Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  3. Vải the
    Loại vải dệt bằng tơ nhỏ sợi, mỏng, thưa, không bóng, thời trước thường được dùng may áo dài khoặc khăn, màn.

    Áo the, khăn đóng

    Áo the, khăn đóng

  4. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  5. Bát Qua
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bát Qua, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  6. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  7. Còn sống thì có màu trắng, chết thì chuyển sang màu đỏ.
  8. Cầu Quan
    Địa danh nay thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Tại đây vào thời nhà Lê có họp chợ trên bờ sông, và hàng năm đến đầu mùa xuân thì có tục bơi thuyền rồng.
  9. Thuyền rồng
    Loại thuyền có trang trí, chạm khắc hình rồng, ngày xưa là thuyền dành cho vua chúa. Dân tộc ta cũng có truyền thống đua thuyền rồng trong các dịp lễ hội.

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng

  10. Cá bè
    Tên chung của một số loại cá da trơn, sống ở biển, theo đàn. Cá nhỏ sống ở vùng gần bờ, cá lớn hơn sống ở ngoài khơi, gần các rạn và các mũi biển. Có nhiều loại cá bè, nhưng cá bè bày bán ở các chợ thường là cá bè trang. Thịt cá bè tuy hơi khô nhưng rất chắc và có vị thơm ngon, có thể dùng chế biến nhiều món: nấu mẳn (nấu hơi mằn mặn), kho tiêu, nướng, chiên...

    Cá bè - Ảnh: Ngô Mã Thiên

    Cá bè - Ảnh: Ngô Mã Thiên

  11. Lôn
    Trồng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  12. Ngày trước (hoặc ở một số vùng quê bây giờ), cửa nhà thường làm bằng tre lợp tranh hoặc bằng gỗ, đóng mở theo bản lề nằm ngang phía trên. Buổi sáng người ta dùng một cây gậy (bằng tre hay gỗ), gọi là cây chống cửa, để chống cửa lên. Buổi tối, người ta lại (nhổ) cây chống cửa để đóng cửa lại.
  13. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  14. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  15. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Bóng thờ vua có thể hiểu là hình vẽ về một ông vua, dùng dể thờ, hoặc là cách nói của bà già chỉ việc con mình được chọn làm lính ở cung để hầu hạ phục dịch vua chúa.
  17. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  18. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  19. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  20. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  21. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  22. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  23. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  24. Giỏ cá
    Đồ đựng cá được đan bằng tre, giữa hơi thắt lại, trong miệng có hom để cá không chui ra ngoài được.

    Giỏ cá

    Giỏ cá

  25. Nề hà
    Ngại việc khó khăn.

    Bờ trơn ta chẳng nề hà
    Bàn chân bám chặt khó sa xuống bờ

    (Tải gạo tiếp tế miền Đông - Bảo Định Giang)

  26. Bình dân học vụ
    Tên một phong trào do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau cách mạng tháng Tám để xóa nạn mù chữ (diệt giặc dốt), có sử dụng các câu văn vần mô tả bảng chữ cái cho dễ thuộc: I, tờ (t), có móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang

    Từ "i tờ" về sau chỉ trình độ học vấn vỡ lòng.

    Bình dân học vụ

    Bình dân học vụ

  27. Tàu tượng
    Chỗ nhốt voi.
  28. Nhà như tàu tượng
    Nhà nghèo, tuềnh toàng, tường vách trống trải (như chỗ nhốt voi).
  29. Đan Nê
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có núi Đồng Cổ (cũng có tên là núi Đan Nê) cùng với các di tích như chùa Thanh Nguyên và đền thờ thần Đồng Cổ.

    Đền thờ thần Đồng Cổ

    Đền thờ thần Đồng Cổ

  30. Chợ Bản
    Chợ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Có tên như vậy vì chợ được họp ở làng Bản Đanh, xã Định Long. Đây là một trong những chợ lớn nổi tiếng của Yên Định, chuyên trao đổi, bán mua nông sản, trâu bò, lợn gà, gia súc gia cầm cũng như các món ẩm thực đặc sản của vùng quê Yên Định. Chợ rất đông đúc, nên những gì đông đúc tấp nập thường được dân địa phương ví là "đông như chợ Bản."
  31. Chợ Chùa
    Tên một cái chợ thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
  32. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  33. Dãi phẩm
    Nhuộm phẩm màu vào vải rồi đem phơi.
  34. Tháng sáu là vụ gặt chiêm, tháng mười là vụ gặt mùa.
  35. Câu này thường dùng để chê người đánh cờ dở, hoặc chê bài thấp.
  36. Cám
    Chất bột màu vàng nâu, do lớp vỏ mềm bao ngoài hạt gạo nát vụn ra khi giã, xát, thường dùng làm thức ăn cho lợn.
  37. Cám hấp trên vung
    Người hoặc việc dở hơi, ngớ ngẩn, ngược đời.