Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lo phay pháy
    Cũng như lo ngay ngáy (phương ngữ).
  2. Chum
    Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.

    Chum

    Chum

  3. Huyền đề
    Móng thừa ở chân chó, cũng gọi là móng treo hoặc móng đeo. Chó có móng này gọi là chó huyền đề.

    Chó huyền đề

    Chân một con chó huyền đề

  4. Chói
    Đau như bị đâm.
  5. Có bản chép: xương hông.
  6. Dư đồ
    Bản đồ địa lí (từ Hán Việt).
  7. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  8. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  9. Hồ Hoàn Kiếm
    Còn gọi là hồ Gươm, hồ Hoàn Gươm, Lục Thủy, Thủy Quân, Tả Vọng, Hữu Vọng, một hồ nước ngọt tự nhiên thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tên gọi Hoàn Kiếm (trả gươm) xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần.

    Hồ Gươm xưa

    Hồ Gươm xưa

  10. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  12. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  13. Lò Nồi
    Tên một xóm xưa thuộc tổng Dưỡng Động, nay là xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
  14. Lể
    Miền Bắc gọi là nhể, động tác khều một vật gì ra bằng một vật nhọn (lể gai, lể ốc...).

    Lể ốc

    Lể ốc

  15. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  16. Mỏ nhát
    Một loài chim nhỏ, lông rằn, vàng nâu, mỏ dài nhọn, bay rất nhanh và xa; thường kiếm mồi trong các ruộng ít nước ban ngày và kêu ban đêm. Người dân quê thường bắt chim mỏ nhát làm món nướng.

    Chim mỏ nhát

    Chim mỏ nhát

  17. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  18. Nước lớn
    Nước dâng cao khi thủy triều lên, hoặc khi sắp có lụt lội. Ngược lại với nước lớn là nước ròng.
  19. Chài
    Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  20. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  21. Chiếu miến
    Loại chiếu nhỏ sợi, nằm êm.
  22. Võng đào
    Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
  23. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  24. Cói
    Còn gọi là cỏ lác, thường mọc hoang và được trồng ở vùng ven biển, nhiều nhất ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam. Cói cũng có thể mọc và trồng ở ven sông lớn. Tại miền Nam, cói mọc nhiều ở Đồng Tháp Mười. Cây này được trồng để làm chiếu. Ở một số vùng, nhân dân đào lấy củ cói (thân rễ) về rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô làm thuốc.

    Cói

    Cói

  25. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  26. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  27. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  28. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  29. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  30. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  31. Quan tiền dài
    Dân ta thời xưa dùng tiền đúc bằng kim loại, có lỗ tròn hoặc lỗ vuông ở giữa, và lấy dây để xâu tiền thành từng chuỗi. Một quan tiền quý (cổ tiền) bằng 10 tiền, nghĩa là bằng 600 đồng; một quan tiền gián (sử tiền) chỉ có 6 tiền, bằng 360 đồng (mỗi tiền là 60 đồng). Vì vậy, quan tiền quý được gọi là quan tiền dài.
  32. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  33. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  34. Hòn Chảo
    Cũng gọi là núi Ông Chao, một quả núi nay thuộc địa phận xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Để phòng những cuộc tấn công bất ngờ của hải tặc, năm 1735 tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tích lên thay cha (Mạc Cửu) đã ra tay trấn cướp và còn cho lập trên đỉnh núi này một đàn trời rộng lớn làm nơi đốt lửa báo nguy cho Phương Thành (Hà Tiên) khi cần ứng cứu. Lưu ý phân biệt với hòn đảo cùng tên thuộc địa phận Đà Nẵng.