Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thanh Nghĩa
    Tên một làng thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đây là một làng cổ ở đồng bằng sông Hồng, hình thành từ thời Lý. Đình làng thờ Thành hoàng Lý Công Bình, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2009. Hằng năm làng tổ chức hội vào ngày 25/10 âm lịch.
  2. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  3. Vận
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Vận, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  4. Đùa
    Lùa mạnh qua (gió đùa, nước đùa, lấy tay đùa...)
  5. Gắn bó không chặt chẽ, thường dùng trong những trường hợp quan hệ tình nghĩa không như ý.
  6. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  7. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  8. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  9. Ba đào
    Sóng gió, chỉ sự nguy hiểm, bất trắc (từ Hán Việt).
  10. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Toóc
    Rạ (phương ngữ miền Trung).
  12. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  13. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  14. Thiếp
    Từ Hán Việt chỉ người vợ lẽ, hoặc cách người phụ nữ ngày xưa dùng để tự xưng một cách nhún nhường.
  15. Đình Khao
    Tên một ngôi đình nằm ven sông Cổ Chiên, nay thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi đình này vừa là nơi thờ Thành hoàng, vừa là nơi binh lính hoàn thành quân ngũ tập hợp về để được khao thưởng (nên mới có tên là Đình Khao). Theo một số tài liệu, đình Khao được xây cất từ thời Gia Long thứ 16 (Đinh Sửu - 1817). Năm 1867, sau khi đánh chiếm ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thực dân Pháp cho triệt hạ hết các thành trì, dinh thự, lăng tẩm... của nhà Nguyễn, đình Khao và vật thờ trong đình đều bị hủy hoại. Khoảng bảy năm sau, dân làng lập chùa Bửu Lâm Tự trên nền đất cũ của đình. Đến năm 1945, giặc Pháp mở đợt ruồng bố ven sông Cổ Chiên, đốt chùa Bửu Lâm. Năm 1961, chùa được dựng lại bằng cây, mái ngói, rồi dần dần được xây dựng khang trang như hiện nay.

    Tại khu vực này cũng có các địa danh liên quan như phà Đình Khao, trung tâm hành hương Đình Khao...

    Cầu xuống phà Đình Khao

    Cầu xuống phà Đình Khao

  16. Khăn xéo
    Một loại khăn bịt đầu ngày xưa, vừa để che mưa nắng vừa có thể làm tay nải để đựng đồ đạc khi cần. Cũng gọi là khăn chéo.
  17. Điều
    Một loại cây nhỏ cho quả có nhiều lông, màu đỏ, trong có nhiều hạt nhỏ. Từ hạt điều chiết xuất được một chất màu vàng đỏ (gọi là màu điều), được dùng để nhuộm vải. Vải được nhuộm điều thường gọi là vải điều.

    Quả và hạt điều

    Quả và hạt điều

  18. Tiết khí
    Gọi tắt là tiết, một khái niệm về thiên văn bắt nguồn từ Trung Quốc. Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°, khoảng cách kề nhau giữa hai tiết khí là 14-16 ngày. Tiết khí có mối liên quan gần gũi với các yếu tố khí hậu, thời tiết ở các nước nông nghiệp. Hiểu theo nghĩa rộng, tiết còn chỉ một khoảng thời gian, thời cuộc.

    Tiết khí

    Tiết khí

  19. Vạn Hà
    Cũng gọi là Vãn Hà, gọi tắt là Vạn, một ngôi làng thuộc huyện Thụy Nguyên, thừa tuyên Thanh Hóa thời Hậu Lê; sau Cách mạng tháng Tám (1945) là làng Dương Hòa, xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa và nay thuộc tiểu khu 8, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là quê hương của Nguyễn Quán Nho, một vị quan thời Lê trung hưng.
  20. Vạc
    Một làng nay thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  21. Câu ca dao này là lời nhân dân khóc thương tể tướng Nguyễn Quán Nho.
  22. Vồng
    Phần đất được dùng cuốc vun lên cao hơn mặt đất để trồng rau, củ, tương tự nhưng cao hơn líp.
  23. Khánh Vân
    Tên một làng cũ nổi tiếng với nghề thợ hồ, sau sát nhập với làng Thanh Đơn thành làng Thanh Vân, thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
  24. Cầy
    Tên chung của một số loài thú giống mèo, thân hình mềm mại, mõm dài và nhọn, chủ yếu sống ở trên cây, ăn thịt. Cầy có khả năng tiết ra mùi riêng rất mạnh, tùy theo loài mà mùi có thể hôi hoặc thơm. Ở nước ta có các giống cầy như cầy hương, cầy mực, cầy giông... Lưu ý: nhiều người vẫn gọi chó là cầy và thịt chó là thịt cầy, đây là một sự nhầm lẫn.

    Con cầy

    Con cầy

  25. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  26. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao