Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quả báo
    Một quan niệm theo thuyết nhân quả của Phật giáo, theo đó mọi việc làm ra (nhân) đều có trả giá (quả). Quả báo là báo ứng cho những việc xấu mà một người đã làm.
  2. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  3. Nhãn tiền
    Nhãn là con mắt. Tiền nghĩa là "trước." Nhãn tiền dịch nghĩa là "trước mắt," thấy ngay nhãn tiền nghĩa là xảy ra ngay lập tức.
  4. Một dây
    Liên tiếp, nhiều.
  5. Tổ đỉa
    Một loài cây dại mọc chìm dưới các chân ruộng nước hoặc ven bờ nước, có nhiều ở vùng đồng chiêm trũng. Lá tổ đỉa có nhiều lớp, ken dày, mỏng và hình thù lộn xộn, nom có vẻ rất xơ xác, tớp túa (vì bám nhiều bùn đất).
  6. Từ tổ đỉa trong câu này là một loại cây nhưng thường bị hiểu nhầm là nơi ở của con đỉa nên có câu ca dao:

    Rách như tổ đỉa ai ơi
    Là cây mà lại tưởng nơi đỉa nằm

  7. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Trỏng
    Trong ấy (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Ma Liên
    Tên một làng biển nay thuộc thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có chợ Ma Liên (nay là chợ Mỹ Quang). Ngày xưa, ranh giới giữa hai làng Phú Quý (Mỹ Quang hiện nay) và Long Thủy có một bãi cát rộng làm nơi chôn cất người chết, rất nhiều mồ mả. Theo truyền thuyết, xưa thường hay có người âm trà trộn vào đi chợ.
  10. Miệt vườn
    Tên gọi chung cho khu vực nằm trên những dải đất giồng phù sa dọc theo hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang tại đồng bằng sông Cửu Long. "Miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, miệt vườn bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần của tỉnh Cần Thơ và một phần của tỉnh Đồng Tháp. Ngành nông nghiệp chính trên những vùng đất này là lập vườn trồng cây ăn trái.  Đất đai miệt vườn là phù sa pha cát màu mỡ, sạch phèn, lại không bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước mặn. Do vậy, miệt vuờn được coi là khu vực đất lành chim đậu, có nhiều tỉnh lị phồn thịnh, sầm uất. Nhiều loại trái cây ngon của miệt vuờn đã trở nên nổi tiếng, gắn liền với địa danh như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), quýt Lai Vung (Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), ...

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

  11. Cầu khỉ
    Loại cầu đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cầu rất đơn sơ, thường làm bằng thân tre (gọi là cầu tre), thân dừa (cầu dừa) hoặc cây gỗ tạp, bắt ngang qua kênh rạch. Cầu khỉ có thể có hoặc không có tay vịn, nhưng đều chỉ cho một người đi. Người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác lại cho rằng chính dáng người đi lom khom như con khỉ của khách bộ hành là nguồn gốc của cái tên này.

    Cầu tre

    Cầu tre

  12. Chuối ri
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chuối ri, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  14. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  15. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  16. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  17. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  18. Bàng
    Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.

    Cây bàng

    Cây bàng

  19. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  20. Làng Vọng
    Tên một làng nhỏ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Làng Vọng nằm cạnh Kẻ Mơ, là nơi buôn bán sầm uất. Tương truyền, nơi đây có nghề dệt gối rất phát triển. Ngày nay, phố Vọng cũng được coi là thủ phủ của mặt hàng chăn, ga, gối, đệm.
  21. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  22. Kẻ Giả
    Tên gọi chung của các làng Giả Chọ, Giả Cầu, Giả Viềng, Giả Vĩnh, nay là các thôn Lạc Thị (xã Ngọc Hồi), Quỳnh Đô, Ích Vịnh, Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh) đều thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  23. Bùi nhùi
    Rơm hoặc giẻ bện chặt để đốt và giữ lửa.
  24. Làng Lê
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Lê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  25. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  26. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  27. Làng Ngâu
    Tên nôm của làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Làng Ngâu nổi tiếng trồng lúa. Rượu làng Ngâu cũng là một đặc sản nổi tiếng từ xưa.
  28. Tựu Liệt
    Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  29. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  30. Văn mình, vợ người
    Do câu Tự kỉ văn chương, tha nhân thê thiếp, nghĩa là văn của mình (thì hay), vợ của người khác (thì đẹp).
  31. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng