Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hổng
    Không (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Đông Phù
    Tên nôm là làng Nhót, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Trước đây Đông Phù là vùng đất trọng yếu ở phía nam kinh thành Thăng Long, nơi có đường bộ, đường thuỷ khá thuận tiện cho việc giao thương. Thời 12 sứ quân, tướng Nguyễn Siêu lập đại bản doanh ngay trên đất này, nay còn dấu vết thành luỹ. Cuối năm 1426, Bình Định Vương Lê Lợi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, đã đặt sở chỉ huy tại đình làng. Hơn 300 năm sau, đại quân Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra giải phóng Thăng Long cũng có qua Đông Phù.
  3. Hoành phi
    Nguyên nghĩa là bảng nằm ngang, một dạng thư hoạ (tranh chữ), được dùng rộng rãi trong dân gian (đình, đền, nhà thờ họ, nhà ở...). Hoành phi có nhiều loại, có loại sơn son chữ vàng, có loại sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có những bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ, đẹp mắt. Hoành phi được treo ở những nơi thờ cúng như đình, đền, nhà thờ họ, phía trên bàn thờ gia tiên, nơi lăng mộ... Vị trí của hoành phi thường treo ngay ngắn nơi chính giữa hoặc những vị trí trang trọng khác của đền, đình hoặc ngôi nhà. Có gia đình chỉ treo tại bàn thờ tổ tiên một bức hoành phi, nhưng cũng có gia đình treo đến hai ba bức, thường là gia đình khá giả. Xưa, những nhà nghèo không có hoành phi bằng gỗ thường dùng những tấm cót, nẹp vào rồi dán những tấm giấy đỏ có viết đại tự lên.

    Chữ viết trên bức hoành phi thường có ý nghĩa bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên hoặc những người có công với đất nước.

    Hoành phi

    Hoành phi

  4. Dò dè
    Dò xét với ý muốn chiếm đoạt (phương ngữ miền Trung).
  5. Trăng lu
    Trăng mờ.
  6. Chóp Vung
    Tên một cụm núi nhỏ nằm kẹp giữa ba xã Phổ Phong, Phổ Thuận và Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một trong những điểm đóng quân đầu tiên của đại đội Charlie (Mỹ) trước khi bay về tham gia vụ thảm sát Mỹ Lai.
  7. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  8. Tứ sắc
    Tên một trò chơi bài lá phổ biến ở Trung và Nam Bộ. Bộ bài tứ sắc có 28 lá khác nhau, chia thành 4 màu (đỏ, vàng, xanh, trắng) và 7 cấp bậc: Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt.

    Bài tứ sắc

    Bài tứ sắc

  9. Cát tê
    Tên một trò chơi bài Tây phổ biến Trung và Nam Bộ, tùy theo vùng mà cũng được gọi là các tê, cắt tê hay cạc tê.
  10. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  11. Cò quăm
    Còn gọi là cò quắm, một họ cò có mỏ dài và cong về phía trước. Cò quăm thường gặp ở các vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

    Cò quăm

    Cò quăm

  12. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  13. Đông Ngàn
    Một địa danh cổ, tương ứng với diện tích thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, và một phần các huyện Đông Anh, Gia Lâm, thành phố Hà Nội ngày nay.
  14. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  15. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  16. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  17. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  18. Tiến sĩ
    Học vị được trao cho những người đỗ tất cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình, được ghi danh trong khoa bảng (trừ thời nhà Nguyễn, có thêm học vị Phó bảng không phải là tiến sĩ, nhưng cũng được chấm đỗ ba kỳ thi trên). Thời nhà Trần, những người đỗ Tiến sĩ được gọi là Thái học sinh.
  19. Trọt
    Cũng gọi là dọt, mảnh đất phía trước hiên nhà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  20. Treo
    Chiếc gióng dùng để treo đồ ăn lên trên cao.