Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Tứ hải
    Bốn biển (người xưa cho rằng bốn mặt xung quanh đất liền là biển cả), dùng để nói chung cả thiên hạ.
  2. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  3. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  4. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  5. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  6. Tiến sĩ
    Học vị được trao cho những người đỗ tất cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình, được ghi danh trong khoa bảng (trừ thời nhà Nguyễn, có thêm học vị Phó bảng không phải là tiến sĩ, nhưng cũng được chấm đỗ ba kỳ thi trên). Thời nhà Trần, những người đỗ Tiến sĩ được gọi là Thái học sinh.
  7. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  8. Khai hạ
    Mùng bảy tháng giêng, ngày cuối cùng của chuỗi lệ hội tết Nguyên đán. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới.
  9. Cươi
    Sân (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  11. Khái
    Con hổ.
  12. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  13. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Thuyền mành
    Thuyền có buồm trông giống cái mành.

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của JB Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của J.B. Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

  15. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  16. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  17. Thu không
    (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.

    Kiều từ trở gót trướng hoa,
    Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

    (Truyện Kiều)

  18. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  19. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  20. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  21. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  22. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  23. Trường kỉ
    Một kiểu bàn ghế truyền thống có mặt ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Một bộ trường kỉ về cơ bản gồm có 2 ghế dài (ghế trường kỉ) và 1 bàn, đóng bằng gỗ gụ, trắc, cẩm, hương, chạm khắc tinh xảo, hoặc đơn giản làm bằng tre. Trường kỉ có nhiều công dụng: tiếp khách quý, làm bàn viết, bày và ăn cỗ, hóng mát, uống trà, hoặc để ngủ.

    Một bộ trường kỉ

    Một bộ trường kỉ

  24. Bàn xoay
    Miền Trung và miền Nam cũng gọi là bàn xây, loại bàn tròn có mặt bàn xoay được.
  25. Y tâm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Y tâm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  26. Chước lượng
    Nghĩa gốc chỉ cân lường rượu gạo, sau phiếm chỉ đắn đo, cân nhắc. Theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng: Cân nhắc, xê xích sao cho thoả đáng.
  27. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  28. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  29. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Mình hạc xương mai
    Thân mình mảnh mai như hạc, xương nhỏ như cành mai. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là "Nhỏ xương ốm yếu, thanh cảnh, cốt cách lịch sự."
  31. Tam huyền
    Một loại đàn ba dây của Trung Quốc (tam huyền nghĩa là ba dây), có cần đàn dài, không ngăn phím. Thân đàn có hình chữ nhật được làm hơi tròn, phần trên bọc da rắn. Theo truyền thống, đàn tam huyền được chơi bằng một miếng gảy cứng và mỏng, làm bằng sừng thú, nhưng ngày ngay phần lớn người chơi đều sử dụng miếng gảy bằng chất dẻo hoặc gảy bằng móng tay.

    Đàn tam huyền

    Đàn tam huyền

  32. Đài bi
    Hay đại bi, còn có tên khác là từ bi xanh, đại ngải, bơ nạt, phặc phả (Tày), co nát (Thái), là loại cây nhỏ, toàn thân và quả có lông mềm và tinh dầu thơm. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Cây đại bi có vị cay và đắng, mùi thơm nóng, tính ấm, được dùng làm vị thuốc chữa một số bệnh ngoài da.

    Hoa đài bi

    Hoa đài bi

  33. Hàn vi
    Nghèo hèn (từ Hán Việt)