi ngay ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, quy tụ nhiều ghe thuyền đông vui tấp nập. Đến Trà Ôn, du khách còn có thể viếng lăng Thống chế Điều Bát, chùa Gò Xoài, đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh...

    Chợ nổi Trà Ôn

    Chợ nổi Trà Ôn

  30. Cù lao Mây
    Sau còn có tên là cù lao Lục Sĩ Thành thuộc xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây có nghề làm bánh tráng truyền thống nổi tiếng.

    Bánh tráng cù lao Mây

    Bánh tráng cù lao Mây

  31. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  32. An Vinh
    Một làng nay thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Làng từ xưa đã nổi tiếng là đất võ, đặc biệt có nhiều phụ nữ có tài võ nghệ.