Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Câu đối
    Một thể loại sáng tác văn chương có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm hai vế đối nhau - nếu từ một người sáng tác gọi là vế trênvế dưới, nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra (vế xuất)vế đối. Câu đối thường biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nhân dân ta có phong tục viết hoặc xin câu đối trong các dịp lễ tết để cầu hạnh phúc, may mắn.

    Câu đối

    Câu đối

    Một đôi câu đối chữ Hán:

    Bảo kiếm phong tùng ma lệ xuất
    Mai hoa hương tự khổ hàn lai

    nghĩa là:

    Hương hoa mai đến từ giá lạnh
    Kiếm sắc quý là bởi giũa mài.

  3. Sóc Trăng
    Một tỉnh ven biển nằm ở hạ nguồn sông Hậu, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng với chùa Đất Sét và chùa Dơi. Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ," "cõi," Kh'leang là "kho," "vựa," "chỗ chứa bạc." Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng.

    Chùa Dơi

    Chùa Dơi

  4. Vàm Tấn
    Còn gọi là Vàm Đại Ngãi, tên cũ của thị trấn Đại Ngãi thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Từ trước khoảng năm 1858, đây là nơi triều đình nhà Nguyễn đặt làm trạm quân cảng vừa trấn thủ về mặt quân sự, vừa là nơi thu thuế của các tàu buôn.

    Có ý kiến cho rằng tên gọi Vàm Tấn bắt nguồn từ chữ Khmer là "Peám Senn" (Peám: Vàm, Senn: Tấn). Theo một tư liệu khác, Vàm Tấn có thể bắt nguồn từ chữ Peam Mé Sên, tên một công chúa của vương quốc Lào, cùng chị là Mé Chanh từng sinh sống ở đất này. Người dân địa phương vì tôn kính nên lấy tên Mé Sên đặt cho vùng này. Mé Chanh cũng được Việt hóa thành Mỹ Thanh, tên một cửa sông lớn của con sông Cổ Cò ngày nay.

  5. Bổ
    Ngã (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Hát hố
    Một loại hình sinh hoạt dân gian phổ biến ở vùng đồng bằng Quảng Ngãi. Người hát có thể hát theo bài sẵn có hoặc ứng tác. Hát hố thường gắn liền với việc đồng áng, sinh hoạt ngày mùa như: tát nước, cuốc đất, đập đất, giã gạo, thu hoạch, chế biến bắp, khoai lang, khoai mì... Mở đầu câu hát là “hố khoan lại hò khoan” rồi ngắt nhịp, lúc lấy hơi hay kết thúc câu hát cũng hô lên “hố khoan lại hò khoan”. Không chỉ một mình người hát mà cả người trong nhóm và khác nhóm đều cao giọng “hố, hò” nâng đỡ câu hát, tạo thành giai điệu.
  7. Rầy
    La mắng (phương ngữ).
  8. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  9. Áo địa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Áo địa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  10. Nón dấu
    Cũng gọi là nón sơn hoặc nón dầu sơn, loại nón của lính thời Lê - Nguyễn, gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, thường đan bằng mây, có chóp bằng đồng.

    Nón dấu

    Nón dấu

  11. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  12. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  13. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  14. Đông sàng
    Cái giường ở phía Đông. Thời nhà Tấn ở Trung Quốc, quan thái úy Khích Giám muốn lấy chồng cho con gái mình, liền sai người qua nhà Vương Đạo có nhiều con cháu để kén rể. Các cậu con trai nghe tin, ra sức ganh đua nhau, chỉ có một người cứ bình thản nằm ngửa mà ăn bánh trên chiếc giường ở phía đông. Người ta trở về nói lại, ông khen "Ấy chính là rể tốt" và gả con cho. Người con trai ấy chính là danh nhân Vương Hi Chi, nhà thư pháp nổi danh bậc nhất Trung Quốc, được mệnh danh là Thư thánh. Chữ đông sàng vì vậy chỉ việc kén rể giỏi giang.

    Vương Hi Chi

    Vương Hi Chi

  15. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  16. Sánh bằng.
  17. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  18. Võng đào
    Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
  19. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  20. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  21. Nén
    Đơn vị đo khối lượng trước đây, tương đương 378 gram. Một nén bằng mười lạng, một lạng bằng 10 đồng.
  22. Ba Giai
    Một danh sĩ sống vào cuối thế kỉ 19, được biết đến chủ yếu qua các giai thoại về Ba Giai-Tú Xuất. Hiện không còn nhiều thông tin về ông, tuy nhiên theo một số nhà nghiên cứu thì ông tên thật là Nguyễn Văn Giai, sống ở khoảng triều Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Ông cũng được cho là tác giả của Hà thành chính khí ca, thi phẩm gồm 140 câu thơ lục bát về sự kiện thành Hà Nội bị quân Pháp xâm chiếm ngày 25 tháng 4 năm1882.
  23. Tú Xuất
    Một danh sĩ sống vào khoảng cuối thế kỉ 18. Theo các tài liệu, ông tên thật là Nguyễn Đình Xuất, người gốc làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ. Ông là một người thông minh, tri thức hơn người nhưng hay gặp thất bại trong khoa cử, từ đó sinh ra tính hay bông đùa, trêu cợt, đặc biệt là thích đả kích những thói hư tật xấu của người đời. Cùng với Ba Giai, ông tạo thành cặp Ba Giai-Tú Xuất nổi tiếng trong văn hóa dân gian.
  24. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  25. Người xưa muốn nắm được giờ giấc thì ban đêm phải dựa vào tiếng trống canh, ban ngày dựa vào ánh mặt trời (từ Hán Việt nhật có nghĩa là mặt trời). Câu tục ngữ ý nói: Giờ giấc đã định sẵn cả rồi, không sai lệch được.
  26. Hát chầu văn
    Còn gọi là hát văn hay hát bóng, một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát chầu văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan, và chỉ phát triển trở lại từ những năm 1990. Hiện nay, hát chầu văn được xem như một di sản văn hóa phi vật thể.

    Hát chầu văn

    Hát chầu văn

    Nghe Những bài hát chầu văn hay nhất của nghệ sĩ Xuân Hinh.

  27. Khăn chầu áo ngự
    Cách gọi chung của những trang phục hầu đồng, tế lễ, được các ông đồng bà cốt mặc trong những buổi hát chầu văn, để các chư thánh giá ngự. Những trang phục này có nhiều họa tiết rồng phượng, được chia thành các thứ bậc: màu đỏ cờ là ngôi đệ nhất, màu xanh lá cây tươi là ngôi thứ hai, màu trắng là ngôi thứ ba...

    Khăn chầu áo ngự

    Khăn chầu áo ngự

  28. Cung văn
    Người làm nghề hát chầu văn trong buổi lên đồng.

    Cung văn

    Cung văn

  29. Hòa Làng
    Tên một làng nay thuộc xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Làng là một trong 8 làng cười truyền thống của tỉnh, gồm có: Hòa Làng, Dương Sơn, Tiên Lục, Đông Loan, Nội Hoàng, Phụng Pháp, Cao Lôi, và Khả Lý.
  30. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  31. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng