Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  2. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy
    Thành ngữ Hán Việt, có nghĩa là: Một lời đã nói ra thì (cỗ xe) bốn ngựa cũng khó mà đuổi kịp. Trong tiếng Việt, thành ngữ này thường được dịch thành "Một lời đã nói, bốn ngựa khó đuổi" hoặc "Một lời đã nói, bốn ngựa khó theo."
  3. Dằm
    Dấu vết chỗ ngồi, nằm, hay để đặt vật gì.
  4. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  5. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  6. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  7. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  8. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  9. Tân Phước
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
  10. Rạch Già
    Tên một xóm thuộc Tân Phước, Tiền Giang. Đây là một trong những địa bàn chiến đấu của nghĩa quân Trương Định, và hiện vẫn còn miếu thờ ông.
  11. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  12. Quế Sơn
    Địa danh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trước đây. Quế Sơn có nghề truyền thống là làm đồ gốm.
  13. Chợ Giầm Giải
    Một ngôi chợ thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, chuyên buôn tre luồng từ Thanh Hóa chở về.
  14. Luồng
    Cũng gọi là mét, một giống tre có giá trị kinh tế cao, thường được dùng làm nhà, đóng bè mảng, đan lát, làm đũa, làm mĩ nghệ, làm than... Tre có thể bóc mỏng như kiểu bóc gỗ, măng rất ngon. Ở nước ta tre luồng chủ yếu có ở Thanh Hóa, nơi hiện nay có nghề trồng và thu mua tre luồng làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

    Sản xuất than tre luồng

    Sản xuất than tre luồng

  15. Tống
    Một triều đại kéo dài từ năm 960 đến năm 1279 trong lịch sử Trung Quốc (cùng thời với nhà Lý trong lịch sử nước ta).
  16. Tiêu
    Loại nhạc cụ hơi khá thông dụng ở các nước Đông Á. Tiêu có dạng ống trụ tròn như sáo trúc, nhưng khi sử dụng lại để theo chiều dọc và thổi dọc theo thân ống. Tiêu thường to và dài hơn sáo, do đó âm thanh của nó trầm và mộc mạc hơn.

    Thổi tiêu

    Thổi tiêu

  17. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  18. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  19. La Mạc
    Một địa danh nay thuộc xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, có nghề trồng khoai từ lâu đời.
  20. Cao Điền
    Một địa danh nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Vùng này có nghề truyền thống là trồng trầu không.
  21. Hạnh Lâm
    Tên một xã thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ngày xưa đây là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều sản vật.
  22. Văn Chấn
    Một làng nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (phân biệt với huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
  23. Mấn
    Váy (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  24. Cát Ngạn
    Một địa danh nay thuộc xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cát Ngạn cũng là tên một tổng của Nghệ An ngày trước.
  25. Đát được thì đươn
    Đươn (đan) và đát là hai công đoạn bắt buộc người làm nghề đan phải biết. Nghĩa rộng của câu này nhằm nói: Cần phải nắm chắc các công đoạn cần thiết của một việc gì rồi mới bắt tay vào làm, nếu không thì việc sẽ thành dang dở.

    Tấm mê

    Tấm mê

  26. Mủng
    Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bát Bồng.
  28. Tông
    Dòng dõi, tổ tiên (từ Hán Việt).
  29. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  30. Tỉnh, sứ, huyện, nha
    Các cơ quan hành chính từ cao xuống thấp thời trước. Hai câu này có thể diễn đạt là: từ tỉnh, sứ đến huyện, nha.
  31. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  32. Đọc trại từ "con hạc".
  33. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).