Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hà Trung
    Tên cũ là Tống Sơn, một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  2. Từ Thức
    Nhân vật trong truyện Từ Thức gặp tiên, được chép lại trong tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ:

    Xưa có người tên là Từ Thức, nhân đi chơi hội đã cởi áo gấm giúp một cô gái xinh đẹp. Sau chàng từ quan, tìm thú vui nhàn tản. Một lần ra cửa biển Thần Phù, Từ Thức đi qua núi và thấy một hang động rất đẹp, được bà chủ động gả cho Giáng Hương, chính là người chàng đã giúp thuở nào. Được một năm, Từ Thức nhớ nhà, muốn về thăm. Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Khi về đến quê nhà, tất cả đều đã đổi thay, không ai biết chàng là ai. Chàng hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu ba đời của mình. Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ: "Ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ." Về sau, người ta thấy Từ Thức đội nón nhẹ đi vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa) rồi không thấy trở về nữa.

    Hang động nơi Từ Thức gặp tiên nay là động Từ Thức.

  3. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  4. Quỳnh Đôi
    Còn gọi là Làng Quỳnh, nay là một xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Quỳnh Đôi nổi tiếng là cái nôi văn hóa lâu đời, xưa làng chỉ có hai nghề: đi học và dệt lụa, ít làm nông vì ít ruộng. Đây là quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
  5. Cơn
    Cây (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  6. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Có bản chép: Gương thề.
  8. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  9. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  10. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  11. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  12. Có bản chép: Ghe cá nọ nói không.
  13. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  14. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  15. Cá sấu
    Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.

    Cá sấu

    Cá sấu

  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  18. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  19. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  20. Xe kéo
    Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.

    Xe kéo

    Xe kéo

    Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
    Ông chồng thương đến cái xe tay

    (Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)

  21. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  22. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  23. Cù lao Xanh
    Cách thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định chừng 13 hải lý về phía Đông Nam, Cù lao Xanh là một trong 4 xã đảo và bán đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu ở phía Đông Nam của Quy Nhơn. Đảo có diện tích 365 ha, gồm các thôn: thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông. Đảo cách Sông Cầu - Phú Yên 6 km, được sáp nhập về Quy Nhơn sau năm 1975.

    Năm 1890, người Pháp đã xây dựng ở đây một ngọn hải đăng sớm nhất và hiện đại nhất Đông Dương. Hải đăng cao 118 m so với mực nước biển. Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh trông như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận. Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống, còn bãi sau toàn đá. Những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh năm chống chọi với gió hú và sóng gầm.

    Cù lao Xanh ở Bình Định

    Cù lao Xanh ở Bình Định

  24. Hà Giao
    Tên của sông Côn đoạn chảy qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  25. Nguyễn Văn Siêu
    Thường được gọi là Nguyễn Siêu, nhà thơ, nhà văn hóa Việt Nam thế kỉ 19. Ông cùng với người bạn vong niên Cao Bá Quát được coi là hai danh sĩ tiêu biểu thời bấy giờ. Ngoài tài năng văn chương, thơ phú và các đóng góp về nghiên cứu, Nguyễn Siêu cũng là người đã đứng ra tu sửa đền Ngọc Sơn, bắc cầu Thê Húc, xây Tháp BútĐài NghiênHồ Gươm vào năm 1865.
  26. Cao Bá Quát
    Một nhà thơ nổi danh vào thế kỉ 19, đồng thời là quốc sư của cuộc nổi dậy Mỹ Lương (sử cũ gọi là giặc Châu Chấu). Ông sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Nổi tiếng văn hay chữ tốt từ nhỏ, nhưng do tính tình cương trực, thẳng thắn, Cao Bá Quát có hoạn lộ rất lận đận. Năm Giáp Dần (1854), ông cùng một số sĩ phu yêu nước nổi dậy tại Mỹ Lương (Sơn Tây) nhưng mau chóng thất bại và bị giết vào cuối năm 1855. Về tài năng văn chương của ông và người bạn vong niên Nguyễn Siêu, vua Tự Đức có hai câu thơ khen:

    Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
    Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường

    Tạm dịch nghĩa: Văn như Siêu, Quát thì thời nhà Hán (Trung Quốc) cũng không có được. Thơ như Tùng (Tùng Thiện Vương), Tuy (Tuy Lý Vương) thì đời nhà Đường cũng không tới được.