Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lụa lành mười lăm
    Lụa mịn tốt, khổ rộng, dệt bằng nguyên liệu bền.
  2. Lụa hồ
    Lụa thô xấu, mỏng và hẹp bề khổ.
  3. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  4. Ba khía
    Một loại cua nhỏ đặc trưng những vùng nước mặn hoặc nước lợ Nam Bộ, càng to, càng và ngoe có màu đỏ tím, mai màu nâu bùn có ba vạch khía rất rõ. Ba khía sống trải dài từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, và nhiều nhất ở U Minh. Trước đây, vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm là mùa kết cặp giao phối của ba khía, lúc đó người dân miền Tây Nam Bộ thường rủ nhau đốt đuốc đi bắt ba khía ban đêm. Ngày nay, do môi trường sống thay đổi, số lượng ba khía không còn dồi dào như trước nữa. Ba khía có thể chế biến thành các món rang me, rang mỡ hành, luộc, nấu chao... Mắm ba khía chế biến từ ba khía ngâm với muối hột là món ăn bình dân khoái khẩu của nhiều người. Nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam từng gọi ba khía là "con cua của người nghèo" và đã viết một truyện ngắn mang tên Ngày hội ba khía.

    Con ba khía

    Con ba khía

  5. Chỉ việc vào tháng 10 âm lịch hàng năm, ba khía thường tụ họp rất đông để kết cặp giao phối.
  6. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  7. Rạch Gốc
    Địa danh nay là thị trấn của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tại đây có nhiều món đặc sản của vùng sông nước Tây Nam Bộ như ba khía, cá khô, và đặc biệt là thương hiệu tôm khô Rạch Gốc.

    Sấy tôm khô ở Rạch Gốc

    Sấy tôm khô ở Rạch Gốc

  8. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  9. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  10. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  11. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  12. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  13. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Cầm
    Giữ lại. Từ này có lẽ có gốc từ chữ Hán kiềm (cái khóa).
  15. Sông Bàn Thạch
    Phần thuợng lưu của sông Đà Nông, một con sông chảy qua tỉnh Phú Yên. Sông dài 60 cây số, phát nguyên tại Hòn Dù, một nhánh của Trường Sơn cao 1104m, chảy qua các xã thuộc tổng Hòa Đa và Hòa Đồng rồi ra cửa Đà Nông. Mùa lụt sông chảy xiết vì nước lũ từ các con suối tràn về. Mùa nắng, nước Bàn Thạch chảy lờ đờ, lòng sông cạn nên chỉ lợi cho nông nghiệp.

    Tương truyền sông Bàn Thạch là thánh địa của loài cá sấu. Dưới đời Minh Mạng, quan sở tại Phú Yên tâu rằng cá sấu ở đây hại người hơn cả cọp, xin thưởng cho ai giết cá sấu như giết cọp. Dân hai bên bờ nộp nhiều bộ da cá sấu để lãnh thưởng.

    Cửa sông Bàn Thạch

    Cửa sông Bàn Thạch

  16. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  17. Có bản chép: núi.
  18. Có bản chép: Những người con mắt lá khoai.
  19. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng
    Một câu trong sách Minh Tâm Bửu Giám, có nghĩa là: Làm điều thiện hay điều ác thì sớm muộn cũng đều có báo ứng, cao bay xa chạy cũng khó trốn thoát.
  20. Không dạ oán thiên
    Không (có lòng) căm hận ông trời.
  21. Cơm phiếu mẫu
    Một điển tích trong văn học Trung Quốc. Sở Vương Hàn Tín thuở hàn vi hay ngồi câu cá dưới thành, một bà làm nghề phiếu hàng lụa (giặt lụa đem phơi cho trắng) thương tình chia cho phần cơm. Được mươi bữa như thế, Tín cảm động hứa sau này sẽ cảm tạ, bà mới giận mắng: "Đại trượng phu không kiếm đủ miếng ăn, tôi thương tình mới cấp dưỡng chứ nào mong đền đáp?" Về sau Hàn Tín công thành danh toại, không quên ơn cũ, mời phiếu mẫu đến tặng nghìn vàng. Từ đó, cụm từ cơm phiếu mẫu được dùng để chỉ lòng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn (có nguồn giảng là sự đền đáp ơn sâu nặng).

    Nghìn vàng gọi chút lễ thường
    Mà lòng phiếu mẫu, mấy vàng cho cân!

    (Truyện Kiều)

  22. Đồng Tháp Mười
    Một vùng đất ngập nước thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Vùng này có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim.

    Vườn quốc gia Tràm Chim

    Vườn quốc gia Tràm Chim

  23. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  24. Dầu
    Để đầu trần (phương ngữ).
  25. Bòn tro đãi sạn
    Tham lam, keo kiệt.
  26. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  27. Có bản chép: cho.
  28. Bắt bộ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bắt bộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  29. Thập điện Diêm vương
    Mười vị thần cai quản cõi chết và phán xét con người ở âm phủ căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống, theo Phật giáo. Thập điện Diêm vương gồm có: Nhất điện: Tần Quảng Vương, Nhị điện: Sở Giang Vương, Tam điện: Tống Đế Vương, Tứ điện: Ngũ Quan Vương, Ngũ điện: Diêm La Thiên Tử, Lục điện: Biện Thành Vương, Thất điện: Thái Sơn Vương, Bát điện: Đô Thị Vương, Cửu điện: Bình Đẳng Vương, và Thập điện: Chuyển Luân Vương. Ở nước ta tranh và tượng Diêm Vương thường được bố trí trong chùa, thường được xếp thành hai hàng, mỗi bên năm vị.
  30. Tây Thiên
    Hay Tây Vực, Thiên Trúc, Tây Phương, những tên gọi trong Phật giáo chỉ Ấn Độ, vì nước này nằm ở phía Tây của Trung Quốc.
  31. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng