Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cháo vạt giường
    Loại cháo đặc sản của tỉnh Quảng Trị, nấu bằng sợi bột gạo thái thành thẻ nhỏ như vạt giường (vì vậy thành tên) và cá tràu. Gọi là cháo nhưng món ăn này không sền sệt mà lõng bõng sợi vạt giường và nước dùng. Cháo có vị ngọt thơm của cá, bùi ngậy của hành phi xen lẫn vị ngọt của bột, cay của ớt.

    Cháo vạt giường

    Cháo vạt giường

  2. Nén
    Còn gọi là hành tăm, một loại cây thuộc họ hành tỏi, thân nhỏ, mọc thành bụi, củ màu trắng có vỏ bao bọc. Lá và củ nén có tác dụng giải cảm tốt.

    Cây và củ nén

    Cây và củ nén

  3. Khơi
    Vùng biển ở xa bờ.
  4. Lộng
    Vùng biển gần bờ, phân biệt với khơi.
  5. Kết nguyền
    Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.
  6. Tu thân
    Sửa thân mình (từ Hán Việt). Đây là một khái niệm của Nho giáo, chỉ việc chỉnh đốn, sửa chữa bản thân để luôn ngay chánh, hợp theo đạo đức.
  7. Hào
    Giỏi, tài trí hơn người.
  8. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  9. Lầu tây
    Thường được dùng như một hình ảnh ước lệ trong văn thơ xưa, để chỉ nơi có tình cảm thương nhớ, tương tư trong tình yêu đôi lứa.
  10. Ngộ
    Gặp gỡ (từ Hán Việt).
  11. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  12. Khăng khắng
    Như khăng khăng (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Bình Đào
    Địa danh nay là vùng đất bao gồm hai xã Bình Minh và Bình Đào, huyện Thanh Bình, tỉnh Quảng Nam.
  14. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  16. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  17. Vài
    Từ cổ là (kèo), kết cấu nối hai nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó.

    Cầu Tràng Tiền có 12 vài và 6 nhịp

    Cầu Tràng Tiền có 12 vài và 6 nhịp

  18. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  19. Cấu trúc cầu Tràng Tiền thực ra có 12 vài và 6 nhịp. Trong thi ca dân gian, để hợp vần người ta hay nói thành "sáu vài, mười hai nhịp."
  20. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  21. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  22. Có bản chép: Cũng tại ông Trời nên xa.
  23. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  24. Bối
    Những sợi dây quấn buộc với nhau. Cũng có khi nói là búi, bới.
  25. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  26. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  27. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  28. Có nơi hát: Đừng có đi đâu mà lạc đường lạc sá.
  29. Đây là trò Hú dê về nhà mẹ hoặc Dê mẹ tìm con. Cách chơi: từ 7 đến 9 em tham gia, em trưởng trò đóng vai dê mẹ, một em đóng vai sói, số còn lại đóng vai dê con. Dê con trốn nơi kín đáo sao cho sói không tìm thấy. Dê mẹ ngồi một nơi hoặc chạy đi chạy lại và hát bài đồng dao này, câu cuối cùng ngân dài. Dê con nghe tiếng mẹ gọi thì rời khỏi chỗ nấp, tìm cách chạy đến chạm vào tay dê mẹ sao cho sói không bắt được. Nếu bị bắt, dê con bị loại khỏi cuộc chơi.
  30. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  31. Mi
    Mày, ngôi thứ hai số ít để xưng hô thân mật, suồng sã ở các tỉnh miền Trung.
  32. Phạm Pháo
    Địa danh nay thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
  33. Phương Đê
    Một xã thuộc tổng Quần Anh (sau đổi thành Quần Phương), nay thuộc địa phận huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
  34. Nha
    Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
  35. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)