Tìm kiếm "ván cờ"

Chú thích

  1. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  2. Quảng Xương
    Địa danh nay là một huyện duyên hải thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  3. Núi Nưa
    Cũng gọi là Na Sơn, một ngọn núi nay thuộc địa bàn xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo truyền thuyết, đây nơi Bà Triệu cùng nghĩa quân tập trận, rèn khí giới để chống quân Ngô. Đỉnh núi được xem là một trong ba huyệt đạo thiêng của nước ta, bao gồm núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), núi Bà Đen, và núi Nưa.
  4. Sông Đơ
    Một con sông chảy qua địa phận Sầm Sơn, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.
  5. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  6. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  7. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  8. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  9. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  10. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  11. Cầu ván
    Cầu được lát bằng những tấm ván nằm ngang. Đây là một loại cầu rất thường gặp ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, cùng với cầu khỉ, cầu dừa và cầu tre.

    Cầu ván

    Cầu ván

  12. Cầu khỉ
    Loại cầu đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cầu rất đơn sơ, thường làm bằng thân tre (gọi là cầu tre), thân dừa (cầu dừa) hoặc cây gỗ tạp, bắt ngang qua kênh rạch. Cầu khỉ có thể có hoặc không có tay vịn, nhưng đều chỉ cho một người đi. Người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác lại cho rằng chính dáng người đi lom khom như con khỉ của khách bộ hành là nguồn gốc của cái tên này.

    Cầu tre

    Cầu tre

  13. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Đàn cò
    Còn gọi là đàn nhị, một loại đàn có hai dây, chơi bằng cách kéo vĩ. Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải thêm về đàn cò tại đây.

    Kéo đàn nhị

    Kéo đàn nhị

  15. Ngũ cung
    Năm âm giai trong âm nhạc dân tộc: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống (tương đương với Sol, La, Do, Re, Mi ngày nay). Ở miền Nam có thêm hai âm là Liếu (Líu) và Ú, thật ra là hai nấc trên của Hò và Xự.
  16. Mạnh mẫu
    Mẹ của Mạnh Tử - một triết gia nổi tiếng của Trung Quốc. Bà nổi tiếng là người nghiêm khắc và hết lòng dạy dỗ con. Theo Liệt nữ truyện, mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để khuyến khích con chuyên cần học tập. Một lần Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi, bà Mạnh đang ngồi dệt vải trông thấy bèn đứng dậy, kêu con lại rồi cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng: "Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt bỏ đi." Mạnh Tử tỉnh ngộ, tu chí học hành, sau này thành một triết gia lỗi lạc. Người đời sau nói về gương giáo dục con cái hay nhắc điển tích Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà (Mạnh mẫu trạch lân).

    Tranh vẽ Mạnh mẫu

    Tranh vẽ Mạnh mẫu cắt tấm vải dạy con

  17. Khương hậu
    Hoàng hậu họ Khương, vợ vua Chu Tuyên Vương nhà Chu (trị vì 828 - 782 trước CN), được hậu thế khen là "triết hậu." Theo Liệt nữ truyện, Chu Tuyên Vương có thói ngủ dậy rất trưa, Khương hậu khuyên can mãi không được, liền tháo trâm, cởi bỏ hoa tai ngồi chịu tội ở cung Vĩnh Hạng (nơi giam cầm những cung phi có tội thời bấy giờ), gởi lời tâu với vua rằng: "Thiếp bất tài, làm cho quân vương vui sắc đẹp mà quên đức, sai lễ, thường dậy trưa. Tội ấy tại thiếp." Vua hối hận, từ đó siêng năng việc cần chính. Người đời sau lấy việc ấy làm điển tích nói về người vợ hiền mẫu mực.

    Tuyên Vương trễ buổi triều mai,
    Bà Khương chịu tội khéo lời khuyên can.

    (Nữ phạm diễn nghĩa từ - Tuy Lý Vương)

  18. Võ Tắc Thiên
    (625 - 705) Thường gọi là Võ Mị Nương, tên thật là Võ Chiếu, nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc (trị vì 690 - 705). Bà từ địa vị tài nhân (thê thiếp tầm thường) thăng dần lên đến hoàng hậu, vợ vua Đường Cao Tông. Năm 690, bà lên ngôi hoàng đế, đổi tên nước là Chu, tiến hành nhiều chính sách chính trị đổi mới, được nhiều hiền nhân đương thời giúp sức như Lâu Sử Đức, Địch Nhân Kiệt, Tống Cảnh... Võ Tắc Thiên cũng nổi tiếng chuyên quyền độc đoán và tàn bạo, lại vượt ra ngoài đạo lí thông thường của Nho giáo nên phải chịu nhiều điều tiếng. Về sau bà bị truất ngôi, giam lỏng trong cung rồi chết già.

    Võ Tắc Thiên

    Võ Tắc Thiên

  19. Đường
    Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...

    Lý Bạch

    Lý Bạch

  20. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  21. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  22. Võ công
    Cha của nhân vật Võ Thể Loan trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Võ công hứa gả con gái là Thể Loan cho Lục Vân Tiên, nhưng sau thấy Vân Tiên gặp nạn, mù lòa nên khinh rẻ; Thể Loan lại lừa bỏ rơi chàng trong hang núi. Sau bạn của Vân Tiên là Vương Tử Trực đỗ đạt, qua nhà Võ công hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ công ngỏ ý gả con gái cho Tử Trực thì bị chàng cự tuyệt và mắng vào mặt, Võ công hổ thẹn ốm rồi chết.

    Võ công hổ thẹn trong mình,
    Năm ngày nhuốm bệnh, thình lình thác oan.

  23. Tài
    Tiền bạc, của cái (từ Hán Việt).
  24. Nhất Xe sát vạn
    Một con Xe có thể giết được vạn binh mã. Chỉ sức mạnh của quân Xe trong cờ tướng.
  25. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  26. Của ăn hay hết người còn thấy nhau
    Của cải là thứ tạm thời, con người ăn ở, cư xử với nhau mới là thứ bền lâu. Có câu tương tự: Của vắn mặt dài hay Người đời của tạm.
  27. Nam đáo nữ phòng
    (Chữ Hán) Con trai đến phòng của con gái. Nguyên văn:

    Nam đáo nữ phòng nam tất đãng
    Nữ đáo nam phòng nữ tất dâm

    (Con trai đến phòng của con gái thì là người phóng đãng, không đứng đắn
    Con gái đến phòng của con trai thì là người dâm dật).

    Đây là một trong những lễ giáo khắc nghiệt thời phong kiến.

  28. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  29. Đát được thì đươn
    Đươn (đan) và đát là hai công đoạn bắt buộc người làm nghề đan phải biết. Nghĩa rộng của câu này nhằm nói: Cần phải nắm chắc các công đoạn cần thiết của một việc gì rồi mới bắt tay vào làm, nếu không thì việc sẽ thành dang dở.

    Tấm mê

    Tấm mê

  30. Gầy
    Gây ra (nghĩa tích cực), tạo dựng, vun vén để đạt được một thành quả nào đó.
  31. Bất nhân
    Không có tính người, tàn ác (từ Hán Việt).
  32. Ý của câu tục ngữ này là chỉ có những của cải làm ra một cách lương thiện mới có thể giữ được lâu bền.
  33. Phù vân
    Đám mây nổi rồi tan ngay, chỉ sự có rồi lại mất đi, không lâu bền.
  34. Cung đàn
    Người làm nghề đàn trong những buổi hát chầu văn.
  35. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  36. Đức ông ở đây là vị thánh sẽ "giá ngự" vào xác bà đồng.
  37. An Mỹ
    Xưa có tên là làng Tò, nay là một xã thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, bao gồm sáu làng nhỏ: Tô Trang, Tô Đàm, Tô Xuyên, Tô Đê, Tô Hồ, và Tô Hải. Tại đây có đặc sản gà Tò, ngày trước dùng để tiến vua.

    Gà Tò

    Gà Tò

  38. Tả Thanh Oai
    Tên Nôm là kẻ Tó, một làng xưa thuộc tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng thời Lê, nay là một xã thuộc Thanh Trì, Hà Nội. Làng được mệnh danh là "làng khoa bảng," vì xưa kia có nhiều người đỗ đạt.

    Một góc làng Tả Thanh Oai ngày nay

    Một góc làng Tả Thanh Oai ngày nay

  39. Vạn Đồn
    Cũng có tên là làng Vó, một làng nay thuộc xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đây là một làng cổ, xưa kia nổi tiếng với nghề đan và bán . Đọc thêm về làng Vạn Đồn.
  40. Cổ Am
    Tên cũ là Úm Mạt, một làng nằm ở tận cùng phía đông nam huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Làng này nổi tiếng là nơi sinh ra nhiều nhân tài và học giả lớn của nước ta như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà nho Trần Lương Bật, Trần Công Hân...
  41. Làng Cổ Am ngày xưa lắm người đỗ đạt nên người ta ví ở đó có nhiều bà mẹ đẻ ra người tài.
  42. Hành Thiện
    Tên một làng cổ, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là một trong những ngôi làng cổ nổi tiếng có truyền thống văn hóa, có nhiều người đỗ đạt. Tại đây có di tích chùa Keo Hành Thiện (chùa Keo Hạ, để phân biệt với chùa Keo Thượng), một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.
  43. Phản
    Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.

    Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.

    Phản gỗ

    Phản gỗ

  44. Đanh
    Đinh (phương ngữ).
  45. Chắn đăng
    Giăng đăng ở những vịnh, vũng để đón cá theo con nước xuống.
  46. Vạn Hoa
    Vùng biển thuộc đảo Cái Bầu (Kế Bào), nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây cũng có bến cảng và núi cùng tên là Vạn Hoa.

    Cảng Vạn Hoa (Port-Wallut) thập niên 1920

    Cảng Vạn Hoa (Port-Wallut) thập niên 1920

  47. Cái Rồng
    Địa danh nay là thị trấn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đồng thời cũng là tên cảng biển ở đây.

    Cảng Cái Rồng

    Cảng Cái Rồng

  48. Xà Kẹp
    Địa danh nay thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  49. Bãi Dài
    Một bãi biển nằm trong khu vực vịnh Bái Tử Long, thuộc địa phận huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay đây là một địa điểm du lịch rất nổi tiếng.

    Bãi Dài Vân Đồn

    Bãi Dài Vân Đồn

  50. Cái Bàn
    Tên một hòn đảo nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  51. Hòn Hai
    Tên chung của hai hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

    Hòn Hai

    Hòn Hai

  52. Cây Khế
    Một hòn đảo nay thuộc địa phận thôn Đông Tiến, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  53. Cái Đài
    Một vùng biển thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  54. Vụng Đài Chuối
    Một vụng biển nay thuộc địa phận xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  55. Cửa Mô
    Tên một vùng biển nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  56. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  57. Lò Vôi
    Địa danh nay thuộc thôn Đông Thắng, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  58. Cơi
    Một loại cây có lá nhỏ dài, dùng để nhuộm vải thành màu vàng lục sẫm hoặc để đánh bả cá. Theo Văn học dân gian (NXB Văn Học, 1977): Loại cây này ở xã Hùng Nhĩ, dọc bờ suối và bờ sông Bứa thấy mọc rất nhiều.

    Lá cơi

    Lá cơi

  59. Nước nghĩa
    Tục lệ kết nghĩa giữa hai làng với nhau. Đây là phong tục từ xưa của hai dân tộc Việt-Mường tại làng Hùng Nhĩ, tỉnh Phú Thọ.
  60. Phong vân
    Phong: gió, vân: mây. Gặp hội phong vân, tức Tế hội phong vân 際會風雲, chỉ sự kẻ hiền tài gặp thời được dùng, công danh hiển đạt. Kinh Dịch: "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thuỷ lưu thấp, hoả tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ" (Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô, mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật trông vào).
  61. Theo Văn học dân gian (NXB Văn Học, 1977): Có người giải thích, tiếu (tiểu) là thiếu, đài (đại) là đủ, do nhân dân địa phương quen miệng nói chệch ra. Cũng có người giải thích: xưa kia khi cúng tế thường có lễ xin âm dương để bói xem lành dữ, xấu tốt, khi xem âm dương người ta thường lấy hai đồng tiền gieo lên trên một cái đĩa, nếu sấp một, ngửa một thì gọi là đài (tốt), cả hai đều ngửa là tiếu (còn gọi là cười, tức là thần cười, thần chưa bằng lòng). Nhưng nói chung tiếu và đài ở đây có ý chỉ mối tình duyên hai người chưa hợp.