Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  2. Khái
    Con hổ.
  3. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  4. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Bán củi để con chết rét
    Bi kịch của người lao động, làm ra sản phẩm mà mình không được hưởng.
  6. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  7. Thung
    Vùng đất rộng.
  8. Thổ
    Đất đai (từ Hán Việt).
  9. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  10. Đế đô: Đế kinh, kinh đô. Ở đây là Huế, kinh đô nhà Nguyễn.
  11. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  12. Chừng mô
    Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Hát ví
    Lối hát giao duyên nam nữ phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, xưa kia thường dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.
  14. Lịch
    Lịch lãm, thanh lịch. Cũng hiểu là xinh đẹp.
  15. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  16. Câu này có lẽ xuyên tạc từ thơ Bùi Giáng:

    Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ
    Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau

  17. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  18. Chó chạy ruộng khoai
    Lông bông, không mục đích.
  19. Tài
    Tiền bạc, của cái (từ Hán Việt).
  20. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  21. Đơn sai
    Thiếu trung thực (từ cũ).

    Cửa hàng buôn bán châu Thai
    Thực thà có một, đơn sai chẳng hề

    (Truyện Kiều)

  22. Quới Thiện
    Xã thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Địa bàn xã nằm trên cù lao Dài (cù lao Năm Thôn) trên sông Cổ Chiên, một nhánh của sông Tiền.
  23. Thoại Ngọc Hầu
    (1761-1829) Tên thật là Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy, một danh tướng nhà Nguyễn. Ông là người có công rất lớn trong việc khai khẩn vùng Châu Đốc-An Giang hiện nay, với các công trình đào kênh Vĩnh Tế, làm đường Núi Sam-Châu Đốc, lập nhiều làng xã... Sau khi mất, ông được an táng trong lăng dưới chân núi Sam, người dân cũng gọi là lăng Ông Lớn.

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

  24. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  25. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  26. Bãi Nồm
    Một bãi biển nay thuộc địa phận thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Hiện nay đây là một điểm đến du lịch nổi tiếng của địa phương.

    Bãi Nồm

  27. Vũng Rô
    Tên cũ là Ô Rô, một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Hiện nay Vũng Rô là một cảng biển lớn, đồng thời là một điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Vũng Rô

    Vũng Rô