Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhà tứ trụ
    Kiến trúc truyền thống ở nước ta, có bốn cột cái chính và hệ thống vì kèo có thể kéo dài ra xung quanh để mở rộng mặt bằng. Nhà tứ trụ là kiến trúc phổ biến ở miền quê Bắc Bộ; trong khi ở Nam Bộ, nhà tứ trụ thường chỉ là nơi thờ thần, Phật hoặc từ đường của dòng họ do tính chất kiến trúc nghiêm trang, cân đối của nó.
  2. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  3. Mương Kinh
    Một địa danh trước đây thuộc xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1984, xã Thường Phước tách thành hai xã Thường Phước 1 và Thường Phước 2.
  4. Lưu Nguyễn
    Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
  5. Ghe giã
    Tên một loại ghe cổ, nay vẫn còn gặp ở các tỉnh miền Trung.
  6. Vương Khải
    Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
  7. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  8. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  9. Trường thọ
    Sống lâu (từ Hán Việt).
  10. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Phan Trần
    Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
  12. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  13. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  14. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  15. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  16. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  17. Đậu nành
    Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

  18. Mồng tơi
    Một số địa phương phát âm thành "mùng tơi" hay "tầm tơi", loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh, ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt.

    Mồng tơi

    Mồng tơi

    Hoa mồng tơi

    Hoa mồng tơi

  19. Đơm
    Lấy, xới cơm hay xôi từ nồi vào vật đựng khác (đơm xôi, đơm cơm).
  20. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  21. Trống chầu
    Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.

    Trống chầu

    Trống chầu

  22. Múa bông
    Cũng gọi là múa bài bông, một cách múa trong lễ lên đồng, trong đó người múa (con hát) đeo trên vai hai ngọn đèn làm hình hoa sen thắp lên rồi vừa múa vừa tiến lui ngang dọc.

    Một thằng đầu trọc ngồi khua mõ
    Hai ả tròn xoe đứng múa bông

    (Ông sư và mấy ả lên đồng - Tú Xương)

  23. Tâu rỗi
    Tâu gởi mà cứu ai, hoặc cho ai khỏi chết. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  24. Tống
    Một triều đại kéo dài từ năm 960 đến năm 1279 trong lịch sử Trung Quốc (cùng thời với nhà Lý trong lịch sử nước ta).
  25. Tiêu
    Loại nhạc cụ hơi khá thông dụng ở các nước Đông Á. Tiêu có dạng ống trụ tròn như sáo trúc, nhưng khi sử dụng lại để theo chiều dọc và thổi dọc theo thân ống. Tiêu thường to và dài hơn sáo, do đó âm thanh của nó trầm và mộc mạc hơn.

    Thổi tiêu

    Thổi tiêu

  26. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  27. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  28. Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần
    Nguyên họ Trịnh khi giúp nhà Lê trung hưng lấy lại ngôi từ họ Mạc, đất kinh kì chỉ dùng lính ở ba phủ Thiệu Thiên, Tỉnh Gia và Hà Trung (thuộc hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An) gọi là lính Tam Phủ hay Ưu Binh để làm quân túc vệ. Quân này cậy mình có công sinh kiêu căng, coi thường luật lệ, gây ra nạn kiêu binh khiến triều chính điêu đứng, góp phần làm nên sự sụp đổ của Bắc triều Lê-Trịnh.
  29. Lất lơ
    Lơ lửng (cũng nói là lất lơ lất lửng).
  30. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  31. Hương
    Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
  32. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  33. Gò Nổi
    Tên một gò đất nằm giữa hai nhánh ở hạ lưu sông Thu Bồn, gồm ba xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong, thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vùng này nổi tiếng với nghề dệt lụa tơ tằm và được coi là đất địa linh nhân kiệt vì sản sinh ra rất nhiều các nhà yêu nước, nhà khoa học, trí thức nổi tiếng: Trần Cao Vân, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Lê Đình Dương, Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Khôi, Hoàng Tụy...

    Cánh đồng ở vùng Gò Nổi

    Cánh đồng ở vùng Gò Nổi

  34. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  35. Làng Sông
    Cũng gọi là kẻ Sông, nay là một thôn thuộc địa phận xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, là quê cha của vua Lê Đại Hành. Làng có tên như vậy vì trước đây nằm cạnh một con mương lớn.