Tìm kiếm "Chú khách"

Chú thích

  1. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  2. Hàng dệt bằng tơ nõn, thưa và mỏng, thường được nhuộm đen.
  3. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  4. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  5. Hiếu
    Lòng biết ơn, phụng dưỡng cha mẹ (từ Hán Việt).
  6. Đạo
    Lẽ sống mà con người nên giữ gìn và tuân theo (theo quan niệm cũ).
  7. Chân tu
    Người tu hành chân chính.
  8. Mặt mo
    Mặt dày như cái mo, thường có nghĩa chê bai.
  9. Chân chữ bát
    Chân đi khuỳnh ra hai bên như chữ bát 八, dân gian còn gọi là đi "chàng hảng."
  10. Màng
    Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
  11. Có bản chép: nói dối.
  12. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  13. Long
    Lỏng ra, rời ra.
  14. Thảo ngay
    Ngay thẳng thảo thuận, có hiếu với cha mẹ.
  15. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  16. Tiểu
    Người mới tập sự tu hành trong đạo Phật, thường tuổi còn nhỏ.
  17. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  18. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  19. Sáo
    Còn gọi là mành sáo, là tấm đan bằng tre, có nan to, thường treo trước nhà hoặc gần cửa sổ để che nắng. Sáo cũng có thể được treo trước bàn thờ.

    Mành sáo

    Mành sáo

  20. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  22. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  23. Căn phần
    Căn duyên, số kiếp (từ Hán Việt).
  24. Bất tuân giáo hóa
    Không nghe lời dạy bảo.
  25. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  26. Hôn định thần tỉnh
    Cũng nói là định tỉnh thần hôn hoặc nói tắt là thần hôn, nghĩa là buổi tối (hôn) chăm sóc cho cha mẹ ngủ yên (định), buổi sáng (thần) đến hỏi thăm sức khỏe cha mẹ (tỉnh). Chỉ đạo làm con.
  27. Thích Ca
    Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.

    Phật Thích Ca

    Phật Thích Ca

  28. Quan Âm bồ tát
    Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  29. Xá tội vong nhân
    Xá tội: tha tội, vong nhân: người chết. Thời xưa quan niệm khi người ta chết, ai có tội sẽ bị giam dưới âm phủ, đến rằm tháng bảy (âm lịch) thì được Diêm Vương tha cho về dương thế một ngày. Do vậy cứ đến ngày này mỗi năm, người trần lại cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng, quần áo... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu.
  30. Nẳm
    Năm ấy (phương ngữ Nam Bộ).
  31. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  32. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)