Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cầu Tấn
    Tên một chiếc cầu cổ gần cửa biển Thị Nại (nay là đầm Thị Nại), tỉnh Bình Định. Cầu này có từ đời Chiêm Thành, xây bằng đá, nên sử chép là Thạch Kiều, thời Pháp được sửa lại, đúc bằng xi măng cốt sắt. Cầu có tên là cầu Tấn vì Thị Nại xưa kia là một thương cảng tấp nập, có quan Tấn thủ coi giữ.
  2. Có bản chép: Bãi.
  3. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  4. Phương Mai
    Tên một hòn núi nhỏ nằm ở phía Đông của đầm Thị Nại (trước là cửa biển Thị Nại) thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên bán đảo và vịnh ở đây.

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

  5. Ghềnh Ráng
    Tên một thắng cảnh rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 2km. Đây là một bãi đá tự nhiên rất đẹp, trước đây từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Ghềnh đá có bãi tắm Tiên Sa, bãi Hoàng Hậu (tương truyền có tên như vậy vì là bãi tắm ưa thích của hoàng hậu Nam Phương triều Nguyễn), đá Hòn Chồng, bãi Đá Trứng, cùng với ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Quách Tấn giải thích về tên gọi Gành Ráng: (...) gọi là Gành Ráng không phải là Ráng trời. Người đi biển có bốn tiếng để lái thuyền: Cay: cho thuyền từ phải qua trái; Biết: cho thuyền từ trái qua phải; Nhượng: xoay mũi thuyền theo đầu gió; Ráng: đổ gió trong buồm ra, xoay mũi theo cuối chiều gió. Thuyền hễ qua Gành này thì phải đổ gió nên gọi là Gành Ráng.

    Một góc Ghềnh Ráng

    Một góc Ghềnh Ráng

  6. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  7. Sơn kì thủy tú
    Chữ Hán, nghĩa là "núi lạ, sông đẹp." Chỉ cảnh vật tươi đẹp. Còn nói là "thủy tú, sơn kì."

    Xa xa vừa mấy dặm đường
    Gặp Vương Tử Trực vầy đoàn đều đi.
    Trải qua thủy tú sơn kì
    Phỉ lòng cá nhảy gặp thì rồng bay

    (Lục Vân Tiên)

  8. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  9. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  10. Dằm
    Dấu vết chỗ ngồi, nằm, hay để đặt vật gì.
  11. Lung Tràm
    Địa danh nay là một ấp thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây chính là quê hương ông Nguyễn Long Phi, nguyên mẫu của nhân vật Bác Ba Phi rất nổi tiếng trong các chuyện kể dân gian Nam Bộ.

    Mộ bác Ba Phi cùng hai người vợ ở Lung Tràm

    Mộ bác Ba Phi cùng hai người vợ ở Lung Tràm

  12. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  13. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  15. Liếp
    Luống (liếp rau, liếp cà...)
  16. Vồng
    Phần đất được dùng cuốc vun lên cao hơn mặt đất để trồng rau, củ, tương tự nhưng cao hơn líp.
  17. Thanh Khiết
    Tên một làng nay thuộc xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
  18. Sung Tích
    Tên một làng nay thuộc xã Sơn Hội, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  19. Câu ca dao này có sự chơi chữ. Dân Thanh Khiết ngày xưa thường làm nghề trồng các loại rau cải và làm giá (mầm đậu). Dân Sung Tích xưa làm nghề trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa. "Cải giá" vừa có nghĩa là cây cải, rau giá, vừa có nghĩa là "lấy chồng lần nữa." "Kén dâu" vừa có nghĩa là kén tằm, cây dâu tằm, vừa có nghĩa là kén chọn cô dâu.
  20. Tam Tầng
    Cũng gọi là Tam Từng, một ngọn núi nay thuộc xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: "Núi Tam Tầng ở xã Nam Ngạn (nay là xã Quang Châu) cách huyện lị Việt Yên 9 dặm về phía đông, ba tầng núi chồng chất lên, trên có chùa cổ, bên cạnh là đường cái quan…" Tại đây đã xảy ra nhiều trận chiến giữa quân ta và giặc ngoại xâm phương Bắc vào các thời nhà Lý, Trần, Lê.
  21. Cỏ may
    Một loại cỏ thân cao, có nhiều hoa nhỏ thành chùm màu tím sậm, hay gãy và mắc vào quần áo (có lẽ vì vậy mà thành tên cỏ may). Cỏ may xuất hiện rất nhiều trong văn thơ nhạc họa.

    Hồn anh như hoa cỏ may
    Một chiều cả gió bám đầy áo em

    (Hoa cỏ may - Nguyễn Bính)

    Cỏ may

    Cỏ may

  22. Sơn Tây
    Một địa danh ở Bắc Bộ, nay là thị xã trực thuộc thủ đô Hà Nội. Vào thế kỉ 15, đây là trấn sở Sơn Tây, đổi thành tỉnh Sơn Tây vào năm Minh Mệnh thứ hai (1832). Sơn Tây nổi tiếng có làng Đường Lâm, quê hương của hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, nên gọi là đất hai vua.

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

  23. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  24. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  25. Thu không
    (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.

    Kiều từ trở gót trướng hoa,
    Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

    (Truyện Kiều)

  26. Nâu sồng
    Màu được nhuộm từ củ nâu và lá của cây sồng; dùng để chỉ quần áo của nhà chùa hay của người dân quê miền Bắc thường mặc.

    Áo nâu sồng

    Áo nâu sồng

  27. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  28. Ken
    Chen, xen lẫn.
  29. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Tam Bảo
    Tên một phiên chợ ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Chợ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng thuộc các quận Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà. Đây có lẽ là phiên chợ xuất hiện lâu đời nhất tại Quảng Ngãi và còn tồn tại mãi cho đến sau này. Không rõ đích xác chợ xuất hiện lần đầu tiên vào năm nào, và nơi họp đầu tiên là ở đâu, nhưng đến đời vua Tự Đức thì chợ chính thức tọa lạc tại Kim Thành Hạ (Nghĩa Hành). Chợ họp ngày mồng hai và mồng bảy âm lịch mỗi tháng, với nhiều mặt hàng, trong đó nổi tiếng có chè bó, chè búp.
  31. Trân
    Quý trọng, coi trọng (chữ Hán).
  32. Bĩ bàng
    Đầy đủ, tươm tất.