Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tháp Chàm
    Tên gọi chung của những công trình dạng đền tháp của người Chăm (xưa gọi là người Chàm), trước đây sinh sống ở khu vực nay là Nam Trung Bộ. Tháp được xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông, có không gian bên trong chật hẹp, thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông. Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Một số (quần thể) tháp Chàm tiêu biểu: Thánh địa Mỹ Sơn, tháp Bà, tháp Hưng Thạnh, tháp Nhạn...

    Tháp Bà (Po Nagar)

    Tháp Bà (Po Nagar)

  2. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Hai câu này có thể hiểu là "nghe bậu than thân bậu mà qua cảm thấy thân mình cũng (không kém phần) tệ hại."
  4. Linh đinh
    Lênh đênh (phương ngữ Nam Bộ). Nghĩa rộng là nay đây mai đó.
  5. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  6. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  7. Đây là Tòa Đại lí Tam Kỳ chứ không phải Tòa Công sứ Hội An (theo Nguyễn Q. Thắng).
  8. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  9. Diên Phước
    Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
  10. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  11. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  12. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  13. Bãi Bàng
    Tên một bãi cát thuộc thôn Phú Ốc, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bãi chạy dài khoảng 300m, phía nam gần với gành Đá Dĩa, cách chừng 100m.

    Tương truyền khi Nguyễn Ánh cùng quân lính bôn tẩu vào Nam, bị quân Tây Sơn chặn đánh tan rã, phải cùng một số cận thần chạy thoát xuống thôn Hội Phú. Quân Tây Sơn đuổi đến thôn Hội Phú, bỗng dưng trời tối như mực, cho là điềm lạ nên không dám xua quân vượt núi. Nguyễn Ánh vượt qua khỏi núi đến dừng chân tạm nơi bãi biển này. Lúc bấy giờ số tàn quân và tướng tá tùy tùng tìm đến, họp bàn rồi dùng thuyền vượt biển vào Nam. Các cụ lão làng lân cận kể lại, từ đó bãi này có tên Bãi Bàng (giọng miền Trung không phân biệt bànbàng).

  14. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  15. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  16. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Điếu cày
    Một loại điếu để hút thuốc lào, phổ biến trong giới bình dân. Điếu cày làm bằng một khúc ống tre hoặc nứa dài non nửa mét, khoét lỗ nhỏ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm.

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

  18. Cắn cơm không vỡ
    Chỉ người bất tài vô tướng (đến hạt cơm cũng không cắn vỡ).
  19. Nho giáo
    Một hệ thống đạo đức, triết lí và tôn giáo do Khổng Tử sáng lập (nên còn gọi là Khổng giáo). Mục đích của Nho giáo là để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất phát triển ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc (như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam...). Người theo học đạo Nho được gọi là nhà Nho (Nho gia).