Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vàng mười
    Vàng nguyên chất.
  2. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  3. Câu ca dao này nói về sự chia cắt hai miền Nam Bắc trong chiến tranh Việt Nam.
  4. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  5. Néo
    Buộc dây vào đoạn tre hay đoạn gỗ mà xoắn cho chặt. Đoạn tre hay gỗ dùng vào việc néo cũng được gọi là cái néo.
  6. Ông già Khốt-ta-bít
    Một nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng Ông già Khottabych của nhà văn Liên Xô Lazar Lagin. Ông là một vị thần hùng mạnh trong Nghìn lẻ một đêm, bị nhốt trong một cái bình gốm dưới đáy sông Matx-cơ-va, được cậu bé Volka giải thoát nên nguyện đi theo làm mọi điều cậu yêu cầu. Tuy nhiên, do sự khác biệt quá lớn giữa xã hội Xô Viết hiện đại và thế giới cổ tích Ba Tư ông từng sống, những suy nghĩ và việc làm của ông đều có vẻ ngớ ngẩn, lẩm cẩm và bảo thủ.

    Ở nước ta, tác phẩm Ông già Khottabych đã được dịch, xuất bản và tái bản nhiều lần. Nhân vật Ông già Khốt-ta-bít trở thành quen thuộc, đến độ người miền Bắc thường gọi những người già lẩm cẩm và bảo thủ là "cụ Khốt."

  7. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  8. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  9. Chẽ
    Nhánh của một buồng, một chùm, như chẽ lúa, chẽ cau...
  10. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  11. Ninh Bình
    Một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vùng đất này từng là kinh đô nước ta vào thế kỉ 10, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

    Cố đô Hoa Lư

    Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

  12. Chùa Non Nước
    Một ngôi chùa tọa lạc dưới chân núi Non Nước, bên bờ sông Đáy, nay thuộc địa phận phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, được xây từ thời nhà Lý, dưới đời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127). Hiện nay núi chùa Non Nước là một di tích lịch sử văn hóa quốc gia đồng thời cũng là một điểm du lịch quan trọng của tỉnh Ninh Bình.

    Chùa non nước

    Chùa Non Nước

  13. Núi Ngọc Mỹ Nhân
    Còn có tên là núi Cánh Diều hoặc núi Phi Diên, một ngọn núi nằm ở phía đông thành phố Ninh Bình. Theo truyền thuyết, vào thời nhà Đường, Cao Biền sang cai trị nước ta, thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch. Khi bay đến đất Hoa Lư, y bị một đạo sĩ (do thần Thiên Tôn hóa thân) cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống hòn núi này. Từ đó núi mang tên là Cánh Diều.

    Núi Cánh Diều nhìn từ bên kia sông Đáy

    Núi Cánh Diều nhìn từ bên kia sông Đáy

  14. Núi Gối Hạc
    Còn gọi là Hồi Hạc hoặc Hạc Sơn, một ngọn núi ở làng Đại Phong, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, là một thắng cảnh nổi tiếng trong vùng.
  15. Hồi hương
    Về quê (từ Hán Việt).
  16. Bi ai
    Buồn bã, sầu thảm (từ Hán Việt).
  17. Thầy Thông Chánh
    Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
  18. Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp thì trước khi chém đầu, thực dân đưa thầy Thông Chánh sang Pháp để gọi là “trình diện hung thủ” với bà mẹ của tên Biện lý.
  19. Cô Ba
    Cô Ba Thiệu, một người phụ nữ quê ở Trà Vinh có sắc đẹp nổi tiếng cả miền Nam vào khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Có nguồn nói cô là vợ, lại có nguồn cho rằng cô là con gái của thầy Thông Chánh, người đã nổ súng bắn chết Biện lý Jaboin vào năm 1893, gây nên một sự kiện đình đám lúc bấy giờ. Thời ấy có nhãn hiệu xà phòng (xà bông) rất thịnh hành, trên vỏ ngoài có in hình cô Ba, dân chúng quen gọi là "xà bông Cô Ba."

    Xà bông Cô Ba

    Xà bông Cô Ba

  20. Thông ngôn
    Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  21. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  22. Phú Thị
    Tên Nôm là Sủi, tên Hán Việt là Thổ Lỗi, nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây một làng cổ có từ thời Lý-Trần, quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan và thi hào Cao Bá Quát. "Sủi" là một từ Việt cổ, có biến âm là Lỗi (hay Luỗi), nên sau được Hán Việt hóa thành Thổ Lỗi. Tại đây có lễ hội làng Sủi, diễn ra trong ba ngày từ 1 đến 3/3 âm lịch, để tưởng nhớ đến công đức của Nguyên phi Ỷ Lan và Tướng quân Đào Liên Hoa.
  23. Đình Dù
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  24. Lạc Đạo
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  25. Xuân Đào
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  26. Nhảy ngoi
    Nhảy lên khỏi mặt nước.
  27. Khái
    Con hổ.
  28. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  29. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  30. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  31. Lung
    Vùng đầm nước ngập, có bùn.
  32. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  33. Chốc mòng
    Ước mong, muốn cho được (theo Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Có nơi giảng: bấy lâu, bấy nay. Còn viết là chóc mòng.

    Nước non cách mấy buồng thêu
    Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng

    (Truyện Kiều)

  34. Có bản chép: Tham giàu.
  35. Biện tuần
    Một chức vụ dưới thời Pháp thuộc, chuyên lo việc biên kí, sổ sách.
  36. Xẩm
    Một loại hình dân ca từng phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Ca từ của xẩm chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Nội dung của các bài xẩm có thể mang tính tự sự như than thân trách phận, nêu gương các anh hùng, liệt sĩ hay châm biếm những thói hư, tật xấu...

    "Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị (mù) đi hát rong kiếm sống.

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Thưởng thức một bài hát xẩm do nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày.

  37. A
    Nông cụ dùng để cắt rạ hoặc cắt cỏ, có hai lưỡi tra vào cán dài. Có nơi còn gọi là cái gạc hoặc cái trang.
  38. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  39. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  40. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp