Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  2. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  3. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  6. Tỉ
    So sánh, ví dụ, giống như.
  7. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  9. Thành ngữ này chỉ người lề mề chậm chạp trong công việc và lời ăn tiếng nói.
  10. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  11. Trà Ôn
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, là vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái của tỉnh. Huyện có cù lao Mây trên sông Hậu, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch vườn. Ngoài ra Trà Ôn còn có chợ nổi ngay ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, quy tụ nhiều ghe thuyền đông vui tấp nập. Đến Trà Ôn, du khách còn có thể viếng lăng Thống chế Điều Bát, chùa Gò Xoài, đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh...

    Chợ nổi Trà Ôn

    Chợ nổi Trà Ôn

  12. Cù lao Mây
    Sau còn có tên là cù lao Lục Sĩ Thành thuộc xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây có nghề làm bánh tráng truyền thống nổi tiếng.

    Bánh tráng cù lao Mây

    Bánh tráng cù lao Mây

  13. Mặt nạc đóm dày
    Mặt nạc là mặt có phần thịt hai má, trán, cằm nhô ra quá nhiều. Đóm dày là đóm (củi) chẻ dày bản, khó cháy. Cả câu chỉ người ngu độn.
  14. Ruột ngựa, phổi bò
    Thẳng như ruột ngựahổng như phổi bò, chỉ người bộc trực, thẳng thắn, không biết giấu diếm.
  15. Mụ o
    Em gái của chồng (cũng như bà cô).
  16. Nỏ mồm
    Lắm lời và lớn tiếng, thường hay cãi lại người khác.
  17. "Mụ o" trong câu ca dao này chỉ chị em gái nhà chồng.
  18. Bủng beo
    Chỉ thể trạng người ốm yếu, có nước da nhợt nhạt như mọng nước.
  19. Có bản chép: Nào khi anh bủng anh beo.
  20. Cửu Long
    Tên một con sông lớn ở miền Tây Nam Bộ. Gọi là Cửu Long (chín rồng) vì sông đổ ra biển bằng chín cửa: Định An, Ba Thắc, Tranh Đề, Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và Ba Lai.
  21. Hàm Luông
    Một trong các nhánh của sông Tiền, là ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và Minh, dài 70 km, chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre. Trên sông có những cù lao hoặc cồn đất nổi tiếng như: cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Lăng, cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Đất, cồn Hố, cồn Lợi... Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

  22. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  23. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  24. Cẩm Châu
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  25. Điện Dương
    Tên cũ là Cẩm Hải, nay là một xã ở phía Đông Nam của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  26. Cẩm Hà
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  27. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Cẩm Thanh
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ tre, dừa.

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

  29. Nhất, nhị, tam... cửu, thập là các số đếm từ 1 đến 10 (từ Hán Việt).
  30. Ngàn Sâu
    Một chi lưu chính của sông La, dài khoảng 131 km, bắt nguồn từ vùng núi Ông Giao Thừa (cao 1.100 m) và núi Cũ Lân (cao 1.014 m) thuộc dãy núi Trường Sơn nằm trên địa bàn giáp ranh của hai tỉnh Hà TĩnhQuảng Bình. Sông chảy về hướng Bắc qua huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) rồi hợp lưu với sông Ngàn Phố tại ngã ba Tam Soa (hay bến Tam Soa), huyện Đức Thọ tạo thành sông La.
  31. Ngàn Phố
    Một phụ lưu của sông La, chảy chủ yếu trong địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

    Đẹp lắm anh ơi! Con sông Ngàn Phố
    Sáng cả đôi bờ hoa bưởi trắng phau
    Nay mai những chuyến đò xuôi ngược
    Bưởi quê mình rời bến nối đuôi nhau...

    (Mùa hoa bưởi - Tô Hùng)

    Sông Ngàn Phố

    Sông Ngàn Phố

  32. Nứa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  33. Bụng báng
    Bụng to do nước ứ trong ổ bụng hoặc sưng lá lách.
  34. Gấy
    Gái (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Cũng hiểu là vợ.