Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cá dở
    Một loại cá có nhiều ở vùng biển Quảng Bình. Tên là cá dở, nhưng thật ra thịt cá rất ngon.
  2. Cá ngứa
    Tên gọi ở Quảng Bình của cá nhụ, một trong bốn loài cá được coi là có thịt ngon nhất (chim, thu, nhụ, đé).

    Cá nhụ

    Cá nhụ

  3. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  4. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  5. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  6. Đô đốc
    Tên một chức quan chuyên trách về quân sự trong thời phong kiến. Tùy theo từng thời kì mà chức đô đốc có những quyền hạn khác nhau, nhưng đều là cấp cao (ví dụ đứng đầu bên võ).
  7. Quận công
    Một tước hiệu thời phong kiến trong lịch sử nước ta, phổ biến nhất vào thời vua Lê - chúa Trịnh. Khi ấy quận công được xếp chỉ sau vua, chúa và vương.
  8. Đông Hồ
    Tên một cái đầm thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, ăn thông với cửa biển Trần Hầu, có diện tích tự nhiên khoảng 1.384ha. Đầm có nguồn thủy hải sản đa dạng, đồng thời có giá trị lớn về sinh thái.

    Đầm Đông Hồ nhìn từ núi Tô Châu

    Đầm Đông Hồ nhìn từ núi Tô Châu

  9. Thờn bơn
    Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.

    Cá thờn bơn

    Cá thờn bơn

  10. Tân khổ
    Cay đắng, khổ sở (từ Hán Việt, thường dùng trong văn chương cổ).
  11. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  12. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  13. Nghệ Tĩnh
    Tên một vùng đất nay là hai tỉnh Nghệ AnHà Tĩnh.
  14. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  15. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  16. Chữ chi
    Đường dích dắc, đường hình chữ Z, giống như hình chữ chi 之 trong tiếng Hán.
  17. Chữ chi ở đây mang hai nghĩa: vừa miêu tả đường đèo Hải Vân gấp khúc, vừa ẩn ý cười anh học trò không đọc được chữ gì (chi) cả.
  18. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  19. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  20. Ba trăng
    Người xưa gọi mỗi tháng là một con trăng. Ba trăng tức là ba tháng.
  21. Gió Lào
    Loại gió khô và nóng xuất hiện ở nước ta từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín. Vì hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào, vượt Trường Sơn vào nước ta nên gió có tên là gió Lào, còn có các tên là gió nam hoặc gió phơn Tây Nam (foehn có nguồn gốc từ tiếng Đức föhn chỉ loại gió ấm ở vùng núi Alps). Gió thổi đập vào người nóng như cào da thịt nên cũng gọi là gió nam cào.
  22. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  23. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  24. Nam Phổ
    Còn gọi là Nam Phố, tên một làng nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh canh Nam Phổ. Trước đây ở vùng đất này cũng có nghề trồng cau truyền thống - cau Nam Phổ là một trong những sản vật tiêu biểu của Phú Xuân-Thuận Hóa ngày xưa.

    Bánh canh Nam Phổ

    Bánh canh Nam Phổ

  25. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  26. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  27. Bả
    Bà ấy (phương ngữ một số vùng Trung và Nam Bộ).
  28. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  29. Khi hát bài này, trẻ em thay "A" và "B" thành tên của hai người mình muốn chọc ghẹo, ghép đôi.
  30. Có nơi hát: Hai bên đồng tình.
  31. Sa đì
    Tên gọi dân gian của bệnh trĩ.
  32. Có bản chép: múc.
  33. Có bản chép: người.
  34. Ông gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
  35. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  36. Cố
    Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).
  37. Hữu ý
    Có ý, có tình (từ Hán Việt).
  38. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng