Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Núi Thiên Bút
    Một ngọn núi nhỏ nằm ở địa phận xã Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi. Núi cao 60m, hình chóp nón, trên núi nhiều cây, trông xa tựa như ngọn bút lông chỉ lên trời. Về phía đông núi có hòn Nghiên tựa như nghiên mực. Vào buổi chiều tà có dải mây thấp thoáng in bóng đàn nhạn bay qua đỉnh núi, người xưa thường bảo ấy là lúc “Thiên Bút phê vân” (bút trời viết lên mây). Núi tượng trưng cho văn khí của Quảng Ngãi. Hiện nay trên đỉnh núi còn dấu tích một đền tháp Champa cổ.

    Núi Thiên Bút

  2. Quán Đàng
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở phía Nam núi Thiên Bút, gần cầu Bàu Giang. Tục truyền xưa kia nơi ấy có một quán nhỏ bên đường mà khách bộ hành xuôi ngược thường dừng lại nghỉ chân, uống bát nước chè xanh, bàn đôi câu chuyện vãn. Cái tên Quán Đàng sinh ra từ đó.
  3. Vạn Hà
    Cũng gọi là Vãn Hà, gọi tắt là Vạn, một ngôi làng thuộc huyện Thụy Nguyên, thừa tuyên Thanh Hóa thời Hậu Lê; sau Cách mạng tháng Tám (1945) là làng Dương Hòa, xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa và nay thuộc tiểu khu 8, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là quê hương của Nguyễn Quán Nho, một vị quan thời Lê trung hưng.
  4. Vạc
    Một làng nay thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  5. Câu ca dao này là lời nhân dân khóc thương tể tướng Nguyễn Quán Nho.
  6. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  7. Dư Đành
    Tên một võ sư có tiếng ở Bình Định đầu thế kỉ 20. Ông quê ở làng Thuận Nhất, nay thuộc xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Dư Đành giỏi võ nghệ, có sức mạnh phi thường, về sau lập một đảng cướp hoành hành khét tiếng.
  8. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  9. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  10. Tri phủ
    Chức quan đứng đầu một phủ hoặc châu (tương đương với một huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn), có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt đó.
  11. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  12. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Nỏ can chi
    Không can hệ gì (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  14. Dốc Mõ
    Còn có tên là đèo Cục Kịch, một con đèo cao nằm trên núi Gian Nan, ngăn cách hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Đại Nam Nhất Thống chí mô tả: "Ở phía nam phủ có tên nữa là núi Gian Nan, cũng là phân giới cho tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa; vì đường núi hiểm trở nên gọi tên ấy."
  15. Hòn Hèo
    Tên một bán đảo thuộc địa phận huyện Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 15 cây số. Hòn Hèo còn có tên gọi là Phước Hà Sơn do địa danh này là một quần thể có trên 10 ngọn núi lớn, nhỏ khác nhau, cao nhất là Hòn Hèo (cao 813m) nằm chính giữa. Theo dân gian, trên đỉnh Phước Hà Sơn có rất nhiều cây hèo, nên gọi là Hòn Hèo.

    Hiện nay Hòn Hèo là một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa.

    Phong cảnh Hòn Hèo

    Phong cảnh Hòn Hèo

  16. Câu ca dao này mô tả hoạt động của bộ đội trong kháng chiến chống Pháp.
  17. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  18. Kiềng
    Dụng cụ bằng sắt có ba chân, để đặt nồi, chảo lên khi nấu nướng.

    Kiềng ba chân

    Kiềng ba chân

  19. Giậu
    Tấm tre nứa đan hoặc hàng cây nhỏ và rậm để ngăn sân vườn.

    Hàng giậu tre

    Hàng giậu tre

  20. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  21. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  22. Rợ
    Chốn rừng sâu nước độc.
  23. Rỗ
    Bề mặt bị lồi lõm lỗ chỗ. Mặt rỗ thường do nhiều sẹo nhỏ di chứng của bệnh đậu mùa, mụn...gây nên.
  24. Chân chữ bát
    Chân đi khuỳnh ra hai bên như chữ bát 八, dân gian còn gọi là đi "chàng hảng."
  25. Thiên
    Trời (từ Hán Việt).

    Thiên trời địa đất
    Cử cất tồn còn

    (Tam thiên tự - soạn giả Đoàn Trung Còn)

  26. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  27. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn