Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hố bom
    Hố tạo thành do bom nổ.

    Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
    Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
    Ðất nước mình nhân hậu
    Có nước trời xoa dịu vết thương đau.

    (Khoảng trời - hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ)

    Những hố bom sau một trận oanh tạc của máy bay B52 trong chiến tranh Việt Nam

    Những hố bom sau một trận oanh tạc của máy bay B52 trong Chiến tranh Việt Nam

  2. Nam Phổ
    Còn gọi là Nam Phố, tên một làng nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh canh Nam Phổ. Trước đây ở vùng đất này cũng có nghề trồng cau truyền thống - cau Nam Phổ là một trong những sản vật tiêu biểu của Phú Xuân-Thuận Hóa ngày xưa.

    Bánh canh Nam Phổ

    Bánh canh Nam Phổ

  3. Ở lổ
    Ở truồng (khẩu ngữ).
  4. Câu này nhắc chuyện tể tướng Nguyễn Quán Nho. Tương truyền ngày ông vinh quy bái tổ về làng, mặc cho các quan lại hàng tổng hàng huyện chuẩn bị đón rước, mẹ ông vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn. Khi lý trưởng mời bà về dự lễ rước, bà nói:

    - Ừ, nó đỗ thì tôi cũng mừng. Nhưng chẳng biết từ nay nó còn nhớ gì đến cảnh vớt bèo nuôi lợn này không?

    Nguyễn Quán Nho nghe kể lại, vội cởi áo mũ, cởi giày, xắn quần ra ao làng cầm gậy vớt đầy rổ bèo đem về nhà rồi mời mẹ ra đình làng làm lễ.

  5. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  6. Lợi
    Lại (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Đuổi (theo). Từ này ở Trung và Nam Bộ phát âm thành .
  8. Cựa
    Mẩu sừng mọc ở sau chân gà trống hoặc một vài loài chim khác, dùng để tự vệ và tấn công. Trong trò đá gà, người ta thường mua cựa sắt tra vào chân gà hoặc chuốt cựa gà thật bén.

    Cựa gà

    Cựa gà

  9. Đây là kinh nghiệm chọn gà. Gà có cựa dài thì thịt thường cứng, gà cựa ngắn thì thịt thường mềm.
  10. Nỏ thà
    Chẳng thà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  11. Ấp mạ giường không
    Chỉ sự cô đơn lạnh lẽo. Thường nói đến cảnh nam nữ đã quá thì mà chưa lập gia đình.
  12. Lưu Bị
    Vua nhà Thục thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Huyền Đức, con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, dòng dõi nhà Hán. Theo giai thoại dân gian và trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông là người nhân hậu, trọng tình nghĩa, nhất là trong tình cảm anh em kết nghĩa với Quan VũTrương Phi.

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

  13. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  14. Lưu Bị viếng Khổng Minh
    Một tích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Gia Cát Lượng thuở còn hàn vi ở ẩn trong một cái lều cỏ ở Long Trung. Lưu Bị cùng với hai em kết nghĩa là Quan VũTrương Phi đến lều cỏ để thỉnh cầu ông ra giúp việc nước, nhưng hai lần ông không chịu tiếp mà chỉ ăn ngủ trong lều như thường. Mãi đến lần thứ ba ba người mới gặp được Gia Cát Lượng. Tích này có tên là Tam cố thảo lư (ba lần đến lều cỏ).

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

  15. Con Rồng cháu Tiên
    Người Việt Nam tự nhận mình là con của rồng (Lạc Long Quân) và tiên (Âu Cơ). Tương truyền, Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên núi, cùng sinh con đẻ cái tạo thành nòi giống người Việt.
  16. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  17. Cước thoáng con no, cước to con đói
    Dùng cước thoáng (loại dây câu mảnh) thì cá khó thấy, dễ cắn câu, và ngược lại.
  18. Tu thân
    Sửa thân mình (từ Hán Việt). Đây là một khái niệm của Nho giáo, chỉ việc chỉnh đốn, sửa chữa bản thân để luôn ngay chánh, hợp theo đạo đức.
  19. Hào
    Giỏi, tài trí hơn người.